Ngày 52. ĐỪNG ƯỚC AO, ĐỪNG MONG MUỐN

"Hãy nhớ rằng không chỉ ham muốn tiền tài và danh vọng mới làm cho ta khuất phục và hèn yếu, mà cả những ham muốn yên bình, nhàn hạ, giải trí , du lịch và học hỏi. Bất kể ngoại cảnh thế nào, những thứ ta cho là có giá trị sẽ chinh phục ta. Trái tim ta đặt ở đâu, trở ngại sẽ nằm ở đó."
Epictetus
Chắc chắn, Epictetus không nói rằng hòa bình, giải trí, du lịch và học tập là xấu. Nhưng khao khát cuồng nhiệt không ngừng - nếu không phải là xấu về bản chất - thì đầy những biến chứng tiềm tàng. Những gì chúng ta mong muốn khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Cho dù đó là cơ hội để đi du lịch thế giới hay trở thành tổng thống hay có được năm phút yên bình và tĩnh lặng, khi chúng ta theo đuổi gì đó, khi chúng ta hy vọng trong vô vọng, chúng ta tự đặt mình vào tình thế thất vọng chán nản. Bởi vì có lẽ số phận sẽ luôn can thiệp và khi đó chúng ta có thể mất tự chủ để phản ứng lại. 
Theo Diogenes, một nhà triết học hoài nghi, từng nói, “Đặc quyền của thánh thần là  không ham muốn gì, và đặc quyền của những người giống như thần thánh là ham muốn rất ít”. Không ham muốn khiến người ta trở nên bất bại - vì khi đó chẳng có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Điều này không chỉ đúng cho những ham muốn mà người ta vốn hay chỉ trích như giàu có hay danh tiếng - những kiểu cuồng vọng mà ta thường thấy trong các vở kịch và truyện ngụ ngôn kinh điển. Ánh đèn xanh mà Gatsby luôn nỗ lực để hướng tới, dường như cũng đại diện cho thứ tốt đẹp như tình yêu hay một mục đích cao cả chẳng hạn. Nhưng khát khao điều tốt cũng có thể huỷ hoại hoàn toàn một ai đó. 
Khi ham muốn mục tiêu hoặc gì đó mà bạn đang cố gắng có được, hãy hỏi chính mình: Tôi đang kiểm soát chúng, hay chúng kiểm soát tôi?

Ngày 53. CÓ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN NÓI RA

"Cato luyện tập kiểu diễn thuyết trước công chúng có khả năng làm khuấy động đám đông, tin rằng những triết lý chính trị thích hợp bảo đảm duy trì yếu tố hiếu chiến như bất cứ chính quyền của thành phố vĩ đại nào. Nhưng ông không bao giờ luyện tập những bài phát biểu này trước mặt người khác và cũng chưa từng có ai được nghe ông nói những bài này. Khi biết có người trách ông vì sự im lặng, ông đáp: Lẽ ra họ không nên trách. Tôi chỉ nói khi tôi chắc chắn rằng những gì tôi nói không phải là không nên nói ra.."
Plutarch
Thật dễ dàng để hành động - chỉ cần lao vào. Dừng lại thì khó hơn, tạm dừng, suy nghĩ: Không, tôi không chắc mình cần phải làm thế. Tôi không chắc mình đã sẵn sàng. Khi Cato bước vào chính trường, nhiều người mong đợi những đổi thay nhanh chóng và tuyệt vời từ ông ta - những bài phát biểu gây xôn xao, những lời lên án rầm rộ, những phân tích khôn ngoan.
Ông nhận thức được áp lực này - một áp lực luôn tồn tại trên tất cả chúng ta - và kháng cự. Thật dễ dàng để chiều theo đám đông (và bản ngã của mình).
Nhưng ông chờ đợi và chuẩn bị. Ông phân tích, suy nghĩ, đảm bảo rằng không phản ứng theo cảm xúc, ích kỷ, thiếu hiểu biết hoặc quá vội. Chỉ sau đó ông mới nói - khi ông tự tin rằng lời nói của ông đáng được lắng nghe.
Để làm được như vậy cần phải có nhận thức. Nó đòi hỏi chúng ta phải dừng lại và đánh giá bản thân một cách trung thực. Bạn có thể làm được không?

Ngày 54 NGHỊCH CẢNH KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN CẢM XÚC CỦA TA

"Bạn không nên cho hoàn cảnh sức mạnh để kích động cơn giận của bạn, vì chúng không quan tâm chút nào."
Marcus Aurelius
Một phần quan trọng trong cuốn sách Meditations của Marcus Aurelius được tạo thành từ những câu trích dẫn và những đoạn văn ngắn của các nhà văn khác. Điều này là do Marcus không nhất thiết phải cố tạo ra một tác phẩm gốc - mà ông chỉ đang luyện tập, tự nhắc bản thân rằng đây đó vẫn còn nhiều bài học quan trọng, và đôi khi những bài học này ông đã từng đọc trước đây.
Câu trích dẫn khá đặc biệt có nguồn gốc từ một vở kịch của Euripides, vở kịch mà ngoài những trích dẫn kiểu thế này thì nó đã bị thất lạc. Những gì chúng ta thu thập được từ vở kịch này là: Bellerophon - một người anh hùng, nghi ngờ về sự tồn tại của các vị thần. Và trong một đoạn, anh nói: Tại sao lại nổi điên với những nguyên nhân và thế lực to lớn hơn chúng ta rất nhiều như vậy? Tại sao ta lại buồn lòng về chuyện đó? Rốt cuộc thì, những sự kiện ngoại cảnh này không phải là sinh vật có cảm xúc - chúng không thể đáp lại những tiếng thét và lời than khóc của ta - và những vị thần vô tâm cũng thờ ơ như vậy thôi.
Đó là những gì ông Marcus đã cố gắng nhắn nhủ với bản thân: Hoàn cảnh không thể quan tâm đến cảm xúc, đến lo âu hay phấn khích của bạn. Hoàn cảnh không quan tâm đến phản ứng của bạn. Hoàn cảnh không phải là con người. Vì vậy đừng có làm như là tức giận hay phấn khích thì sẽ thay đổi được một tình huống nào đó. Tình huống cũng chẳng quan tâm đâu.