Ngày 34. NGUỒN GỐC MỐI LO SỢ CỦA BẠN

"Khi tôi thấy một người lo lắng, tôi tự hỏi họ muốn gì? Nếu người ta không muốn một thứ gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát, tại sao họ lại đau khổ vì lo sợ?"
Epictetus
Một người cha trăn trở lo nghĩ cho con cái. Ông ta muốn gì? Một thế giới an toàn. Một du khách giận điên lên, cô ta muốn gì? Muốn thời tiết ổn định và giao thông thuận lợi để có thể kịp chuyến bay. Một nhà đầu tư lo lắng? Mong thị trường sẽ đảo chiều và các khoản đầu tư được trả hết. 
Tất cả các kịch bản này có một điểm chung. Như Epictetus nói: đó là muốn cái gì đó ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cảm xúc thái quá, dễ bị kích động, hồi hộp lo lắng không ngừng, những khoảnh khắc đau đớn và sợ hãi dữ dội cho thấy mặt tối vô dụng và đớn hèn của chúng ta thế nào. Nhìn chằm chằm vào đồng hồ, vào quầy vé, nhìn sang làn thanh toán kế bên, nhìn lên bầu trời - cứ như chúng ta đều thuộc về một tôn giáo và tin rằng những vị thần hộ mệnh sẽ ban cho những gì ta muốn nếu chúng ta hy sinh sự an yên của tâm trí mình.
Hôm nay, khi bạn thấy mình bắt đầu lo lắng, hãy tự hỏi bản thân rằng: Tại sao trong tôi vặn xoắn lại thành nút thắt? Tôi đang kiểm soát bản thân mình hay là sự lo lắng đang kiểm soát tôi? Và quan trọng nhất là: Lo lắng thì có tác dụng gì với tôi không?

Ngày 35. ĐỂ TRỞ NÊN BẤT KHẢ CHIẾN BẠI

"Vậy thì ai bất khả chiến bại? Chính là người không hề khó chịu bởi bất cứ điều gì ngoài sự lựa chọn hợp lý của họ."
Epictetus
Bạn đã bao giờ xem một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trên truyền thông chưa? Không có câu hỏi quá thô bạo, không có giọng điệu quá chỉ trích hay xúc phạm. Họ trả lời mọi câu tấn công bằng sự hài hước, đĩnh đạc và kiên nhẫn. Ngay cả khi bị châm chọc hoặc khiêu khích, họ chọn không nao núng, không phản ứng. Họ có thể làm được như vậy không những vì luyện tập và kinh nghiệm, mà bởi vì họ còn hiểu rằng phản ứng theo cảm xúc sẽ chỉ làm cho tình hình tệ hơn. Truyền thông luôn chờ đợi họ sơ xuất hoặc bị kích động, vì vậy để điều hướng thành công các sự kiện báo chí, họ lĩnh hội được tầm quan trọng của việc giữ bản thân luôn bình tĩnh. 
Có lẽ hôm nay bạn không phải đối mặt với một đám phóng viên đang ném bom thăm dò bạn bằng những câu hỏi thiếu tế nhị. Nhưng nó có thể hữu ích - khi bạn căng thẳng, thất vọng hay quá tải - thì hãy hình dung ra hình ảnh đó và sử dụng nó như là hình mẫu để đối phó với chúng. Sự lựa chọn hợp lý - hay sự tùy chọn - như cách người khắc kỷ gọi, là một khả năng bất khả chiến bại mà ta có thể tôi luyện. Ta có thể nhún vai trước các cuộc tấn công thù địch hay vượt qua áp lực và trở ngại. Và, giống như hình mẫu của mình, khi hoàn thành, ta có thể quay lại đám đông và nói: “Tiếp theo!”.

Ngày 36. NẮM CHẮC ĐỘNG LỰC CỦA BẠN

Đừng để tâm trí dao động thất thường, mà hãy phán đoán sáng suốt và công bằng, rồi vững tin vào đó.”
Marcus Aurelius
Hãy nghĩ về người trầm cảm tăng động trong cuộc sống của bạn. Không phải người khổ sở vì chẳng may mắc chứng rối loạn chức năng, mà là những người có cuộc sống bình thường và bị rối loạn trong lựa chọn của họ. Mọi thứ khi thì bay vút lên cao khi thì bị dìm xuống thấp quá mức. Có ngày họ thấy tuyệt vời, có ngày thật khủng khiếp. Họ không thấy kiệt sức  sao? Bạn ước rằng chỉ cần có một bộ lọc mà thông qua nó họ có thể sàng lọc những thôi thúc tốt hay xấu?
Có một bộ lọc như vậy. Công bằng. Lý trí. Triết học. Thông điệp trọng tâm của tư tưởng khắc kỷ là: Công việc của bạn là kiểm soát những động lực thôi thúc hành động khi chúng đến, như cách khiến con cún của bạn vâng lời. Nói một cách đơn giản hơn: Hãy suy nghĩ trước khi hành động. Hãy tự hỏi: Ai đang kiểm soát ở đây? Những nguyên tắc nào đang hướng dẫn tôi?