Dù từng đọc nhiều tác phẩm của Haruki Murakami nhưng mình vẫn không thể (và không hề muốn) kéo bản thân ra khỏi các thế giới kì ảo của ông bác đã ngoài 70 tuổi được. Sau đây là những dòng suy nghĩ vụn vặt và lẫn lộn của mình khi đã kết thúc thêm một tác phẩm của Murakami (Nhảy Nhảy Nhảy), nhưng trước đó có lẽ là nhiều tâm tư về cả những tác phẩm khác. Mời các bạn đón đọc.
“Cuộc săn cừu hoang” có lẽ sẽ luôn là cuốn sách để lại trong mình nhiều xúc động và rối bời tâm tư nhất trong số những tác phẩm của Murakami. Sau đó? Vị trí thứ 2, thứ 3 và thứ n? Mình không biết và cũng không sắp xếp được. Mỗi quyển sách là một thế giới và một hành trình trải nghiệm cảm xúc khác biệt, có chuyến đi dài, sâu thẳm, đen tối, mang lại những suy ngẫm cứu rỗi tâm hồn, cũng có những chuyến đi ngắn, đơn giản, dễ đoán, chẳng mang lại gì sâu sắc. Nhưng tựu chung thì đều hấp dẫn và lôi cuốn cả. Chưa có quyển nào của ông bác khiến mình đọc xong và nghĩ thật vô ích hay tốn thời gian vì nó (dù gần đây mình gặp kha khá quyển sách như vậy, của người khác).
“Cuộc săn cừu hoang” chụp bởi mình.
“Cuộc săn cừu hoang” chụp bởi mình.
Mình cũng từ chối tiếp nhận những quan điểm không tích cực về tác giả hay tác phẩm từ người khác, dù người đó có là một cây review chuyên nghiệp, người đọc lâu năm hay bất cứ ai đó có vẻ sành sỏi, mình không quan tâm, vẫn tôn trọng thôi nhưng thật sự không để tâm. Với mình mọi câu chữ từng đọc của Murakami đều trọn vẹn và đủ đầy, mình không cần ý kiến của người khác để thêm bớt hay mở rộng hay khác đi làm gì cả. Mình hạnh phúc trong hành trình tự trải nghiệm đó.
Những cuốn sách đa dạng của Haruki Murakami (nguồn: bookishbits.tumblr.com)
Những cuốn sách đa dạng của Haruki Murakami (nguồn: bookishbits.tumblr.com)
**
“Nhảy nhảy nhảy” có thể coi như phần tiếp theo của “Cuộc săn cừu hoang”, ở đó nhân vật chính đi tìm lại những gì đã mất kết nối, đã thấy nhưng không dừng lại, đã bỏ lỡ và chưa trọn vẹn. Anh ta đi tìm tất cả những thứ đó.
Vẫn với văn phong quen thuộc, vài tình tiết có thể đoán được với người hâm mộ lâu năm nhưng không hề nhàm chán, tác giả dẫn dắt người đọc đồng hành cùng nhân vật chính đi đúng một vòng trái đất và cuối cùng như mọi motif kinh điển khác, câu trả lời luôn nằm ở nơi mọi chuyện bắt đầu.
Kết thúc cuốn sách, người đọc sẽ không thấy hoang mang và rối bời như khi đọc xong “1Q84” (vì ít nhất mọi liên kết giữa “Nhảy nhảy nhảy” và “CSCH” đã khá đủ để tưởng tượng), dù còn nhiều thứ để phát triển và làm rõ, tác giả vẫn chọn cách kết thúc có phần lửng lơ quen thuộc của mình. Tuy nhiên không thể chối cãi rằng khoảng trống cho suy tư của người đọc là quá lớn, những câu hỏi ai, tại sao, như thế nào có lẽ sẽ chưa làm thỏa mãn tất cả người đọc. Còn với fan của HM thì mình cho là vẫn thấy ổn (tại quen rồi quyển nào ổng cũng đáp đất ngay lập tức chứ có từ từ hạ cánh đâu).
Đọc quyển này xong liệu có xúc động rối bời đến phát khóc như “Cuộc săn cừu hoang” không? Mình cho là không, dù vài chương cuối vẫn khiến mình thấy nhói từ tim đến mắt, thắt lòng nhiều chút về con người, cuộc sống hay mối quan hệ giữa người với người. Nhưng giống như con tàu trên đường ray, khi không có gì cản trở thì nó sẽ luôn thẳng cánh đi trọn vẹn hành trình đã đặt trước, nội dung và các nhân vật trong câu chuyện luôn đi đúng hướng định mệnh của họ. Không phải “định mệnh” mang tính tâm linh, mà định mệnh đi từ quá khứ của nhân vật, kết hợp với tất cả những gì liên quan đến suy nghĩ, hành động, tính cách của họ. Mọi biến cố xảy ra dù như thế nào, đều có thể lí giải được, hoặc ít nhất, đối với người trong cuộc thì nó phải như thế.
Thư viện nhỏ, thế giới to.
Thư viện nhỏ, thế giới to.
Mình nghĩ xây dựng một nhân vật và sự phát triển nhân vật thành công không đơn thuần là dựng lên một con người có vẻ chân thật mà phải là cả quá khứ và tương lai của họ nữa. Những điều họ đã làm, đang làm và sẽ làm như một người bình thường với những tính cách đó. Mà điều này thì mình tin rằng Murakami quá giỏi rồi.
Cuối cùng thì, mình biết rằng không phải ai cũng thích hoặc hợp với các tác phẩm của nhà văn Haruki Murakami, nhưng với riêng mình, mình chưa từng cảm thấy đồng điệu và tìm thấy chính mình bởi bất kì tác phẩm của nhà văn nào khác như khi đọc sách của Murakami. Bạn mình từng nói, con người thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ tưng đấy nhu cầu, tưng đấy vấn đề, ông nhà văn này suy cho cùng cũng chỉ nói mấy cái đấy thì hên xui trúng mình là điều bình thường (đại loại thế). Nhưng mình vẫn kệ, mình yêu thích các tác phẩm của bác già đến vô tận, một cảm giác khó mà nói thành lời rõ ràng, một hai chữ yêu chữ thích chẳng đủ diễn tả được. Thứ cảm xúc ấy đẹp và trong trẻo hơn thế nhiều. Mình hi vọng rằng dù mọi người có thích văn chương của bác hay không thì vẫn có được một thứ cảm hứng cũng đẹp đến lay động như vậy. Để khi rối bời nhất, cô đơn nhất, lạc lối nhất, vẫn có một thứ vô hình để bám vào và trở về với cuộc sống này.
Quỳnh Châm - littlescout