Mình biết đến khái niệm quản lý tài chính cá nhân (nói một cách gần gũi là quản lý tiền bạc) được hơn một năm trở lại đây. May mắn là mình được chị Vi Trần (giáo viên khóa học Viết phát triển của mình) chia sẻ về cách quản lý dòng tiền, trong đó có tư duy " tự thưởng cho chính mình" mỗi khi có bất kỳ nguồn thu nào. Cụ thể là mỗi tháng sẽ trích khoảng một số phần trăm tổng nguồn thu rồi cất đi trước tiêu xài bất kì cái gì.
Ngày trước thì mình không có mục đích gì cả, mỗi tháng cứ trích khoảng 10-30% nguồn thu, rồi chuyển hẳn sang một tài khoản ngân hàng khác thôi. Cái quỹ cất đi này phát huy tác dụng trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 8 - tháng 9 năm 2021 vừa rồi, đợt đó mình không đi làm ở đâu cả và thật may vì vẫn có một khoản cất đi đó để xoay sở đủ cho những nhu cầu tối thiểu nhất.
Giờ mình tiết kiệm có mục đích hơn, tức là đặt mục tiêu cụ thể và tích dần theo tháng. Rất hay là Timo (ngân hàng số mà mình đang dùng) có tính năng Goal Save, cứ định kỳ theo tháng thì sẽ chuyển một phần tiền từ tài khoản tổng vào quỹ cho mục tiêu mà mình đã thiết lập. Thế là những khoản mình phí sau đó mình xài sẽ không ảnh hưởng gì tới mục tiêu kia.
Mình thấy có ý kiến cho rằng đồng tiền có sức mạnh tha hóa con người, nhưng mình thì nghĩ không phải. Tiền, bản chất là một tờ được làm từ giấy hay polime, vô tri vô giác, thì làm sao điều khiển con người được. Cái chính ở đây, là nhu cầu/ham muốn cần đến tiền của con người.
Ví dụ như khi ta đang rất đói nhưng không có tiền, ta thấy một túi tiền trước mắt và có thể lấy được, vậy thì rất có khả năng sẽ dẫn đến hành vi trộm cắp nếu ta không kìm được lòng tham của mình. Vậy thì việc trộm cắp ở đây vốn dĩ là để giải quyết nhu cầu cơ bản - là ăn, chứ bản thân túi tiền không có lỗi gì cả.
Cho nên mình thấy "biết điều mình cần” và “biết mức tối thiểu” là rất quan trọng. Đó là những điều nếu như mình không có, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sống còn là ăn - ở - đi lại - học tập của cá nhân. Mình nghĩ chúng ta, nếu có khả năng và mong muốn, đều hướng tới cuộc sống tiện nghi hơn, ví dụ như nâng cấp cái ghế gỗ thành cái ghế chống gù lưng, từ cái chiếu lên một bộ chăn - ga giường...
Nhưng nếu năng lực tài chính hiện tại chưa đáp ứng được những thứ đó, vậy thì nếu cái ghế gỗ vẫn còn ngồi được, vẫn có chỗ nằm với một cái chăn ấm, vậy thì ta hãy cứ bình tâm, vì đã đạt được mức tối thiểu rồi.
Để rõ ràng hơn thì mình có lập một list danh sách đồ muốn mua, xếp theo thứ tự ưu tiên từ những cái mình cần có (ăn - ở - đi lại - chăm sóc cơ thể) đến những cái mình thích/muốn nâng cấp.Mình tự hỏi bản thân là mình đã thực sự cần nó chưa, nếu cần thì dựa vào tình hình tài chính để xem có mua được ngay không. Nếu chưa mua được ngay, thì sẽ đặt mục tiêu tiết kiệm theo tháng để đạt được.
Hi vọng chia sẻ của mình sẽ giúp cho những bạn nào cần thấy bình an hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân, nhé.