[STOICSM] 366 NGÀY THỰC HÀNH KHẮC KỶ - NGÀY 37, 38, 39.
The Daily Stoic: 366 Meditations on Wisdom, Perseverance, and the Art of Living. Tác giả Ryan Holiday. Người dịch Kiều bạch Vân
Ngày 37. ĐỪNG TÌM KIẾM XUNG ĐỘT
"Tôi không đồng tình với những người vội vã lao đầu vào giữa dòng lũ, những người chọn cuộc sống đầy sóng gió, hàng ngày phải ráng hết sức trong hoàn cảnh khó khăn với tinh thần quả cảm. Người khôn ngoan sẽ chịu đựng điều đó, nhưng sẽ không chọn nó - chọn hòa bình, không chọn chiến tranh."
Seneca
Theodore Roosevelt trong bài phát biểu “Người trên đấu trường” có một câu nói nổi tiếng, được người khác trích dẫn nhiều đến nỗi trở thành sáo rỗng, câu nói ca ngợi "Người có khuôn mặt hoen ố bởi bụi, mồ hôi và máu là người chiến đấu dũng cảm" so với các nhà phê bình ngồi trên khán đài xem trận đấu. Roosevelt đã có bài phát biểu đó khi rời ghế tổng thống Mỹ sau tám năm tại vị, được công chúng tín nhiệm. Vài năm sau, ông thất bại nặng nề khi nỗ lực chạy đua quay lại Nhà Trắng, một trong các đối thủ là người mà ông đã từng xem như thân cận, và ông bị ám sát trong thời gian này, nhưng may mắn bình phục. Ông cũng suýt chết khi khám phá sông ngòi ở Amazon, giết hàng ngàn động vật ở châu Phi, và sau đó ông xin nhập ngũ trong Thế chiến I mặc dù đã 59 tuổi. Ông đã làm rất nhiều thứ có vẻ hơi kỳ quặc khi nhìn lại.
Theodore Roosevelt là một người thực sự vĩ đại. Nhưng ông ta cũng bị điều khiển bởi áp lực, chứng nghiện công việc và hoạt động không ngừng. Nhiều người trong chúng ta cũng vướng vô tai ách này, bị điều khiển bởi thứ gì đó mà chúng ta không thể kiểm soát. Chúng ta e ngại thinh lặng, vì vậy chúng ta tìm kiếm xung đột và hành động để lãng quên. Chúng ta chọn tham chiến, theo nghĩa đen trong một số trường hợp, trong khi trên thực tế, chọn hòa bình mới phù hợp và vẻ vang hơn.
Đúng, người đàn ông trong đấu trường thì thật đáng ngưỡng mộ - cũng như quân nhân và chính trị gia và nữ doanh nhân và tất cả các nghề nghiệp khác. Nhưng, và đây là một từ “nhưng” viết hoa, chỉ khi chúng ta tham gia đấu trường vì những lý do chính đáng.
Ngày 38. SỢ HÃI LÀ MỘT LỜI TIÊN TRI TỰ ỨNG NGHIỆM
"Nhiều người bị tổn hại vì nỗi sợ, số phận sẽ an bài khi người ta sợ hãi định mệnh."
Seneca
Tựa đề cuốn sách nổi tiếng của Andy Grove, cựu giám đốc điều hành và đồng sáng lập Intel “Chỉ những kẻ hoang tưởng sống sót”. Có lẽ đúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng người hoang tưởng thường tự hủy hoại bản thân nhanh hơn và ngoạn mục hơn bất cứ kẻ thù nào. Seneca, với sự tiếp cận và cái nhìn sâu sắc của ông về giới tinh hoa quyền lực nhất ở Rome, hẳn thấy rõ sự năng động này diễn ra khá sinh động. Bạo chúa Nero, kẻ đã sai thuộc hạ đốt cháy thành Rome để lấy cảm hứng làm thơ, một học trò mà Seneca rất cố gắng kiềm chế nhưng không thành, kẻ giết mẹ và vợ của chính hắn, và cuối cùng đã giết cả Seneca, người cố vấn của hắn.
Sự kết hợp của sức mạnh, sợ hãi và hưng cảm có thể gây nguy hiểm chết người. Một lãnh đạo tin rằng mình có thể bị phản bội sẽ hành động và phản bội người khác trước. Sợ không được yêu thích nên anh ta làm việc cật lực để gây thiện cảm nhưng lại phản tác dụng. Lo sợ việc quản lý sai lầm, anh ta chú trọng tiểu tiết và trở thành nguồn gốc của sự quản lý yếu kém. Và cứ thế, chúng ta tự gây ra cho mình những gì làm chúng ta sợ hãi hoặc khiếp đảm, một cách mù quáng.
Lần sau, khi bạn lo sợ về một kết quả giả định thảm khốc nào đó, hãy nhớ rằng nếu bạn không kiểm soát được sự bốc đồng của mình, nếu bạn mất tự chủ, bạn có thể chính là nguồn gốc của thảm họa mà bạn vô cùng lo sợ. Nó đã xảy ra với những người thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và thành công hơn. Nó cũng có thể xảy ra với chúng ta.
Ngày 39. NÓ LÀM BẠN CẢM THẤY KHÁ HƠN KHÔNG?
Bạn khóc vì mình phải chịu quá nhiều đau khổ! Rồi sao? Bạn có cảm thấy nhẹ nhõm hơn không, nếu bạn chịu đựng nó theo cách yếu đuối ấy?
Seneca
Nếu bên cạnh bạn có ai đó trở nên khó chịu - khóc lóc, la hét, đập phá đồ đạc; chỉ trích hoặc dữ tợn, hãy xem họ sẽ nguội nhanh đến mức nào với câu nói này: “Tôi hy vọng làm thế khiến bạn cảm thấy tốt hơn”. Bởi vì, tất nhiên là không. Chỉ khi nổi trôi trong bong bóng của cảm xúc tột độ, chúng ta mới có thể bào chữa cho bất kỳ loại hành vi nào - và khi được yêu cầu giải thích, chúng ta thường cảm thấy bẽn lẽn hoặc xấu hổ.
Bạn nên áp dụng tiêu chuẩn đó cho chính mình. Lần sau, khi bạn thấy mình đang ở trong tình trạng hoang mang, hoặc than van rên rỉ với các triệu chứng bức bối như đang lên cơn sốt, hoặc khóc như mưa hoặc hối tiếc, chỉ cần hỏi: Điều này có thực sự khiến tôi cảm thấy khá hơn không? Có thực sự làm giảm bất kỳ triệu chứng nào mà tôi ước mong nó biến mất không?
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất