Con người thường lẫn lộn giữa giới tính [sinh học] và giới [tính định danh]. Giới tính [sinh học] ám chỉ sự khác biệt sinh học giữa nam giới và nữ giới. Ví dụ như nhiễm sắc thể (nữ - XX, nam - XY), cơ quan sinh sản (buồng trứng, tinh hoàn), hormones (oestrogen, testosterone).
Giới [tính định danh] ám chỉ sự khác biệt về mặt văn hóa (bởi xã hội hoặc nền văn hóa đó) áp lên nam giới và nữ giới bởi giới tính sinh học của họ. Giới tính sinh học của một người sẽ không thay đổi từ khi sinh ra, nhưng giới tính định danh thì có thể.
Từ xa xưa, con người có những ý niệm rõ ràng về những điều thích hợp cho mỗi giới và những hành vi khác biệt thì được cho là lệch lạc.
Hiện nay, chúng ta đã chấp nhận nhiều hơn về sự đa dạng của bản dạng giới (ví dụ, về mặt phân chia) hơn là chỉ có hai nhóm. Từ đấy, nam giới tự do hơn trong việc thể hiện "tính nữ" của bản thân và nữ giới tự do hơn trong việc thể hiện "nét nam tính" của mình.
Hướng tiếp cận về mặt sinh học lại đưa ra giả thiết rằng, không có sự khác biệt giữa giới tính sinh học và giới tính định danh, vì thế, giới tính sinh học quyết định đến hành vi mỗi giới. Giới tính định danh được quyết định bởi hai yếu tố sinh học: hormones và nhiễm sắc thể.

Hormones

Hormones là những chất hóa học kì lạ sản xuất bởi các tuyến dọc khắp cơ thể và được vận chuyển trong mạch máu. Những hormones sinh lí giống nhau đều có ở cả hai giới, nhưng khác biệt về mặt lượng và sự tác động lên những phần khác nhau của cơ thể.
Testosterone là một hormones sinh lí, xuất hiện nhiều trong cơ thể của nam giới hơn phái còn lại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và hành vi cả trước và sau khi được sinh ra.
Testosterone, khi được tiết ra từ tử cung, dẫn đến sự phát triển của sơ quan sinh sản nam (vào tuần thai thứ 7) và tác động đến vùng dưới đồi (hypothalamus), kết quả là sự nam tính hóa trong não bộ.
Testosterone gây ảnh hưởng rõ ràng lên hành vi nam giới như tính gây hấn, tính cạnh tranh, khả năng về không gian và thị giác (Visuospatial abilities), nhu cầu tính dục cao hơn,... Một bộ phận của vùng dưới đồi trước (an area of the hypothalamus at the base of the brain) được gọi là nhân trước thị (the sexually dimorphic nucleus) ở nam giới lớn hơn nữ giới.
Cùng lúc đó, testosterone cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Não bộ được chia thành hai bán cầu, trái và phải. Bán cầu não trái ở người chuyên điều khiển các chức năng ngôn ngữ, và bán cầu não phải thiên về các kĩ năng phi ngôn ngữ và không gian.
Shaywitz et al (1995) đã chụp MRI để phân tích não bộ trong lúc những người nam và nữ hoàn tất các bài tập ngôn ngữ và nhận thấy rằng phụ nữ dùng cả hai bán cầu não, trong khi nam giới chỉ dùng bán cầu não trái.
Có vẻ như các bán cầu não ở nam hoạt động độc lập hơn so với giới còn lại, và testosterone đã ảnh hưởng đến sự phát triển thuận bên này (lateralization).

Nghiệm chứng

Tác động của testosterone đã được xác nhận trong các nghiên cứu động vật.
Quadango et al. (1977) phát hiện rằng khỉ cái được tiếp xúc có tính toán với testosterone trong thai kì trước khi được sinh ra sẽ có xu hướng nô đùa thô bạo và hung dữ hơn những cá thể cái khác về sau này.
Young (1966) đã thay đổi hành vi sinh lí của cả chuột đực lẫn chuột cái bằng cách điều khiển lượng hormones đực và cái mà các cá thể nhận được trong giai đoạn đầu phát triển

Chúng bộc lộ các hành vi tính dục "ngược" và những tác động đấy không thể thay đổi. Một số trạng thái vô sinh ở chuột cũng bị ảnh hưởng bởi sự tiếp xúc với testosteron xung quanh thời điểm sinh. Những trạng thái này bao gồm hành vi thăm dò, sự gây hấn và nô đùa.
Young tin rằng sự tiếp túc với testosteron đã gây thay đổi lên nhân trước thị (SDN) trong não, bởi chuột đực có SDN lớn hơn chuột cái. Các thí nghiệm đã được chứng minh là cho ra kết quả giống nhau.

Đánh giá quan trọng

Bởi nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm nên có giá trị sinh thái thấp. Ví dụ như, trong phòng thí nghiệm, hormones được tiêm vào với liều lượng cao. Trong khi ở đời thực, hormones thường do cơ thể tự tiết vào máu với xu hướng tăng dần. Vì vậy, kết quá này không không có tính phổ quát cao với cơ chế tự nhiên ngoài phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu này cũng dấy lên hồi chuông về vấn đề đúng đắn mặt đạo đức và/hoặc khoa học trong việc sử dụng động vật để nghiên cứu.
Cuối cùng, chính những nhà tâm lí học phải tự hỏi bản thân liệu có thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện trong các nghiên cứu của họ. Từ đấy, chúng tôi muốn nói rằng, mọi nghiên cứu sử dụng người hay các động vật khác đều cần được xem xét về mặt giá trị của kết quả so với cái giá phải trả cho nó (về mặt đạo đức lẫn kinh tế). Tiêu chuẩn cốt lõi là lợi ích đạt được phải cao hơn phí tổn. Nhưng lợi ích lại luôn hướng đến con người và thiệt hại đến động vật khác.
Chúng ta nên cảnh giác với việc mở rộng kết luận dựa trên kết quả của việc nghiên cứu động vật lên nhân loại. Bởi vì các đặc tính sinh lí (như não bộ) của loài người và các giống loài khác không tương đồng. Sự đa dạng về mặt xã hội và văn hóa loài người cũng phức tạp hơn để so với những phản xạ xã hội giữa các cá thể chuột. Hệ lụy của nó là những giá trị bên ngoài của nghiên cứu là thiếu tính chắc chắn. Tuy nhiên, một học cứu khác của Hines (1982) lại mang đến giả thuyết về tính khả thi của phổ quát hóa kết quả này lên con người.
Hines (1982) đã nghiên cứu các bé gái được sinh bởi những thai phụ được tiêm hormones nam trong thai kì để tránh việc sẩy thai. Và điều được nhận thấy là chúng hay gây sự hơn những bé gái bình thường khác. Hines kết luận rằng nhiều hơn testosteron trong tử cung đã gây ảnh hưởng đến hành vi sau này.

Nhiễm sắc thể

Cơ thể người bình thường có 23 bộ nhiễm sắc thể. Một nhiễm sắc thể là một cấu trúc mảnh dài chứ hàng ngàn giá trị gene - những đơn vị hóa sinh của tính di truyền và chi phối sự phát triển của mỗi con người.
Mỗi cặp nhiễm sắc thể điều khiển những khía cạnh khác nhau của sự phát triển, và giới tính sinh học được quyết định bởi cặp nhiễm sắc thể số 23. Về cơ bản thì nhiễm sắc thể trông giống với các kí tự X và Y.

- Nam = XY
- Nữ = XX

Gene SRY (Gene Y quyết định giới tính)

Vào khoảng tuần thai thứ 6, gene SRY ở nhiễm sắc thể Y dẫn đến việc tuyến sinh dục (cơ quan sinh dục) của phôi thai phát triển thành tinh hoàn.
Trong trường hợp phôi thai không có nhiễm sắc thể Y, thì nó sẽ không có gene SRY, dẫn đến việc phát triển cơ quan sinh dục thành buồng trứng.

Đôi khi nhiễm sắc thể Y khuyết thiếu gene SRY, hoặc nó không hoạt động. Bào thai sẽ phát triển và được sinh ra như một bé gái, và sau này là phụ nữ, nhưng nhiễm sắc thể cô ấy lại là XY. Những người như vậy vẫn rõ ràng là phụ nữ, với cả họ lẫn những người xung quanh.
Koopman et al. (1991) nhận thấy rằng chuột vốn là con cái xét về mặt di truyền sẽ phát triển thành chuột đực nếu gen SRY được cấy vào.
Một trong những ứng dụng gây tranh cãi của phát hiện này là trở thành công cụ xác minh giới tính tại các cuộc thi đấu Olympic, dưới một hệ thống được cung cấp bởi Liên đoàn Olympic Quốc tế vào năm 1992. Các vận động viên có gene SRY sẽ không được cho phép tham dự như một người nữ.

Các nhiễm sắc thể không điển hình

Những cá nhân có các nhiễm sắc thể không điển hình sẽ phát triển khác biệt với những cá nhân sở hữu nhiễm sắc thể điển hình, về mặt xã hội, thể chất và nhận thức.
Nghiên cứu những người mắc Hội chứng Turner hay Hội chứng Klinefelter có thể sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về giới, bởi bằng cách so sánh sự phát triển giữa những người có nhiễm sắc thể giới không điển hình và những người có nhiễm sắc thế giới điển hình, các nhà tâm lí học đã xác nhận được kiểu hành vi nào thuộc về di truyền học (như là, được quyết định bởi các nhiễm sắc thể).
Hội chứng Turner (XO) xảy ra khi nữ giới chỉ phát triển với duy nhất một nhiễm sắc thể X ở nhiễm sắc thể số 23 (tỉ lệ 1 trên 5000 người).

Sự thiếu vắng của nhiễm sắc thể X thứ 2 dẫn đến đứa trẻ có diện mạo của phái nữ nhưng không phát triển buồng trứng. Các đặc điểm vật lí của những cá nhân mắc Hội chứng Turner bao gồm việc không trải qua quá trình dậy thì có lớp da đai cổ (webbing of the neck).
Bên cạnh những sự khác biệt thể lí, cũng tồn tại những khác biệt về nhận thức và hành vi so với người bình thường. Những cá thể đấy có khả năng từ ngữ cao hơn nhưng khả năng tư duy không gian, hình ảnh và toán học thấp so với mặt bằng chung. Họ cũng gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội tại trường học và thường có liên kết quan hệ yếu với các đồng nghiệp.
Hội chứng Klinefelter ảnh hưởng đến 1 trong mỗi 750 nam giới. Bên cạnh việc sở hữu nhiễm sắc thể Y, những người này còn có thêm một nhiễm sắc thể X ở nhiễm sắc thể số 23, dẫn tới chỉnh hợp XXY.

Mặc dù có diện mạo đàn ông, nhưng tác động của nhiễm sắc thể X dư thừa hạn chế việc mọc lông và sự phát triển của cơ quan sinh dục ngoài. Triệu chứng rõ ràng ngay từ nhỏ, bởi bé trai có khả năng ngôn ngữ rất yếu. Có thể đứa trẻ vẫn chưa biết nói dù đã lên ba. Ở trường học, hạn chế ngôn ngữ này ảnh hưởng đến khả năng đọc của nhóm mắc bệnh.
Khi còn bé, đứa trẻ được mô tả là thụ động và biết hợp tác. Sự điềm tĩnh và nhút nhát này duy trì suốt cuộc đời của họ. Điều này gợi ý rằng mức độ tính gây hấn là một đặc điểm thiên về sinh học hơn là kết quả của các tác nhân môi trường.

Những giải thích về tiến hóa giới

Bởi hướng tiếp cận qua tiến hóa mang tính sinh học, nó đưa ra giả thuyết là các khía cạnh của hành vi con người đã được mã hóa bởi gene xuất phát từ sự thích nghi trong quá khứ hay hiện tại.
Một tuyên bố trung tâm bởi tâm lí học tiến hóa là não bộ (và tâm trí nữa) tiến hóa để giải quyết các vấn đề gặp phải trong xã hội săn bắt nguyên thủy trong giai đoạn Thế Canh Tân hơn 10000 năm trước.
Hướng tiếp cận từ góc độ tiến hóa tranh cãi rằng sự phân chia vai trò giới tính xuất hiện như một sự thích nghi với các thử thách phải đối mặt bởi những người thủy tổ trong môi trường của thích nghi mang tính tiến hóa (EEA).

Trí não, từ đấy, cũng được trang bị với những "bản năng" cho phép tổ tiên chúng ta sinh tồn và duy trì nòi giống.
Nhị phân giới tính phát triển theo những chiến lược khác nhau để đảm bảo sự thành công sinh tồn và duy trì nòi giống. Điều này giải thích lí do cho sự khác biệt về tâm lí giữa nam và nữ: họ có xu hướng đóng những vai trò xã hội khác nhau.
Để ủng hộ cho góc nhìn này, sự phân chia tầng lớp lao động đã được minh chứng là một ưu điểm. 10 ngàn năm trước, có sự phân hóa lao động giữa nam và nữ. Đàn ông là những người săn bắt, kiếm ăn, trong khi phụ nữ ở nhà đóng vai "thiên thần tại gia" và chăm sóc lũ trẻ.
Săn bắt yêu cầu tốc độ, sự nhanh nhẹn và nhận thức thị giác tốt. Nên đàn ông đã phát triển kĩ năng này.
Nếu như đàn bà đi săn, điều này sẽ làm suy giảm khả năng duy trì nòi giống của nhóm, bởi họ là người mang thai và sản xuất sữa. Tuy thế, những người họ có thể đóng góp phần quan trọng trong trồng trọt, dệt đồ hay làm chỗ trú ẩn và nhiều thứ khác. Điều này thúc đẩy khả năng thành công trong sinh sản nhưng cũng quan trọng trong việc tránh chết đói - một thuận lợi mang tính thích nghi khác.

Đánh giá quan trọng

Hướng tiếp cận tất định chỉ ra rằng dù là nam hay nữ thì cũng có ít lựa chọn về hành vi của họ: phụ nữ là những "người nuôi dưỡng" tự nhiên và đàn ông cũng có tính gây hấn và hiếu chiến một cách tự nhiên.
Kết quả là trong xã hội hiện đại, các chính sách bình đẳng cơ hội chịu kết quả thất bại bởi đàn ông "tự nhiên" đã hiếu chiến, ưa mạo hiểm và có xu hướng thăng tiến trong nấc thang sự nghiệp.

Tiếp cận giới qua Tiếp cận Sinh học xã hội

Góc nhìn sinh học xã hội (Money & Ehrhardt, 1972) là một hướng tiếp cận nơi cả yếu tố tự nhiên lẫn nuôi dưỡng đều có vai trò trong phát triển giới tính định danh. 
Lí thuyết của John Money's (1972) là một khi giới tính sinh học được định hình, những dán nhãn xã hội và sự khác biệt đối xử giữa nam và nữ tác động qua lại với các yếu tố sinh học để định hướng sự phát triển. 
Sự ưu tiên cho các vai trò giới được quyết định bởi một chuỗi sự kiện quan trọng:

- Tiền sản: sự tiếp súc với các hormones trong tử cung (quyết định bởi các nhiễm sắc thể). Nó tuyên bố rằng sinh vật học được quyết định bởi di truyền học, XY cho nam và XX cho nữ sẽ quyết định giới tính thể lí.
- Hậu sản: Phụ huynh và những nhãn dán hay phản ứng với trẻ dựa trên giới tính sinh học ngoài.
+ Phụ huynh và những người khác dán nhãn và bắt đầu phản xạ với trẻ dựa trên bộ phận sinh dục ngoài. Đó là lúc giới tính sinh học của họ bắt đầu được dán nhãn thông qua bộ phận sinh dục, sự phát triển giới tính định danh bắt đầu.
+ Những nhãn dán xã hội đối với một đứa bé như nam hay nữ dẫn đến cách đối xử khác nhau - điều gây nên cảm thức của đứa trẻ về định tính giới.
+ Các xã hội Tây phương xem giới tính định danh thành 2 mục rạch ròi, nam tính và nữ tính, đồng thời coi đàn ông và đàn bà là 2 loài khác nhau.
Cách chúng được đối xử trong xã hội kết hợp với giới tính sinh học ban đầu sẽ quyết định giới tính định danh của đứa trẻ.
Góc nhìn cho rằng giới tính con người là trung lập trước khi tròn 3 tuổi và có thể thay đổi, ví dụ một bé nam được nuôi dưỡng như một bé gái sẽ phát triển giới tính định danh của mình là nữ. Cái này được biết đến Thuyết Trung lập giới.

Nghiệm chứng

Rubin et al, 1974, đã phỏng vấn 30 phụ huynh và yêu cầu họ dùng các cặp tính từ để miêu tả những đứa bé của họ. Dù chẳng hề có sự khác biệt rõ rệt về kích thước của những đứa bé, các bậc phụ huynh vẫn tả một bé trai với sự hợp tác, khỏe mạnh và tính lanh lợi hơn là một bé gái. Điều này cho thấy rằng phụ huynh đã dán nhãn những đứa trẻ.

Tài liệu tham khảo

Feder, H. H., Phoenix, C. H., & Young, W. C. (1966). Suppression of feminine behavior by administration of testosterone propionate to neonatal rats. Journal of Endocrinology, 34(1), 131-132.

Hines, M. (1982). Prenatal gonadal hormones and sex differences in human behavior. Psychological Bulletin, 92(1), 56.

Koopman, P., Gubbay, J., Vivian, N., Goodfellow, P., & Lovell-Badge, R. (1991). Male development of chromosomally female mice transgenic for Sry. Nature, 351(6322), 117-121.

Money, J., & Ehrhardt, A. A. (1972). Man and woman, boy and girl: Differentiation and dimorphism of gender identity from conception to maturity.

Quadagno, D. M., Briscoe, R., & Quadagno, J. S. (1977). Effect of perinatal gonadal hormones on selected nonsexual behavior patterns: a critical assessment of the nonhuman and human literature. Psychological Bulletin, 84(1), 62.

Shaywitz, B. A., Shaywltz, S. E., Pugh, K. R., Constable, R. T., Skudlarski, P., Fulbright, R. K., ... & Gore, J. C. (1995). Sex differences in the functional organization of the brain for language.

Bài viết được dịch bởi Người Xấu Xí từ: Biological Theories of Gender và gần như chỉ mang tính cung cấp thông tin.
Kiến thức lẫn khả năng tiếng Anh yếu kém, mong mọi người góp ý.