practical psychology - youtube
Ý tưởng về sự bất lực tự luyện (learned helplessness) là một nền tảng quan trọng trong rất nhiều lý thuyết và khái niệm của tâm lý học. Kể cả ở ngoài lĩnh vực, nó cũng được biết tới một cách rộng lớn. 

Nó cung cấp lời giải thích cho những hành vi kỳ quặc và phản tác dụng của con người. Như tại sao nạn nhân thường không nỗ lực để chống lại sự lạm dụng, hay việc bất lực tự luyện ảnh hưởng tới học tập thế nào và quan trọng hơn - những xiềng xích vô hình được đeo vào trong tâm trí chúng ta.
Hãy bắt đầu tìm ra nó.

1.Sự bất lực tự luyện là gì? (0)


Được biết tới như một hiện tượng quan sát được ở cả người và động vật khi quen với đón nhận nỗi đau, cực khổ, sự không thoải mái mà không có lối thoát nào (Cherry, 2017). Cuối cùng thì, khi đã đủ mức độ, con vật sẽ thôi cố gắng né tránh nỗi đau, dù cho thực sự có cơ hội để trốn thoát.

Khi mà con người hoặc động vật hiểu (hoặc tin rằng) không thể kiểm soát được những gì đến với mình. Họ sẽ bắt đầu nghĩ, cảm nhận và hành động như thể họ thực sự bất lực (dù cho sự thật không phải vậy). 

Thí nghiệm ban đầu hình thành nền tảng cho học thuyết này được thực hiện bởi hai nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven Maier vào những năm 60 của thế kỉ trước. 

Maier và Seligman đã kiểm tra phản ứng của lũ chó với các cú sốc điện. Vài con chó nhận điện giật mà chúng không thể dự đoán hay kiểm soát. 

Các chú chó sẽ được đặt vào một cái hộp với hai buồng bị chia cắt bởi một hàng rào thấp. Một buồng với sàn nhiễm điện. 
Google
Khi hai nhà nghiên cứu đặt các chú chó vào buồng nhiễm điện và bật. Họ để ý thấy một điều kỳ lạ rằng một vài con còn không cố gắng để nhảy qua hàng rào thấp tới phòng an toàn bên cạnh. Hơn nữa, đó là những con trước đó nhận sốc điện mà không có cách nào chạy thoát. Những con nhảy sang thì thường không nhận hình phạt như vậy trước đó. 

Để tiến xa hơn, họ đã tập hợp một đợt chó mới và chia thành 3 nhóm: 

Bị trói vào dây mà không nhận bất cứ cú sốc điện nào trong một khoảng thời gian. Cũng bị trói vào dây nhưng nhận sốc điện mà chúng có thể tránh được bằng cách dùng mũi để ấn nút. Bị trói vào dây tương tự hai nhóm kia nhưng bị giật cho lông dựng đứng mà không có cách nào thoát được. 

Sau khi hoàn thành thí nghiệm đầu tiên, tất cả số chó sẽ được để vào hộp với 2 buồng (cùng một lúc). Chó nhóm 1 và 2 đã nhanh chóng nhận ra chỉ cần nhảy qua hàng rào thấp sẽ sang buồng an toàn bên cạnh. Nhưng hầu như tất cả chó nhóm 3 còn không có chút nỗ lực nào để tránh sốc điện. Vì dựa vào thí nghiệm đầu, chúng đã học được rằng chúng chẳng thể làm gì để thoát khỏi sốc điện cả dù hiện tại hoàn toàn có thể. 

Thí nghiệm tương tự cũng được thực hiện với chuột. Họ chia chúng thành 3 nhóm: 

một nhóm nhận sốc điện có thể tránh được bằng cách đè đòn bẩy trong hộp. Một nhóm nhận sốc điện cũng có đòn bẩy để đè nhưng đè xong thì vẫn nhận. Một nhóm thái bình. 
Google
Sau khi xong thí nghiệm đầu, cả 3 nhóm được đặt vào trong một hộp sốc điện và có thể đè đòn bẩy để thoát. Không ngoài dự đoán, nhóm 2 một lần nữa đứng im chịu trận trong khi hai nhóm còn lại giải thoát thành công. Những chú chuột ở nhóm 2 đã cho ta xem hành vi căn bản của sự bất lực tự luyện: Ngay cả khi có đủ năng lực để chạy trốn nỗi đau, họ sẽ không làm vậy. 

Chuyện này còn được nhìn thấy trên việc huấn luyện voi. Khi các chú voi còn ở bản đôn và chưa có vòi thì một chân chúng bị buộc vào một điểm. Ban đầu thì cố gắng chạy thoát trong hàng giờ, thậm chí hàng ngày. Nhưng cuối cùng thì, chúng sẽ chấp nhận phạm vi di chuyển bị cố định bởi dây cáp.

Khi chúng lớn lên, sức mạnh vượt xa ngưỡng để phá dây, chúng cũng không làm vậy. Vì đơn giản trong quá khứ voi đã học được rằng mọi nỗ lực đều vô dụng
Trangtamly.blog
Thí nghiệm cực đoan như vậy chưa từng được thực hiện trên con người (cũng như không nên). Những thí nghiệm khác nhẹ nhàng hơn thí nghiệm trên chúng ta cũng ra kết quả tương tự, dù phản ứng có phần phức tạp hơn và dựa vào vài yếu tố khác biệt - vẫn cho thấy giống loài tự nhận tinh khôn này không khác là mấy so với chó, mèo, chuột và các loài động vật khác. 

Một thí nghiệm được thực hiện vào năm 1974, tại đó, những người tham gia được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 phải chịu một tiếng ồn lớn và chói tai, nhưng có thể chấm dứt bằng cách ấn nút 4 lần. Nhóm 2 cũng chịu tiếng ồn tương tự nhưng nút bấm chỉ là cú lừa. Nhóm 3 được hưởng sự bình yên. 

Sau đó, cả 3 nhóm lần nữa phải chịu tiếng ồn và được cung cấp một cái hộp có bảng điều khiển - thứ có thể giúp họ tắt đi tiếng ồn. Tương tự như thí nghiệm với động vật, nhóm 2 có xu hướng không cố gắng để chấm dứt tiếng ồn. Trong khi hai nhóm còn lại tìm lại cho mình sự yên tĩnh một cách nhanh chóng. 

Từ các thí nghiệm trên, có lẽ điều khiến chúng ta chú ý là những "cú sốc" không thể tránh khỏi. Rõ là, những cú sốc là giống nhau về mặt vật lý, nhưng lại có tác động khác biệt. Seligman và Maier đã tự hỏi những con vật đã học được điều gì? Và làm thế nào chúng học được sự thật về các cú sốc? 

Sau khi quan sát nhiều thí nghiệm khác của Rescola - một người đồng nghiệp. Seligman và Maier cuối cùng đã kết luận rằng con vật đã học được rằng phản ứng chạy trốn và việc chấm dứt sốc là không liên quan tới nhau (7). Điều này đòi hỏi các sinh vật phải rút ra kết luận từ phản ứng của mình (vô thức). Seligman cho rằng chúng thấy việc chạy trốn và nằm im dẫn đến một kết quả giống nhau - tức bị pikachu chích. Thứ, được gọi là "sự kiểm soát của hành vi lên các sự kiện môi trường xung quanh". Điều đó khiến chúng cho rằng hành vi chạy trốn không thể kiểm soát môi trường. 

Nhưng điều này vẫn chưa giải thích được tại sao sinh vật không thể học được cách thoát thân. Điều này được lý giải rằng việc "học" đã gây ra sự đứt đoạn trong mối liên kết giữa chấm dứt sốc và phản ứng thoát hiểm (tức khiến phản ứng có điều kiện này không hình thành) - đây là suy giảm mặt nhận thức (8). 

Vào đầu những năm 70, Jay Weiss đã bổ sung thêm giải thích dưới góc độ hóa chất thần kinh. Cụ thể, việc phải chịu các cú sốc không thể tránh khỏi đã kích hoạt fight-flight của sinh vật, khi các cú sốc kéo dài, là lúc fight-flight đi vào giai đoạn kiệt sức (đọc thêm ở phần 2 bên dưới). Lúc này, các chất truyền dẫn thần kinh bị cạn kiệt, điển hình như norepinephrine - cần thiết cho quá trình chuyển động (9). Từ đó suy giảm về mặt động lực và cảm xúc. 

Seligman và cộng sự cho rằng khi ép buộc những người tham gia vào một tình huống họ không thể kiểm soát sẽ dẫn đến sự suy giảm của 3 thứ: động lực, nhận thức và cảm xúc. Nhận thức liên quan tới việc nghĩ  rằng tình huống là không thể kiểm soát. Động lực đề cập tới việc chủ thể thiếu các phản ứng với những phương pháp có thể giúp họ chạy trốn khỏi trạng thái tiêu cực. Cuối cùng, xúc cảm là những trạng thái đau khổ dâng lên khi chủ thể cảm thấy anh ta mất kiểm soát với tình trạng bản thân. 

Tóm lại, sự bất lực tự luyện là một xiềng xích vô hình được cài vào tâm trí. Sự ảnh hưởng của nó lên chúng ta là từ dễ nhận biết như các trường hợp bị lạm dụng trong thời gian dài, cho tới tinh vi hơn như là trong việc phát triển bản thân. 

2. Một mô hình về trầm cảm


Để hiểu tại sao lại có sự suy giảm trên, ta cần nhắc tới general adaptation syndrome (GAS), được biết tới như là một lý thuyết về fight-flight. Trong đó chia làm 3 giai đoạn: (1)

Giai đoạn báo động: ở giai đoạn này thuần túy là những thay đổi trong cơ thể khi đối mặt căng thẳng - thứ mà khả năng cao bạn đã quen thuộc như tiết ra cortisol, tăng nhịp tim, đổ mồ hôi, ... 

Giai đoạn kháng cự: sau cú sốc ban đầu khi đối mặt với một sự kiện gây căng thẳng, cơ thể bắt đầu tự cân bằng bằng cách bình thường hóa nhịp tim, tiết ít cortisol hơn. Tuy nhiên, cơ thể vẫn còn cảnh giác cao độ cho đến khi vấn đề kết thúc. Trong trường hợp căng thẳng tiếp tục kéo dài, cơ thể sẽ thay đổi để học cách thích nghi với căng thẳng. Tại lúc này, tinh thần thậm chí không nhận thấy căng thẳng nữa nhưng cơ thể vẫn tiếp tục phản ứng với kích thích từ hormone. Điều này có thể dẫn tới một số vấn đề như rối loạn tiêu hóa, đau cơ, hay quên, nhức đầu, mất ngủ ... 

Giai đoạn kiệt sức: chống chọi với căng thẳng trong thời gian dài tiêu hao thể chất, cảm xúc, tinh thần của bạn tới nỗi cơ thể không còn sức lực để đối phó. Đây cũng là phần mình còn thiếu trong bài viết về trầm cảm, khi mình chưa giải thích tại sao fight-flight với những phản ứng của cơ thể kiểu "đi đấm nhau" lại cho ra kết quả là sự cạn kiệt về cảm xúc, thờ ơ, chậm chạp, thiếu động lực làm việc. 


Loài homo sapiens đã phát triển một khả năng thật đặc biệt so với phần còn lại của sinh giới - đó là suy nghĩ. Việc suy nghĩ trừu tượng khiến nhân loại làm được nhiều điều phi thường, cho ta quyền năng trở thành loài thống trị ở một hành tinh ẩm ướt nho nhỏ quay quanh một ngôi sao nho nhỏ. Nhưng đồng thời, nó cũng đặt lên ta "lời nguyền" về sự khổ đau. 

Ta không chỉ đau khổ vì đang phải chịu đựng những tiết học nhàm chán tại trường, mà còn muộn phiền khi nghĩ tới ngày mai cũng phải tới lớp. Ta không chỉ đau đớn khi chảy máu, mà còn đồng cảm với nỗi đau của những người xung quanh. Ta có thể ảo não, u sầu khi đọc một câu chuyện toàn chữ và thuần túy tới từ trí tưởng tượng của người khác. 

Có lẽ suy nghĩ còn gửi cho loài sapiens một khả năng khác - đó là trải nghiệm cảm xúc. Một con mèo cần nghe tiếng chuột để kích hoạt fight-flight nhưng ta có thể tự huyễn về một điều tiêu cực thậm chí còn không xảy ra để cảm thấy nhịp tim tăng cao. Việc ta nghĩ rằng sẽ trở về ngôi nhà với những lời cay nghiệt từ cha mẹ, bài tập bề bộn là đủ để ta cảm thấy áp lực tột độ - ngay cả khi điều ấy chưa xảy ra (2).
art siêu đẹp từ monster box.
Giải thích dài dòng như vậy, vì theo Seligman, trầm cảm liên quan mật thiết tới cách chủ thể diễn giải vấn đề. Theo đó ta có hai hướng giải thích cho vấn đề là bi quan và lạc quan gồm 3 yếu tố: (3)

Tính ổn định: sự căng thẳng có thể được tin là vĩnh viễn hoặc ngắn hạn. 

Tính chuyên biệt: tức sự bất lực có thể chỉ ở phạm vi chủ thể cảm nhận sự bất lực, hay lan ra các lĩnh vực khác. Ví dụ một đứa trẻ mắc chứng sợ toán, đạt điểm thấp, ba mẹ thầy cô la rầy, nhìn những con số như thấy người yêu cũ, có thể sẽ cảm thấy mình là phế vật. Từ đó lại cho rằng mình cũng phế ở vật lý, sinh học, hóa học... 

Nguyên nhân: cá nhân hoặc bên ngoài. Ta có thể quá hạn deadline với một đống lý do như mất ngủ, con ốm... Trong khi những người bi quan thường đổ lỗi cho bản thân. 

Từ đó, Seligman và các đồng nghiệp đã xây dựng một loại trầm cảm cụ thể - trầm cảm vô vọng, dựa trên lý thuyết quy kết (tức cách chủ thể giải thích vấn đề). Theo Seligman, những sự kiện tiêu cực là không đủ để tạo ra trầm cảm, cần có sự tham gia của phong cách giải thích bi quan (4).

Phong cách giải thích bi quan bao gồm cho rằng các sự kiện tiêu cực là do chủ thể gây ra, sẽ không chấm dứt và sẽ lan ra các lĩnh vực liên quan. Và cho rằng các sự kiện tích cực là do các yếu tố bên ngoài, ngắn hạn và mang tính cụ thể. 

Nếu vòng luẩn quẩn kéo dài, tức "sốc điện" đủ để nạn nhân cảm nhận sự bất lực. Phong cách suy nghĩ này sẽ đẩy fight-flight tới giai đoạn kiệt sức (vì như đã nói, loài người có khả năng bật nút đỏ trong vùng amygdala chỉ bằng cách suy nghĩ). Và nếu đến đây bạn tự hỏi fight-flight thì liên quan cái củ cải gì tới căn bệnh hiện đang có 264 triệu người mắc, thì hãy đọc lại bài trước của mình để hiểu tại sao stress là nguyên nhân chính của trầm cảm (5).

Nói cách khác, những người gặp rối loạn trầm cảm giống như những chú chó của trong thí nghiệm của Seligman, mắc kẹt trong các sự kiện tiêu cực, hằng ngày chịu "sốc điện" từ chính suy nghĩ của mình. 

Và điều này không phải nói suông, khi những người trầm cảm nhận thấy bản thân mắc kẹt trong hoàn cảnh sống, mối quan hệ hay chính rối loạn mà họ đang gặp phải (6). 


Cũng xin lưu ý rằng, vì trầm cảm rất phức tạp và ngành khoa học về não bộ và tâm lý còn ở giai đoạn phát triển, hiện giới học thuật vẫn chưa thống nhất và đưa ra một lý thuyết cho trầm cảm. Thuyết trầm cảm vô vọng cũng là một trong số các thuyết đã được đưa ra. Các bạn có thể đọc thêm tại đây. 

Ở phần 2 của bài viết, mình sẽ cho thấy cách sự bất lực tự luyện ảnh hưởng tới học tập và các mối quan hệ ra sao. Đồng thời đưa ra giải pháp được viết bởi chính Seligman, được gọi là "learned optimism". 
Chúc mọi người ăn tết vui vẻ.
Nguồn ở dưới phần comment.