Ồ, giới Sinh học thật đa dạng... Câu đấy thì ai nói cũng được, nhưng mà đa dạng đến mức nào? Rắc rối đến mức nào? Dưới đây là một bài viết tổng hợp lại các bài viết lẻ của mình trên trang CreatureLovers từ Facebook (https://www.facebook.com/TheCreatureLovers) để chia sẻ với các bạn một số thứ rắc rối mình đã từng gặp trong lĩnh vực Sinh học...
____________
NHÁI BẦU - NHỮNG CHÚ ẾCH MẬP
- Thầy: Đậu, hãy cho thầy biết: Loài là gì?
- Đậu: Dạ thưa thầy, câu này ez quá! Loài là tập hợp các cá thể có đặc điểm sinh học tương tự nhau, có thể sinh ra con hữu thụ và tạo ra được các thế hệ sau, đồng thời, cách ly sinh sản với các nhóm quần thể khác.
- Thầy: Vậy em có thể nêu một số tiêu chuẩn để phân biệt các loài với nhau khồng?
- Đậu: Dạ thưa thầy, đó là các tiêu chuẩn về hình thái, hoá sinh và cách ly sinh sản ạ.
- Thầy: Câu cuối, trả lời được thầy cho 10 điểm miệng. Em hiểu như thế nào là tiêu chuẩn về hình thái?
- Đậu: Uầy, dễ thế thầy. Thì các cá thể khác loài sẽ trông khác nhau, còn cùng loài thì đương nhiên là trông giống nhau rồi! 10 thầy ơi!!!
- Thầy: Ảe diu sure?
*insert hình ảnh*


Và từ đó, bạn Đậu không dám gáy với thầy nữa. Đây là hình mình chụp 4 cá thể của cùng một loài lưỡng cư (Microhyla cf. heymonsi), sống trong cùng một khu vực mà bán kính chưa đến 2 m.
____________
ẾCH CÂY - NHỮNG VŨ CÔNG CHÂN DÀI
Thoạt  nhìn qua, có thể đa phần chúng ta đều nghĩ rằng những chú ếch dưới đây  thuộc cùng một loài, dân gian hay gọi là con chàng hiu, chẫu chàng hay  con hóp cổ. Đúng! Nhưng mà sai rồi... Dưới đây đều là những cá thể ếch  cây thuộc nhóm Polypedates leucomystax species  complex, nhóm này gồm những loài ếch có quan hệ họ hàng gần nhau, ngoại  hình rất giống nhau và vùng phân bố của chúng đôi khi lại chồng chéo lên  nhau, vì vậy, rất khó định danh bằng mắt thường mà phải dựa vào DNA.  Theo một số nghiên cứu gần đây, Việt Nam ta có tận 4 loài ếch thuộc nhóm  này là Polypedates braueri, P.impresus, P.mutusP.megacephalus, phân bố chồng chéo  lên nhau từ Bắc chí Nam, vì vậy, để định danh chính xác từng cá thể đến  cấp độ loài ngoài thực địa rất rất khó!


____________
THẠCH SÙNG - SỰ THẬT VỀ BÀI HÁT "Hai Con Thằn Lằn Con" DƯỚI GÓC NHÌN SINH HỌC (cộng một chút xàm xí)
- Thầy giáo: "Hai con thằn lằn con cùng nhau cắn nhau đứt đuôi...Cha thằn lằn buồn hiu gọi chúng đến mới mắng cho..."Đậu, qua hai câu hát trên, em có cảm nhận như thế nào?
- Đậu: Ôi... Cái nhà gì mà không có phép tắc, để cho mấy đứa con đánh nhau thế kia! Em mà là con thằn lằn cha thì em lại chơi nhai đầu đại pháp hai đứa con quỷ sứ này rồi, cùng loài cùng giống mà không biết nhường nhịn nhau.
- Thầy giáo: Cũng hợp lý... Ơ mà, có chắc là nó cùng loài không đấy?
- Đậu: Mấy con thạch sùng nhà đấy thì một loài chứ mấy thầy, nhìn na ná nhau cả mà...
- Thầy giáo: Chắc chưa? Tôi năm nay hơn 50 nồi bánh chưng mà chưa thấy đứa nào gáy khét như trò, phải tôi, tôi lại đấm cho mấy nhát... Nghe nè!
Có bao giờ bạn cực kỳ rảnh, rảnh đến nỗi tự hỏi là trong nhà bạn có bao nhiêu loài thằn lằn hay còn gọi là thạch sùng chưa? Nếu chưa thì dừng đọc bài này và đi cày deadline đi, còn nếu có thì chúc mừng, bạn đã có câu trả lời! Thật ra thì cũng tùy vào nơi bạn sống, nhưng thường thì nếu các bạn sống ở bất kỳ một nơi nào đấy thuộc thành thị hay nông thôn của châu Á thì chúc mừng bạn, nhà bạn sẽ có ít nhất là 2 trong 3 loài dưới đây. Từ trái sang phải:

- Thạch sùng đuôi dẹt hay thạch sùng đuôi diềm, cái tên này được đặt cho chúng vì dọc hai bên phần đuôi cũng như hai bên sườn của tụi nhỏ có những diềm da rất dễ nhận thấy. Tuổi thọ càng cao, diềm da càng nhăn và càng dày, trông khá là máu mặt. Hình phía trên, bên trái.
- Thạch sùng đuôi sần hay thạch sùng thường, cũng giống như con trên kia, cái tên của nó bắt nguồn từ việc ở phần gốc đuôi có những hàng gai (nói là gai chứ thực ra là da và thịt của nó) tủa ra, hơi khó thấy nhưng cũng rất dễ thấy. Hình phía trên, bên trái.
- Thạch sùng cụt thường, cái tên này và nguồn gốc của nó hơi dảk, có tên như vậy vì giống thạch sùng Gehyra (Gray, 1834) này có ngón số I, tức là ngón cái, không có móng vuốt, nói nôm na là bị cụt móng ấy.
Trên đây là 3 loài rất phổ biến ở cả thành thị và nông thôn, còn nếu bạn sống gần các khu vực thưa thớt người thì còn có thể gặp nhiều loài cool ngầu hơn nữa, vậy nên lâu lâu, hãy để ý đến xung quanh xíu nhé! Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn giải trí, nếu không thì thôi. Bọn mình là CreatureLovers, chuyên trả lời những câu hỏi vừa xàm vừa ngu ngốc về thế giới động vật, nếu các bạn thích, hãy ủng hộ mình bằng cách like và share bài viết nhé! Peace!