NGÀY 2. CÓ HỌC THÌ TỰ DO

"Quả ngọt của giáo dục là gì? Đó thực sự là cái đẹp nhất và đúng đắn nhất:  yên bình, không sợ hãi và tự do. Người ta không nên tin rằng chỉ những ai tự do mới được giáo dục, mà nên - như những người yêu thích trí tuệ - tin rằng chỉ những ai có học mới được tự do."
Epictetus
Tại sao bạn chọn cuốn sách này? Tại sao không chọn cuốn kia? Co phải để ra vẻ thông minh hơn? Có phải để qua thời gian rảnh trên máy bay, có phải để nghe những gì bạn muốn? Có rất nhiều lựa chọn dễ dàng hơn là đọc.
Không. Bạn chọn cuốn sách này vì bạn đang học cách sống. Đọc và suy ngẫm về sự khôn ngoan của những tư tưởng vĩ đại không những thú vị mà giáo dục có mục đích còn làm cho bạn tự do hơn, bớt sợ hãi và đạt được trạng thái bình yên. 
Hãy nhớ rằng những khi bạn bắt đầu cảm thấy mất tập trung, khi phí thời gian để xem tivi, để lướt facebook, để ăn vặt thì bạn nên dành thời gian đọc hoặc nghiên cứu triết học. Hiểu biết - đặc biệt hiểu biết bản thân - thì tự do.

NGÀY 3.

BỎ QUA THỨ KHÔNG QUAN TRỌNG

"Bạn lãng phí cuộc sống của mình biết bao nhiêu, khi không thể nhận thức được những gì mà bạn đang đánh mất. Thật phí hoài khi bạn đau buồn vô nghĩa, thỏa mãn với những niềm vui dại dột, những ham muốn tham lam, những trò tiêu khiển v.v., cuộc sống của bạn còn lại thật ít ỏi. Bạn sẽ nhận ra mình đang chết dần trước khi tử thần tìm đến."
Seneca
Nói “Không” là một trong những điều khó thực hiện nhất trong đời. Thật khó để nói không trước những lời mời mọc, những đòi hỏi, ép buộc, những thứ mà người khác vẫn đang làm. 
Nói không với một số cảm xúc mất thời gian như tức giận, phấn khích, xao nhãng, ám ảnh, ham muốn v.v. thậm chí còn khó hơn. Không cái nào trong chúng có vẻ nghiêm trọng, nhưng nếu mất kiểm soát, ta sẽ dễ dàng thỏa hiệp và đó là hiểm họa thực sự. Nếu bất cẩn, chúng sẽ áp đảo và tiêu hao cuộc sống của ta. 
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng làm sao để lấy lại chút thời gian, làm thế nào để bớt bận rộn? Dễ thôi, hãy bắt đầu bằng việc nói “Không” 
- Không, cảm ơn. 
- Không, tôi sẽ không tham gia vụ đó. 
- Không, hiện tại thì tôi không thể. 
Làm thế có thể khiến một số người bị tổn thương, khiến họ cụt hứng, và thật khó để nói “Không”. 
Nhưng bạn từ chối những thứ không quan trọng, bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho những gì thật sự cần thiết. Điều này sẽ cho phép bạn sống và tận hưởng cuộc sống - một cuộc đời đúng như bạn muốn.

NGÀY 4. BA ĐIỀU LỚN NHẤT.

"Tất cả những gì bạn cần là: Sự tin chắc về khả năng phán đoán ở thời điểm hiện tại, hành động vì lợi ích chung trong thời điểm hiện tại, và một thái độ biết ơn với bất kỳ điều gì xảy ra ở hiện tại trên con đường của bạn."
Marcus Aurelius
Rèn luyện Nhận thức - Hành động - Ý chí, ba nguyên tắc thực hành quan trọng của Chủ nghĩa Khắc kỷ (như trong cuốn sách này và hành trình kéo dài cả năm mà bạn mới bắt đầu). 
Chắc chắn còn nhiều thứ khác nữa hơn là triết học - và chúng tôi có thể dành cả ngày để nói về những niềm tin độc đáo của các trường phái Khắc kỷ khác nhau: “Đây là những gì Heraclitus nghĩ ... ” , “Zeno đến từ Citium, một thành phố ở Síp, và ông tin rằng ... ” v.v.  Nhưng liệu những sự kiện như vậy có thực sự giúp bạn hàng ngày? Những chi tiết ấy cung cấp gì cho nhận thức?
Thay vào đó, lời nhắc nhỏ sau đây tóm tắt ba phần thiết yếu nhất của triết lý Khắc kỷ đáng để bạn mang theo mỗi ngày, trong mọi quyết định:
Kiểm soát nhận thức của bạn.
Dẫn dắt bạn hành động đúng.
Sẵn sàng chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Đó là tất cả những gì chúng ta cần.