Trước khi bước vào bài viết này, tôi muốn hỏi rằng:
“Bạn có ác không?”
Hẳn bạn sẽ trả lời là “Không”. Cái ác trong mắt bạn, là trộm cắp, giết người, là tham ô, hối lộ,.. những hành vi phạm tội nghiêm trọng. Bạn nào có làm những điều ấy! Nhưng có lẽ bạn không biết rằng, cái ác đơn giản lắm, âm thầm lắm. Nó vẫn đang diễn ra hằng ngày, trong chính chúng ta, trong chính xã hội này.
Bạn đã bao giờ bàng quan trước một sự bất công, từng im lặng trước một cái ác nhỏ hay hoảng sợ trước cái ác lớn? Bạn đã từng ngó lơ một sự thật, một nỗi oan khuất của người khác để đổi lấy bình yên cho mình?…
Đáp án cho câu hỏi tôi đặt ra nơi đầu bài, chỉ bạn có được.——————————————————
Những ngày gần đây, vụ việc của Công ty sách Nhã Nam khiến dư luận phẫn nộ. Đây không còn là bê bối đời tư của một cá nhân, mà đã trở thành một minh chứng rõ rệt cho sự xuống cấp đạo đức trong môi trường công sở. Vì sao lại như thế?
Tôi không bàn về hành vi QRTD của Nguyên Giám đốc Nhã Nam với nữ nhân viên hay lời xin lỗi thiếu chân thành và ngụy biện của ông, mà sẽ bàn về thái độ của tập thể trong công ty Nhã Nam trước vụ việc và tìm cơ sở để đưa ra quyết định, “Liệu bạn đọc có nên tiếp tục ủng hộ Nhã Nam?”
LỜI CẦU CỨU TRONG VÔ VỌNG VÀ "SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU"
Ảnh bởi
Jack Seeds
trên
Unsplash
Nhã Nam là một công ty sách, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hoá và xuất bản phẩm nổi tiếng - điều này đồng nghĩa với việc, phần lớn nhân viên làm việc tại Nhã Nam, họ là những người yêu sách.
Tôi đã luôn tin rằng, cộng đồng của những người yêu văn chương, nghệ thuật là cộng đồng của những con người thiện lương, của những trái tim biết đồng cảm. Bởi yêu văn, tức là yêu con người. Nhưng niềm tin ấy của tôi, đã vỡ vụn sau nhiều vụ bê bối của giới văn nghệ sĩ. Tôi nhận ra rằng, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tư cách đạo đức của một người, quyết định sự thiện - ác bên trong họ và “yêu văn học, nghệ thuật” chỉ chiếm phần thiểu số!
Về vụ việc tại Nhã Nam, tôi được biết, nữ nhân viên trong câu chuyện trên đã nhiều lần bị ông N.N.A quấy rối tình dục, nhưng điều đáng buồn ở đây, không phải cô không lên tiếng, mà là tiếng kêu cứu của cô đã bị xem nhẹ và ngó lơ!
“Khi phản ánh sự việc với một số quản lý cấp trung trong công ty, cô nhận được sự im lặng, hoặc thái độ coi thường mức nghiêm trọng của vấn đề, hoặc bao che, biện hộ.
Khi câu chuyện đã được nhiều nhân viên trong Nhã Nam biết tới hơn, một số người đã dũng cảm bảo vệ, ủng hộ dù biết bản thân là thiểu số, nhưng số đông còn lại vẫn tiếp tục những thái độ này, những cách phản ứng này, khiến nạn nhân tiếp tục chịu các tác động tiêu cực về tâm lý.
Đây chỉ là lỗi của một cá nhân? Mời các bạn tự có đánh giá của mình.”
(Giang Dang)
Có một câu hỏi trong email mà tác giả gửi cho Nhã Nam khiến tôi đau xót vô cùng: “Khi vui vẻ cầm những cuốn sách còn thơm mùi mực trên tay, có lúc nào trong đầu bọn em lóe lên hình ảnh của một con bé run lên vì sợ hãi và tức giận, khóc và gọi điện cầu cứu bạn khi vừa thoát khỏi phòng giám đốc lúc gần 8g tối?”
Như vậy, tiếng cầu cứu của cô nhân viên đã trở thành nỗi thống khổ tuyệt vọng giữa bầy cừu câm lặng.
IM LẶNG LÀ NGÔN NGỮ CỦA TỘI ÁC
Tôi hiểu, có nhiều lí do khiến người ta chọn im lặng. Cuộc sống ngày nay không còn đơn thuần với những lí tưởng cao cả và sự hy sinh thầm lặng nữa. Cơm áo gạo tiền, danh vọng - địa vị, những mối quan hệ xã hội đã khiến con người ta sẵn sàng làm lơ những vấn nạn xung quanh mình, để đổi lấy hai chữ “bình yên”.
Tôi không lấy làm lạ khi chứng kiến cái xấu vẫn diễn ra trước mắt mình mỗi ngày, mỗi giờ. Bởi lẽ, khi người ta thấy nhiều cái sai và không thể làm gì về nó, họ sinh ra cảm giác điều ấy là bình thường, khuyên nhủ những người đến sau chấp nhận hiện trạng ấy. Đấy như một cách họ tự an ủi bản thân, như để chứng minh cho mọi người thấy rằng, đó là cách tốt nhất để đối diện rồi, và họ đã nỗ lực hết sức rồi. Lời khuyên tôi thường được nghe nhất là, đừng sống lý tưởng quá, đời này chẳng đơn giản thế đâu!
Tôi thấy họ đã đúng. Bởi lẽ, có bao nhiêu lần nữa đứng lên phản kháng trước bất công, kết quả tôi nhận được cũng chỉ là bằng 0, và cái giá tôi phải trả, đắt hơn như vậy gấp nhiều lần.
Nhưng không vì thế mà tôi chọn im lặng. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu sức sát thương và nỗi cô độc khi phải đối diện với hai chữ “im lặng” lớn đến nhường nào! Tôi từng hy vọng nhiều, và cũng thất vọng nhiều. Nhưng tôi không giận cũng không oán trách, vì tôi hiểu, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để cất lên tiếng nói của mình.
Harun Yahya từng nói: “Sự im lặng tương đương với thỏa thuận với bất cứ điều gì bạn đã không nói ra”. Khi chúng ta chọn giữ im lặng khi đối mặt với cái ác sắp xảy ra hoặc thực sự đã xảy ra, chúng ta đã chứng thực sự xấu xa đó bằng sự im lặng của mình. Đó là lí do vì sao, tôi sẽ không bao giờ về phe của “bầy cừu”.
“Trong cuộc chiến không khói lửa giữa im lặng và lên tiếng này, ngay cả chiến thắng cũng không được định nghĩa rõ ràng.” - định nghĩa về thắng lợi của cuộc chiến này không nằm ở quan điểm mỗi cá nhân, mà nằm ở việc, kẻ làm sai bị trừng phạt và nạn nhân được “tha thứ cho chính mình”!
Không điều gì có thể bù đắp được những tổn thương của cô gái trẻ ấy, nhưng ít nhất, cô không còn mặc cảm tội lỗi về việc mình bị QRTD và biết rằng, câu chuyện của mình đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội, giúp những cô gái khác không rơi vào trường hợp tương tự.
Và Nhã Nam, chỉ là MỘT trong số rất nhiều những nơi mà người ta đang dung túng cho cái ác và dùng quyền lực để che đậy sự thật.
Thông điệp về sự thật, tiếng nói của chính nghĩa, sẽ phá vỡ sự im lặng của “ác quỷ”, giúp vạch trần sự dối trá, tà ác, bạo ngược. Cái ác không thể đứng vững trước sự thật, ngay cả khi cái ác dường như “rất mạnh mẽ” chống lại chúng ta.
KHÔNG LÀ SÓI, CŨNG ĐỪNG LÀ CỪU
Xã hội hiện đại cùng sự phát triển của công nghệ đã đẩy con người ta ra xa nhau, sợi dây liên kết vốn mỏng manh, nay lại càng trở nên trong suốt. Thật đáng buồn khi người ta không còn cảm thấy căm phẫn, ghét bỏ trước những cái xấu, cái tiêu cực mà cũng không cảm thấy hứng thú trước những điều tốt đẹp trong xã hội. Tôi lo ngại khi chủ nghĩa vật chất đang thắng thế, còn các giá trị tinh thần thì dần băng hoại.
Vậy nên, qua vụ việc lần này, tôi cảm thấy vui khi cư dân mạng đã thể hiện được sức mạnh của mình. Sự phẫn nộ của đám đông luôn là “con dao hai lưỡi”, nó có thể đẩy người ta vào chỗ chết, nhưng cũng có thể là đôi tay chìa ra cứu lấy sự sống của một người. Và trong trường hợp này, nó là vế thứ hai.
Tôi cảm động khi thấy các bạn đọc trẻ tuổi (như tôi) biết bức xúc và lên tiếng vì nạn nhân. Đó là sự an ủi rất lớn cho người bị hại. Thử hỏi, nếu không có cơn cuồng nộ của đám đông, liệu vụ việc có được phơi bày ra ánh sáng? Liệu ông GĐ có xin lỗi, hay Nhã Nam có đưa ra những thông cáo báo chí chính thức cho sai phạm này?
Dù vậy, bạn cũng đừng quên rằng, "Bức xúc không làm ta vô can"!
Bức xúc là một tinh thần tích cực vì nó đang chứng minh rằng con người không hề vô cảm, lạnh lùng trước những bất công trong cuộc sống. Nhưng sự bức xúc trở nên vô nghĩa nếu như nó chỉ là một cái mặt nạ bên ngoài, hoặc để ve vuốt cái tôi bên trong. Hãy “bức xúc” một cách đúng đắn, tức là hãy bình tĩnh, thấu hiểu và thực sự hành động! - TS. Đặng Hoàng Giang.
Thế nên, với vai trò là một độc giả, cũng là một người đã ủng hộ Nhã Nam từ rất lâu, tôi không cho phép bản thân đi ngược lại với lí tưởng và niềm tin ban đầu của mình về sách, về những người yêu sách. “Hành động” ở đây, đối với tôi, cụ thể sẽ là ngừng ủng hộ và mua sách của Nhã Nam. Bởi lẽ, ông N.N.A sở hữu đến 57,19% cổ phần của Nhã Nam nên tiền vẫn chảy vào túi kẻ ác, nếu chúng ta tiếp tục ủng hộ các ấn phẩm của đơn vị này. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về thuật ngữ "dollar voting" (sức ảnh hưởng của "sự tín nhiệm sản phẩm" đến khả năng tồn tại của sản phẩm trên thị trường)
Đây không phải là quyết định “đánh đồng” sai phạm giữa ông GĐ và Nhã Nam, mà là quyết định thể hiện sự tôn trọng đạo đức xã hội.
“Cộng đồng đọc sách Việt Nam cần Nhã Nam, nhưng đó phải là một Nhã Nam khác, một tập thể Nhã Nam có sức đề kháng trước các hành vi sai, một công ty Nhã Nam có văn hóa doanh nghiệp tôn trọng người lao động, dù ở vị trí thấp nhất.” (TS. Đặng Hoàng Giang)
Đây là sự việc đáng buồn cho một doanh nghiệp lớn và cũng là bài học cho tất cả chúng ta. Nếu không là sói - không thể lên tiếng, bảo vệ người bị hại, thì cũng đừng là cừu - im lặng trước cái sai. Hãy chọn cho mình cách thể hiện quan điểm văn minh và lành mạnh nhất.
210424
Hạ Nguyên