Tăng áp lực tĩnh mạch cửa trên người bệnh xơ gan là hậu quả của tăng kháng trở ở gan do biến dạng cấu trúc và co mạch trong gan. Sự tăng kháng trở này dẫn đến giãn mạch tạng từ đó làm tăng lưu lượng tĩnh mạch cửa và cuối cùng làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ngoài ra, giãn mạch tạng còn làm giảm thể tích tuần hoàn hữu hiệu từ đó kích hoạt các cơ chế bù trừ thể dịch gây giữ muối và nước từ thận, tăng thể tích huyết tương cũng như cung lượng tim từ đó càng làm tăng lưu lượng và áp lực tĩnh mạch cửa, tạo thành một vòng xoắn bệnh lý.
Thuốc chẹn beta không chọn lọc (NSBB) là lựa chọn đầu tay trong kiểm soát tăng áp lực tĩnh mạch cửa trên người bệnh xơ gan. Ngược lại với thuốc chẹn beta chọn lọc chỉ có ái lực trên thụ thể β1 trên tế bào cơ tim, NSBB như propranolol hoặc nadolol có ái lực tương đương đối với thụ thể β1 (giảm cung lượng tim) và β2 (co mạng tạng). Ngoài ra, NSBB mới như carvedilol có khả năng chẹn thụ thể α1 làm giảm kháng trở ở gan từ đó góp phần làm giảm thêm áp lực tĩnh mạch cửa. Hiện tại, NSBB được khuyến nghị trong cả dự phòng tiên phát và thứ phát xuất huyết tiêu hóa do dãn vỡ tĩnh mạch thực quản, tuy nhiên việc sử dụng NSBB vẫn còn gặp nhiều e ngại đặc biệt trên người bệnh xơ gan cổ trướng do nguy cơ giảm tưới máu thận gây tổn thương thận cấp.
Bài review của American Association for the Study of Liver Diseases vào tháng 03/2022 nhắc lại kiến thức cơ bản về sinh bệnh học của tăng áp lực tĩnh mạch cửa trong xơ gan, vai trò và vị trí của NSBB trong các giai đoạn xơ gan cũng như phân tích ưu và nhược điểm của NSBB so với thủ thuật thắt búi tĩnh mạch thực quản. Đồng thời, các tác giả cũng bàn luận về việc chuyển hướng mục tiêu điều trị từ đơn thuần dự phòng biến chứng xuất huyết tiêu hóa thành ngăn chặn tiến triển của bệnh thông qua khởi động NSBB ở những giai đoạn sớm.
Link: