Đồ ngọt hay stress đâu mới là nguyên chính dẫn đến béo phì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhau khám phá vài điều sẽ xảy ra khi chúng ta stress nhé!
MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA STRESS VÀ BÉO PHÌ
1. Hormone
Rắn
Sếp
Deadlines
Hoá đơn thẻ tín dụng tăng đột ngột
...
Khi phát hiện mối đe dọa đang đến gần, não bộ và cơ thể sẽ xử lý mối đe dọa bằng cách giúp cho bạn cảm thấy tỉnh táo, sẵn sàng chiến đấu và chịu được rủi ro. Lúc này, não bạn sẽ kích hoạt và giải phóng một loạt các chất, bao gồm adrenaline, CRH và cortisol. Adrenaline sẽ giúp máu chảy từ các cơ quan nội tạng đến các khối cơ bắp để chuẩn bị cho “trận chiến” này, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt đói hơn, nhưng nó chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn. Khi adrenaline mất tác dụng, cortisol -  hoóc môn gây căng thẳng, sẽ báo hiệu cho cơ thể bổ sung năng lượng khiến chúng ta ăn nhiều hơn.
2. Mỡ bụng
Từ xa xưa, khi tổ tiên chúng ta đang chiến đấu để chống lại nạn đói, hổ, báo, v.v. cơ thể của con người đã học cách lưu trữ nguồn cung cấp chất béo cho một khoảng thời gian dài. Thật không may, khi chúng ta bị căng thẳng kinh niên, cơ thể chúng ta lại tích thêm một lớp mỡ nội tạng và thường thì chúng ta rất khó đuổi “kẻ si tình dai dẳng” này. Điều đó kéo theo một đống tiền lần lượt ra đi để thay thế bằng những chiếc quần phù hợp với dáng vóc mỹ miều ấy. Tiền bạc thì lúc nào cũng là nỗi căng thẳng bất diệt. Ngoài ra, chất béo còn giải phóng các chất hóa học gây viêm, làm tăng khả năng mắc bệnh tim hoặc tiểu đường. Ở bụng còn có rất nhiều thụ thể cortisol. Cortisol dư thừa cũng làm chậm quá trình trao đổi chất, bởi vì cơ thể luôn muốn cung cấp glucose đầy đủ cho tất cả những hoạt động về tinh thần và thể chất để đối phó với các mối đe dọa.
3. Cảm giác thèm ăn và thức ăn nhanh
Khi chúng ta bị căng thẳng kinh niên, chúng ta có xu hướng thèm ăn các loại thực phẩm mang lại cho chúng ta cảm giác thoải mái, chẳng hạn, một túi khoai tây chiên, một cây kem, một ly trà sữa, v.v. Những thực phẩm này thường được chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, đường, muối  đặc biệt rất dễ ăn. Trong khi đó, căng thẳng làm rối loạn hệ thống phần thưởng từ não hoặc cortisol, khiến chúng ta càng thèm ăn nhiều chất béo và đường hơn. Một số yếu tố về tâm lý khác cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn thức ăn nhanh, chẳng hạn, khi chúng ta bị căng thẳng, chúng ta có xu hướng chọn những món ăn có sẵn thay vì dành thời gian, năng lượng và tinh thần để nấu một món ăn nào đó. Cùng với việc đi lại khó khăn, kẹt xe, khói bụi, chúng ta lại càng căng thẳng hơn, ý tưởng để lết về nhà với chiếc bụng đói có vẻ là bước đi sai lầm.
4. Thiếu ngủ
Bạn có bao giờ chợt thức giấc vào ban đêm và trong đầu cứ loanh quanh, lo lắng một chuyện nào đó, tiền bạc, công việc hay học hành? Một số nghiên cứu cho thấy lo lắng là nguyên nhân chính của chứng mất ngủ. Nếu bạn uống cà phê hoặc nước ngọt có chứa caffeine để tỉnh táo, chu kỳ giấc ngủ của bạn sẽ bị gián đoạn nhiều hơn. Giấc ngủ cũng là một yếu tố mạnh mẽ ảnh hưởng đến việc tăng hoặc giảm cân. Khi chúng ta thiếu ngủ, nó có thể làm gián đoạn hoạt động của các chất kiểm soát sự thèm ăn như ghrelin và leptin và chúng ta cũng sẽ thèm ăn các thức ăn chứa nhiều carbohydrate hơn. Như vậy chỉ vì lơ là với giấc ngủ, chúng ta dường như mất đi ý chí và khả năng chống lại cám dỗ trước những cơn thèm ăn vô tội vạ của chính mình.
Thực tế thì, béo phì là do năng lượng nạp vào cơ thể cao hơn năng lượng mà cơ thể tiêu hao, chứ không phải do đồ ngọt có giá trị năng lượng cao. Ăn uống quá độ mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì. Nhưng dù cho sự biến động của cân nặng đến từ việc ăn quá nhiều hay việc tống vào miệng những loại thực phẩm thiếu lành mạnh hay do phản ứng của cơ thể khi nồng độ cortisol tăng lên đi chăng nữa, thì việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là giải quyết các tình trạng stress của bản thân. Vậy làm sao để kiểm soát được stress? Hãy cùng đón chờ những bài viết tiếp theo của #Protosci bạn nhé!
------------
Nếu bạn vừa biết thêm điều gì mới từ bài viết này, hãy để lại bình luận bên dưới nhé!