------------------------------------------------------------------------
Học triết và đọc các tác phẩm triết học, là học cách sống sao cho hạnh phúc và ý nghĩa.
Sách viết về giải pháp cho những bất an và lo âu ta gặp phải trong cuộc sống, bằng cách viện dẫn những cách giải quyết (Trong tư tưởng) của những Triết gia vĩ đại Như Socrates, Epicurus, Seneca, Montaigne, Schopenhauer, và Nietzsche. Họ có câu trả lời rõ ràng cho những bất an của ta về những vấn đề gì?
Về sự yêu thích.
Về tiền bạc, vật chất.
Về nỗi thất vọng.
Về sự thiếu thốn.
Về Tình yêu tan vỡ.
Về những khó khăn.
--------------------------------------------------------------------------

Trích dẫn.

Sách khá nặng, nên đọc một cách chậm rãi, vì một số đoạn có văn phong triết học điển hình, nên phải đọc lại vài lần để hiểu hết ý tứ của tác giả.
Bản dịch rất hay, dùng từ chuẩn xác và dễ hiểu. Ta đọc sách để hiểu ý định của tác giả, thế nên hãy xem việc đọc sách như một cuộc trò chuyện, và xem các Triết gia như những “Người thầy trăm năm”.
Một số trích dẫn hay trong sách để tham khảo:
“Chúng ta sẽ được tưởng thưởng xứng đáng nếu cố gắng luôn nghe theo sự phán xét của lập luận”.
“Được vây quanh bạn bè nghĩa là bản thể của chúng ta được khẳng định”.
“Những đồ vật đắt giá mang lại cảm giác giống như là giải pháp hợp lý cho những nhu cầu mà ta không hiểu”.
“Mọi sự thất vọng đều có một cấu trúc cơ bản: Đó là sự va chạm giữa một mong muốn, với thực tế không giống như vậy”.
“Sự tức giận không xuất phát từ sự bùng bổ cảm xúc không thể kiểm soát, mà từ một sai lầm cơ bản trong lập luận”.
“Người thông thái cảm thấy đủ, nghĩa là có thể sống mà không có bạn bè, chứ không phải anh ta muốn sống mà không có bạn bè”.
“Điều mà một xã hội cho là ky lạ, thì xã hội khác, một cách hợp lý hơn, lại cho là bình thường”.
“Khi tình yêu làm ta đau khổ, thì điều an ủi là được biết rằng hạnh phúc chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của tự nhiên”.
“Những công trình mãn nguyện nhất của con người dường như không tách rời sự đau khổ ở mức độ nào đó”.
“Trở nên vĩ đại nhờ ứng xử một cách thông minh với cảm giác kém cỏi, cái có thể khiến những người khác trở nên tuyệt vọng”.
-------------------------------------------------------------------------

Suy tưởng cá nhân.

“Tuy nhiên, đọc sách, cũng đừng nên tin hết quyển sách, mà phải biết phản động lại nó” (Tôi tự học – Thu Giang Nguyễn Duy Cần).
Một số tư tưởng gây tranh cãi trong sách liên quan đến Triết gia Nietzsche, khi ông cho rằng Tôn giáo là một dạng thuốc phiện của nhân loại (Tương đồng Karl Marx). Câu nói nổi tiếng của ông “Gott ist tot” (Chúa đã chết). Ông đề cập đến Kito giáo và phê phán Kinh Thánh trong quyển sách, khi ông cho rằng thay vì đối diện và xem “Khó khăn” như một dạng phân bón của cuộc đời để tiến đến “Sự mãn nguyện”, bằng cách bước qua và chịu đựng nó, Nietzsche lại cho rằng Kito giáo quá yếu đuối khi làm suy nhược quyết tâm của con người, không cho chúng ta cơ hội được thỏa mãn. Theo suy nghĩ của ông:
“Sự bất lực” trở thành “Lòng tốt”.
“Hèn hạ” trở thành “Khiêm tốn”.
“Quy phục” trở thành “Vâng phục”.
“Không thể trả thù” thành “Tha thứ”.
Một sự trốn tránh đau khổ bằng cách chui vào vỏ bọc tôn giáo, một sự lựa chọn rút lui có chủ đích, theo Nietzsche, là “Một thứ đạo tôn thờ sự dễ chịu”.
Có đúng như vậy không? Để biện luận cho vấn đề này của Kito giáo, nhất thiết phải trả lời được câu hỏi này, dựa vào những lập luận suy lý của Nietzsche: “Đau khổ là điều kiện tiên quyết để đi đến mãn nguyện”.
- Có cách nào đi đến mãn nguyện, mà không phải chịu đau khổ không?
- Con người ta có nhất thiết phải chịu mãn nguyện?
Có lẽ, Nietzsche nhầm lẫn giữa “Sự mãn nguyện” và “Khoái lạc”, như cách ông phê phán Chủ nghĩa vị lợi, ông cũng nhầm lẫn giữa “Sự mãn nguyện” và “Khoái lạc”.
Kito giáo không khuyến khích con người tuân theo sự khoái lạc. Với thánh Paul và Augustine, phần nào đó trong chúng ta có vẻ giống “Con nghiện” hơn, một sự nghiện “Khoái lạc”, là những ham muốn trước mắt, nhất thời, và không cao quý. Kito giáo khuyến khích “Sự mãn nguyện tuyệt đối”, hay còn gọi là hạnh phúc lâu dài, hơn là “Khoái lạc”, vì theo thánh Paul và Augustine, nó làm suy đồi bản chất con người, và làm con người xa rời ra khỏi Văn Minh.
Vì thế, không nhất thiết phải “Mãn nguyện” theo cách mà Nietzsche nói. Điều này cũng giống tư tưởng của Chủ nghĩa khắc kỷ: Một cuộc sống trôi qua êm đềm, đón nhận những điều tốt mà cuộc đời đem lại, nhưng không luyến chấp vào nó, cũng như không cố gắng theo đuổi “Khoái lạc”.
-----------------------------------------------------------------------

Sách nên đọc kèm để có được một cái nhìn tổng quan và đầy đủ hơn:

Chủ nghĩa khắc kỷ, phong cách sống bản lĩnh và bình thản – William B. Irvine.
Những bức thư đạo đức – Seneca.