Phần 1: Giới thiệu Sách

Phần 2: Buổi ra mắt Sách
Phần 3: Nội dung

Lời mở đầu
Tôi bắt đầu đam mê toán học và nhất là vật lý hồi từ còn nhỏ. Không  nhớ chính xác là từ lúc nào, chỉ còn nhớ cái động lực đã thúc đẩy tôi để  cố gắng vượt bao khó khăn, để chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác. Động  lực đó đã theo đuổi và giúp tôi từ những giải nhất toàn trường Trung Học  Petrus Trương Vĩnh Ký, đến huy chương vàng toàn đại học và văn bằng  tiến sĩ ở xứ người, và nó vẫn còn thôi thúc tôi mãi đến ngày hôm nay sau  bao năm dài tháng rộng.

Động lực đó không đến từ đâu khác hơn là từ cái mơ ước được đóng góp  cho đất nước qua khả năng, kiến thức khoa học của mình. Ước mơ cho một  Việt Nam bớt nghèo khó có lẽ đã đi vào tiềm thức của tôi từ cuộc sống xa  cha mẹ, rày đây mai đó của một thời thơ ấu. Tôi được sinh ra và lớn lên  ở Sài Gòn, được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ thì ít mà phần lớn là bằng  sữa đặc có đường mà mẹ tôi, một nữ quân nhân, đã mua được từ cửa hàng  quân tiếp vụ. Rồi thằng bé lưu lạc qua nhiều vùng đất nước để phải chứng  kiến tận mắt một quê hương đắm chìm trong khói lửa, vô cùng nghèo khó.
 
Tôi vẫn còn nhớ rõ một giờ vật lý ở trung học đã định  hướng toàn bộ cuộc đời mình. Thầy tôi nói về hiện tượng siêu dẫn  (superconductivity) khi dòng điện được chuyển lưu không bị cản trở gì  cả, và do đó năng lượng không bị thất thoát trên đường tới nơi tiêu  dùng. Vấn đề là hiện tượng siêu dẫn đó chỉ có thể có được ở một nhiệt độ  rất thấp (chỉ cao hơn nhiệt độ zero tuyệt đối, âm 273 độ C, vài độ mà  thôi) nên không thể áp dụng được cho các đường dây dẫn điện ngoài đường.  Vậy nếu nhiệt độ siêu dẫn được nâng lên cao hơn thì ích lợi bao nhiêu!  Chính cái nhận xét và ước muốn ngây thơ, đơn giản này đã chọn cho tôi  con đường khoa học từ ngay lúc ấy.
Vào khoảng mười năm sau đó, vào năm 1986 các nhà khoa học người Đức  đã tìm được các chất siêu dẫn ở nhiệt độ cao (high critical  temperature). Nhưng mãi cho tới nay vẫn chưa có một lý thuyết thỏa đáng  cho hiện tượng ở nhiệt độ cao này. Đây là một cơ hội cho giấc mơ thời  thơ ấu, nhưng nhìn lại mình với tài hèn sức mọn không những chưa thể góp  công gì trong thuyết siêu dẫn mà cũng chưa thể đóng góp được gì trực  tiếp cho quê hương:
Bao nhiêu năm muộn lời thề
Bao nhiêu năm lẻ bên lề quê hương
Thế giới khoa học và toán học còn là một thế giới thanh bình, an toàn  cho thằng bé tôi co mình nương náu. Nó khác hẳn với cái thế giới ngoài  kia thằng bé đã sống với chiến tranh từng ngày, bom đạn từng đêm, tang  thương từng giờ. Nó có ý nghĩa, có trình tự logic của tiền đề, định lý  và hệ quả. Nó không như những gì tôi chứng kiến trong ngày 30/4/1975 với  bao hỗn loạn chia lìa, với bao đòn thù giáng trên đầu những người cùng  huyết thống, với bao lọc lừa và dối trá –những lừa lọc và dối trá vẫn  còn tiếp diễn mãi hơn 40 năm sau.
Từ khoa học, nhất là khoa học vật lý, đi đến triết học cũng rất gần,  nhưng tôi đã không có cơ hội để học hỏi nhiều về các triết học đông  phương khi còn ở Việt Nam. Khi tôi mới lớn thì các môn triết đã bị cấm  tiệt, ngoại trừ bộ môn gọi là triết học Marx-Lenin. Ngay đến cả sách vở  cũng không được phép lưu giữ. Nhiều sách đã bị đốt cũng chỉ vì chúng  được in trong chế độ cũ, chỉ vì chúng chứa đựng những tư tưởng bị coi là  nguy hiểm, là kẻ thù của giai cấp, chỉ vì chúng không tuân theo giáo  điều cộng sản.
Đốt sách để tiêu diệt văn hóa là việc làm của kẻ xâm lăng, vào năm  1414 nhà Minh đã tiêu hủy bao ấn phẩm của nước Nam hòng triệt tiêu văn  hóa ta. Thì chính người cộng sản Việt Nam cũng đã đốt bao tập sách vào  những năm 1954 và 1975, nguyên nhân cũng chẳng ngoài sự lo sợ những tư  tưởng nhân bản. Họ đốt sách cũng chẳng ngoài mục đích ngu dân, viết lại  lịch sử, và tìm cách tuyên truyền lấp liếm sự thật những gì nhà cầm  quyền đương thời đã và đang làm.
Nhưng họ đã sai lầm, như Tần Thủy Hoàng đã từng sai lầm. Sách dễ đốt,  người có thể nhốt, nhưng tư tưởng và nhất là tinh thần và ý chí con  người thì không.
*
Qua tới xứ người tôi mới có thể tìm đọc về triết lý đông phương, phần  lớn qua các sách ngoại ngữ, và đã phải ngạc nhiên và vô cùng thích thú  với những tương đồng với khoa học tây phương, giữa hai hệ thống cách  biệt nhau rất xa về thời gian lẫn không gian này.
Dĩ nhiên chúng vẫn có những dị biệt, nhất là từ điểm khởi đầu, từ  trong phương pháp lý luận, từ cách phân tích toán học và tổng hợp suy  luận. Nhưng chúng lại có không ít những tương đồng; nhất là những tương  đồng ở ngay trong căn bản, cốt lõi và nền tảng.
Kinh Dịch, Lão Học và Phật Học của triết học đông phương đã có một  lịch sử lâu dài hàng mấy nghìn năm nay. Trong khi đó cái ta gọi là khoa  học phương tây hiện đại chỉ mới được bắt đầu khoảng 500 năm trước đây.  Tuy có khởi đầu khác biệt; nhưng cả hai đều cùng song song trên con  đường đi tìm sự thật. Nếu có một, và chỉ một, sự thật sau cùng thì chúng  trước sau gì cũng phải có những điểm hội tụ và phải được phản ánh qua  các điểm tương đồng.
Họa sĩ Vũ Khải Cơ đã giúp tôi trình bày ý tưởng liên kết Đông Tây này  ở bìa cuốn sách với hình ảnh một cây cầu nối liền hai kiến trúc Đông và  Tây. Cây cầu lại cùng kết hợp với chính hình bóng phản chiếu của mình  trên dòng sông, một thực một hư, để vẽ nên con số tám nằm ngang; và đây  cũng chính là biểu tượng vô tận của toán học để nói lên cái vô cùng của  sự học và cái bao quát của một chân lý sau cùng.
Những bài viết trong tập sách này là nhằm để trình bày và chia sẻ  những nhận xét cá nhân, cùng với ước muốn được trao đổi và học hỏi thêm  từ người đọc. Phần chính là 14 bài viết về những tương đồng của hai hệ  thống Đông và Tây ở nhiều khía cạnh khác nhau. Phần lớn các bài đã được  phát thanh trên làn sóng Hồn Việt Radio tại Úc Châu vào năm 2013. Tôi  cũng muốn nhân đây chuyển đạt lời chân thành cám ơn anh Quốc Việt Trần  Như Hùng đã góp ý và động viên rất nhiều. Phần phụ lục của tập sách bao  gồm một số bài viết có các chủ để khác nhau, nhưng cũng được gom lại nơi  đây để phản ảnh một số ý kiến riêng tư của tác giả.
Nếu không có sự sự hổ trợ và khuyến khích của rất nhiều bạn hữu và  gia đình về mọi mặt thì chắc chắn đã không có tập sách này. Tôi chân  thành tri ân tất cả. Nhưng dĩ nhiên mọi khiếm khuyết và sai sót không  tránh được ở đây là của riêng cá nhân tôi mà thôi.
Tuy biết sức mình nhỏ bé nhưng tôi vẫn mong góp nhặt nơi đây những  suy nghĩ thiển cận như những viên gạch lót một con đường vô tận, như một  nhịp trên cây cầu nối liền Đông và Tây. Với đề tài rộng lớn của hai  lãnh vực khoa học phương tây và triết lý phương đông mênh mông, chắc  chắn tôi còn vướng mắc nhiều sai sót. Nhưng đây là điều không tránh khỏi  trong quá trình nghiên cứu học hỏi; và chính đó lại cần thiết cho ta có  thể nhích gần hơn nữa tới chân, thiện, mỹ. Xin được đón nhận mọi góp ý  để sửa sai và cùng học hỏi.
Kiều Tiến Dũng
Mùa Đông 2016
Melbourne, Úc Châu
  • Tác Giả: Kiều Tiến Dũng
  • Bìa Mềm
  • Số Trang: 340
  • Kích Thước: Cao 8.5″ x Rộng 5.5″ x Dầy 0.8″
  • Trọng Lượng: 1.1 lbs
Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Phần 2: Buổi ra mắt Sách

