Ngày 40. BẠN KHÔNG CẦN PHẢI CÓ MỘT QUAN ĐIỂM

"Chúng ta có quyền không nghĩ về những thứ mà chúng không có sức mạnh tự nhiên giúp định hình các phán đoán của ta, và không để chúng làm đảo lộn tâm trí của mình."
Marcus Aurelius
Đây là một bài tập khôi hài: nghĩ về những điều khó chịu mà bạn không biết, những thứ mà mọi người có thể nói sau lưng bạn, những sai lầm đã mắc phải mà bạn chưa từng để ý, những thứ bạn đánh rơi hoặc làm mất mà chưa nhận ra. Phản ứng của bạn là gì? Không gì hết, bởi vì bạn không hề biết về nó.
Nói cách khác, không nhất thiết phải suy nghĩ về một điều tiêu cực. Hãy tích trữ năng lượng, không sử dụng một cách bừa bãi. Đặc biệt khi suy nghĩ đó có thể khiến ta đau khổ hơn. Thực hành kỹ năng hoàn toàn không nghĩ về thứ gì đấy, hành động như thể bạn không hề biết nó đã từng xảy ra hoặc chưa từng nghe nói về nó. Hãy xem  như nó không liên quan hoặc không tồn tại với bạn. Theo cách này, quyền năng của những thứ tiêu cực giảm rất nhiều.

Ngày 41. GIẬN DỮ LÀ NHIÊN LIỆU TỒI

"Chắc chắn là không thứ gì gây choáng và cố chấp hơn khi người ta tức giận. Nếu đạt được, không gì ngạo mạn hơn, nếu bị ngăn chặn, không gì điên rồ hơn -  kiệt sức mệt nhọc thậm chí bị hạ gục, cơn giận vẫn không bị đẩy lui, và nếu kẻ thù biến mất theo số mệnh an bài thì người ta sẽ quay sang tức giận bản thân."
Seneca
Người khắc kỷ nhắc đi nhắc lại rằng giận dữ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thường thì nó chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Chúng ta bực mình, rồi người khác khó chịu, rồi mọi người đều giận dữ, và cuối cùng rắc rối không thể giải quyết được. 
Nhiều người thành công cố gắng nói với bạn rằng giận dữ là một nguồn năng lượng to lớn cho cuộc sống của họ. Niềm khát khao “chứng minh rằng bọn chúng đều sai” hoặc được “chửi thẳng mặt bọn chúng” đã từng thúc đẩy nhiều người trở thành triệu phú. Nỗi nhục khi bị gọi là đồ mập hoặc đồ ngốc đôi khi khiến ai đó luyện tập để có một cơ thể khỏe đẹp hoặc một trí óc khôn ngoan. Tức giận vì bị từ chối khiến nhiều người tự vạch ra con đường riêng của họ.
Tuy nhiên, những câu chuyện đó thực thiển cận. Bởi lẽ, nó bỏ qua sự ô nhiễm được tạo ra như một tác dụng phụ của cơn giận và sự tiêu hao tinh lực cơ thể, kiểu như máy móc bị bào mòn. Và khi cơn giận ban đầu dần nguôi ngoai, làm thế nào để có động lực tiếp tục công việc dang dở, nguồn nhiên liệu duy nhất còn lại là tức giận bản thân. Martin Luther King  đã từng cảnh báo các nhà lãnh đạo dân quyền đồng nghiệp của ông vào năm 1967: “căm ghét là một gánh nặng quá sức chịu đựng”, mặc dù họ có đủ lý do để lấy oán trả oán. 
Giận dữ và hầu hết các cảm xúc tiêu cực chính là gánh nặng quá sức. Đó là nguồn năng lượng độc hại. Không nghi ngờ gì nữa, thế giới này có thừa những thứ ấy, nhưng chúng không bao giờ xứng đáng với chi phí kèm theo chúng.

Ngày 42. ANH HÙNG HAY BẠO CHÚA?

Linh hồn của chúng ta đôi khi là một nhà vua, và đôi khi là một bạo chúa. Một nhà vua thì phụng sự những gì tôn quý, bảo vệ chăm sóc cơ thể khỏe mạnh, không đưa ra mệnh lệnh vô căn cứ hoặc tồi tệ. Nhưng một linh hồn không được kiểm soát, lạm dụng và ham muốn quá mức thì từ một nhà vua đã biến thành một thứ đáng sợ và đáng ghê tởm nhất - một bạo chúa.”
Seneca
Có ý kiến cho rằng quyền lực tuyệt đối thì hoàn toàn đồi bại. Thoạt nhìn thì đó là sự thật. Học trò của Seneca - bạo chúa Nero với những tội ác và những vụ thảm sát được ghi nhận là một ví dụ hoàn hảo. Một hoàng đế khác, Domitian chuyên chế, đã đuổi tất cả các nhà triết học ra khỏi thành Rome (và Epictetus buộc phải chạy trốn). Nhiều hoàng đế La Mã thời đó là những bạo chúa. Tuy nhiên, không lâu sau, Epictetus đã trở thành bạn thân của một hoàng đế khác - Hadrian - người giúp đỡ Marcus Aurelius lên ngôi, Marcus là một minh chứng chân thực nhất của một nhà vua - hiền triết khôn ngoan.
Vì vậy, chưa chắc rằng quyền lực luôn đi kèm với đồi bại. Trên thực tế, theo nhiều cách, có vẻ như quyền lực bị ảnh hưởng bởi sức mạnh bên trong và sự tự nhận thức của mỗi cá nhân - thứ họ coi trọng, thứ họ khao khát, họ đủ hiểu biết về công bằng và công lý để chống lại sự cám dỗ của giàu có vô hạn và được tôn vinh. 
Điều này cũng đúng với bạn. Trên cả hai phương diện cá nhân và nghề nghiệp chuyên môn. Một nhà vua công minh hay một bạo chúa? Bạn sẽ là ai?