SOLO TRAVEL - XU HƯỚNG DU LỊCH NỞ RỘ TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Bạn đã từng độc hành để thoát khỏi vùng an toàn, cho phép bản thân nhìn ngắm thế giới dưới một lăng kín mới, để thấu hiểu và đổi thay...
Bạn đã từng độc hành để thoát khỏi vùng an toàn, cho phép bản thân nhìn ngắm thế giới dưới một lăng kín mới, để thấu hiểu và đổi thay. Dù là động cơ nào đi nữa, hãy cùng Sang tìm hiểu rõ về du lịch cá nhân để có góc nhìn rộng hơn về xu hướng du lịch thú vị này, từ đó thêm yêu và giữ mãi đam mê xê dịch độc hành nhé!
1. Khái niệm du lịch cá nhân - solo travel
Du lịch cá nhân là hình thức du lịch mà ở đó người đi du lịch thực hiện chuyến đi một mình tại nhiều nơi khác nhau, họ cũng có thể gặp gỡ và đồng hành cùng những người du lịch khác tại mỗi điểm đến; và ở mỗi khâu của cuộc hành trình, chủ thể tham gia tự xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình du lịch dựa trên các nhu cầu, sở thích bản thân thông qua việc xây dựng kế hoạch lịch trình, tự đặt và lựa chọn các sản phẩm/dịch vụ du lịch cũng như các hoạt động trải nghiệm tại điểm đến. Mặt khác, đối với kiểu du lịch này, người du lịch thường hướng đến tìm kiếm những trải nghiệm riêng biệt, mới lạ phù hợp với mục đích/động cơ cá nhân nhưng không có nghĩa là du lịch theo kiểu tự túc hay độc lập hoàn toàn với các đơn vị lữ hành mà họ vẫn sử dụng các dịch vụ thiết.
2. Solo travel - xu hướng nở rộ trên thế giới và tại Việt Nam
Với sự thay đổi đáng kể về nhân khẩu học và lối sống theo chủ nghĩa cá nhân (individualised lifestyle), hình thức tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ một mình (solo consumer) nói chung và du lịch cá nhân nói riêng đã hình thành và phát triển trong nhiều thập kỷ qua (Goodwin & Lockshin, 1992; L.Yang và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, xu hướng du lịch một mình vẫn được xem là sự lệch lạc và đi ngược lại với những chuẩn mực xã hội khi văn hóa của nhiều nước luôn đề cao sự gắn kết giữa người với người (Goodwin s& Lockshin, 1992) vì họ cho rằng đó là bản năng vốn có của con người để phát triển, sinh tồn (L.Yang và cộng sự, 2019). Trái ngược với những khuôn mẫu đó, nhiều người vẫn chủ động tìm đến sự cô đơn (solitude) thông qua các hoạt động giải trí, đặc biệt là du lịch cá nhân; và họ xem đây là một cách lý tưởng để “vui trong sự cô đơn”, trải nghiệm ý nghĩa trọn vẹn và bồi đắp những giá trị tình thần từ những trải nghiệm đích thực. Về lâu dài, mặc dù du lịch cá nhân được nhiều người nhìn nhận là một hình thức du lịch có phần dị biệt, “một thế giới đầy tách biệt” khi so với hình thức du lịch truyền thống nhưng du lịch cá nhân đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều người, đặc biệt là đối tượng giới trẻ và phụ nữ. Sự chuyển đổi hình thức du lịch này tạo thành một làn sóng lan tỏa trong cộng đồng du lịch và dần dần định hình nên xu hướng du lịch mới mang tên Du lịch cá nhân – Solo travel.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Nghiên cứu Princeton vào năm 2017, kết quả nghiên cứu đã cho thấy có đến 58% thế hệ Millenials (19-37 tuổi) trên thế giới có sự quan tâm và sẵn sàng du lịch một mình. Có đến 47% thế hệ người trung niên và cao niên cũng có niềm đam mê du lịch cá nhân. Còn theo một báo cáo khác của Hiệp hội thương mại du lịch mạo hiểm vào năm 2018 cũng chỉ ra rằng, 80% khách du lịch có xu hướng lựa chọn hình thức du lịch một mình thay vì du lịch theo kiểu truyền thống. Nắm bắt được sự chuyển dịch mạnh mẽ của hành vi du lịch, nhiều học giả trên thế giới đã tập trung nghiên cứu về xu hướng du lịch cá nhân (E. Wilson & Little, 2008; L.Yang và cộng sự, 2019; Bianchi, 2016). Điểm chung của kết quả từ các bài nghiên cứu trên đã chỉ ra các động cơ nhằm giải thích câu hỏi tại sao nhiều người lựa chọn DLCN, đó là: sự tự do, sự linh hoạt, sự độc lập, thư giãn, giải trí, tạm tránh xa bộn bề/áp lực từ công việc, mong muốn tương tác với người dân địa phương và văn hóa bản địa tại điểm đến (Osman và cộng sự, 2019, Bianchi, 2016). Từ những động cơ du lịch được xác định, có thể thấy so với du lịch truyền thống, du lịch cá nhân giúp chủ thể tham gia không bị ràng buộc bởi những lịch trình kéo dài được tổ chức thực hiện bởi doanh nghiệp lữ hành, hay phải phụ thuộc vào nhu cầu, mong muốn của những người bạn đồng hành. Do đó, xu hướng DLCN được đánh giá là lựa chọn lý tưởng đối với những người mong muốn tìm kiếm sự tự do đích thực để khỏa lấp bản thân với những trải nghiệm, cảm xúc trọn vẹn.
Xu hướng du lịch cá nhân không chỉ gia tăng mạnh mẽ trên thế giới mà còn xâm nhập vào thị trường du lịch Việt Nam. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa và mức chi tiêu rẻ hàng đầu thế giới, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn của những người yêu thích du lịch cá nhân trên toàn thế giới. Khảo sát của Agoda năm 2018 cho thấy, TP Hồ Chí Minh thuộc tốp 10 thành phố được lựa chọn nhiều nhất của nhóm du khách độc hành đến từ châu Á. Thống kê của Klook, một nền tảng đặt dịch vụ du lịch tại điểm đến cũng cho thấy Thái Lan và Việt Nam là hai điểm đến thu hút mạnh dòng khách du lịch cá nhân. Tín hiệu tích cực này cho thấy dòng khách du lịch cá nhân từ thế giới vào Việt nam (Inbound) ngày một gia tăng và có thể trở thành một thị trường du lịch đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp lữ hành nên nắm bắt và đón đầu. Bên cạnh đó, nhu cầu và hành vi du lịch của người Việt Nam cũng đã thay đổi trong những năm gần đây, trong đó có hình thức du lịch tự túc nói chung và du lịch cá nhân nói riêng. Một báo cáo có tên "Du lịch một mình: Xu hướng mới nổi trong cộng đồng du lịch Việt Nam" được phát hành bởi Outbox Consulting và Traveloka Việt Nam. Kết quả của bài nghiên cứu cho thấy hơn 40% người tham gia khảo sát khẳng định rằng họ sẽ sẽ thực hiện nhiều chuyến du lịch cá nhân trong tương lai. Về phương diện động cơ du lịch, sự linh hoạt và sự tự do tạo động lực cho nhiều người Việt lựa chọn DLCN như một cách để tích lũy trải nghiệm du lịch và nâng cao tinh thần tự khám phá văn hóa, con người tại điểm đến. Đặc biệt trong bối cảnh du lịch hậu đại dịch Covid – 19, những dấu hiệu trên càng biểu hiện rõ sự biến chuyển mạnh mẽ về nhu cầu và hành vi du lịch của người Việt Nam. Điều này càng đòi hỏi những sự thích ứng linh hoạt của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đối với xu hướng, thị trường du lịch mới trong việc thiết lập và phát triển các chiến lược du lịch phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, muốn đón đầu làn sóng này, các doanh nghiệp du lịch trong nước cũng phải đương đầu không ít khó khăn khi lâu nay vốn chỉ quen kinh doanh các thị trường du lịch truyền thống. Hơn nữa, những đặc thù của du lịch cá nhân cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc thấu hiểu tâm lý khách hàng, xây dựng các sản phẩm mang tính tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân.
Nguồn ảnh: Pixabay.com
Nội dung thông tin: Trích trong báo cáo NCKH của Sang
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất