Bài viết gốc đã được đăng tại Đây
Meme culture có thể nói phần lớn được định hình bởi 4chan và phần nào South Park, với cái chỉ tiêu mọi thứ đều có thể bị mỉa mai và đem ra làm trò đùa được. Chính trị cánh Tả, cánh Hữu, LGBT, Homophobic, Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, vô thần,... . Công bằng, phải không?
***
Vừa qua, mẹ của đứa bé bị cây phượng đổ vào người đã đăng bức hình tưởng nhớ nó ở trên tường của mình. Và một đám “baiter”, “meme lord” vào và buông lời giễu cợt. Chúng đem cái chết của một đứa bé ra làm trò cười, ngay trước mặt mẹ nó, chúng gọi những người nổi đóa là “đạo đức giả”, “cắn bait”, “triggered”.
Ai đó nói bọn nó không đại diện cho những người thích chế và share meme,... . Nhưng vấn đề là, đây không phải vụ đầu tiên. Chúng ta chỉ bỏ qua quá nhiều nạn nhân thôi. Cố gái bị nhét vào thùng xốp? 11-9?
Tôi từng thấy một page chia sẻ bài đăng trên tường trang cá nhân của 1 thanh niên đã chết. Anh ta là một kẻ hay đua xe. Có thể là giang hồ và trên tường đăng đầy những câu quote về mê tốc độ. Và mọi người cười cợt điều đó. Người ta vào từng bài đăng và để lại những comment giễu nhại, cho rằng xã hội bớt đi những người như anh ta là tốt.
Làm vậy để làm gì?

Tôi vẫn cho rằng có 2 loại người hay đăng “dark meme”, dùng cái template đang nổi nào đó và đem một sự kiện nghiêm túc ghép vào. Đó là trẻ em và người lớn. Có người lớn rồi nhưng cách tư duy cũng không hơn trẻ con là mấy.
Trẻ con làm vậy bởi cười cợt được trước những điều mà người khác không dám nói tới, như thể cái gì đó ngầu lắm. Như chửi bậy, hay khoe khoang với chúng bạn về việc hút thuốc,... . Một dấu hiệu ngớ ngẩn của sự trưởng thành.

Loại thứ 2 là người lớn. Cách tư duy của họ không khác mấy loại thứ nhất. Gọi là “người lớn” chỉ để phân biệt. Điều đáng buồn là cách họ tự bào chữa. Họ cho rằng có thể cười vào mọi thứ trong đời là công bằng. Không sướt mướt. Uỷ mị. Họ cho rằng bản thân hơn người vì giữ được tỉnh táo, lý trí (“rational”) thay vì thể hiện cảm xúc như những con người yếu đuối bình thường. Họ không cần phải sợ cái bộ mặt đạo đức giả xã hội áp đặt lên cách cư xử của mỗi người.

Loại người thứ 2 khiến tôi bực mình hơn cả bởi họ chẳng tin vào gì cả.
***

Không tin vào cái gì, không có lý tưởng. Đó là cách an toàn nhất để bảo vệ bản thân. Không bao giờ bạn phải đặt ra câu hỏi: “liệu những điều mình tin là đúng?” Không bao giờ bạn phải đối chất với một kẻ có tư tưởng sai lầm/đối nghịch bạn. Nếu bạn thấy người đối diện đang nghiêm túc bàn về một cái gì đó, bạn có thể đem họ ra làm trò cười, và kẻ thắng cuộc sẽ luôn là bạn. Bạn không có luận điểm khi bước vào cuộc tranh luận và khi đi ra cũng sẽ không mất gì cả. Khi bạn đem người khác ra làm trò cười và mọi người cười cùng bạn, đối phương chẳng còn ai ủng hộ hết.
Đó có thể là một cách hèn nhát để sống. Và tôi cũng là một kẻ trong số đó.
Uể oải sống qua ngày, không tình yêu, không lý tưởng, không ước mơ, không mục tiêu, nợ môn, thể trạng yếu ớt,... tôi tìm nơi trú ẩn trong game và phim ảnh, không biết phải thay đổi cuộc đời mình như thế nào, hay bắt đầu từ đâu. Mà thực ra là không có ý định, không dám.
Cuối cùng thì chẳng có gì thay đổi hết.
***

Trên bình diện xã hội, tư tưởng này phổ biến hơn tôi nghĩ. Chúng không phải lúc nào cũng đến từ sự mỉa mai mọi thứ. Không. Nhưng đến từ sự che bai, chế giễu những kẻ khác biệt, tất cả những kẻ muốn thay đổi. Bởi chính xã hội hiện tại cũng sợ thay đổi. Nó cũng muốn giữ nguyên cái hiện trang (status-quo) ổn định này. Bởi ta thấy ổn với nó, ta không phải đối mặt với vấn đề và từ chối chấp nhận rằng có người khác không hề ổn với nó, hay sự ổn định của ta đến từ sự hy sinh của người khác.

Vụ biểu tình ở Mỹ. Những người phản đối nói về điều gì? Đập phá vô lý, cướp của, kể cả của cải của những người da đen khác. Những người da đen bị cảnh sát bắt nhiều hơn vì đâu? Vì họ thực sự gây ra tội ác nhiều hơn. Hãy nhìn số liệu của FBI mà xem? Cộng đồng da đen gây ra nhiều tội ác hơn gấp mấy lần các Họ nêu ra trai nghiệm cá nhân của mình về những khu người da đen sống nguy hiểm thế nào, rằng mình từng bị những tên côn đồ uy hiếp,... .
Vậy điều những người đó muốn khi phản đối cuộc biểu tình là gì? Cuộc sống giữ nguyên, đừng thay đổi nữa và hãy im lặng? Luật pháp Mỹ không hề viết rằng người da đen phải bị đối xử tệ hơn các chủng tộc khác, vậy nên xã hội hiện tại làm gì có gì sai?
Và rồi ai đó chỉ ra rằng những người da đen có xu hướng như vậy là vì hoàn cảnh sống của họ, là bởi xã họi mà họ được sinh ra đã là một hệ thống không thiên vị họ, nằm trong tư tưởng và suy nghĩ của những người hưởng lợi từ nó.
Nhưng điều đó không phải là chối bỏ trách nhiệm của mình sao? Những người da đen nói như vậy không phải là họ đang chối bỏ trách nhiệm của bản thân khỏi tình trạng của chính mình sao?
Bắt mỗi cá nhân chịu trách nhiệm cho mọi hoàn cảnh diễn ra với họ sẽ dễ dàng hơn nếu như họ được hệ thống xư xử bình đẳng. Và đó không chỉ là những người da màu, còn là những người nghèo, những người di cư,... . Nếu chỉ đơn giản là cho qua vấn đề và đặt vấn đề ấy lên vai những người đang chịu đựng, sớm muộn gì, nó cũng nảy ra những vấn đề khác. Chúng ta chẳng thể nhắm mắt cho qua một căn nhà cháy mãi cho đến khi lửa lan ra cả khu phố. Và, lửa đã lan rồi đó. Dù lửa đó là lỗi của ai, nó cũng cần phải được chặn.

Vậy, bước đầu có thể làm là gì chứ? Nhìn vào vấn đề, chấp nhận vấn đề tồn tại và sự liên quan của bản thân bên trong vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân, và góp phần đưa ra giải pháp thay đổi nó. Tiếc là bước 1 lại quá khó để vượt qua. Chúng ta quá cứng đầu và cố chấp để nhìn vào vấn đề và chấp nhận rằng bản thân đang hèn nhát và trốn tránh nó. Chính vì vậy thay vì bắt đầu với vấn đề ở Việt Nam, tôi bắt đầu với một vấn đề ở Mỹ.
***

Gì cơ? Đúng rồi đấy, chúng ta có vấn đề. Và nó không chỉ là đám trẻ con nói linh tinh trên mạng.
Cộng đồng LGBT, đã bao lần các bạn thấy họ bị gọi là “đòi quyền thượng đẳng”? đã bao lần cái joke LGTV được sử dụng? Đã bao lần mọi người nói “Tôi ko ghét mấy đứa LGBT, nhưng bọn nó phải cư xử bình thường một chút.” “Tại sao có diễu hành tự hào vì đồng tính mà không có diễu hành tự hào vì đàn ông?”
Cộng đồng LGBT đòi quyền thượng đẳng gì cho mình? Quyền không bị nhìn với ánh mắt kinh tởm? Không bị đem ra làm trò đùa trong các tiểu phẩm hài, hay quyền được làm giấy đăng ký kết hôn?

Nhưng không sao, cộng đồng LGBT sẽ không nổi loạn, biểu tình và cướp cửa hàng. Nhưng họ không phải là những người duy nhất đối mặt với bất công?
Nhưng chúng ta vẫn thường gom tất cả những người bất mãn xã hội vào 2 chữ “ba que”. Thực ra tôi cũng chỉ mong đơn giản có vậy. Tôi chỉ mong 3 que toàn những cụ già lú lẫn như Trần Dần, Đào Minh Quân, tôi mong họ đều là những kẻ uất ức vì ủng hộ sai phe. Thậm chí, có lẽ không phải ai trong số những người bất mãn cũng không tin tưởng Đảng và Chính quyền. Mọi chuyện không đơn giản như thế. Tôi tin là người dân Bình Thuận, Thủ Thiêm, Đồng Tâm không một sáng ngủ dậy và nghĩ mình chán quá nên sẽ phá đi cơ nghiệp của mình. Tôi cũng tin là không có một tổ chức nào có đủ tiền để xúi giục bằng ấy người
nổi loạn được. Tôi tin là người dân vẫn còn có niềm tin vào chính quyền mới ra Hà Nội để kiện. Vậy tức là vẫn có cơ hội để sửa chữa những vấn đề còn tồn tại.
***

Nói về chuyện mỉa mai các vấn đề chính trị, trước kia chúng ta có Táo Quân.
Điều gì khiến cho Táo Quân khác với mấy cái “Dark meme”? Tôi nghĩ là do Táo Quân vẫn có quy tắc đạo đức nhất định. Và cái quy chuẩn đạo đức ấy thể hiện ở nhân vật Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng không chỉ đơn giản là “người nghiêm túc” để tung hứng cho “thằng hề” là các Táo và Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngọc Hoàng cũng là cán cân đạo đức để đưa ra phán xét cuối cùng cho vấn đề và thể hiện những quan điểm chính trị thực tế của đạo diễn và biên kịch
Các Táo có thể nói những thứ đầy tranh cãi, “mấy mạng người nho nhỏ”, “con chuyển giới hỏng này”. Nhưng cuối cùng tiếng nói có trọng lượng nhất vẫn là của Ngọc Hoàng. Khoảng năm 2016, Ngọc Hoàng còn bảo Bắc Đẩu “giới tính nào, miễn là đóng góp cho Thiên Đình là được.” rồi hợp thức hóa hôn nhân đồng giới. Hóa ra Thiên Đình trong Táo Quân còn tiến bộ hơn thiên đình của chúng ta?

Nhưng rồi Táo Quân cũng trở nên nhạt dần. Tôi bắt đầu nhận ra số chương trình mình không thích đã xấp xỉ và rồi nhiều hơn số mình thích. Năm nào táo giao thông cũng bị chất vấn đúng 1 vấn đề nhưng vẫn không có giải pháp nào hiệu quả.
Có lẽ, biên kịch, đạo diễn và các nghệ sĩ đã nhận ra vấn đề không hản ở kịch bản, chương trình của họ không hẳn đưa ra một diễn ngôn chính trị (hay có?). Họ chỉ phản ánh lại đời sống.
Và dù họ có làm tốt bước 1 đến mấy, xã hội cũng vấn chưa đủ thay đổi để họ nói cái gì đó mới mẻ hơn.