Hãy tạm mường tượng rằng những gì chấp nhận được sẽ nắm trong khoảng từ 0 đến dương vô cực. Photo: SlidePlayer
Thầy mình bỗng nói với mình: “Hãy suy nghĩ thoáng lên.” Ngay sau khi mình từ chối ăn bát bún có hành mà nhân viên quán ăn đưa cho mình.
Lúc ấy, mình cứ tưởng chữ thoáng có ý là thoáng qua, dễ dãi nên mình mới nhanh nhảu cãi lại: “Em nghĩ mình cần phải suy nghĩ kĩ thì mới đưa ra quyết định đúng được chứ ạ.”
Thầy mình mới đáp lại: “Không. Người suy nghĩ thoáng là người đã suy nghĩ hết mức có thể rồi.”
Cuộc thảo luận này diễn ra khi mình đi Phan Thiết, chuyến đi do trường mình tổ chức. Lúc ấy đoàn xe dừng lại ở mấy quán ăn để mọi người cùng xuống ăn sáng với những vị trí đã được đặt trước. Vì số lượng người cần phục vụ rất đông nên ai cũng được phục vụ một bát đồ ăn tiêu chuẩn (tuy nhiên các món có thể khác nhau) tức là ai cũng được bỏ hành vào tô, và hành là thứ mình không hề thích ăn chút nào. Lúc ấy mình cứ ngồi lì ở đó sau khi đã dặn một người phục vụ mang ra cho mình một bát không hành, đợi mãi mà không thấy đâu (do mọi người bận quá). Cuối cùng, mình không nhớ rõ là thầy đã đưa cho mình một bát ít hành hay là mình đã ngậm nguồi nhận một bát rồi lặng lẽ vớt hết hành ra.
Nhưng mình nhớ rằng mình đã luôn là một người như thế, luôn là một đứa trẻ khó chịu, luôn thích một thứ phải diễn ra đúng cách mình mong muốn. Mình nhớ từ ngày còn bé là mình đã luôn thích mặc những chiếc áo thun trơn (thường là màu trắng hoặc màu xám), điều này luôn khiến mẹ mình phải khó khăn lắm mới tìm được cho mình những chiếc áo như thế. Mình làm như thế không phải vì mình đua đòi (mình nghĩ đó là lí do tầm thường), mà là do mình nghĩ rằng điều đó là đúng đắn ( và mình thật cao ngạo và ngu ngốc). Mình nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp nếu mình hành động đúng như mình nghĩ. Nhưng thực tế nào có như vậy. Việc đòi hỏi như vậy không những ảnh hưởng đến những người khác mà quan trọng hơn là khiến bản thân khó chịu nếu kết quả không đúng như mình nghĩ.
Tới tận hôm nay, mình nghĩ là mình đã hiểu được lời thầy mình nói theo cách riêng của mình. Người có thể suy nghĩ thoáng là người sẽ biết cân nhắc khả năng cũng như nguồn lực của bản thân. Từ đó người ấy có thể hiểu được như thế nào là chấp nhận được và như thế nào là không chấp nhận được. Và quan trọng hơn hết là người ấy có kỉ luật để chấp nhận thứ có thể chấp nhận được chứ không phải khăng khăng bám vào viễn cảnh tốt nhất mà người ấy có thể mộng ra.
Mình không biết là thầy mình có suy nghĩ như thế không khi nghĩ về suy nghĩ thoáng.
Nhưng mình biết rằng khi mình hiểu được điều này, thì bản thân mình được sống tự do hơn một chút, khôn ngoan hơn một chút và quan trọng hơn hết, là hạnh phúc hơn một chút.