“If it takes a village to raise a child, it takes a village to abuse them” – “Nếu cần một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ, thì cũng cần cả ngôi làng để lạm dụng nó”.
- Spotlight 2015 -
Ở Spotlight không chỉ có thực trạng đáng sợ về ấu dâm mà bên cạnh đó, phim còn đề cập đến hai vấn đề khác đó là tĩn ngưỡng, tôn giáo và cả đạo đức nghề nghiệp, cụ thể ở đây là nghề báo. Tuy nhiên trong bài review lần này mình xin phép chỉ đề cập đến vấn đề ấu dâm trong phim mà thôi.
Chủ nhân tượng vàng Oscars 2016 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh mãnh liệt của một nghệ thuật không quá phô trương. Chẳng cần đao to búa lớn, tất cả những gì Spotlight có chính là sự đơn giản đến hoàn hảo. Truyện phim bắt đầu khi vị tổng biên tập người Do Thái Marty Baron nhận công việc mới tại tòa soạn Boston Globe. Sau khi nhận chức không lâu, ông bắt đầu để ý đến một đề tài đã chìm từ lâu: một linh mục thực hiện hành vi ấu dâm trẻ em trong suốt nhiều năm trời nhưng lại được Đức Hồng Y Boston bao che. Và đó là khi nhóm phóng viên điều tra của tòa soạn chính thức tham gia triển khai đề tài. Họ bắt đầu phỏng vấn các nạn nhân, tìm kiếm tin tức về các linh mục, … Càng lấn sâu họ càng phát hiện được nhiều tội ác đáng sợ hơn. Những con số về nạn nhân, về các linh mục liên quan trong vụ việc dần tăng lên một cách đáng sợ để rồi họ nhận ra đây không chỉ là tội ác của một hay một vài người nữa mà là tội ác của cả một hệ thống. Nhưng điều ám ảnh họ nhất là hệ thống gắn liền với tội ác ấy lại chính là hệ thống của Chúa.
Spotlight opens at number 1 at the Irish box office | Limelight

Có thể nói, bản thân Spotlight là một câu chuyện vô cùng kịch tính nhưng thật thú vị, đó lại không phải là cách đoàn làm phim chọn để kể câu chuyện ấy. Thay vào đó, mọi thứ trong phim nếu nhìn một cách riêng rẽ đều chỉ dừng lại ở mức vừa đủ nhưng khi kết hợp lại có thể khiến khán giả phải trầm trồ. Trước hết phải nói đến nhân vật, các nhân vật trong phim dường như giữ vai trò ngang bằng nhau, Spotlight không tập trung vào bất kỳ một ai hay dành cho ai bất kỳ sự nhấn mạnh đặc biệt nào cả. Họ đều có thời lường vừa đủ để thể hiện bản thân với những cá tính riêng cũng như thể hiện vai trò quan trọng của mình trong câu chuyện chung. Sacha nhẹ nhàng, có trách nhiệm và biết lắng nghe, Michael nhiệt huyết và đầy đam mê, … Màu phim không quá u tốt nhưng cũng không quá rực rỡ. Nó ở một mức trung lập vừa đủ như màu trắng của những tờ báo vậy. Các góc quay cũng khá gọn gàng và đúng trọng tâm. Đặc biệt, điều mình thích nhất chính là âm nhạc của phim. Tuy lấy đề tài vô cùng nhức nhối là ấu dâm nhưng âm nhạc lại vô cùng nhẹ nhàng, êm đềm gợi cảm giác yên tâm cho người xem. Nó như một lời nhắc nhở rằng “Rồi tất cả sẽ ổn thôi”.
Khía cạnh ấu dâm trong phim cũng được khắc họa một cách vô cùng đặc biệt. Nếu so sánh với hai bộ phim khác cùng đề tài mà mình từng xem là Hope và Silenced của Hàn Quốc thì có thể thấy sự khác biệt rõ ràng. Với Hope và Silenced, câu chuyện được kể một cách trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề nhưng ở Spotlight nó chỉ là gián tiếp mà thôi. Nhưng liệu điều này có làm giảm đi tính nghiêm trọng của vấn đề, có khiến cho cảm xúc của người xem bị tụt xuống? Không hề! Ngược lại, sự âm thầm ấy lại càng ám ảnh người xem hơn. Cả bộ phim, không có cảnh bạo lực, không có cảnh ấu dâm, không có cả hình ảnh của những kẻ phạm tội. Thay vào đó, chúng đều được thể hiện một cách gián tiếp thông qua lời kề của những nạn nhân cũng như thái độ của các nhân vật chính khi đối diện với sự việc. Từng ánh mắt, từng sự ngập ngừng trong lời kể của những nạn nhân năm đó cũng có thể thể hiện được sự việc ấy đã tác động lớn đến họ như thế nào. Mặc dù đã ở hình hài người lớn rồi, nhiều người thậm chí đã lập gia đình và có con nhưng những nỗi đau năm ấy vẫn còn y nguyên, dồn dập họ mỗi khi nghĩ lại. Nhưng điều thực sự khiến mình ám ảnh nhất sau khi xem xong chính là dòng chữ xuất hiện đầu phim “Dựa trên một sự kiện có thật”. Các con số trong phim đều là thật, tính riêng thành phố Boston đã có đến 87 linh mục tham gia ấu dâm vậy thì trên toàn nước Mỹ, trên toàn thế giới con số ấy có thể lên đến bao nhiêu. Ngay cả những “Người của Chúa” cũng dám thì liệu còn ai không dám nữa? Ác quỷ có thể là bất kỳ ai, từ diễn viên, nghệ sỹ hài, … cho đến cả linh mục. Nhưng bạn biết điều gì còn đáng sợ hơn tội ác ấy không? Đó là sự im lặng. Từ Giáo hoàng, luật sư, thậm chí cả gia đình nạn nhân cũng chọn cách im lặng trước tội ác ghê tởm ấy. Khi được hỏi rằng mẹ cậu đã làm gì khi linh mục đến yêu cầu sự im lặng từ phía gia đình sau khi lạm dụng tình dục cậu? Một nạn nhân đã đau đớn trả lời “Bà ấy mời ông ta uống trà”. Họ nghĩ rằng họ đang im lặng nhân danh Chúa. Và cái giá của những sự im lặng đó là gì? Tiếng chuông điện thoại reo không ngừng ở cuối phim cũng chính là sự tượng trưng cho số lượng nạn nhân không ngừng tăng lên. Liệu đến khi nào những con số ác quỷ ấy mới dừng lại?