Bài BĂNG HUYỀN
Vào lúc 1 giờ trưa thứ Bảy, ngày 28 tháng Mười sắp tới, tại hội  trường Việt Báo sẽ diễn ra buổi ra mắt sách “Khoa Học Phương Tây và  Triết Lý Phương Đông” của Giáo sư Kiều Tiến Dũng. Ông là Tiến Sĩ chuyên  ngành Vật Lý Lý Thuyết sống tại Melbourne, Úc châu.

Buổi ra mắt  sách do ký giả Phiến Đan là trưởng ban tổ chức, sẽ có phần nói chuyện  của hai diễn giả là Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và Tiến Sĩ  Orchid Lâm Quỳnh, cùng sự có mặt của tác giả quyển sách để trình bày một  số vấn đề trong sách, trả lời một số câu hỏi của người tham dự và ký  tặng sách.
Chương trình cũng sẽ có vài bản nhạc để chuyển đổi các mục  trong buổi giới thiệu sách do những ca sĩ thân hữu của ban tổ chức đến  giúp vui.


Thư mời dự buổi ra mắt sách của tiến sĩ Kiều Tiến Dũng (hình cung cấp)

Vài nét về tác giả
Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng là một thuyền nhân tị nạn đến Úc năm 1980, khi  mới 20 tuổi. Chỉ trong vòng ba năm ông hoàn tất học trình Cử Nhân Vật  Lý với hạng tối ưu rồi làm luận án Tiến Sĩ Vật Lý tại Đại Học Edinburgh ở  Anh. Ông đã có dịp làm việc trong lãnh vực này ở nhiều đại học trên thế  giới như Oxford (Anh), MIT, Columbia, Princeton Institute of Advanced  Study (Hoa Kỳ), Melbourne và hiện tại ở Đại học Swinburne (Úc). Ngoài bộ  môn vật lý, nhất là cơ lượng tử (quantum mechanics) và thuyết trường  lượng tử (quantum field theory), ông cũng đã có những nghiên cứu trong  một số ngành liên quan như toán học, lý thuyết về điện toán (theoretical  computer science), ngay đến cả chuyên ngành kinh tế đặc biệt  (econophysics) và tài chính định lượng (quantitative finance) được áp  dụng trong thị trường chứng khoán.
Lý do thực hiện quyển sách
Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết, “Tôi là người nghiên cứu về toán và  vật lý, rất thích tìm hiểu về khoa học, nhưng là người Việt nên cũng  chịu ảnh hưởng về văn hóa và triết lý Phương Đông. Từ lâu rồi thì tôi  rất thích về sự tương đồng giữa khoa học phương Tây và triết lý phương  Đông. Nhưng không có cơ hội nào ngồi xuống viết. Cơ hội đến với tôi  khoảng ba, bốn năm trước, khi tôi cùng một số anh chị em làm chương  trình radio Hồn Việt (HVR) [do ông Quốc Việt, cựu Trưởng ban Việt ngữ  SBS Radio, lập nên Hồn Việt Radio để phát thanh 7 ngày mỗi tuần trên  khắp lục địa Úc châu qua một hệ thống phát thanh tư nhân của người Úc],  tôi có nhận viết một loạt bài về đề tài Đông và Tây. Đầu tiên tôi chỉ  định viết bốn bài thôi, nhưng càng đào sâu vào thì thấy càng nhiều vấn  đề để nói thành ra 14 bài, và trong thời gian phát thanh trên HVR đã  được sự đón nhận đông đảo của anh em bạn bè nên tôi gom lại thành tập  sách.”


Bìa quyển sách Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông (hình cung cấp)

Tiến  sĩ Kiều Tiến Dũng nói thời gian ông đặt bút viết loạt bài để phát thanh  trên HVR khoảng bốn, năm tháng liên tục. Do sự bắt buộc thời gian, mỗi  bài viết xong thì được phát thanh liền, thành ra không có ai hiệu đính,  xem lại. Nhưng sau khi phát thanh xong, có nhiều người góp ý, vì vậy khi  gom lại thành cuốn sách “Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông”  thì ông có thay đổi một số thứ tự của đề tài, thay đổi vài đoạn, và cũng  hơi gấp rút để in thành sách, nên ông có nhờ người khác xem lại về lỗi  chính tả thôi, còn thì không có ai góp ý về cuốn sách.


Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng (hình cung cấp)

“Vì  đề tài tôi chọn quá rộng lớn, thành ra nội dung vẫn do chính tôi quyết  định. Nhưng hình bìa thì có nhờ người thực hiện. Phía xa xa có một cấu  trúc phương Đông nhỏ, như xa xăm trong quá khứ, vì triết học phương Đông  có cả ngàn năm rồi, gần với phía ngoài tấm hình bìa là những kiến trúc  Tây phương, muốn nói về khoa học phương Tây. Nối liền Đông và Tây là  chiếc cầu, mà đặc biệt chiếc cầu có hai vòng cung, cả hai vòng cung đó  phản ánh xuống mặt nước thành con số 8 nằm ngang, đây là một ký hiệu  trong toán học, nói về vô cực. Cái cầu này ý nói về kiến thức, sự thật  thì vô cực và bao gồm cả Đông và Tây. Ý nghĩa đó tôi không tự vẽ được  nên phải nhờ anh bạn họa sĩ trình bày suy nghĩ của mình ra hình bìa.”

Tiến  sĩ Kiều Tiến Dũng bùi ngùi cho biết khi ông viết các bài viết để phát  thanh trước khi in thành sách, mẹ ông có nghe và rất thích thú, nhưng  khi cuốn sách ra đời thì mẹ ông không còn nữa. Nên khi in sách, trang  đầu ông có ghi Kính Dâng Mẹ.

Ông tâm sự, “Tôi bị ảnh hưởng từ mẹ  rất nhiều, vì thời thơ ấu của mình tôi đã đi nhiều nơi theo mẹ trong  quân ngũ VNCH và có nhiều kỷ niệm với bà rất nhiều. Bà là một nữ quân  nhân QLVNCH thuộc binh chủng Nhảy Dù, đã gặp và kết hôn với ba của tôi  cũng là một quân nhân cùng binh chủng Dù. Tôi là con đầu của ông bà.”

Tập  sách này gồm hai phần, phần chính là về khoa học phương Tây và triết lý  phương Đông gồm 14 chương, mỗi chương là một đề tài khác nhau, khoảng  200 trang, và hơn 100 trang cuối trong phần 2 là một số bài viết riêng  lẻ không nằm trong đề tài chính nhưng được gom vào sách để nói lên những  suy nghĩ riêng tư của tác giả.


Thông điệp quyển sách
Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng cho biết, “Có những sự việc có vẻ đối nghịch,  nhưng thật sự chúng có những liên hệ với nhau, hữu ích cho nhau, giữa  Đông và Tây, giữa có và không có… Tôi cũng muốn nói lên cái tư tưởng,  cái quyền được tìm tòi, được đặt câu hỏi là quyền rất cần thiết, nếu có  những tư tưởng táo bạo, đi ngược lại với thể chế chính trị của đất nước  đó hoặc sự nhốt tù, nhưng tư tưởng, tinh thần, ý chí, sự thật thì không  thể nào dễ hủy diệt được.

“Tư tưởng là rất quan trọng, vì tư  tưởng đưa đến suy nghĩ và hành động, hành động dẫn tới thói quen, thói  quen làm nên giá trị và nhân cách con người. Đó là câu nói của Đức Đạt  La Lạt Ma. Đối với nhiều thể chế chính trị họ rất sợ tư tưởng. Sách có  thể bị họ đem đốt, người bị đem nhốt, quyền có tư tưởng và nghiên cứu  đặt câu hỏi là rất quan trọng của con người. Vì vậy ngoài vấn đề khoa  học và triết lý, tôi còn liên hệ vấn đề người Việt Nam trong đời sống  hằng ngày, cũng vì lý do đó, nên dù chưa thử nhưng tôi nghĩ cuốn sách sẽ  không được phát hành tại Việt Nam. Mong rằng trong tương lai nó sẽ được  đón nhận tại Việt Nam, nhất là các bạn trẻ ở Việt Nam có cơ hội đọc và  đóng góp thêm hoặc phát triển ra thêm.”

Theo tiến sĩ Kiều Tiến  Dũng, “Đây không phải là một tập sách nghiên cứu, chỉ là một tập sách  gợi ý, giới thiệu. Vì thường thường khi mình nói Đông và Tây thì khác  biệt nhiều hơn là sự tương đồng. Tôi là người làm về khoa học, nhất là  khoa học của thế kỷ 20 trở về sau này, có hai khoa học mới là điện tử và  thuyết tương đối, rất tương đồng với triết lý của Phương Đông cả ngàn  năm trước. Vì vậy tôi muốn giới thiệu đến người đọc sự tương đồng này để  mong qua đó học hỏi thêm được điều gì đó từ người đọc phản hồi lại. Khi  tôi viết phần nói về khoa học thì cái khó là làm sao nói đến vấn đề đó  thật đơn giản bằng tiếng Việt, nó vốn là đề tài mà tôi đã nghiên cứu bấy  lâu nay. Còn nói về triết học, triết lý Đông Phương, tôi phải đi tìm  tài liệu để đưa ra những dẫn chứng mà vốn từ Hán Việt của tôi thì hơi  khiêm tốn.”

Ông giải thích, “Tôi có nêu lên một số điểm tương  đồng giữa khoa học hiện đại phương Tây và một vài hệ thống triết học  phương Đông cổ xưa chứa đựng trong Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh và Phật Giáo  (tôi đưa vào sách và xem nó là một hệ thống triết học hơn là một tôn  giáo). Nếu khoa học phương Tây có khoảng 400, 500 năm nay, là phương  tiện, một cách thức để đi tìm sự thật về hiện tượng thiên nhiên ngoài  kia, hay vũ trụ xung quanh mình, thì triết học phương Đông cổ xưa cũng  là cách của mấy ngàn năm trước giúp người ta đi tìm và khám phá sự thật.  

“Bản chất của khoa học là lập lại được, có thể chứng minh sai  và đi từ chi tiết đến tổng quát. Triết học, nhất là triết Đông Phương  thì lại từ tổng quát, không cho mình cách suy luận, dẫn chứng, nhưng qua  cuộc sống của mình, trải nghiệm qua thì mới hiểu được điều đó, có sự  thật trong đó, thành ra cách trình bày của triết lý Đông phương từ cái  đơn giản tối đa, chúng ta phải chứng nghiệm sự thật bằng kinh nghiệm đời  người. Hai điều đó có vẻ trái ngược nhau, nhưng lại có nhiều điểm tương  đồng.”

