SỰ CHIỀU CHUỘNG GIẾT CHẾT NỖ LỰC
Thế giới này có rất nhiều muộn phiền, đôi khi sự phiền muộn của người khác phải để họ tự mình trải qua thì họ mới có được bài học cuộc sống của chính mình.
Sau những giai đoạn khó khăn về kinh tế và cuộc sống ở Việt Nam thì mọi thứ đã trở nên dễ thở hơn với Gen Z. Tiền bạc thì thoải mái hơn, cái ăn cái mặc cũng được chuyển từ ăn no mặc đủ sang ăn ngon mặc đẹp. Và thế là mọi người tin chắc rằng một thế hệ trẻ “yếu đuối” với đủ căn bệnh tâm lý.
Bản thân tôi là người luôn cố gắng tìm hiểu về bệnh tâm lý để truyền tải cho tất cả mọi người, vì nó là những căn bệnh có thật và nó tồi tệ hơn các bạn nghĩ rất nhiều. Một trong những khổ sổ nhất của người bị tâm lý đó là luôn nhận được lời khuyên của những người chưa từng trải qua cảm giác bệnh tâm lý.
Chúng ta luôn có xu hướng phóng đại hóa cảm giác của mình và đơn giản hóa cảm giác của người khác. Ví dụ như khi mà chúng ta thất tình, thất nghiệp và mất tiền, cảm giác của chúng ta lúc đó cực kì tồi tệ, nhưng chúng ta đều vượt qua được và khi ai đó rơi vào tình trạng tương tự thì lời khuyên của chúng ta luôn là “rồi sẽ qua thôi”. Hay đại loại như “Mình trải qua rồi, mình hiểu cảm giác đó, nhưng mà rồi chắc chắn là nó sẽ qua thôi.” Và đúng là nó qua thật, nhưng là với bạn chứ không phải là một người bị mắc bệnh trầm cảm.
Đó cũng là một khía cạnh khiến tâm lý là một phạm trù rất thú vị vì mỗi một con người sẽ có một nền tảng tâm lý khác nhau. Có người thì yếu đuối, nhạy cảm, có người thì cực kì lạnh lùng, sắt thép. Về cơ bản thì những nền tảng tâm lý cũng dựa vào môi trường sống và quá khứ của người đó, nhưng mà đa phần là yếu tố tự nhiên và thiên về EQ. Và đương nhiên, tâm lý mạnh thì cũng cần rèn luyện, và những người đang có tâm lý nhạy cảm thì lại còn cần điều đó hơn cả, nhưng mà không phải ai cũng chỉ cần chịu khổ là có tâm lý cứng được. Mỗi một người đều sẽ có một hành trình vượt qua khó khăn và rèn luyện riêng cho mình. Đôi khi những lời khuyên chỉ có tác dụng ngược lại với những người có tâm lý nhạy cảm.
Bạn có thể hiểu người bị trầm cảm đơn giản hơn một chút như, nếu bạn trải qua cảm giác đau khổ ở một thời điểm nào đó, ví dụ thất tình chẳng hạn. Vào khoảng thời gian bạn thất tình, bạn cảm thấy cả thế giới như sụp đổ. Bạn khóc lóc, buồn bả, bỏ ăn bỏ uống đủ kiểu trên đời. Sau vài chừng 2 3 tháng thì bạn bắt đầu ổn định lại, khi nghĩ về quãng thời gian trước đó bạn sẽ chỉ cười trừ với một nỗi buồn còn hơi man mác trong lòng. Còn người bị trầm cảm thì cảm giác cả thế giới như đang sụp đổ đó sẽ kéo dài ngày này sang ngày khác mà không vơi đi được một chút nào. Nỗi đau khổ đó sẽ bám theo họ day dẳn từng giờ từng phút trong một khoảng thời gian rất dài để khiến cho họ suy sụp, chán ăn, mất ngủ và thậm chí là ảnh hưởng đến sự tập trung và tiết ra chất serotonin. Vượt qua với họ cần có những người hướng dẫn đúng đắn để gỡ rối vướng mắc trong lòng, đặc biệt là nếu nặng hơn thì có thể điều trị với cả thuốc tăng serotonin.
Và nếu chúng ta chưa từng trải qua cảm giác của họ, những lời khuyên sẽ cực kì nguy hiểm vì có thể khiến họ trở nên suy sụp hơn.
Về việc đưa ra lời khuyên thì mình sẽ có một bài viết khác. Riêng bài viết này thì mục tâm lý mình chỉ đề cập nhẹ để mọi người có một góc nhìn rõ ràng hơn là bệnh tâm lý là có thật, nhưng mà đồng thời sự chiều chuộng cũng là một vũ khí chết người mà khiến cho một người mất đi nỗ lực.
Khi mọi thứ đều đủ đầy, con người sẽ có xu hướng tìm kiếm những thứ gì đó tốt hơn, và hoàn thiện bản thân hơn. Đó là một quy luật sống mà rất nhiều người đều đang hướng tới, nhưng mà không phải bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có đủ dũng khí và can đảm để đối diện với những thứ không dễ chịu.
Ví dụ như bạn đang ở trong phòng máy lạnh mát mẻ thoải mái, bạn sẽ chẳng bao giờ muốn lết xác ra khỏi nhà để tham gia mấy cái workshop cách xa nhà tận hơn 20 phút lái xe dưới cái nắng nóng đổ lửa cả. Sự thoải mái sẽ khiến cho cơ thể của chúng ta lười, và não bộ của chúng ta cũng phát lười vì sự thoải mái.
Tương tự với sự chiều chuộng, nếu mọi thứ đều có sẵn thì sẽ gây ra tình trạng là ngại khổ sở để có được. Và một số đứa trẻ sẽ dựa vào đó để không chịu cố gắng. Mọi thứ xảy ra không theo như mong muốn sẽ phát quạo và bực bội, đôi khi sẽ dẫn đến tình trạng bất mãn đến mức sinh ra những căn bệnh tâm lý, hoặc họ sẽ dùng hiểu biết của mình để giả bệnh.
Những người như thế thì triệu chứng của họ sẽ gần như giống với người bị tâm lý, cũng là tự đánh bản thân, cũng là đòi sống đòi chết, và không quan tâm đến bản thân nữa.
Nếu bạn là người ở cạnh người đó, thì phần trăm bạn bị lừa là rất cao. Vì chúng ta luôn bị cảm xúc chi phối, khi người thân hay bạn bè thân cận gặp những vấn đề như thế, ai trong chúng ta cũng sẽ rất dễ cảm thông và bị ảnh hưởng. Đó là một cách để họ lợi dụng để thao túng tâm lý của người khác để đòi hỏi những gì họ mong muốn. Cũng không ngoại trừ trường hợp người đó bệnh thật.
Về bản thân tôi, tôi sẽ khuyên là chúng ta nên hãy để cho họ có một khoảng thời gian một mình. Lúc này người được chiều chuộng sẽ làm đủ mọi cách để chúng ta không thể rời đi, đe dọa rằng mình sẽ tự sát hoặc làm mình làm mẩy, nói chung là có rất nhiều cách. Và chúng ta cũng cần một cái đầu lạnh để tỉnh táo suy xét vấn đề. Hãy nghĩ xem gia cảnh của người đó thế nào, bạn bè xung quanh họ ra sao. Nếu họ thật sự là một đứa trẻ được nuông chiều, hãy cố gắng tàn nhẫn để họ một mình một khoảng thời gian. Vì đó là cách tốt nhất để bản thân được suy nghĩ thật kĩ cách giúp đỡ họ, và họ cũng có thời gian để suy xét về hành vi của mình. Đôi khi sự dứt khoát lại là một điều đúng đắn dành cho những đứa trẻ được chiều hư. Đặc biệt là hãy nhìn lại những gì người đó có, đúng là giàu thì khó có bệnh, nhưng mà phải coi xem người đó là tự thân giàu hay là quá đầy đủ để mà sinh ra lười biếng. Những nỗ lực cơ bản mà chúng ta nên có luôn cần một đòn bẩy, và nếu những đứa trẻ được chiều hư thì sẽ chẳng bao giờ có được đòn bẩy đó nếu chúng ta không tuyệt tình và để họ được trải qua những nỗi đau mo65tmi2nh.
Ngoài ra đừng dựa hết vào chuẩn đoán tâm lý của bác sĩ, bởi vì vốn dĩ ai trong chúng ta cũng mắc một vài bệnh tâm lý dạng nhẹ như rối loạn lo âu hay stress quá độ. Nên những chuẩn đoán y khoa chỉ có thể làm tài liệu tham khảo, và tìm cách để đối xử với họ.
Lý do tôi viết ra bài viết này là vì có rất nhiều người hiện nay đang hiểu rất nhiều về bệnh lý và dựa vào đó để thao túng tâm lý của người khác. Buồn thay tôi cũng là một trong những nạn nhân, và tôi biết là thật ra việc giúp một người bị bệnh tâm lý thật đã khó, giúp một người chỉ thích sự chiều chuộng giả bệnh lại càng khó khăn hơn.
Tốt nhất vẫn là hãy sống vì chính mình, bản thân chúng ta có một tâm lý vững vàng thì mới có thể giúp đỡ người khác. Nếu không người bệnh tiếp theo sẽ là bạn. Những gì tôi viết ở đây không hề có ý định quy chụp bất kỳ ai, nhưng tôi cũng hy vọng không ai trong chúng ta đem những chứng bệnh ra để níu kéo một mối quan hệ trên bờ sụp đổ hay để đòi hỏi những thứ mình không có được.
Bệnh tâm lý là có thật, nhưng người bị bệnh thì có thể là giả, và những hành động như thế chỉ khiến người bệnh thật càng thêm khổ sở vì chẳng ai sẽ tin họ nữa.
Giúp đỡ người khác là tốt, nhưng hãy luôn vì chính mình để tìm cho mình một khoảng lặng bình yên và một cuộc sống vui vẻ. Thế giới này có rất nhiều muộn phiền, đôi khi sự phiền muộn của người khác phải để họ tự mình trải qua thì họ mới có được bài học cuộc sống của chính mình.
Có người bảo chúng ta hoàn toàn có thể học được kinh nghiệm sống bằng cách rút kinh nghiệm từ người khác, nhưng sự trưởng thành không phải chỉ cần học là được, chúng ta còn phải biết thực hành trong chính cuộc sống của chính mình. Hãy nhìn vào những lần bạn chuẩn bị tâm lý rất vững vàng cho sự chia ly, nhưng khi người đó bỏ đi. Bạn có suy sụp không?
Chúc các bạn có thể tìm cho mình một người bạn thật sự đáng tin cậy để tâm sự những nỗi buồn của mình, và mình nói thật, nỗi buồn nào cũng tệ cả, và chẳng ai có thể giúp bạn vượt qua bằng chính bạn đâu. Nên, hãy mạnh mẽ và chấp nhận vài sự kiện đau buồn để trưởng thành hơn nhé.
-Lâm Duệ Nghi-
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất