NGÀY 5. LÀM RÕ CHỦ Ý CỦA BẠN

"Hãy để tất cả những nỗ lực của bạn hướng tới một mục tiêu, giữ nó trong tầm nhìn của bạn đến cùng. Hoạt động không làm phiền người ta, mà do quan điểm sai lệch về chúng khiến họ phát điên."
Seneca
Điều thứ 29 trong 48 luật của Quyền lực là: Lên kế hoạch tất cả các con đường cho đến kết cùng. Robert Greene viết: “Bằng việc lập kế hoạch cho tới bước cuối cùng sẽ khiến bạn không bị choáng ngợp bởi hoàn cảnh bạn gặp phải, và bạn sẽ biết khi nào cần phải dừng lại. Nhẹ nhàng định hướng khi có cơ hội và giúp xác định tương lai bằng cách nghĩ xa hơn”. Thói quen thứ hai trong “Bảy thói quen hiệu quả” là: “khi bắt đầu hãy nghĩ ngay đến chung cuộc”. 
Nghĩ về một cái kết bảo đảm rằng bạn sẽ đạt được nó chăng? Không có người khắc kỷ nào dung thứ cho giả định như vậy - nhưng mà không suy tính đến điểm cuối có thể bạn sẽ không đạt được. Với người khắc kỷ, quan điểm sai không chỉ gây ra những xáo trộn trong tâm hồn mà còn gây ra những rối loạn hành vi, làm cho cuộc sống trở nên hỗn loạn. 
Khi những nỗ lực của bạn không hướng vào một căn nguyên hay một mục đích, sao bạn biết phải làm gì ngày này qua ngày khác? Sao bạn biết khi nào nói có và khi nào cần phải nói không? Sao bạn biết khi nào thì đủ, khi nào bạn đạt được mục tiêu, khi nào bạn bị chệch hướng, nếu bạn chưa xác định được những thứ đó là gì? Câu trả lời là bạn không thể. Và do đó, bạn sẽ thất bại - hay tệ hơn, bạn bị rối trí vì quên định hướng.

NGÀY 6. Ở ĐÂU, AI, CÁI GÌ VÀ TẠI SAO

"Ta không biết vũ trụ là gì, không biết chúng ở đâu. Ta không biết mục đích sống của vạn vật, không biết chúng là ai hay thế giới vạn vật là gì. Người ta không thể biết bất cứ gì trong những điều này, không biết tại sao chúng lại ở đây. Vì vậy ta biết nên tìm kiếm hoặc tránh sự ngưỡng mộ thái quá (thờ phụng) đối với những gì mà người ta không có chút hiểu biết họ ở đâu hay họ là ai."
Marcus Aurelius
Diễn viên hài quá cố Mitch Hedberg đã kể một câu chuyện hài hước khi ông diễn. Ngồi trả lời một cuộc phỏng vấn trực tuyến, một DJ radio đã hỏi ông: "Vậy, ông là ai?" Trong khoảnh khắc đó, ông phải suy nghĩ: “Liệu anh chàng này có thực sự sâu sắc hay mình đã lái xe đến nhầm ga?”
Chúng ta thường hỏi một câu đơn giản như "Bạn là ai?" hoặc "Bạn làm gì?" hoặc "Bạn đến từ đâu?". Khi xem đó là một câu hỏi hời hợt - nếu chúng ta thậm chí có xem xét nó - ta sẽ không bận tâm nhiều hơn một câu trả lời hời hợt.
Nhưng, nếu bị gí súng vào đầu, hầu hết mọi người đều không thể đưa ra được gì nhiều cho câu trả lời xác thực. Bạn có thể? Bạn đã dành thời gian để hiểu rõ bạn là ai và việc chính của bạn là gì chưa? Hay bạn quá bận rộn theo đuổi những thứ không quan trọng, bắt chước những ảnh hưởng sai lầm, và đi theo những con đường đáng thất vọng hoặc không thực hiện được hoặc không tồn tại?

NGÀY 7.

BẢY HOẠT ĐỘNG RÕ RÀNG CỦA TÂM TRÍ

"Hoạt động thích hợp của tâm trí là thực hiện sự lựa chọn, từ chối, khao khát, xua đuổi, chuẩn bị, mục đích và chấp nhận. Thế điều gì có thể gây nhiễu loạn và cản trở hoạt động bình thường của tâm trí? Không gì ngoài những quyết định sai lầm của chính nó."
Epictetus
Hãy chia nhỏ từng nhiệm vụ sau:
- Lựa chọn - để làm và suy nghĩ đúng
- Từ chối - trước sự cám dỗ
- Khao khát - trở nên tốt hơn
- Xua đuổi - tiêu cực, ảnh hưởng xấu, những gì không đúng sự thật
- Chuẩn bị - cho những gì phía trước hoặc bất cứ điều gì có thể xảy ra
- Mục đích - nguyên tắc chỉ đạo và ưu tiên cao nhất của chúng ta
- Chấp nhận - không bị lừa dối về những gì bên trong và bên ngoài tầm kiểm soát của ta (và sẵn sàng chấp nhận những gì ngoài tầm kiểm soát)
Đây là những gì tâm trí ta chắc chắn phải làm, và coi mọi thứ khác đều là ô nhiễm hoặc có hại.