Trước hết, để nói về cái đẹp thì đây là một đề tài không hề mới. Từ xa xưa, khi con người chưa phân tích được cặn kẽ và chi tiết các khía cạnh của thẩm mỹ học, phần lớn xã hội đã xuất hiện những đánh giá ban đầu về sự hoàn hảo hay về sự hấp dẫn. Lâu dần, các chuẩn mực xã hội về cái đẹp được quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, và theo tất yếu, nó trở thành vấn đề được bàn đến và phân tích nhiều, trong cuộc sống, văn học, hội họa, hay trong chính con người. Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng say mê trên trang viết khi miêu tả vẻ đẹp nàng Kiều tài sắc:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Cuộc sống càng sung túc và đầy đủ, cái đẹp càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành một thú vui tao nhã của một bộ phận người thích thưởng thức cái đẹp, tự nó mang đến những giá trị vô biên thôi thúc con người tìm hiểu. Càng nhiều những chuẩn mực, đánh giá, hay những tranh cãi về cái đẹp xuất hiện, nghiên cứu thẩm mỹ học càng trở nên phức tạp. Do vậy, cái đẹp chưa từng và có lẽ trong tương lai cũng sẽ không đứng ngoài cuộc sống.

Hiểu về "cái đẹp", đâu mới là định nghĩa chính xác?

Nhắc đến khái niệm “Đẹp”, con người nghĩ đến một từ tưởng chừng như dễ hiểu, dễ diễn tả và không phải là một từ đa nghĩa, nhưng lại không mấy ai hiểu được cặn kẽ tất cả những khía cạnh của nó. Thậm chí, các nhà nghiên cứu hay các nhà thẩm mỹ học, có những người dành cả cuộc đời để tìm hiểu tường tận ý nghĩa của cái đẹp nhưng vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, trong bài chia sẻ này, mình xin phép sẽ chỉ đề cập đến một số khía cạnh rất nhỏ của cái đẹp mà mình quan tâm. Một cách cụ thể hơn, cái đẹp được hiểu là những đặc điểm mà theo cảm nhận và suy nghĩ chủ quan của mỗi người là hoàn mỹ, là hài hòa, cân xứng, là yên bình, là tỉ mỉ, hoặc cũng có thể là hùng vĩ, lớn lao, nhưng nhìn chung, cái đẹp sẽ khiến con người có cảm giác thỏa mãn hay cảm giác được xoa dịu tâm hồn.

Cái đẹp tồn tại ra sao?

Đáng chú ý đến, cái đẹp được xét dựa theo cảm nhận và suy nghĩ chủ quan của con người. Không có bất kì chuẩn mực nào cho cái đẹp có thể áp đặt lên suy nghĩ của toàn bộ con người đã, đang và sẽ sinh sống, sẽ tiếp xúc với cuộc sống muôn hình vạn trạng. Một bức tranh đẹp vì sự hùng vĩ, bao la, một bức tranh khác lại đẹp vì sự ấm áp, yên bình. Hay một bài thơ hay vì cái tâm người viết, một bài thơ khác lại hay vì câu từ sắc bén, đa nghĩa. Mặc dù nói như vậy, khá nhiều chuẩn mực về cái đẹp đã được đặt ra. Chẳng hạn như trong lý thuyết sớm nhất của phương Tây về cái đẹp, các trường phái Pythagorean nhận thấy sự kết nối mạnh mẽ của cái đẹp và toán học, khi ấy, mọi vật được coi là hấp dẫn hơn với “tỉ lệ vàng”. Hay như xưa kia, ông cha ta coi người phụ nữ đẹp là phải công-dung-ngôn-hạnh, là phải có “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. 
Trải qua thời gian, những chuẩn mực đó dần bị thay đổi, thời hiện đại, con người cởi mở đón nhận nhiều nét đẹp hơn. Một cô gái không cần làn da trắng xứ hay đôi mắt to tròn mới được coi là đẹp, một hình xăm để tưởng nhớ người bà đã khuất cũng là một hình xăm đẹp, một tâm hồn lương thiện cũng là một thiên sứ đẹp, thậm chí những nhiếp ảnh gia còn tái hiện lại vẻ đẹp của thai phụ. Mọi sự đánh giá về cái đẹp xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của mỗi người, không có bất cứ quy tắc nào, những chuẩn mực hà khắc xưa kia bị phá vỡ, cái đẹp dần được đón nhận nhiều hơn, bao dung hơn.

Tầm quan trọng của cái đẹp

Có thể khẳng định chức năng lớn nhất của cái đẹp là làm giàu đời sống tinh thần cho con người. Khi cuộc sống vật chất đã đầy đủ hơn, hoặc ngược lại, cuộc sống chật vật với bộn bề lo toan và căng thẳng, con người luôn tìm đến sự đầy đủ trong tâm hồn, hoặc thậm chí, cho dù chưa no đủ, họ vẫn khát khao được làm đẹp tâm hồn mình, bằng giác quan thẩm mỹ. Cái đẹp trở thành món ăn tinh thần cho con người, là người bạn giúp con người hướng đến cái chân-thiện-mỹ, thay đổi phần tối trong tính cách của con người, đưa con người ra ánh sáng và giải phóng những cảm xúc mãnh liệt nhất. Hơn nữa, khẳng định lại nội dung bên trên, cái đẹp luôn luôn tồn tại, song song và phát triển cùng nhịp sống, con người không thể sống mà không cảm nhận cái đẹp, vì khi ấy con người không còn là con người, không có cảm xúc, trở nên vô cảm với vạn vật.

Nguồn tham khảo

P/s: Cảm ơn cả nhà đã đọc hết post này. Đây là bài viết đầu tiên của mình và cũng là ảnh mình tự des dù chưa hề thạo lắm cách sử dụng các app des. Hy vọng cả nhà sẽ ủng hộ cũng như góp ý nhẹ nhàng cho mình ạ. Mình xin cảm ơn rất nhiều.