Nói thêm đôi nét về nội dung quyển sách, tiến sĩ Kiều  Tiến Dũng cho biết 14 đề tài chính của quyển sách gồm có, “Giới hạn của  ngôn từ và văn tự. Bất biến và Tuyệt đối. Hư không, hữu hạn và vô hạn.  Hiện tượng và Bản chất. Chủ quan và khách quan. Giới hạn và tự do. Quấn  quít bât khả phân, vân vân.

“Những đề tài trên là những cặp phạm  trù triết học đối đãi rất dễ nhận biết trong đối chiếu giữa khoa học  phương Tây và triết lý phương Đông, tôi cố gắng dùng những cách giải  thích đơn giản nhất, đây không phải cuốn sách nghiên cứu, bác học, nên  không nói những lý luận dài dòng, quá cao siêu.

“Ví dụ như đề tài  về thời gian vốn là một bí ẩn trong khoa học hiện đại, tôi gắng giải  thích một cách thỏa đáng thời gian là gì, có những tương đồng với cái  nhìn của triết học Đông Phương về thời gian qua cái vòng tròn từ sinh  trụ hoại diệt… mà khoa học bây giờ cũng có cái nhìn như vậy. Về đề tài  thời gian có hai vấn đề, thứ nhất là câu hỏi là ta có đi ngược lại với  thời gian hay không. Câu hỏi đặt ra và có những lý luận gọi là mâu  thuẫn, ví dụ A đi ngược lại với quá khứ của chính mình, A gặp ông nội,  trong lúc nào đó lỡ tay giết ông nội khi ông chưa có gia đình, thì làm  sao ông sinh ra bố và sinh ra A.

“Có hai cách giải quyết vấn đề.  Đầu tiên là đi về quá khứ mà không làm thay đổi quá khứ. Cách đó đã có  hằng ngày, khi ta nhìn lại cuốn phim thu 10 năm về trước, là cách nhìn  về quá khứ, mà không thay đổi nội dung cuốn phim đó.

“Trong khoa  học phương Tây, Cơ Học Điện Tử thì mình có thể đi ngược về quá khứ, mà  quá khứ đó thuộc một nhánh khác, thành ra dù mình có làm gì quá khứ đó  đi nữa thì nó không ảnh hưởng đến hiện tại của mình mà chỉ ảnh hưởng đến  hiện tại của một nhánh vũ trụ khác. Trong khoa học Cơ Học Điện Tử nói  đến cái đa vũ trụ thay vì là vũ trụ duy nhất.”

Tiến sĩ Kiều Tiến  Dũng nói sở trường chính của ông là khoa học phương Tây, nhưng ông lại  rất thích tìm hiểu về triết phương Đông. Kinh nghiệm của bản thân ông  thấy rằng muốn nắm một vấn đề, mình phải ngồi xuống viết hay giảng cho  người khác thì từ đó mình hiểu rõ vấn đề hơn. Chứ nhiều khi mình nghĩ  mình hiểu nhưng khi đặt bút viết thì phải giải thích làm sao cho đúng và  người khác dễ hiểu, thì chính mình học hỏi được rất nhiều điều. Ông  cũng hy vọng trong tương lai có nhiều thời giờ, ông sẽ ngồi viết lại  quyển sách này bằng tiếng Anh để phổ biến đến các độc giả người Việt  sống khắp nơi trên thế giới cũng như những người đọc sắc dân khác.

Tiến  sĩ Kiều Tiến Dũng nhờ nhật báo Viễn Đông gửi lời mời, “Tôi rất mong  cuốn sách được phổ biến rộng rãi, đề tài sách tôi viết là đề tài rất khó  nhưng cũng rất lý thú, mong muốn có sự ủng hộ và mong nhận được phản  hồi của người đọc, góp ý cho tôi. Rất mong gặp được quý vị đến với buổi  ra mắt sách để gặp gỡ và đặt câu hỏi.”

Buổi ra mắt sách vào 1 giờ chiều thứ Bảy, ngày 28 tháng Mười, tại hội trường Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.

Sách  “Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông,” dày 340 trang, bìa  mềm,giá $18 Mỹ kim, được bán tại tòa soạn Người Việt, trên trang web  www.NguoiVietShop.com. Và www.Amazon.com.

Phần 3: Nội dung