Đánh dấu màn hợp tác lần đầu tiên giữa Kiên và Sony Music Việt Nam, ngày 10/9 vừa qua, ca khúc Starry Night đã được ra mắt. Người yêu nhạc rất háo hức bởi một nghệ sĩ indie lâu năm, có tiềm năng đã bắt đầu có những bước đi chuyên nghiệp đầu tiên. Nhưng những gì Starry Night đáp trả lại người hâm mộ lại rất đáng thất vọng.
Kiên là một nghệ sĩ nổi lên trong trào lưu nghệ sĩ singer-songwriter trên mạng giai đoạn 2015-2016 đầy bùng nổ mà trong đó có 2 cái tên đã và đang tạo được dấu ấn tích cực với đại chúng là Vũ và Trang. Vũ là nghệ sĩ đầu tiên ký hợp đồng độc quyền với hãng đĩa Warner Music Việt Nam và nhận được đề cử giải thưởng Cống Hiến lần thứ 14 cho hạng mục nghệ sĩ mới của năm và bài hát của năm. Trang thì đang là cái tên nhận được rất nhiều đơn đặt hàng sáng tác từ các ca sĩ nổi tiếng như Uyên Linh, Min, Nguyên Hà,... và bản thân cô cũng đã phát hành một album solo được đánh giá cao. Nổi tiếng cùng thời điểm, tuy nhiên đến năm 2020 này Kiên mới có dấu ấn nhất định với đại chúng qua việc sáng tác ca khúc Cung đàn vỡ đôi cho Chi Pu. Còn các ca khúc solo của Kiên thì luôn được biết đến với sự thô sơ, mộc mạc, đơn giản và có phần hơi nghiệp dư. 

Sau màn hợp tác với một ekip chuyên nghiệp, mainstream như Chi Pu, cộng với việc được phát hành nhạc dưới trướng một hãng đĩa nổi tiếng, người hâm mộ rất kỳ vọng Starry Night của Kiên sẽ có chất lượng tốt hơn, chưa cần so với các nghệ sĩ chuyên nghiệp lâu năm mà ít nhất hãy ngang bằng với các đồng nghiệp cùng trang lứa. Tuy nhiên, đáp lại điều đó, Kiên dành tặng người nghe một sản phẩm chỉ toàn nhiễu và sạn. Các lớp âm thanh chính được đặt ở mức âm lượng rất nhỏ, lại bị chèn ép bởi rất nhiều âm thanh nhiễu, người nghe phải thật lắng tai mới nghe được rõ.
Vẫn biết trào lưu nhạc lo-fi (nhạc chất lượng thấp) đang rất thịnh hành trong giới trẻ, các nghệ sĩ bedroom pop (nghệ sĩ làm nhạc, thu âm tại nhà) cũng đang được ưa chuộng trên thế giới, nhưng tất cả các sản phẩm thuộc những dòng này đều có sự chuyên nghiệp nhất định, những tiếng nhiễu, sạn được đưa vào đều một mục đích cụ thể. Còn đối với Starry Night, chúng ta khó mà tìm thấy một ý đồ nào. Chưa kể, phần âm lượng giọng hát của Kiên còn lúc to lúc nhỏ không đồng đều, Khi bước vào phần đoạn rap, giọng của Kiên đột nhiên nhỏ hơn hẳn phân đoạn trước một cách rất khó hiểu. Một sản phẩm thiếu chuyên nghiệp giống như bao bài hát từ trước đến nay của Kiên trên mạng xã hội và khó có thể tưởng tượng được lại được phát hành dưới trướng một hãng đĩa lớn như Sony Music. 

Việc thu âm, hậu kỳ thiếu chuyên nghiệp khiến cho mọi ý đồ của Kiên đặt vào Starry Night đều phá sản. Kể về một chàng trai đang hối hận, nuối tiếc về những sai lầm của bản thân trong quá khứ, Kiên lại dùng quá nhiều những âm thanh nặng của điện tử với nhịp điệu không phù hợp với cách hát khiến cho người nghe khó đồng cảm. Cộng thêm việc nhiều tiếng nhiễu kết hợp với âm lượng không đều, người nghe thậm chí còn không nghe rõ Kiên đang hát cái gì. Chưa kể cách hát chầm chậm, có phần hời hợt của Kiên có thể hợp với những bài hát “chơi chơi” anh thường đăng tải, nhưng để đưa lên một sản phẩm chính thức thì nghe có phần thiếu chuyên nghiệp. 
Vấn đề về thu âm, hậu kỳ như thế này không phải của riêng Kiên, mà là của hầu hết các nghệ sĩ indie Việt Nam. Tuy nhiên, khi họ còn đang ở sân chơi mạng xã hội, người nghe cũng sẽ không quá khắt khe hay đòi hỏi nhiều. Nhưng khi đã bắt đầu đặt chân vào địa hạt chuyên nghiệp, người nghe có quyền đòi hỏi một sản phẩm có chất lượng, chí ít cũng như Vũ và Trang, chứ không phải một sản phẩm vẫn giống như khi còn đang nghiệp dư như Starry Night
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811