Ngày 43. BẢO VỆ SỰ BÌNH YÊN TRONG TÂM TRÍ BẠN

"Hãy thường xuyên bảo vệ nhận thức của bạn, vì đó không phải là điều nhỏ nhặt mà là tôn trọng, đáng tin cậy, kiên định và an tâm, thoát khỏi đau đớn và sợ hãi, nói cách khác, đó chính là tự do. Bạn sẽ đổi những thứ này để lấy gì?"
Epictetus
Công việc thất thường, một mối quan hệ hay tranh cãi, sống chung với dư luận làm bạn căng thẳng. Chủ nghĩa khắc kỷ có thể làm cho những tình huống này trở nên dễ chịu đựng hơn, vì nó giúp chúng ta kiểm soát và suy nghĩ thông qua các phản ứng cảm xúc của mình. Nó có thể giúp bạn quản lý và giảm thiểu các yếu tố kích thích mà dường như bạn liên tục gặp phải. 
Nhưng ở đây có một câu hỏi: Tại sao bạn phải chịu đựng điều này? Đây có thực sự là môi trường dành cho bạn? Bị khiêu khích bởi những email khó chịu và một cuộc diễu hành bất tận của các vấn đề tại nơi làm việc? Tuyến thượng thận của chúng ta có thể phải xử lý rất nhiều việc chỉ ngay trước khi chúng trở nên kiệt sức. Bạn có nên giữ gìn chúng cho những tình huống sinh tử không?
Đúng vậy, hãy sử dụng chủ nghĩa khắc kỷ để quản lý những khó khăn này. Và đừng quên tự hỏi: Đây có thực sự là cuộc sống tôi muốn không? Mỗi khi bạn khó chịu thì một phần nhỏ sức sống rời khỏi cơ thể. Bạn thực sự muốn sử dụng nguồn tài nguyên sống vô giá cho những thứ đó không? Đừng sợ khi phải thay đổi một điều gì đó lớn lao.

Ngày 44.  THỎA MÃN CÓ KHI THÀNH  TRỪNG PHẠT

"Bất cứ khi nào bạn có ấn tượng về một sự thỏa mãn, cũng như mọi ấn tượng khác, hãy tạm dừng lại một lát, tự bảo vệ bản thân không bị nó cuốn đi, để nó chờ đợi hành động của bạn. Sau đó, hãy nhớ đến hai việc, thứ nhất là khi bạn tận hưởng khoái cảm, thứ hai là khi bạn hối hận và ghét chính mình. Rồi so sánh nó với những niềm vui và sự hài lòng mà bạn cảm nhận được khi từ chối hoàn toàn sự hưởng thụ. Tuy nhiên, nếu có một thời điểm thích hợp để hành động, thì đừng bỏ qua sự thoải mái, dễ chịu và hấp dẫn ấy -  thay vì chống lại tất cả những niềm vui ấy, bạn ý thức được rằng chinh phục nó sẽ tốt hơn biết bao nhiêu. "
Epictetus
Tự chủ thật sự khó khăn, không cần bàn cãi. Đó là lý do tại sao một mẹo phổ biến từ chế độ ăn kiêng có thể hữu ích. Một số chế độ ăn kiêng cho phép một ngày “ăn gian” - một ngày mỗi tuần, những người ăn kiêng có thể ăn bất cứ thứ gì và ăn mọi thứ họ muốn. Thật vậy, họ được khuyến khích viết ra một danh sách các thứ họ thèm trong tuần, để họ có thể thưởng thức tất cả cùng một lúc như một bữa tiệc (với suy nghĩ rằng nếu ăn uống lành mạnh sáu trong bảy ngày, họ vẫn tiến về phía trước). Thọat nghe, điều này giống như một giấc mơ, nhưng bất cứ ai đã thực sự làm điều này đều biết sự thật rằng: mỗi ngày “gian lận” họ ăn nhiều đến phát bệnh và sau đó căm ghét bản thân. Họ sẵn sàng từ bỏ hẳn việc gian lận nhanh thôi. Bởi vì họ không cần đến nó, và chắc chắn là không muốn. Nó chẳng khác nào việc một phụ huynh bắt gặp con mình đang hút thuốc và trừng phạt buộc nó phải hút cả gói.
Điều quan trọng là kết nối cái gọi là cám dỗ với các hiệu ứng thực tế của nó. Một khi bạn hiểu rằng say mê thực sự có thể tồi tệ hơn chống lại cám dỗ, thôi thúc bắt đầu mất đi sự hấp dẫn của nó. Theo cách này, tự kiểm soát trở thành niềm vui thực sự, và bị cám dỗ trở thành hối tiếc.

Ngày 45. SUY NGHĨ TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG

"Chỉ có một cách để trở nên khôn ngoan, đó là đặt sự chú ý vào trí tuệ của bản thân - vì nó dẫn đường cho mọi thứ ở khắp nơi."
Heraclitus
Có lẽ bạn đã tự hỏi bản thân rằng: Tại sao mình làm chuyện đó? Sao mình lại ngu ngốc như vậy? Mình đã nghĩ cái quái gì nhỉ?
Vấn đề ở đây là do bạn đã không nghĩ. Cả lý trí sáng suốt và thông minh mà bạn cần vẫn luôn ở trong đầu của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn trông cậy và sử dụng phần cứng bền bỉ đó. Hãy đảm bảo rằng chính tâm trí của bạn phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là cảm xúc, không phải là cảm giác tức thì, không phải do hormones  tăng vọt. 
Tóm lại, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào trí tuệ, rồi để cho trí tuệ làm việc của nó.