Sống theo triết lý Phật giáo có làm ta hạnh phúc hơn?
“Đời là bể khổ”. Con người sống theo một chu trình nhân sinh, từ lúc sinh ra đã khổ, được thế giới tác động vào tất cả các giác quan,...
“Đời là bể khổ”. Con người sống theo một chu trình nhân sinh, từ lúc sinh ra đã khổ, được thế giới tác động vào tất cả các giác quan, rồi “thụ” nó bằng ba loại cảm giác “lạc thụ” (sung sướng), “khổ thụ” (đau khổ) và “xá thụ” (không cảm giác), tất cả đều dẫn đến chữ “Ái” (Ái mộ, yêu thương). Tham vọng muốn “thủ” (giành lấy) đã dẫn đến chữ “hữu” (có), nhân duyên tạo ra chữ “sinh” rồi lại dẫn đến chữ “lão” (già). Một vòng luẩn quẩn luân hồi, chỉ khi đạt đến cảnh giới “diệt đế” (tiêu diệt được nỗi khổ để đến niết bàn” thì khi ấy con người mới thoát khỏi vòng lặp nhân sinh.
Phật giáo dạy người ta nhiều điều, nhiều người lấy phật giáo là thước đo để sống, nhưng liệu sống như vậy có khiến ta hạnh phúc hơn?
Phạm trù nhân duyên: Kiếp trần gian chỉ là tạm bợ
Phật dạy rằng thân xác ở cõi trần của con người chỉ là tạm bợ, được hình thành từ “Danh” và “Sắc”. “Sắc” là vật chất, “Danh” là tinh thần (gồm “Hành”; “Thụ”; “Tưởng”; “Thức”). Vạn vật kể cả con người đều là ảo và giả, do cái tâm vô minh sinh ra, do đó, khi mất đi là trở về với cát bụi, dứt bỏ hết những gì liên đới ở trần gian. Ấy là đạt đến cảnh giới của sự siêu thoát? Nếu người ta vẫn vấn vương với trần thế, chấp niệm sẽ hình thành khiến họ không luân hồi chuyển kiếp được. Nhưng như vậy có thực sự thanh thản?
Ở đời, nhân duyên là một điều kỳ diệu. Kiếp luân hồi khiến chúng ta dây dưa mắc nợ nhau, kiếp này không trả hết thì đợi đến kiếp sau. Như Lương Sơn Bá với Trúc Anh Đài, kiếp này “có duyên không có phận”, nguyện chết đi hoá thành đôi bươm bướm quấn quít không rời. Trần tục dẫu khổ, nhưng thử hỏi có ai không sợ “cái chết”? Sinh ra đã là khổ, nhưng thử hỏi có ai không yêu cha mẹ sinh thành? Nếu con người là vô minh thì thử hỏi nhân tình thế thái ai chiêm nghiệm được hết xúc cảm của nó?
Nếu cứ sống với cái tâm niệm “vô minh” ở đời, hết kiếp này là hết thì há chẳng phải những người thân hiện tại cũng chẳng còn nghĩa lý gì chăng? Tôi nhớ ngày ông ngoại mất, đám tang được tổ chức theo nghi thức Phật giáo, sư tăng chủ trì vẩy nước thánh trên bông hoa cúc vàng ruộm, miệng tụng kinh cầu cho linh hồn siêu thoát khỏi trần gian, về với Phật, quên đi những khổ đau kiếp này để tu thành chính quả. Sư tăng dặn người nhà không được khóc, để cho người thân được ra đi thanh thản, còn khóc là còn lưu luyến cõi trần. Khi ấy, lòng tôi chợt mất mát, liệu rằng ông ngoại có thực sự muốn quên đi hết nhân duyên kiếp này? Dẫu phiền muộn và đói khổ suốt hai phần ba quãng đời, nhưng nhìn lại bà ngoại đang ôm quan tài khóc, nhìn các con các cháu đang rầu rĩ tang thương, đoạn tình cảm gia đình ấy, kiếp nào mới gặp lại được.
Phạm trù vô thường: Vạn vật luôn biến đổi, không có gì trường tồn, bất biến
Nhà triết học Hy Lạp cổ Heraclitus đã nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Ở đây, có ba yếu tố được nhắc đến: con người, dòng sông và sâu xa hơn là thời gian. Ba yếu tố này tác động lẫn nhau, vận động không ngừng. Con người luôn trong trạng thái thay đổi về suy nghĩ, tâm tình và ý thức hệ. Trong khi đó dòng sông cũng luôn chảy trôi theo thời gian. Không có gì là bất động, kể cả những thứ mà chúng ta tưởng như đang đứng im cũng vẫn vận động mỗi ngày. Đây cũng là tiền đề cho phát kiến vĩ đại của loài người về “vật lý lượng tử”. Toàn bộ thế giới vật chất, bao gồm cơ thể con người, tuy nhìn từ bên ngoài có vẻ rắn chắc và cố định, nhưng ở tầng mức căn bản nhất, chúng là một tập hợp gồm những hạt nguyên tử/hạ nguyên tử di chuyển theo cách hỗn loạn và khó xác định.
Nhưng chẳng phải con người luôn mưu cầu sự trường tồn trong cuộc sống này hay sao? Một khía cạnh nhỏ nào đó, người ta mưu cầu một tình yêu trường tồn bất biến, ngày nào cũng như thuở mới yêu. Ngoài tình yêu, người ta mưu cầu một đức tin trường tồn, nơi mà họ có thể lấy nó làm chỗ dung thân khi xa ngã, để họ luôn “chính định” (kiên định) với bản ngã của mình. Nhưng sự thật, chính vì vạn vật luôn biến đổi khiến cho “ý thức hệ” của con người cũng biến đổi theo thời gian. Một mặt nào đó, nó không đảm bảo con đường dẫn đến sự hạnh phúc, nó tuân theo lẽ thường, để con người tự tung tự tác dạo chơi trong vòng luẩn quẩn của ý thức hệ, để rồi họ có thể thấy ánh sáng, hoặc bóng tối nuốt chửng họ. Sự biến đổi trong ý thức hệ được lột tả chân thực nhất trong bộ phim “Platform”, khi mà con người bị đưa vào hoàn cảnh cùng cực, họ mất dần đi đức tin, họ dựa dẫm vào bản năng, tìm kiếm một lý do chính đáng cho những hành vi tội lỗi của mình là “sinh tồn”.
Phạm trù nhân sinh: Yêu thương vạn vật, bác ái bao dung
Thi sĩ Bùi Giáng từng viết:
“Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.”
Nhân gian này phải yêu lấy từng tấc đất, ngọn cỏ, phải đối xử với vạn vật chúng sinh bằng tình yêu bao la và bác ái. Chúng ta sống với cái tâm thiện, bỏ đi những chấp niệm sân si, không căm ghét thù oán, sống thanh thản với lòng mình. Phật dạy chỉ khi “chính nghiệp” (nghĩ - nói - làm điều thiện” mới đạt được cảnh giới “Đạo đế”.
Mạnh Tử viết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra vốn hướng thiện, sau này mới nổi tà tâm vì nhiều lý do. Nhưng sau này ngẫm ra, khi sinh ra là một tờ giấy trắng, biết được thiện ác ở đời là cái chi? Người đời vạch một đường bảo thiện, nó ắt thiện, vạch một đường bảo ác, nó thành ác chăng? Không, nó phải trải qua quá trình chiêm nghiệm và tư duy để định hình tính thiện và ác trong nhân tâm.
Nhưng có quá mệt mỏi nếu dùng “thuyết yêu thương” để áp đặt lên con người? Nếu một người tà tâm với tôi hết lần này đến lần khác, liệu tôi có đủ bao dung để thứ tha hết lần này đến lần khác? Hay ý thức hệ của tôi cũng dần thay đổi, tôi thấy thoải mái hơn khi được sân si và ghét bỏ. Khi ấy, cái “lạc thụ” nó mới chân thực ngay trước mắt.
Không một lẽ phải nào dạy con người ghen ghét, đố kỵ, sân si, oán niệm nhưng thử nghĩ một chút, gồng mình với những bao dung, bác ái vậy ai sẽ ôm ấp những khoảng nhỏ nhen?
*Mình được học về quan niệm Phật giáo trong bộ môn Triết học ở lớp Thạc sĩ. Mình là người “vô đạo”, nhưng gia đình mình, đặc biệt là thế hệ bố mẹ đều dùng triết lý Phật giáo để răn dạy con cháu. Mình khẳng định là những giá trị của triết lý Phật giáo là không thể phủ nhận nhưng tham chiếu với khoa học, khi mà Einstein đưa ra thuyết tương đối, vạn vật trong vũ trụ này đều không hoàn mỹ, có giá trị ắt phải có những hạn chế. Chỉ ra điểm yếu không phải để sân si, mà để phơi bày ra những ý kiến, quan điểm, để chạm gần hơn đến cái tuyệt đối.
Lơ. 21032021.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất