Phần trước
PHẦN BA: LƯU ĐÀY VÀ HỒI SINH
6.Bờ Sông Babylon Ta Ra Ngồi Nức Nở
Nói đến nơi lưu đày, chắc hẳn nhiều người hình dung ra hình ảnh từng đoàn người Israel lầm lũi rời bỏ quê hương để đi đến những vùng đất xa xôi và cằn cỗi kiểu như Australia và Siberia, những nơi lưu đày của các đế chế cận hiện đại Anh và Nga. Thế nhưng, trong phiên bản hình thức lưu đày đầu tiên của nhân loại, người Assyria và người Babylon lại không nhằm trừng phạt các cá nhân chống đối mà lại có chủ đích nhắm vào việc bứng gốc và phân tán ra khỏi quê nhà các dân tộc bị trị nổi loạn, với mưu đồ xoá sổ căn tính dân tộc của họ. Thế nên, tuy có nhiều người thuộc vương quốc Samaria bị lưu đày đến tận biên giới phía đông của đế chế Assyria là dãy Zagros, nhưng phần đông các người Judah lại bị người Babylon lưu đày đến vùng đất trung tâm của đế chế, tức là ngay chính tại kinh đô Babylon. Do mười chi tộc Israel thuộc vương quốc Samaria thực tế đã bị tan loãng và biến mất trong khối dân đa tạp của đế chế, nên kể từ đây, khi nói về dân tộc Israel bị lưu đày, ta hiểu là chỉ còn nói về Judah, chi tộc Israel duy nhất còn tồn tại sau cuộc Lưu đày Babylon.
Các tuyến đường lưu đày của người dân hai vương quốc Samaria và Judah
Các tuyến đường lưu đày của người dân hai vương quốc Samaria và Judah
Babylon, nơi người Israel bị lưu đày, là một khu vực có đất đai cực kì màu mỡ, với những cánh đồng lúa mì einkorn vàng óng bạt ngàn, có thể cho sản lượng gấp 300 lần hạt giống đem gieo, mức năng suất cao nhất của nền sản xuất lương thực cổ thời. Cùng với đó, Babylon còn có những vườn chà là và vả sum suê trĩu quả chế biến nên lượng thực phẩm, rượu và mật thừa mứa. Nông sản của vùng đất này như lúa mì, lúa mạch, kê và vừng to đến nỗi sử gia Herodotus thấy ngại khi phải kể lại, vì sợ bị người ta cho là đang nói quá.
Kinh thành Babylon với vườn treo Babylon và ziggurat Babel
Kinh thành Babylon với vườn treo Babylon và ziggurat Babel
Người Israel chắc hẳn phải thấy cực kì ngỡ ngàng trước sự vĩ đại của kinh thành Babylon và những truyền thống văn hoá kì lạ của nó. Theo lời kể của Herodotus, Babylon là một toà thành khổng lồ vuông vắn, với mỗi cạnh dài 120 ‘stadia’ (đơn vị đo chiều dài của người cổ đại, bằng khoảng 200m), tức là mỗi bề của nó dài 24km! Nó có hai vòng thành với mỗi mặt thành rộng 50 ‘pekhes hoàng gia’ (mỗi ‘pekhes hoàng gia’ tương đương với 50cm), tức là thành dày tới 25m. Giữa hai vòng thành là một hào nước rộng nối liền với sông Euphrates. Hai lớp thành cực dày cộng với hào nước sâu khiến cho Babylon dường như trở thành bất khả công phá. Không chỉ vững chãi, kinh thành Babylon còn được điểm tô bằng những công trình tuyệt mĩ. Đầu tiên phải kể đến Vườn Treo Babylon, một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại; ngoài ra, còn có Cổng thành Ishtar được khảm bằng những viên đá quý rực rỡ sắc màu cùng nhiều ngôi đền lộng lẫy bao quanh toà tháp Babel nhiều tầng. Cũng theo Herodotus, ở Babylon tồn tại nhiều phong tục kì lạ về tình dục, hôn nhân, và buôn bán mà chắc hẳn đã nhiều dịp khiến những người Israel tha hương sửng sốt. Tuy vậy, sinh sống ở Babylon, người Israel lại có dịp tiếp xúc trực tiếp với hệ tư tưởng vùng Lưỡng Hà, vốn rất thâm sâu và phong phú. Sự gặp gỡ đó đã ghi lại dấu ấn trong các kinh sách được cho là đã được viết xuống ngay tại miền đất lưu đày Babylon.
Cổng Ishtar và con đường tế tự của hoàng gia
Cổng Ishtar và con đường tế tự của hoàng gia
Miền đất Babylon như vậy, còn hoàn cảnh của những người Israel bị lưu đày thì như thế nào? Lưu dân Israel hẳn nhiên là đã phải chịu một cú sốc khủng khiếp về tâm lý và luân lý. Nhưng đàng khác ta cũng không nên tưởng cuộc sống bên Babylon giống như trong một trại tập trung. Bên Babylon, người Israel vẫn được hưởng một sự tự do tương đối, tỉ dụ như việc ngôn sứ Ezekiel được tự do đi thăm viếng đồng bào đang lo trồng trọt. Thế nhưng, dù lần hồi có được một cuộc sống tạm yên bình nơi phương xa xứ lạ, thì trong lòng người dân Israel vẫn canh cánh những câu hỏi nhức nhối mà tình cảnh dân tộc đặt ra cho họ: Có ĐỨC CHÚA thật không? Nếu có thì tại sao Ngài lại để đất nước, để thành thánh Jerusalem và Đền Thờ bị tàn phá như vậy? Hay là thần Marduk của Babylon mạnh hơn ĐỨC CHÚA? ĐỨC CHÚA có còn nhớ Lời Hứa hay đã huỷ bỏ Giao Ước rồi?
7.Hồi Sinh Đống Xương Khô Trong Sa Mạc
Cũng như đã xảy ra trong thời các Thủ Lãnh, khi lâm vào cảnh tang thương đau đớn rồi được các ngôn sứ của Chúa khuyên răn chỉ dạy, dân Israel mới nhận ra tội lỗi ghê gớm mà chính họ đã gây ra. Chính sự cứng lòng và bất trung đã làm cho họ xa lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa và đánh mất hạnh phúc của mình. Tuy nhiên, trong kế hoạch của Thiên Chúa thì Lưu đày không phải là ‘viên thuốc độc’, mà là ‘viên thuốc đắng’ mà Thiên Chúa dùng để chữa trị ‘chứng bệnh bất tuân’ của dân Người. Bởi ngay khi quân Babylon cưỡng bức người Israel rời bỏ quê hương xứ sở, đã có Lời Chúa phán qua trung gian ngôn sứ Jeremias:
“Muôn dân hỡi, lắng nghe lời ĐỨC CHÚA
và loan đi các đảo xa vời,
rằng Đấng đã phân tán Israel
cũng chính Người sẽ thâu tập lại,
canh giữ họ như mục tử canh giữ đoàn chiên
Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Zion, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA.” (Gr 31, 10.12)
Quả vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa tín thành, không bỏ rơi dân Ngài đã chọn. Ngay tại chốn lưu đày, Ngài đã cho các ngôn sứ như Isaiah Đệ nhị và Ezekiel đến giữa đoàn dân Israel đang khóc than vì lầm lỗi trong quá khứ và tuyệt vọng về tương lai, để nói cho họ biết rằng “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117, 1); rằng Thiên Chúa sẽ ban ơn cho họ biết hối cải những tội lỗi mà họ và cha ông đã phạm, cùng biến đổi họ nhờ thần khí thánh hoá của Ngài, như trong lời sấm truyền của ngôn sứ Isaiah Đệ nhị:
“Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tường, trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu họ bước đi.
Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi họ, và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng.
Những điều ấy, Ta sẽ thực hiện, không bỏ sót điều nào.” (Is 42, 14-16)
Thật vậy, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hai điều biến đổi chỉ có thể nói là kì diệu ở đoàn dân Israel lưu đày tại Babylon. Điều kì diệu thứ nhất là việc tại chốn lưu đày, dân Israel đã có một nhận thức mới mẻ và thiêng liêng hơn trong việc sống đức tin. Theo đó, với người Israel tha hương, thay cho phụng tự và hi lễ tại Đền Thờ trong quá khứ, cộng đoàn tại chốn lưu đày lại tập họp nhau vào ngày sabbath để thờ phượng Thiên Chúa và suy ngẫm Lời Chúa; thay cho nhà vua đã bị bắt đi lưu đày, thì Thiên Chúa lại trở thành vua thật sự của họ; thay cho đất đai của họ đã bị chiếm giữ, dấu cắt bì lại trở thành dấu chỉ của một vương quốc mang chiều kích thiêng liêng; và do bị buộc phải sống trên một mảnh đất không trong sạch, nên người Israel lưu đày đã dành nhiều bận tâm cho sự trong sạch theo nghi lễ. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng tại nơi lưu đày Do Thái giáo được cưu mang, để rồi sẽ được sinh hạ một cách chính thức với cuộc cách tân giao ước của Esdras tại Jerusalem vào khoảng năm 420BC (Nkm 8,1-18; 9,1-38).
Các hiền nhân Israel đã đào sâu vào những suy tư của mình về thân phận con người
Các hiền nhân Israel đã đào sâu vào những suy tư của mình về thân phận con người
Điều kì diệu thứ hai của cuộc lưu đày liên quan đến hoạt động văn chương. Dù chúng ta không thể nói ra một cách chính xác hoạt động này đã diễn ra ở đâu và vào thời điểm nào, nhưng những ghi chép và những truyền thống khác nhau vẫn giúp chúng ta thấy được một số manh mối. Trên tất cả, để duy trì đức tin và niềm hi vọng trong lòng dân tộc, các tư tế đã nhắc nhở dân chúng về cội nguồn của họ. Việc đọc lại lịch sử dạng này chính là truyền thống có tên là Tư tế, một trong bốn truyền thống làm thành bộ Ngũ Thư. Luật Thánh thiện trong sách Lv 17 – 26 là những luật đã được thi hành tại Đền Thờ Jerusalem, lúc này được gom lại và điển chế hóa một cách dứt khoát, để rồi sau khi hồi hương, bản luật này dần dần trở thành có dạng như sách Levi. Các học giả cũng cho rằng dòng văn chương Đệ Nhị Luật lịch sử, bao gồm các sách Gs – 2V, hẳn đã được biên soạn ngay trước khi vương quốc sụp đổ, rồi được biên tập, thêm thắt và thích ứng với hoàn cảnh của những người đi lưu đày. Những lời của các ngôn sứ Ezekiel và Isaiah Đệ Nhị cũng được lưu giữ, theo dạng thành văn hoặc truyền khẩu. Có kinh nghiệm về tai họa, đau khổ, đồng thời được tiếp xúc với tư tưởng Babylon và Batư, các hiền nhân Israel đã đào sâu những suy tư của mình về thân phận con người. Những suy tư này sau nhiều thế kỉ dần dần kết tinh thành những tác phẩm như sách Job. Những Thánh Vịnh với giọng điệu mới, Tv 137; 44; 80; 89, có thể đã được biên soạn vào thời điểm này để kêu xin Thiên Chúa là Đấng Tín Thành.
Như vậy, từ trong đau khổ và chính bằng đau khổ mà Thiên Chúa đã sửa dạy dân Ngài. Và rồi, càng nhìn nhận lỗi lầm của mình, dân Israel càng trông mong một ngày sẽ được giải thoát khỏi kiếp lưu đày nơi xứ lạ và được trở về lại quê cha đất tổ, miền đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho các tổ phụ của họ. Thế nhưng, sinh sống ở ngay chính trung tâm quyền lực của đế chế Babylon, họ hiểu rõ sức mạnh khủng khiếp của sắc dân đang cai trị họ. Đối với họ, tự mình giải thoát khỏi thân phận lưu đày là một điều vượt ngoài những mưu tính và khả năng của họ. Để trấn an nỗi tuyệt vọng của dân Israel, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Ezekiel đến tuyên sấm những lời sau đây:
ĐỨC CHÚA phán: Này nhà Israel vẫn nói: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hi vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!” Chính vì thế, Edekiel, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta làm.” (Ed 37, 11-14)
Ngôn sứ Ezekiel và đống xương khô trong sa mạc được thần khí hồi sinh
Ngôn sứ Ezekiel và đống xương khô trong sa mạc được thần khí hồi sinh
Thực vậy, theo cái nhìn của Kinh Thánh, nếu như Thiên Chúa đã dùng bàn tay của người Babylon mà sửa trị Israel, thì Người đã lại dùng sức mạnh của một dân tộc khác để đưa dân Israel về lại quê hương. Người dân Israel cho rằng dân tộc đó chính là một khí cụ tuyệt hảo mà ĐỨC CHÚA dùng để giải thoát dân Ngài, đến độ, thủ lãnh của dân tộc đó là vua Cyrus đã được ngôn sứ Isaiah Đệ nhị tặng cho danh hiệu “kẻ được Thiên Chúa xức dầu” (Is 45,1), vốn xưa nay chỉ dành riêng cho các bậc quân vương nhà David.
Hoàng đế Cyrus, "kẻ được Thiên Chúa xức dầu" (Is 45, 1)
Hoàng đế Cyrus, "kẻ được Thiên Chúa xức dầu" (Is 45, 1)
Đón đọc PHẦN BỐN: GIẢI PHÓNG VÀ HỒI HƯƠNG
Lạc Vũ Thái Bình - Trần Gia Hân
Huế - Sài Gòn, 07-2021
Tham khảo
-Kinh thánh trọn bộ, bản dịch 2011
-Phạm Hữu Quang - Dẫn nhập Thánh Kinh
-Trần Minh Thực - Lịch sử Cứu độ
-Herodotus - Lịch Sử
-Mortimer Chamber - Lịch sử văn minh Phương Tây
-Viện Smithsonian - Lịch sử thế giới, chân dung nhân loại theo dòng sự kiện
-John Keegan - Lịch sử chiến tranh
-Bernard Lewis - Lịch sử Trung Đông