Vào thời điểm cực thịnh của triều đại mình, vua David nhận được một lời hứa, một giao ước của Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ Nathan: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.” (2Sm 7,1-17). Có thể nói, đến thời vua David, Lịch sử Cứu độ đã vượt qua một chặng đường dài. Đầu tiên, Lịch sử Cứu độ đã bắt đầu với việc Thiên Chúa kêu gọi Abraham, cha của mọi người Israel. Tiếp đó, Moses được đặt làm vị trung gian của Giao ước Sinai giữa Thiên Chúa và dân Israel. Đến thời đại quân chủ, vua David đã được chọn để thiết lập một vương quốc, mà theo Lời Chúa hứa, sẽ là một vương quốc phổ quát và tồn tại vĩnh viễn. Với vương quốc này, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến với mọi dân tộc ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, sau vua David, dân Israel đã không thể hiện được sự trung tín trong Giao ước với Thiên Chúa, khi để lòng ngả theo các ngẫu tượng của chư dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa không vì sự bất tín của dân Người mà rũ bỏ Giao ước, nhưng sau khi đã dùng tay chư dân mà sửa dạy họ, Ngài lại kêu gọi họ hối cải và cho họ được hồi sinh...
Mười hai chi tộc Israel thời vua David
Mười hai chi tộc Israel thời vua David
PHẦN MỘT: PHÂN LY VÀ CƯỜNG ĐỊCH

1.Một Dân Tộc, Hai Vương Quốc

Vào thế kỉ 10 BC, sau khi vua David băng hà, con trai của vua với bà Bathsheba là Salomon lên nối ngôi cha làm vua Israel. Triều đại của vua Salomon tuy được Kinh Thánh điểm tô rực rỡ nhưng thực ra lại mang trong nó những khoảng tối rất đáng lo ngại. Trước hết, do xây cất liên miên những công trình to lớn (Đền Thờ mất 7 năm và cung Rừng Li Băng mất 14 năm), vua Salomon đã vắt kiệt sức người dân Israel. Thứ đến, việc bị lao dịch cưỡng bức cũng khiến cho những người Israel tự do cảm thấy khó mà chấp nhận được. Sau nữa, vua Salomon lại còn đánh nhiều thuế lên các chi tộc Israel nhưng lại miễn thuế cho chi tộc Judah, một điều hẳn gây ra rất nhiều bất mãn và oán thán nơi các chi tộc miền bắc. Lại nữa, để trả cho những giao dịch với vua Hiram, vua Salomon đã cắt cho vua Hiram một số thành biên giới, một điều hẳn là khó chấp nhận với người dân Israel. Cuối cùng, trong đời sống cá nhân, vua Salomon đã hành xử không xứng với tư cách là vị đại diện của Thiên Chúa; Kinh Thánh kể ra tới 700 hoàng hậu và 300 cung phi của vua Salomon. Dù có thể ông đã cưới nhiều người trong số 1000 người vợ này vì những lí do chính trị hay ngoại giao, nhưng sự thực vẫn là trong những năm tháng tuổi già của vua Salomon, những người vợ ngoại bang đã làm cho lòng trí nhà vua rời xa Thiên Chúa. Loạn lạc đã không diễn ra dưới thời vua Salomon, nhưng đã bùng nổ ngay sau khi vua băng hà.
Đền thờ Jerusalem thứ nhất do vua Salomon xây dựng năm 966BC-959BC
Đền thờ Jerusalem thứ nhất do vua Salomon xây dựng năm 966BC-959BC
Khoảng năm 930BC, vương quốc Israel thống nhất tan rã do 10 chi tộc phương bắc từ chối công nhận Rehoboam, con của vua Salomon, làm vua Israel. Thay vào đó, họ chọn Jeroboam (931BC-910BC). Các chi tộc này hình thành nên một vương quốc mới, tiếp tục lấy tên gọi là Israel, nhưng thường được gọi là vương quốc Samaria để phân biệt với vương quốc Isarel ban đầu.
Hai vương quốc Judah và Samaria
Hai vương quốc Judah và Samaria
Đi sâu một chút vào nội tình hai vương quốc, ta thấy rằng ở phần vương quốc phía nam, chỉ có chi tộc Judah vẫn trung thành với Nhà David, cộng với chi tộc Simeon-vốn ngay từ khá sớm đã bị đồng hóa vào chi tộc Judah; hai chi tộc này tạo thành vương quốc Judah. Tuy nhỏ bé hơn và cũng từng nhiều lần bị Samaria và Ai Cập gây hấn, nhưng Judah vẫn giữ vững được nền độc lập và lãnh thổ của mình. Nền nội trị của vương quốc Judah rất ổn định, khi tất cả các vua ngồi trên ngai vàng Judah đều là con cháu trực hệ của vua David. Chỉ có một thời gian ngắn vào cuối thế kỉ thứ 9 BC, vương quyền hoàng tộc David bị lung lay, khi hoàng hâu Athaliah lợi dung cái chết ngoài sa trường của vua Jehoram để khuynh đảo triều chính và tàn sát các hoàng tử con cháu nhà David. Nhưng với sự giúp đỡ của các triều thần trung thành, hoàng tử Joash đã tiêu diệt Athaliah rồi lên kế ngôi vua Judah.
Về phần vương quốc Samaria, trong suốt lịch sử hơn hai trăm năm tồn tại của mình, từ 931BC đến 721BC, nó đã có 19 vị vua và nhiều cuộc đảo chính đẫm máu; chỉ rất ít năm vương quốc được sống trong tình trạng về chính trị. Phân tích các trình thuật Kinh Thánh, chúng ta thấy các vị vua Samaria được mô tả là không có những đức tính thánh thiện như các vua Judah. Một nét nổi bật khác của Samaria là vai trò khá quan trọng của các ngôn sứ trong các biến cố của nền chính trị: họ có quyền truất phế một vị vua, khi ông ta không làm theo ý Chúa, và họ cũng có quyền công nhận tính chính danh của một vị vua thuộc triều đại mới.
Theo các trình thuật của Kinh Thánh, vương quốc Samaria đã có một khởi đầu đầy bất ổn, mặc dù trước đó, ngôn sứ Akhijah đã từng hứa về một triều đại ổn định. Sau khi Jeroboam băng hà, Nadab (910BC-909BC) con vua Jeroboam lên kế vị (1V 15,25-31). Nhưng chỉ sau một năm, vua bị ám sát bởi Baasha, có lẽ là một viên quan trong triều đình của ông. Cũng giống như Jeroboam, vua Baasha (909BC-886BC) cũng đã được chỉ định bằng sấm ngôn và đã cầm quyền suốt đời ông. Con trai của Baasha là Elah (886BC-885BC) lên kế vị, nhưng vua bị Zimri, một viên quan của ông ta ám sát. Zimri (885BC) đã quét sạch nhà Baasha và tự xưng là vua Samaria. Dường như Zimri đã không nhận được lời sấm nào, và cũng không được sự ủng hộ của dân chúng. Vương quốc Samaria rơi vào tình trạng rối loạn khi các lực lượng kình địch tranh chấp với nhau. Phải sau vài năm, Omri (885BC-874BC) mới ổn định được tình hình. Ông lên ngôi mà dường như không dựa vào sấm ngôn nào. Nhà Omri nắm quyền cai trị từ 885BC đến 842BC, đây cũng chính là thời gian hoạt động của ngôn sứ Eliah. Sau đó, tướng Jehu, theo lời sấm của ngôn sứ Elisha, đã thực hiện một cuộc đảo chính đẫm máu nhất lịch sử Samaria và đã tận diệt nhà Omri. Nhà Jehu cai trị Samaria từ năm 842BC đến năm 745BC, với một triều đại đặc biệt thịnh trị của vua Jeroboam II (782BC-753BC). Đây chính là những năm cuối cùng mà người Samaria nắm quyền tự chủ vận mệnh của mình, trước khi bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực được tạo ra bởi đế chế Assyria, tân bá chủ của Lưỡng Hà địa.

2. Đế Chế Assyria, Uy Trấn Quần Hùng

Các cuộc chinh phạt trong các thế kỉ 9BC- 7BC của đế chế Assyria
Các cuộc chinh phạt trong các thế kỉ 9BC- 7BC của đế chế Assyria
Vào thế kỉ 9 BC, Assyria nổi lên như một đế chế hùng mạnh nhất ở vùng đất Lưỡng Hà. Thủ đô của nó đặt ở Nineveh, một địa điểm nằm trên bờ sông Tigris, cách Baghdad hiện nay 350km về hướng tây bắc. Assyria sở hữu một quân đội cực kỳ thiện chiến với những chiến cụ tối tân nhất thời bấy giờ, đây đồng thời cũng chính là đội quân thường trực đầu tiên trên thế giới. Vậy nên, hoàn toàn dễ hiểu khi hoàng đế Shalmaneser III (859BC-824BC) không hài lòng với việc chỉ giữ gìn biên cương hiện có của đế chế mà muốn bành trướng rộng ra bên ngoài. Ông đã phát động nhiều cuộc viễn chinh về phía tây, với mục tiêu chính là thôn tính vương quốc Aram.
Tuy nhiên, mãnh hổ nan địch quần hổ, vào năm 853BC, hoàng đế Shalmaneser III đã phải đương đầu với một liên minh quân sự đáng gờm của các vương quốc miền tây tại chiến trường Qarqar, phía bắc Syria. Mười một vị vua của Hitti đã thành lập một liên minh quân sự do Damascus lãnh đạo. Vua Ahab (871BC-852BC) của Samaria cũng đã tham gia liên minh này, ông gửi đến 2000 chiến xa và 10000 bộ binh. Sự kiện này tuy không được Kinh Thánh đề cập đến, nhưng chúng ta lại biết được thông tin về việc vua Ahab tham gia liên minh ‘Mười một vua Hitti’ nhờ một bi ký của Assyria. Đây chính là lần đầu tiên trong lịch sử, bi ký của người Assyria nhắc tới một vị vua Samaria. Trận chiến Qarqar năm 853BC kết thúc với phần thắng nghiêng về liên minh, thế nhưng, thắng không kiêu bại không nản, năm 841BC, hoàng đế Shalmaneser III lại thực hiện một cuộc viễn chinh về phía tây và giành được một loạt chiến thắng quan trọng. Theo một bi kí khác của người Assyria, sau thắng lợi trên chiến trường, ông đã chấp nhận của lễ triều cống từ vua Jehu (842BC-815BC) của Samaria, người vừa lật đổ nhà Omri.
Các vương quốc ở miền tây của Assyria
Các vương quốc ở miền tây của Assyria
Bắt đầu từ thời hoàng đế Shalmaneser III, thời vận của Samaria và Judah hoàn toàn phụ thuộc vào đường lối cai trị và phương hướng động binh của đế chế Assyria. Khi mà Assyria bị phân tâm vì những vấn đề ở những nơi khác, hai vương quốc này tạm thời có thể có một nền cai trị tương đối tự chủ. Nhưng khi Assyria trở nên hùng mạnh và hướng sự quan tâm của nó về các vương quốc phía tây, thì Samaria và Judah không có lựa chọn nào hơn là phải chịu thần phục và chấp nhận triều cống cho ‘những con ong đất Ashur’ (Is 7, 18).
Vào thế kỉ thứ 8 BC, hoàng đế Tiglath-Pileser III (745BC-727BC) là người đã đưa đế chế Assyria đạt tới đỉnh cao sức mạnh và quyền lực của nó. Là một nhà cài trị tài giỏi và thiện chiến, hoàng đế Tiglath-Pileser III đã củng cố lại sức mạnh của đế chế Assyria và tiến hành nhiều chiến dịch chống lại người Babylon ở phía nam Lưỡng Hà và vương quốc Urartu ở phía bắc. Đến năm 743BC, ông lại tiếp tục chinh phạt các vương quốc miền tây, nhưng những cuộc chinh phạt do hoàng đế Tiglath-Pileser III tiến hành đã có nhiều điểm khác biệt so với các vị tiên đế. Để khẳng định sức mạnh và quyền lực thống trị của đế chế Assyria, hoàng đế Tiglath-Pileser III không còn bằng lòng với với việc nhận triều cống từ các vương quốc chiến bại hay trừng phạt những kẻ nổi loạn bằng những cuộc đàn áp quân sự đơn thuần. Thay vào đó, khi có một chư hầu nào nổi loạn, ông cho đội quân vô địch của Assyria đè bẹp hoàn toàn rồi sau đó cho lưu đày người dân của xứ sở đó đến một vùng đất khác trong đế chế và sáp nhập hẳn vùng đất đó thành một tỉnh của đế chế Assyria.
Phù điêu của Hoàng đế Tiglath-Pileser III (745BC-727BC)
Phù điêu của Hoàng đế Tiglath-Pileser III (745BC-727BC)
Chính sách tàn bạo đó của hoàng đế Tiglath-Pileser III dù đôi lúc đã được các vị tiên đế áp dụng từng phần, những chính ông là người đầu tiên áp dụng nó một cách nhất quán. Có lẽ ông đã hi vọng sách lược dứt khoát và cứng rắn của mình sẽ có thể dập tắt mầm mống phản loạn và tinh thần ái quốc của các dân tộc bị trị một các triệt để. Sau thời ông, các hoàng đế Assyria và Babylon khác đã tiếp tục thực hiện đường lối cai trị của ông. Chính sách lược độc địa đó đã đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn cho hai vương quốc của người Israel.
Đón đọc PHẦN HAI: KHÓI LỬA VÀ ĐIÊU TÀN
Lạc Vũ Thái Bình - Trần Gia Hân
Huế - Sài Gòn, 07-2021
Tham khảo
-Kinh thánh trọn bộ, bản dịch 2011
-Phạm Hữu Quang - Dẫn nhập Thánh Kinh
-Trần Minh Thực - Lịch sử Cứu độ
-Herodotus - Lịch Sử
-Mortimer Chamber - Lịch sử văn minh Phương Tây
-Viện Smithsonian - Lịch sử thế giới, chân dung nhân loại theo dòng sự kiện
-John Keegan - Lịch sử chiến tranh
-Bernard Lewis - Lịch sử Trung Đông