Chúng ta chắc hẳn đã từng phải tham gia một lần trả lời các câu hỏi bằng phiếu khảo sát hoặc chính chúng ta cũng đã từng là người thực hiện làm những phiếu khảo sát nhằm thu được những kết quả định lượng. Những câu hỏi trong phiếu có thể là câu hỏi đóng hoặc mở, nói chung để có thể thu thập nhiều nhất thông tin của người điền. Một thực tế ở Việt Nam hiện nay, các thành phố lớn thực hiện giãn cách và những người được ra ngoài phải khai báo y tế qua ứng dụng Bluezone ở các điểm chốt.
Tuy nhiên, không phải những thông tin trên ứng dụng này luôn cho ra những kết quả đáng mong được về chất lượng thông tin của người khảo sát. Bởi, sự điền vào bảng thông tin phụ thuộc vào động cơ của người thực hiện hoạt động đó. Tại sao mình dám khẳng định như vậy, sau đây mình xin phân tích và làm rõ vai trò của sự tự biên, tự diễn của con người thông qua giác độ của tâm lý học. Theo ngôn ngữ chuyên ngành tâm lý học, hoạt động điền vào phiếu khảo sát đồng nghĩa với vai trò của lời nói độc thoại đối với nhân cách con người. Vì vậy, mình sẽ quy chụp việc khảo sát tương ứng với phạm trù lời nói độc thoại của cá nhân. Thêm nữa, bài viết được dựa phần lớn vào quan điểm và sự nhìn nhận từ phía cá nhân nên ít nhiều sẽ không tránh khỏi những sai sót, mong quý độc giả lượng thứ và đón nhận. :D
nguồn ảnh: pixabay.com
nguồn ảnh: pixabay.com
Lời nói độc thoại là gì
 “Lời nói độc thoại là lời nói của một người, còn những người khác là người đọc hay người nghe, là lời nói liên tục, một chiều, ít có sự phụ thuộc vào người khác và vào nội dung tình huống, hoàn cảnh trực tiếp”.(1) Theo đó, một chủ thể thực hiện quá trình hoạt động lời nói độc thoại của mình với đối tượng nhất định nhưng theo cách “một chiều”. Sở dĩ, nếu thực hiện trên phương diện hai người giao tiếp với nhau thì đó là lời nói đối thoại. Rõ ràng, lời nói độc thoại là lời tự nói một chiều của chủ thể với đối tượng xác định. Ở đây, phạm trù hoạt động điền vào đối tượng xác định là phiếu khảo sát thuộc vào lời nói độc thoại chủ thể với quan hệ truyền tải thông tin một chiều.
nguồn ảnh: pixabay.com
nguồn ảnh: pixabay.com
 Nhân cách là gì
Trong thế giới sinh vật đa dạng, mỗi con người sở hữu mỗi tư cách, tố chất khác nhau theo từng phạm vi biểu hiện. Tư cách, tố chất riêng biệt đó cấu thành một nhân cách đặc trưng của từng cá thể người mà không bao giờ giống nhau, phân biệt cá thể người này với người khác. Nhân cách con người được biểu hiện ra thế giới bằng cái tôi cá nhân bên trong bản thân con người bao gồm các yếu tố về mặt tự nhiên và xã hội. Những yếu tố tự nhiên sinh học, di truyền, tâm lý, ý thức và đồng thời các yếu tố xã hội như hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động đã cấu tạo nên sự khác nhau về nhân cách của mỗi người. Tóm lại, khi con người được coi là có nhân cách khi họ chính là chủ thể của hoạt động có ý thức và giao lưu với các cá nhân khác trong xã hội. Từ đó, ta có hiểu hiểu sơ lược về nhân cách “là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người”.(2)
bộ phim split, nguồn ảnh: zingnews.vn
bộ phim split, nguồn ảnh: zingnews.vn
Vai trò lời nói độc thoại đối với nhân cách
Con người không chỉ thực hiện tác động đối với thế giới khách quan xung quanh mà còn tác động đối các mối quan hệ xã hội, tức là giữa người với người, nhóm, xã hội. Trong phương cách giao tiếp, con người sáng tạo ra ngôn ngữ và sử dụng nó làm công cụ hữu hiệu để trao đổi hoặc biểu đạt thông tin, ý tưởng, tâm lý, nhân cách, thái độ. Nhìn sâu hơn, ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là phương tiện biểu đạt, thể hiện ý mà thực chất đó chính là biểu đạt thay cho hoạt động lời nói của người.
            Hoạt động lời nói phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hoạt động cụ thể khác của con người về động cơ và mục đích. Lời nói không có mục đích tự thân mà bao giờ cũng bị chi phối bởi động cơ và mục đích của hoạt động chung. Ví dụ, con người thực hiện hoạt động lời nói nhằm hiểu ý của đối phương hợp tác cùng nhau lao động trong công việc tốt hơn. Dĩ nhiên, trong hoạt động lời nói vẫn mang đậm màu sắc tâm lý của chủ thể thực hiện lời nói và chúng ta có thể phán đoán tâm lý của họ thông qua lời nói. Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động lời nói đều thể hiện tâm lý nhân cách của chủ thể. Bởi vì, hoạt động lời nói có nhiều dạng khác nhau và để phù hợp với chủ đề và phạm vi chủ đề thì phải tìm hiểu kĩ lời “tự nói” qua các bảng khảo sát hay còn gọi là lời nói độc thoại.
nguồn ảnh: wikihow.com
nguồn ảnh: wikihow.com
Lời tự biện là lời nói một chiều được chủ thể thực hiện với đối tượng xác định. Vậy, tại sao việc nhìn nhận lời nói độc thoại của chủ thể lại không thể xét đoán được tâm lý nhân cách của người nói. Để có thể trả lời câu hỏi này chúng ta phải phân tích được những đặc điểm của lời nói độc thoại, đó là:
            Một là, lời nói độc thoại có tính triển khai mạnh.
Khi chủ thể thực hiện việc nói độc thoại thì các phương tiện dùng ngoài ngôn ngữ như các hình ảnh minh họa không được sử dụng. Do đó, chủ thể thực hiện phải hoàn toàn sử dụng ý tưởng, kiến thức chủ quan để vận dụng nhằm miêu tả chính xác đối tượng mình nói. Theo đó, đối tượng nghe chủ thể nói độc thoại thường sẽ khó có thể đoán định ý muốn thực sự của chủ thể bởi họ đang dấn thân quá sâu vào góc nhìn được chủ thể sắp đặt. Từ đó, họ không thể đoán định được tâm lý nhân cách của chủ thể qua lời nói độc thoại. Ví dụ, trong văn học một dạng lời nói độc thoại bằng văn viết, các tác giả thường xây dựng tuyến nhân vật với tâm lý nhân cách cực kỳ công phu. Họ đặt điểm nhìn vào một nhân vật cố định để miêu tả tâm lý nhân cách nhằm tạo sự đồng cảm của độc giả đối với nhân vật đó. Mặt khác, những nhân vật được đặt ít điểm nhìn bằng lời nói độc thoại sẽ ít được sự cảm thông hơn. Từ đó, tác giả dễ dàng xoay chuyển bằng cú ngoặt tạo ra một tâm lý nhân cách khác cho nhân vật đó để đánh lừa sự cảm thông của độc giả.
            Hai là, lời nói độc thoại có tính chủ ý và tính chủ động rõ ràng.
Trong nội dung của lời nói độc thoại phải xác định rõ ràng, giãi bày đầy đủ chủ ý của chủ thể và phát triển theo một hệ thống lô – gích tạo sự chủ động khi nói. Lợi dụng đặc điểm này, những chính khách phải bảo vệ một mục đích chính trị nào đó, những nhà công nghiệp quảng bá sản phẩm của mình bằng quảng cáo, đều biết giá trị của sự khẳng định.(3) Nhìn chung, lời nói độc thoại là lời tự biện của chủ thể bằng những lời lẽ chủ động muốn bày tỏ cho đối tượng. Chính vì vậy, chúng ta không thể biết được ẩn sau lời lẽ khẳng định mang tính chủ ý của họ với động cơ và mục đích nào. Họ có thể đánh lạc hướng, tung hỏa mù đánh lừa chúng ta qua lời nói độc thoại mang tính chủ động của họ còn chúng ta như những con cừu lắng nghe thuyết giảng về những điều hoa mỹ.
            Ba là, lời nói độc thoại có tính tổ chức cao.
Chủ thể thực hiện lời nói đối thoại phải thiết lập chương trình, kế hoạch cho toàn bộ văn bản lời nói cả bên trong não hoặc soạn thảo trên giấy. Ví dụ, khởi đầu chiến tranh Áo – Phổ, Bismarck đã nói trong phát biểu của mình: “những vấn đề thời sự sẽ được quyết định, không phải bằng diễn văn và nghị quyết, mà bằng súng và máu”. Tuy nhiên, vào thời đỉnh cao của cuộc chiến, Bismarck lại tuyên bố: “…liệu các vị đủ can đảm quay nhìn người nông dân đang thẫn thờ trước đống tro tàn của trang trại, người đang bị què quặt, người cha mất những đứa con mình”.(4) Rõ ràng, ta có thể thấy những lời nói phát biểu mang tính tổ chức, sắp xếp cao của Bismarck với toan tính chính trị thay đổi theo từng hoàn cảnh. Ông ta phát đi tín hiệu lời tự nói trong bài phát biểu trái ngược hoàn toàn với hoạt động cụ thể đang làm. Vì vậy, chúng ta chắc chắn không thể nhìn nhận qua những lời tự nói của chủ thể bởi tính tổ chức cao trong lời nói độc thoại.
                Tóm lại, chúng ta không thể căn cứ vào lời nói độc thoại của con người để đánh giá tâm lý nhân cách của họ. Tương tự vậy, bảng khảo sát luôn tỏ ra vô dụng trước việc đánh giá bản chất người hoặc tìm kiếm những thông tin chất lượng. Bởi vì, đặc điểm bản chất của lời nói độc thoại bao gồm 3 điểm gây đánh lừa bản chất người, đó là: tính triển khai mạnh, tính chủ ý và tính tổ chức cao. Vì vậy, lời nói độc thoại mang đặc điểm không tin cậy về việc biểu đạt tâm lý nhân cách mà thay vào đó là ý muốn chủ quan của chủ thể nhằm thực hiện theo lợi ích tạm thời và mục đích giả tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1)  Nguyễn Quang Uẩn, (2015): Tâm lý học đại cương, Nxb ĐHQG, Hà Nội, trg.45.
(2)  Nguyễn Quang Uẩn, (2015): Tâm lý học đại cương, Nxb ĐHQG, Hà Nội, trg.153.
(3)  Gustave Lebon, (2020): Tâm lý học đám đông, NXB Tri thức, Hà Nội, trg.188.
(4)  Robert Greene, (2019): 48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực, Nxb Trẻ, Hà Nội, trg.41.