SỰ TINH TIẾN
Tôi đã từng học được từ giáo sư Phan Văn Trường trong mỗi buổi chia sẻ của thầy rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải...
Tôi đã từng học được từ giáo sư Phan Văn Trường trong mỗi buổi chia sẻ của thầy rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải có thái độ Nice and Professional. Tức là dễ thương và chuyên nghiệp.
Tôi cũng học được từ bác Đại người đang làm nghề dệt đũi tơ tằm trong mỗi lần nói chuyện với bác rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải có thái độ chân thành và hiểu biết.
Hai chia sẻ đọc qua có vẻ khác nhau, nhưng ngẫm kĩ 2 chia sẻ đó là một. Tại sao hai người ở 2 môi trường hoàn toàn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại rút ra những bài học giống nhau?
Bác Đại thời trẻ bôn ba khắp đất nước, có khi sang Lào để buôn từng cân sợi. Bác chẳng học trường lớp nào, tất cả bác tự học ở trường đời. Ở tuổi 64, bác đã có đầy đủ nhà cao cửa rộng, con cháu thành công, tài chính dư dả. Nhưng bác vẫn miệt mài làm việc với tâm thế mà giới trẻ gặp bác chắc chắn phải cúi gằm mặt.
Thầy Trường thì quá nổi tiếng, thầy chinh chiến khắp nơi trên thế giới. Với tài năng thầy đưa một công ty lên vị trí số 1 thế giới. Ở tuổi 74, thầy đã có tất cả, nhưng thầy vẫn hăng say làm việc với sự chuyên nghiệp và tận tụy mà hiếm ai ở độ tuổi đó có được. Bạn gặp thầy bạn phải kinh ngạc.
Càng theo thời gian, sự tinh tiến của họ càng lớn dần.
----
Nhà nước Việt Nam chia các hộ gia đình thành các mức khác nhau để có chính sách hỗ trợ khác nhau. Hộ nghèo, hộ cận nghèo là các hộ được ưu tiên hỗ trợ. Ngày xưa có cả hộ đói, nổi tiếng với chính sách "xóa đói, giảm nghèo".
Ở quê, kì lạ là các hộ gia đình rất vui mừng đón nhận cái giấy hộ nghèo, hộ cận nghèo để được nhận tiền trợ cấp. Hồi còn nhỏ, tôi thấy bố mẹ tôi làm quần quật cả ngày nhưng nhà tôi chẳng có loa đài hát karaoke như nhà hàng xóm. Có một số nhà có loa đài, hát karaoke cả ngày nhưng họ được giấy hộ nghèo, nhà tôi thì không. Tôi thắc mắc trong lòng, nhưng không dám hỏi bố mẹ. Bố mẹ tôi cũng chẳng bận tâm điều đó. Sau này tôi mới biết, bố mẹ tôi có thể mua được những thứ đó, nhưng bố mẹ chưa vội mua. Bố mẹ tôi mua được xe máy đầu tiên, mua điện thoại di động đầu tiên, con cái đỗ đại học đầu tiên.
Đến bây giờ, nhà tôi có thể nói cũng có phần ổn định, anh em tôi có thể tự lo cho bản thân. Nhưng bố mẹ tôi giờ đây vẫn làm việc thật chăm chỉ.
----
Từ khi xác định lại bản thân, tôi nghĩ rằng con người có ba nhóm:
Nhóm thứ nhất, người tạo ra được ít giá trị hơn nhu cầu của bản thân. Vì tạo ra được ít giá trị hơn nhu cầu nên họ luôn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Nhóm thứ hai, người tạo ra được giá trị vừa đủ với nhu cầu của bản thân ở hiện tại. Vì tạo được giá trị vừa đủ dùng ở hiện tại, nên trong những trường hợp khấn cấp, bất ngờ họ vẫn cần sự giúp đỡ hỗ trợ.
Nhóm thứ ba, người tạo ra được giá trị dư thừa hơn so với nhu cầu của bản thân ở hiện tại và tương lai. Họ không cần sự giúp đỡ, mà họ giúp đỡ 2 nhóm người kia.
Việc mình chọn vào nhóm người nào tùy thuộc vào sự lựa chọn, tinh tiến của bản thân.
----
Nếu mục tiêu cuộc đời con người phấn đầu vì tiền tài, danh vọng. Nhưng lúc chết đi thì cũng không thể mang theo những thứ đó đi cùng được. Nếu vậy thì rốt cuộc phấn đấu cả một cuộc đời cho đến khi kết thúc, đối với bản thân người đó là vô nghĩa sao? Vậy con người phấn đấu vì điều gì? Tôi thật sự không đành lòng mất mấy chục năm cuộc đời để trải nghiệm và học hỏi rồi để mất đi vô nghĩa như vậy.Trong vũ trụ này, có điều gì xảy ra là vô nghĩa không? Hay mọi thứ xảy ra đều có một ý nghĩa nhất định nào đó.
Tác giả Kazuo trong cuốn "Con đường đi đến thành công bằng sự tự tế" đã viết: "Nhưng không hẳn là mọi thứ trả về không. Tôi tin rằng "linh hồn" tồn tại sâu thẳm trong trái tim con người sẽ tồn tại như kết quả của một đời, thậm chí có thể mang sang tận tương lai.
Nếu vậy, con người sẽ có linh hồn như thế nào khi chết đi sẽ quyết định giá trị của một đời, không phải sao? Nghĩa là mục đích cuộc đời không phải là kiếm tiền, lập thân xuất thế hay nói cách khác, là đạt được thành công mà là tạo dựng linh hồn tốt đẹp và cuộc đời chính là không gian, thời gian nhất định được trao cho con người để mài giũa linh hồn...
... Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến."
Giải thích cho từ Tinh tiến:
Tinh tiến có nghĩa là:Chỉ năng lực, ý chí làm những điều thiện, tránh những điều bất thiện. Tinh tiến là yếu tố thứ 6 trong Bát chính đạo và chính là Bốn tinh tiến, ngoài ra Tinh tiến là một trong Năm lực, một hạnh Ba-la-mật-đa, một trong Bảy giác chi, một trong năm Căn (indri-ya).
Chánh tinh tấn
“Tinh tấn” có nghĩa là siêng năng, cố nắng, chú tâm. Chánh tinh tấn có nghĩa là cố gắng liên tục, không nản lòng tập trung đi đến lý tưởng đúng đắn mà minh đang theo đuổi. Sự quan trọng của Chánh tinh tấn thể hiện ở chỗ nếu ta đặt ra vô số mục tiêu nhưng không kiên trì đến cùng với nó thì sẽ không thể gặt được quả ngọt. Chánh tinh tấn là thực tập tiêu diệt các tật xấu đồng thời vun đắp những điều tốt, thực tập trau dồi trí tuệ và phước đức, kiểm soát bản thân, lời nối, ý nghĩ sao cho đúng đắn, ngay thẳng.
Bốn tinh tiến là:
Tinh tiến tránh làm các điều ác chưa sinh (s: anutpannapāpakākuśaladharma);Tinh tiến vượt qua những điều ác đã sinh (s: utpanna-pāpakākuśala-dharma);Tinh tiến phát huy các điều thiện đã có (s: utpan-nakuśala-dharma), nhất là tu học Bảy giác chi;Tinh tiến làm cho các điều thiện phát sinh (s: anutpannakuśala-dharma).
Bốn tinh tiến chính là Chính tinh tiến trong Bát chính đạo.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất