Bật fullscreen nếu cần nhé
Chào các bạn,
Video này mình sẽ chủ yếu nói về những khó khăn trong dịch thuật nói chung, và làm phụ đề nói riêng. Như bạn có thể thấy mình đã liệt kê ra những khó khăn thường gặp trong việc làm phụ đề, có thể kể đến như:
  1. Không có hoặc không tìm được thuật ngữ, từ khó, ngữ pháp khó hiểu,...
  2. Hiểu tiếng Anh, nhưng dở tiếng Việt, không tìm được cách trình bày tiếng Việt
  3. Không để ý đến thời lượng hiển thị của phụ đề
  4. Thiếu kiên trì, bài dài quá dễ ngán, bế tắc cũng dễ ngán
  5. Lòng tự ái cao, dễ nổi điên khi bị reviewer chỉnh tùm lum, thiếu tinh thần tiếp thu, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc
1.
Đầu tiên, khó khăn mà mọi người thường nghĩ đến đầu tiên là "dở tiếng Anh". Dở tiếng Anh ở đây cụ thể là không hiểu thuật ngữ, thiếu từ vựng. Nhưng mình nghĩ cái nguy hiểm lớn nhất khi yếu tiếng Anh không phải là từ vựng và thuật ngữ, mà là ngữ pháp và cách nói. Sẽ có những câu đọc qua thì bạn biết tất cả các từ trong đó, nhưng khi ráp lại thì bạn không hiểu nó nói gì. Hoặc bạn hiểu một cách mơ hồ, hoặc nếu theo đúng những gì bạn nghĩ thì câu nói đó quá vô lý.
Với mình thì đây cũng chính là khó khăn lớn nhất, và là lỗi thường gặp nhất ở các bạn mới bắt đầu dịch thuật nói chung và làm phụ đề nói riêng. Vì không hiểu sẽ không nguy hiểm bằng hiểu sai. Bạn đã hiểu sai thì bạn sẽ dịch sai. Hiểu sai đoạn đầu sẽ dịch sai cả bài.
Hiểu sai không phải chỉ vì bạn yếu tiếng Anh, mà còn do nhiều lý do khác nữa. Ví dụ như bối cảnh: Có những câu nói nếu không đặt vào bối cảnh đó thì bạn sẽ không thể hiểu được ý tác giả là gì. Bối cảnh đó có thể là chuyên ngành, hoặc văn hóa địa phương, hoặc một trào lưu xã hội, hoặc một sự kiện nào đó có tác động đến bài nói.
Hiểu sai cũng có thể do giới hạn hiểu biết của người dịch. Ví dụ nếu bạn chưa đọc quyển "1984" của George Orwell thì có thể bạn sẽ hiểu nhầm diễn giả đang nói đến năm 1984, nhưng thực ra đang nói đến tác phẩm 1984. Đây là một dạng kiến thức mặc định của nhóm đối tượng mà diễn giả đó đang nói tới. Vậy nên việc tìm hiểu bối cảnh, văn hóa, nâng cao kiến thức của người dịch cũng là vấn đề hết sức quan trọng.
Hiểu sai còn có thể là do tính cách của diễn giả. Người đó có thể rất thích nói đùa, thích châm biếm, và đôi khi mình tưởng thật. Nếu dịch một cách chân phương ngây ngô như thế thì có thể khiến người xem hiểu sai ý của tác giả. Nói đùa kiểu Anh sẽ khác nói đùa kiểu Pháp. Và hầu hết những người thích nói đùa đều nói với bộ mặt hết sức nghiêm túc, nên nếu bạn chưa quen, có thể chính bạn sẽ hiểu nhầm.
Vậy nên điều trước tiên và quan trọng nhất khi dịch, dù là dịch văn bản, dịch sách, dịch báo, hay dịch phụ đề... Điều quan trọng nhất chính là bản thân người dịch phải HIỂU. Người dịch là sứ giả truyền tin, nếu sứ giả mà không hiểu rõ nội dung mình sắp truyền đi, thì làm sao truyền đạt được?
Vậy nên khi dịch đừng vội vàng, gặp thắc mắc gì thì bạn phải tìm hiểu liền. Thấy trong bài dịch có gì đó vô lý thì phải đào sâu hơn tìm hiểu, xem mình có hiểu nhầm ở đâu không? Đây chính là thu hoạch lớn nhất đối với một dịch giả, đây là kiến thức. Và chính sự đào sâu nghiên cứu đó còn quý hơn bất kỳ phần thưởng nào khác. Vậy nhớ nhé: TRƯỚC TIÊN LÀ PHẢI HIỂU! HIỂU THẬT RÕ!!!
2.
Thứ hai, hiểu là một chuyện, truyền đạt lại là một chuyện khác. Đơn giản như có vô số từ, vô số thuật ngữ không có từ tương đương trong tiếng Việt. Hoặc ít nhất là chưa có. Vậy bạn phải làm sao?
Với SOSUB, quan điểm của mình là ưu tiên mạch tiếp thu của người xem. Vậy nên bạn có thể bỏ bớt những yếu tố dư thừa, chỉ giữ lại cốt lõi vấn đề mà thôi. Làm sao để người xem không cần phải dừng video lại để nghiền ngẫm nhưng vẫn nắm bắt được ý chính của tác giả.
Một lỗi mà các bạn mới dịch thường gặp nữa là bị cuốn vào ngữ pháp tiếng Anh, nên khi dịch sẽ trở thành một bài "tiếng Anh được viết bằng chữ Việt" chứ không phải là tiếng Việt. Bản thân bạn đọc sẽ cảm thấy bình thường, vì chính bạn là người dịch, nhưng người khác đọc sẽ cảm thấy rất khó chịu, vì cảm giác sẽ chẳng khác gì dùng Google dịch.
Vậy, ngoài việc phải hiểu tiếng Anh, dịch giả còn phải là người yêu thích tiếng Việt, thích cái hay cái đẹp của tiếng Việt, có khả năng viết lách, trình bày ý kiến bằng tiếng Việt. Vì nếu bản dịch không trơn tru, không đủ mượt, mọi người sẽ không xem, vậy hóa ra hoài công vô ích. Chưa kể bản dịch này sẽ lưu lại mãi mãi trên internet gắn liền với tên tuổi của bạn. Nhưng không sao, đây là kỹ năng có thể rèn luyện được. Chỉ cần có thái độ tiếp thu tốt, mọi thứ đều có thể học.
3.
Điều thứ ba cũng là đặc trưng của dịch phụ đề chính là: THỜI LƯỢNG. Khác với dịch văn bản như dịch sách, dịch báo, bạn sẽ không có không gian để chú thích. Ví dụ như dịch sách, bạn có thể để nguyên một thuật ngữ rồi đóng mở ngoặc đơn chú thích thêm; hoặc một câu rất ngắn trong tiếng Anh có thể dịch thành một câu rất dài trong tiếng Việt để làm rõ nghĩa của tác giả. Nhưng khi dịch phụ đề thì chúng ta không có thứ xa xỉ đó.
Khi dịch phụ đề, thời lượng hiển thị của câu nói là yếu tố hết sức quan trọng. Nếu tác giả nói quá nhanh, tức là câu tiếng Anh rất dài nhưng thời lượng hiển thị lại rất ngắn, lúc đó mình phải ưu tiên cho tốc độ đọc của người xem, nghĩa là mình phải dịch thành một câu đủ ngắn chỉ cần truyền tải ý chính, ý cơ bản nhất là được.
Nhưng khi tác giả nói chậm thì mình lại cần ưu tiên sự tương xứng trong khẩu hình, tức là tiếng Anh có bao nhiêu âm, tốt nhất nên dịch thành chừng ấy chữ Việt, giống như bạn dịch lời thoại cho diễn viên lồng tiếng vậy. Vì khi nói chậm, người xem rất dễ dàng đọc được từng chữ, và họ sẽ thấy dễ tiếp thu hơn nếu số chữ bằng với số âm mà người nói phát ra.
4 + 5
Còn lại là yếu tố tính cách và tâm lý. Nếu ai đã từng dịch nhiều, làm việc với nhà xuất bản, hoặc làm việc với khách hàng thì đây không phải là vấn đề. Nhưng với những bạn mới thì đây là những ảo tưởng cần tránh. Vì khi đọc được một bài tiếng Anh thú vị, mình sẽ hào hứng dịch liền. Nhưng nếu bài đó đủ dài, dịch lâu, mình sẽ dễ nản. Hoặc vì vội vàng muốn chia sẻ nên mình lười tìm hiểu sâu hơn về nội dung trong khi dịch, và như thế mình đã bỏ qua cơ hội học tập về chủ đề mà mình yêu thích. Đó là một sự lãng phí rất lớn.
Rồi sau khi dịch xong, tất nhiên sẽ có người review. Và đôi khi đánh giá và nhận định của người review sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Đơn giản, khi ở vị trí của người review, ai cũng muốn có dấu ấn của mình trong tác phẩm, họ sẽ muốn chỉnh sửa một cái gì đó trong bản dịch của bạn, hoặc ít nhất cũng "ý kiến ý cò" này nọ. Bạn có thể bảo vệ bản dịch, nhưng hãy tỉnh táo, đừng để cảm xúc chi phối. Sự bảo thủ mù quáng sẽ ngăn cản bạn tiến bộ. Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân và nhắc nhở người review rằng tất cả chúng ta không phải hướng đến ai đúng ai sai, không phải chọn xem ý của ai hay hơn, cách dịch của ai tốt hơn, mà hướng đến một bản dịch phù hợp nhất cho đối tượng tiếp thu bài dịch này. Vì nếu bài dịch hướng đến dân nghiên cứu, họ sẽ muốn nó chính chuyên hàn lâm hơn. Nếu bài dịch hướng đến phần đông trong giới trẻ, họ muốn nó dùng từ đại chúng hơn, vui vẻ hơn.
Tóm lại, khi dịch sẽ có vô số yếu tố bất định mà bản thân người dịch phải là người ra quyết định. Chỉ cần chúng ta luôn nhớ rằng bản dịch này dành cho ai, và làm sao để người đó tiếp thu nội dung trong đó tốt nhất thì nhất định bản dịch đó sẽ được đón nhận. Mọi thứ còn lại sẽ được hoàn thiện trong quá trình bạn thực hiện.

Danh mục bài đăng trong series "Hướng dẫn làm phụ đề":