NGÀY 14. CẮT BỎ NHỮNG SỢI DÂY ĐIỀU KHIỂN TÂM TRÍ CỦA BẠN

"Nên hiểu rằng, rốt cuộc, bên trong bạn có thứ mạnh mẽ và diệu kỳ hơn những gì gây ra đam mê thể xác và điều khiển bạn như một con rối. Suy nghĩ nào đang chiếm giữ tâm trí tôi lúc này? Không phải là sợ hãi, nghi ngờ, khát khao hoặc gì đó tương tự đấy chứ?"
Marcus Aurelius
Hãy nghĩ về các nhóm lợi ích đang ganh đua nhau vì một phần túi tiền hoặc một giây chú ý của bạn. Các nhà khoa học được thuê để tạo ra thực phẩm khai thác vị giác của bạn. Các kỹ sư của thung lũng Silicon thiết kế nhiều ứng dụng gây nghiện chẳng khác gì đánh bạc. Các phương tiện truyền thông sáng tác những câu chuyện để kích động sự nhục mạ và phẫn nộ.
Đó chỉ là một phần rất nhỏ của những cám dỗ tác động lên chúng ta - khiến ta mất tập trung và kéo ta ra khỏi những gì thật sự quan trọng. Rất may, Marcus không phải tiếp xúc với mặt tối của nền văn hóa hiện đại. Nhưng ông biết rõ những cái hố sụp gây mất tập trung như: buôn chuyện, chứng nghiện công việc, sợ hãi, nghi ngờ, ham muốn. Mỗi người đều bị lôi kéo bởi các tác động bên trong và bên ngoài càng ngày càng mạnh và khó cưỡng lại hơn. 
Triết học chỉ đơn giản là yêu cầu chúng ta chú ý cẩn thận và cố gắng để trở nên khá hơn một quân tốt trên bàn cờ. Như Viktor Frankl đã từng nói trong cuốn sách The Will to Meaning: “Con người bị thúc đẩy bởi khát vọng nhưng bị giữ lại bởi các giá trị’”. Những giá trị này và nhận thức nội tâm ngăn cản ta trở thành con rối. 
Chắc chắn rồi, sự chú ý cẩn thận đòi hỏi nỗ lực và nhận thức, nhưng điều này tốt hơn là bị kéo giật trên một sợi dây (như một con rối) chứ nhỉ?

NGÀY 15. BÌNH AN NHỜ ĐỊNH HƯỚNG ĐÚNG

"Những ai đạt tới khả năng phán đoán kiên định, vững vàng mới bình tĩnh trong mọi tình huống. Những người khác thì liên tục ngã xuống rồi đứng dậy trong các lựa chọn của họ, dao động trong trạng thái chối bỏ rồi chấp nhận thực tại. Cái gì gây ra tình trạng luỡng cực này? Bởi họ thấy không có gì rõ ràng chắc chắn, và họ dựa vào những chỉ dẫn ít xác thực nhất - ý kiến chung chung của đám đông."
Seneca
Trong bài luận về sự tĩnh lặng của Seneca, ông dùng và định nghĩa từ gốc Hy Lạp euthymia là ''tin tưởng vào bản thân và tin rằng bạn đang đi đúng hướng, không nghi ngờ gì khi dõi theo vô số dấu chân của con người lang thang trên những lối mòn theo mọi hướng". 
Ở trạng thái tự tin này của tâm trí, theo ông, sẽ tạo ra sự tĩnh lặng. 
Định hướng rõ ràng bạn sẽ có được niềm tin này. Bạn không cần và thậm chí không nên phải luôn chắc chắn 100% về mọi thứ. Chỉ cần bảo đảm rằng tổng quan bạn đang đi đúng hướng - và không nhất thiết phải liên tục so sánh mình với người khác, hoặc cứ 3 giây một lần thay đổi ý kiến dựa vào thông tin mới nhận. Bạn tìm được tĩnh lặng và yên bình trong việc nhận ra và kiên định tiếp tục hành trình trên con đường của bạn  - tùy chỉnh chỗ này chỗ kia một cách tự nhiên - nhưng hãy phớt lờ những tiếng hát du dương vì nó gây mất tập trung, hãy phớt lờ những nàng tiên cá vì họ dẫn bạn đâm vào vách đá.

NGÀY 16. ĐỪNG LÀM THEO THÓI QUEN

"Trong hầu hết các sự việc, người ta thường không dựa vào những giả thuyết đúng đắn, mà lại dựa vào thói quen khốn khổ để giải quyết vấn đề. Những trường hợp tôi nhắc đến đều diễn ra theo kiểu như vậy. Và đó là thứ mà bất kỳ người nào có luyện tập khắc kỷ đều cần phải vượt qua. Họ không nên chạy theo cảm giác dễ chịu và tránh né đau khổ; họ không nên ham sống sợ chết; và đối với của cải hoặc tiền bạc, họ không nên coi trọng nhận được hơn là cho đi."
Musonius Rufus
Một nhân viên được hỏi rằng: “Tại sao anh lại thực hiện theo cách này?” Trả lời: “Bao lâu nay chúng tôi vẫn làm thế mà!” Câu trả lời đó khiến một ông chủ giỏi thất vọng, và làm cho bao doanh nhân đối thủ cạnh tranh nuốt nước miếng. Nhân viên này đã dừng suy nghĩ, và làm việc một cách máy móc theo thói quen. Doanh nghiệp nọ đủ chín muồi để bị phá vỡ, và người lao động đó có thể bị sa thải bởi người sếp biết suy nghĩ. 
Ta nên áp dụng sự tàn nhẫn như vậy đối với thói quen của chính mình. Trong thực tế, nghiêm túc nghiên cứu triết học khắc kỷ giúp bạn thoát khỏi vòng lặp thói quen. Hãy quan sát chính mình và tìm ra hành vi nào của bạn xuất phát từ thói quen, rồi hãy tự hỏi: Đây có phải cách tốt nhất để thực hiện việc này? 
Hãy biết rõ lý do đằng sau mỗi hành vi của mình – và hành động vì lý do đúng đắn.