SỰ CÔ ĐƠN TRONG TÂM TRÍ SÁNG SUỐT CỦA TRIẾT HỌC KHẮC KỶ
Bài thi viết “Triết học thực hành trong đời sống”
Khi covid ập đến và làm thay đổi những gì mà ta đã luôn coi là đương nhiên, ta cảm thấy xa lạ với chính mình khi điều cần tách rời đám đông thay vì kết nối, chúng ta có đang tự vấn về về sự cô đơn của mình?
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê êm đềm, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ cũng làm cuộc sống của tôi ngày đó đảo lộn. Tôi thích một người bạn học chung nhưng không thể gọi tên cảm xúc của chính mình vậy nên cũng chẳng bao giờ nói ra, nhưng những sự giận dỗi và những xích mích dù nhỏ ngày đó cũng làm cho tôi rối bời trong một mớ hỗn lộn những suy nghĩ của tâm trí. Khi người ta không biết mình là ai và cũng không thể khám phá bản thân nhiều hơn, dĩ nhiên là ta phải vật lộn với sự đơn độc, về những điều hạnh phúc bé nhỏ và cả về những cuộc chiến bên trong mình.
Tôi đã hình thành nên được những khái niệm đầu tiên về bản ngã và hạnh phúc trong triết học khi rời quê lên thành thị. Hạnh phúc là đấu tranh, một cuộc chiến để tìm kiếm bản ngã và chỗ đứng không ngừng. Dòng nước trong triết học chủ nghĩa duy vật hôm nay cũng khác với dòng nước ngày mai, vậy nên không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Ngày đó tôi đã hiểu như thế, và dù muốn hay không, không thể sống trong ngày hôm nay như đã sống như hôm qua. Vậy thì tôi cần tìm kiếm và khám phá những giới hạn của bản thân để có thể là phiên bản tốt nhất. Rõ ràng là triết học Mác-Lê những tháng năm giảng đường đại học cũng giúp tôi mạnh mẽ sống với một chút ngạo mạn và rất nhiều chênh vênh như thế. Thẳng thắn mà nhìn nhận, thì những trụ đỡ về triết học ngày đó cũng giúp tôi ít nhiều trong tìm kiếm một chút lối đi cho một đoạn đời, là niềm tin cho cái tôi nhiều nhiệt huyết nhưng rất thiếu kinh nghiệm sống.
Nhưng triết học những năm mới vào đời đó đã không bao giờ đủ để tôi khỏa lấp nỗi buồn của sự cô đơn và những bất định trong tôi, nó cũng không cho tôi một trụ đỡ khoa học để tôi nhìn nhận bản thân và trụ đỡ về tinh thần trong hành trình tôi đi tìm tôi.
Những tháng năm tôi cảm thấy trống trải vì cô đơn và lạc lối tiếp theo của cuộc đời là khi du học và ở lại làm việc ở nước ngoài. Tôi đã tìm đến tôn giáo với ước mong tìm được một đấng tối cao để tin cậy, một cộng đồng mà tôi có thể thuộc về. Những điều kỳ diệu đó đã không đền với tôi mà nó kết thúc trong một nỗi ê chề. Năm tôi vào lớp 1, cả xóm tôi không có nhà nào có điện, một gia đình khá giả nhất bắt được điện từ thị trấn gì đó và chúng tôi chạy ra xem ánh đèn điện ra sao trong niềm háo hức, và cũng chẳng dám vào trong mà chỉ dám đứng ngoài đường. Hai quãng đời đó như hai thế giới khác nhau trong cùng một tôi. Tôi đã cảm thấy xa lạ với chính bản thân mình và tự hỏi sao cuộc sống lại thành ra như thế này. Đúng vào những tháng năm tuổi trẻ với cái tôi nhiều xấu xí và hẹp hòi đó, tôi theo đuổi giấc mơ về nghề nghiệp và cũng đã chủ động tìm đến triết học nói chung và chủ nghĩa khắc kỷ nói riêng, và mang nó vào cuộc đời mình.
Không phải ngẫu nhiên mà Châu Âu từ lâu đã đặt triết học là môn bắt buộc ở trường từ bậc Trung học. Những nhà triết học khai sinh ra chủ nghĩa khắc kỷ như Seneca lại đem triết học chủ nghĩa khắc kỷ là một công việc toàn thời gian, một thứ có thể học và rèn luyện suốt đời thay vì chỉ là sở thích.
Giờ đây khi đã trải qua nhiều sự thất bại, triết học mang đến cho tôi nhiều sự bình an, nội tâm phong phú và thanh thản dù thế giới thay đổi như thế nào. Đó là cách để sống ngay thẳng và liêm chính với niềm tự hào về quê hương và gia đình, đó là một tâm trí sáng suốt để nhìn nhận với những tổn thương, những nỗi sợ không định hình như là sự cô đơn.
Sống trong thế giới mà sự chú tâm của con người bị cướp đi bởi những người làm sáng tạo, những mạng xã hội, những nhãn hàng. Tâm trí chúng ta thực sự rất yếu ớt và luôn có nhu cầu được giải trí và thoải mái. Nhưng những sự giải trí đó có thực sự làm chúng ta thoải mái hơn và từ đó sáng suốt hơn? Với một nội dung tôi cảm thấy phẫn nộ và sai trái, tôi đã từng sẵn sàng dành thời gian để phẫn nộ, giận giữ và cả những phản bác. Nhiều người khác tiếp tục cứ như thế bị cuốn theo bởi những tương tác đó. Giờ này tôi đã có thể mỉm cười lặng lẽ để ngừng theo dõi nội dung này và dành thời gian cho gia đình, dành tâm trí của bản thân cho những cảm xúc nội tại mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Bởi vì thế giới là một trường năng lượng khổng lồ, hãy dành những nguồn năng lượng tích cực nhất cho nhau, và từ đó ta trao đi nhận thức quan về thế giới trong an lạc.
Nếu một buổi sáng ngày mai thức dậy, tôi vô ý làm bể chậu cá cảnh mà tôi đã dày công chăm sóc, hay tệ hơn là đi ra ngoài đường và dẫm ngay đống phân chó, tôi cũng sẽ chỉ nhìn nhận việc đó như bản chất của nó, tôi sẽ không dành cho mình những bực dọc và tức giận để làm mất đi một ngày vui vẻ. Triết học của chủ nghĩa khắc kỷ rất gần gũi với cuộc sống khi tôi nhìn lại những tổn thương và sai lầm tôi đã tự tạo ra cho mình. Không ai có thể làm chúng ta bực mình hay tổn thương. Chúng ta không thể điều khiển được hành vi và ngôn từ của người khác, nhưng điều duy nhất ta luôn có thể làm là lựa chọn cách phản ứng với nó. Với những tình huống khó khăn, hãy lùi lại một bước để có sự điềm tĩnh và cái nhìn bao quát hơn, rộng hơn.
Tâm trí sáng suốt mà chủ nghĩa khắc kỷ soi sáng và giúp tôi nhìn nhận lại về sự cô đơn. Và hóa ra tôi đã không biết, tôi đã không hiểu về sự cô đơn như tôi vẫn nghĩ.
Tôi đã gắn trạng thái cô đơn của tôi của mình với nhiều cảm xúc, nhiều thứ tiêu cực. Nhưng thực tế thì sự cô đơn giúp tôi đối diện nhiều hơn với chính mình, để biết được những tổn thương, những niềm đau và nỗi sợ. Trải nghiệm về sự cô đơn và nhìn nhận nó như những cảm xúc khác đã giúp tôi có nhiều sự sáng tạo và năng lượng hơn trong công việc. Tôi cũng đã có nhiều phát kiến và đóng góp hơn cho cộng đồng và nơi tôi làm việc.
Trạng thái cô đơn thực sự là một tài sản mà ta có trong một quãng đời, và nó cũng có thể là một điều tốt đẹp, tùy vào cách chúng ta đối diện với nó.
Nhiều người trong thế hệ công dân toàn cầu như tôi coi sự dịch chuyển là thước đo của sự trải nghiệm và của sự kết nối. Những sự dịch chuyển đó đã không giúp tôi có nhiều trải nghiệm sâu sắc và thoát ra được cảm giác tệ hại về sự cô đơn. Tôi lại cho rằng nhìn lại bản thân, dừng lại và suy nghĩ, làm quen với sự cô đơn và học cách yêu thương chính bản thân mình mới chính là cách để thoát ra nỗi ám ảnh về sự cô đơn.
Nhìn lại những tháng năm tôi để mặc cuộc đời đưa đẩy, tôi nghiệm ra rằng nếu như tôi đã trang bị cho mình những sự rèn luyện và tư duy triết học cần thiết để chuẩn bị cho những điều có thể xảy ra, tôi đã có thể tự lèo lái số phận và cuộc đời mình theo cách tôi muốn tốt hơn. Dù có vẻ như tôi đã may mắn trong đời, nhưng ngoài kia có biết bao nhiêu người đang bị cuốn đời xô đẩy và không được may mắn như tôi. Vào những năm khi covid ập đến và làm thay đổi những gì mà chúng ta đã coi là đương nhiên, tôi tin rằng cần lắm những sự chiêm nghiệm về trạng thái cô đơn. Cần lắm những phút đắm mình trong triết học về chủ nghĩa khắc kỷ và những lá thư đạo đức, về những phẩm cách tối quan trọng của con người là sự chính trực, lòng can đảm, sự chuẩn tắc và trí tuệ của Seneca. Đó thực sự là những điều hữu ích.
Tokyo ngày 9 tháng 8 năm 2021
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất