Tâm sự ngoài lề 
Có lẽ với tất cả mọi người, tác phẩm Chí Phèo đã rất quen thuộc. Bởi đây chính là tác phẩm bắt buộc trong chương trình Ngữ văn THPT. Nam Cao chắc có lẽ cũng là cái tên đầy "ám ảnh" với những ai một thuở ôn thi THPT. =))) Qua bài viết này, ngoài việc chia sẻ một góc nhìn của mình về tác phẩm "Chí Phèo", mình muốn giới thiệu đến mọi người những cảm nhận của mình về một nhà văn được xem là "hiện tượng" của văn học Việt Nam hiện đại cuối thế kỷ XX - Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm Cún. Thật ra thì theo mình, nếu "Chí Phèo" được xem là tác phẩm xuất sắc nhất, "để đời" nhất của Nam Cao thì "Cún" lại không hẳn là tác phẩm được đánh giá cao, và biết đến nhiều nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy vậy, việc mình lựa chọn so sánh hai tác giả thông qua hai tác phẩm này cũng bởi vì mình nhận thấy có những tương đồng và khác biệt trong cách nhìn nhận và thể hiện của hai nhà văn về một vấn đề mang tính hiện thực và nhân đạo sâu sắc. 
Một việc ngoài lề nữa là, bài viết này mình đã ấp ủ từ năm mình học lớp 12, sau đó lên năm 2 ĐH thì tiếp tục những điều dang dở và sau đó được Cô của mình hướng dẫn để mình viết "chuyên nghiệp hơn". Nhưng có lẽ, chưa đủ duyên mình được chia sẻ đến mọi người. Giờ mình cũng "già" rồi. =)))) Bây giờ, mình gửi lên "động nhện", như một kỷ niệm để nhắc nhớ mình về những ngày còn ngồi trên giảng đường Đại học, về những ngày tháng được Cô mình dìu dắt, về một bài viết mà với mình trong giai đoạn ngày xưa ấy thì nó là một bài viết có số phận sóng gió. (Nhưng bây giờ nhìn lại thì mình thấy không sóng gió mấy). =)))))
Hy vọng bạn sẽ thấy hứng thú với 2 tác phẩm này.  Chí Phèo Cún


Mở đầu

Truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao và "Cún" của Nguyễn Huy Thiệp là hai tác phẩm được sáng tác trong hai giai đoạn khác nhau trong lịch sử văn học Việt Nam nhưng cùng viết về số phận bất hạnh của những kiếp người “không được làm người”. Với những góc nhìn và nghệ thuật thể hiện khác nhau, Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp đã rọi sáng từng cảnh ngộ trên trang giấy, qua đó, bày tỏ những trăn trở cùng thái độ trân trọng của mình đối với những con người bất hạnh, đồng thời làm dấy lên trong lòng bạn đọc một mối đồng cảm sâu sắc và nỗi thấm thía về giá trị của cuộc sống đích thực.

Nội dung

Những tương đồng và khác biệt giữa Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp qua Chí Phèo và Cún 
1. Hai chặng đường, một hành trình
Chân dung nhà văn Nam Cao
Văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam ra đời trong những năm 1930 – 1945, khi bối cảnh xã hội Việt Nam tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn giữa địa chủ, phong kiến với nông dân và giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Xu hướng hiện thực chủ nghĩa chú trọng diễn tả, phân tích, lí giải một cách chân thực, chính xác quá trình khách quan của hiện thực xã hội thông qua những hiện tượng điển hình. Lúc Nam Cao bước chân vào con đường văn học là lúc xã hội Việt Nam chao đảo, các giai cấp bị phân hóa hết sức dữ dội và đời sống của người nông dân thì cực khổ trăm bề. Sớm nhận biết tính chất phù phiếm của thứ văn chương thoát li, hưởng lạc, “món giải trí cho những người đàn bà nhàn nhã ngả mình trên những chiếc xích đu nhún nhảy” (Trăng sáng), ông đã đến với chủ nghĩa hiện thực, nguyện đồng hành cùng quần chúng nghèo khổ. Ý thức sâu sắc trách nhiệm của người cầm bút, ông phê phán nghiêm khắc sự cẩu thả trong nghề văn và đòi hỏi“nghệ thuật phải là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp sống lầm than” (Trăng sáng). Đặc biệt, với Chí Phèo, tác phẩm được viết vào năm 1941, Nam Cao đã đem đến cho người đọc cái nhìn rõ nét về cuộc sống của những người nông dân đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, tha hóa, bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người. Thông qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao muốn phản ánh một vấn đề xã hội mang tính phổ biến trong đời sống nông thôn lúc bấy giờ, qua đó, rung lên hồi chuông cứu lấy nhân cách, nhân phẩm và nhân tính đang trên đường biến chất của những con người. 
“Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than" (Trăng sáng - Nam Cao). 
“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.”  (Đời thừa - Nam Cao)

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp thuộc lớp nhà văn thế hệ sau, thành công vào những năm cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90. Đây là khoảng thời gian khá sôi động của truyện ngắn Việt Nam thời kì Đổi mới. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước có sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Nghị quyết 05 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu cụ thể hóa đường lối đổi mới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lí văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam vào thời điểm văn học nước nhà đang có những bước chuyển mình đáng kể, Nguyễn Huy Thiệp có nhiều cơ hội để thể nghiệm những cách tân táo bạo. Ông trở thành một “hiện tượng văn học” đầy mới lạ và nổi bật trong nền văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XX. Cuộc sống của con người nơi thành thị là một trong những đề tài nổi bật của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ẩn sau mỗi câu chuyện của ông là một sự xót xa, cay đắng về cuộc sống bị chi phối bởi vật chất, về những số phận bất hạnh, cô đơn và đầy oan trái nơi thị thành, mà Cún là một ví dụ. Viết về những số phận khổ đau, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ nêu lên một vấn đề riêng tư, nhỏ bé của con người, không chỉ khám phá những gì sâu kín thuộc về con người, mà ông còn muốn nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân và cộng đồng, tha thiết kêu gọi sự yêu thương và sẻ chia từ cộng đồng đối với những mảnh đời bất hạnh.
"Nghệ thuật như một sự thổ lộ bản thân. Khi thổ lộ bản thân, đấy là khi chúng ta không còn thiết tha tôn trọng mình nữa, chúng ta không còn đồng trinh, chúng ta đã thất tiết.” (Giăng lưới bắt chim - Nguyễn Huy Thiệp). 
Trong bài Chekhov và Nam Cao – một sáng tác hiện thực kiểu mới (tạp chí Văn học số 2, năm 1992), Đào Tuấn Ảnh cho rằng Nam Cao bước vào cuộc cách mạng của dân tộc mà không thể mang theo hành trang văn chương của mình, bởi nó thật xa lạ với chất sử thi hào hùng của một dân tộc đói nghèo lạc hậu đứng dậy chống ngoại xâm. Tuy nhiên, dù bị ngắt quãng khá lâu nhưng truyền thống Nam Cao vẫn được tiếp nối. Như vậy, nếu như hoàn cảnh chiến tranh khiến người cầm bút hướng đến những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển, thì hoàn cảnh đất nước sau ngày thống nhất, cuộc sống thời bình chính là điều kiện cho chủ nghĩa hiện thực tiếp tục hồi sinh, khiến cho các nhà văn có thể khai thác những vấn đề thế sự cùng những nỗi niềm về thế thái nhân tình. Sống trong giai đoạn đất nước hòa bình, cuộc sống chịu sự chi phối của những quy luật mới, đòi hỏi đáp ứng những yêu cầu mới, Nguyễn Huy Thiệp có cơ hội phản ánh những biến chuyển của xã hội với những mặt tốt và xấu của nó. Vì vậy, có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp chính là một trong những nhà văn đã góp phần tiếp nối di sản của Nam Cao nói riêng và truyền thống của chủ nghĩa hiện thực nói chung trong văn học Việt Nam cuối thế kỉ XX, tất nhiên trên tinh thần mới, với những cách thức mới.
2. Hai thân phận, một bi kịch
Chí Phèo và Cún đều là những kiếp người bất hạnh, có số phận đầy bi kịch. Bi kịch là khi người ta ý thức được sự khốn khổ, tủi nhục của mình, còn nếu như yên tâm với tình trạng bi đát của mình thì sẽ không có bi kịch. Chí Phèo và Cún đều có nỗi khao khát về một cuộc sống hạnh phúc như bao người khác. Khi họ ý thức được rằng khát vọng ấy, ước mơ ấy mãi mãi không bao giờ thành hiện thực, đó là khi nỗi đau tinh thần lên đến cùng cực. Một kẻ sống cuộc đời bị xem là “quỷ dữ” và một kẻ sống cuộc đời chỉ là “hình nhân”, hai kẻ ấy, nhọc nhằn và đớn đau, cố thoát khỏi cái ranh giới phân định giữa “người” và “vật” để vươn tới kiếp sống làm người.

Chí Phèo – một kiếp đời nghiệt ngã và đầy bi kịch, là điển hình cho những số phận bị tước đoạt và khao khát tìm lại nhân tính nhưng bất lực. Chí Phèo sinh ra đã là một đứa trẻ vô thừa nhận. Hắn được người ta tìm thấy trong tình trạng “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một cái lò gạch bỏ không” (Chí Phèo). Rồi hắn được người ta chuyền tay nhau cưu mang. Đầu tiên là anh thả ống lươn tìm ra hắn, rồi anh đem cho người đàn bà góa mù, và rồi hắn được bán cho bác phó cối không con. Và “khi bác phó cối chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ” (Chí Phèo). Một tuổi thơ bất hạnh, không người thân, không gia đình là bi kịch thứ nhất của hắn. Cùng nỗi đau ấy, Cún cũng là một kẻ có tuổi thơ bất hạnh. Cún được tìm thấy “ở một cái cống bên con sông đào ngoại ô thành phố. Con sông đen ngòm nước thải, đầy rác, giấy vụn và những đám bèo Tây lá đầy bụi bặm... Cún nằm trong đống tã rách hôi hám, cả đầu cả chân tím ngắt vì gió” (Cún). Đến cái tiếng khóc của Cún cũng chất chứa cái bi ai. Nó như “từ dưới đất vọng lên, như từ âm phủ vọng lên”, khiến Lão Hạ “rùng mình hãi sợ”, “run cầm cập”, nghĩ rằng hồn ma hiện hồn. Nếu như tiếng khóc của những đứa trẻ khác thể hiện sự nhõng nhẽo, đáng yêu thì tiếng khóc “ngằn ngặt” của Cún lại ghê rợn và như là lời dự cảm cho một cuộc đời đầy bất hạnh của nó.
Ở giai đoạn đầu của cuộc đời mình, tính cách Chí Phèo chưa xuất hiện sự “lưỡng hóa”. Chí là đứa trẻ bị bỏ rơi, được những người dân lương thiện cưu mang và lớn lên trở thành một anh canh điền chất phác. Một kẻ từng biết ước mơ về một gia đình “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, một kẻ biết ý thức về cái “nhục” khi bị vợ ba Lí Kiến bắt làm cái việc nhơ nhuốc là “bóp chân, lại cứ bóp lên trên, trên nữa” thì hẳn là một kẻ hiền lành, chân chất và tự trọng. Rồi đột nhiên, anh nông dân “hiền như đất” ấy bị tống vào tù không rõ nguyên nhân. “Vào tù” là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Chí, vì từ đây, cuộc đời Chí bước sang một ngã rẽ khác. Sau tám năm từ nhà tù thực dân bước ra, hắn đã biến thành một tên lưu manh, để rồi bọn cường hào, địa chủ lại làm tiếp nốt công việc còn lại là biến tên lưu manh thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
Ra tù, hắn trở thành một kẻ có ngoại hình “trông gớm chết”, với khuôn mặt không biết bao nhiêu là sẹo, và khó mà đoán tuổi bởi “Cái mặt hắn không trẻ cũng không già; nó không còn phải là mặt người; nó là mặt của con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi?” (Chí Phèo). Cùng với ngoại hình ấy, Chí Phèo còn gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc bởi “tiếng chửi” của mình ngay từ đầu tác phẩm. Hắn chửi trời, rồi chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả những người không chửi nhau với hắn… Chí Phèo bị đẩy vào bi kịch của bị lãng quên, sự chối bỏ trong cái xã hội ấy bởi hắn cất tiếng chửi để mong có được sự giao tiếp với cuộc đời, nhưng thứ duy nhất đáp lại tiếng chửi ấy lại là “tiếng chó cắn lao xao”. Tức giận, hắn quay ra chửi kẻ đã sinh ra hắn, chửi “đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này” (Chí Phèo). Bị cha mẹ và xã hội ruồng bỏ, Chí đâm ra muốn chối bỏ không chỉ gốc gác mà còn chính bản thân mình. Một khi đã tự phủ nhận chính mình, con người sẽ bất chấp tất cả. Từ nạn nhân của cái ác, Chí Phèo dần dần biến thành tay sai tiếp tay cho cái ác, là thủ phạm của những tội ác. Bước qua ranh giới của cái thiện và cái ác cũng chính là bước qua ranh giới của con người và con vật. Tình trạng vật hóa con người đã được Nam Cao thể hiện nhằm đề cập đến thân phận rẻ rúng của con người mà về sau, Nguyễn Huy Thiệp đã kế tục.
Nguyễn Huy Thiệp đã từng đề cập đến hiện tượng người bị xem như vật qua ông Bổng trong Tướng về hưu (“Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuấn gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”), Bà Lâm trong Những bài học nông thôn (“Mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là người”), … Với Cún, tình trạng ấy thể hiện ngay từ cái tên: “Cún là tên chó không phải tên người”. Hơn nữa, nó còn thể hiện ở ngoại hình: “Đứa bé này thật cũng không phải là người, nó kỳ hình dị dạng, đầu nó to tướng, hai chân tay mềm oặt như chẳng có xương, chỉ hơi lệch trọng tâm là người nó ngã kềnh ra đất” (Cún). Đây có thể xem là điểm Nguyễn Huy Thiệp đã kế thừa Nam Cao. Cả Cún lẫn Chí Phèo, cả hai đều bị đánh bật khỏi thế giới của con người. Từ ngoại hình đến tên gọi, họ cũng không được phép là người.
Bi kịch của Cún là ở chỗ ý thức được khiếm khuyết của mình: “Cún chỉ đau đớn vì Cún khuyết tật. Cún chưa phải là người, cái gì mọi người làm được thì Cún đều thấy khó quá. Càng lớn, Cún càng thấy việc Cún đứng vững ở trên mặt đất thực chẳng dễ gì. Cún cứ lẩy bẩy, cứ đi ba bước là lệch trọng tâm, cứ thế ngã quay ra đất. Hai chân hai tay của Cún không tuân theo được ý mình” (Cún). Nhưng Cún lại có hai điều đặc biệt. Một là đôi mắt Cún, đôi mắt làm cho tất cả mọi người xung quanh đều sợ hãi, ám ảnh, hành hạ những ai không cho tiền Cún. Có lẽ đó là ánh mắt của một kẻ không thể là người nhưng lại mang nỗi đau của một kiếp người. Đôi mắt ấy là cửa sổ của một tâm hồn đầy bi kịch, biết đau khổ từ thuở bé. Khả năng thứ hai của Cún chính là sức chịu đựng “tuyệt vời”. Đã chai sạn dần với tuổi thơ bất hạnh nên “nó chịu được đói, được rét, nó sống trơ trơ như thân thể nó được tạo bằng thứ nguyên liệu siêu phàm” (Cún). Và Cún lớn lên trong sự hắt hủi, ghẻ lạnh của người đời. Cún trở thành công cụ kiếm tiền của một gã ăn xin. Trong thế giới ăn mày ấy, “thân phận một đứa bé con què quặt chẳng đáng kể gì”. Bất hạnh của Cún là bất hạnh về hình dáng, nỗi cô đơn trong tâm hồn. Chính những thứ đó đã sinh ra bi kịch trong Cún. Càng lớn, Cún càng ý thức được thân phận bất hạnh của mình và buộc “phải ý thức về hoàn cảnh của mình”. Đó là thân phận của kiếp đời nhạt nhẽo, vô nghĩa, sống như “con giun, con dế, như con ong, cái kiến…”. Cuộc đời Cún không có những sóng gió dữ dội, những thăng trầm như Chí Phèo. Nó như đồ thị hàm số thẳng băng, không gợn sóng, nhưng lại luôn luôn là những con số âm. Chí Phèo còn có lúc “ác” với kẻ khác, còn có lúc “gây ra bao cảnh đau thương, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc”, còn được cất tiếng chửi. Còn Cún, Cún chẳng thể ác, chẳng thể tàn nhẫn với ai. Cún đau đớn, tuyệt vọng khi nghĩ về thân phận khuyết tật của mình. Với mọi người, Cún là một đứa ăn mày có đôi mắt ám ảnh tâm trí họ. Với Lão Hạ, Cún là công cụ kiếm tiền đắc lực. Với cô Diệu, Cún là một “thằng hình nhân mặt đẹp”, một “ngôi sao Hóa lộc” đem lại may mắn cho cuộc bán buôn mỗi ngày. Cún chưa bao giờ được là một con người thực sự. Cún luôn nhọc nhằn trong lằn ranh giới nhòe mờ giữa người và vật.
Để kéo những con – người ấy được quay về với cuộc sống nhân sinh, cả hai nhà văn đều mượn đến bàn tay của người phụ nữ. Nếu như Nam Cao mượn người phụ nữ xấu “ma chê quỷ hờn” như Thị Nở làm chiếc phao cứu sinh cho cuộc đời Chí Phèo thì Nguyễn Huy Thiệp mượn người phụ nữ bị chồng bỏ chồng chê là cô Diệu để ban phát ân huệ cho cuộc đời của Cún. Tuy nhiên, hai người đàn bà trong vai trò sứ giả ấy cũng thực thi sứ mệnh của mình theo hai cách khác nhau.
Cô Diệu là một người thực dụng đến trơ trẽn. Cô đến với Cún không phải vì lòng thương hại, càng không phải vì tình yêu mà chỉ vì ba chiếc nhẫn vàng, món của cải có thể cứu nguy cho cô khi đánh mất toàn bộ gia sản vào tay tên chồng bội bạc. Vì vậy, cô chẳng từ một kẻ khuyết tật, la lết khắp đầu đường xó chợ để ăn xin như Cún. Thực chất, đứa con của Cún ra đời là ngoài dự tính, nó chỉ là sản phẩm của một cuộc trao đổi đầy nghiệt ngã. Cún không hề được nhận lấy – dù ít ỏi, chút tình thương nào giữa người với người. Phút giây bên cô Diệu đối với Cún như một giấc mơ chóng vánh qua nhanh đến độ Cún còn mơ hồ chưa thực sự ý thức được rằng nó đã đi qua. Ngược lại, Thị Nở đến với Chí vì lòng thương của một con người dành cho một con người. Thị đã quên hết thảy mọi ràng buộc của đời sống thường nhật, quên bà cô, quên bặt cả những định kiến tầng tầng lớp lớp của cái xã hội làng Vũ Đại. Sự xuất hiện của Thị Nở trong cuộc đời Chí thực sự rất quan trọng. Bát cháo hành, tình thương của Thị Nở trở thành liều thuốc cứu chữa tâm hồn dần băng hoại của một con người. Thị đã giúp Chí Phèo biết “thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn…” (Chí Phèo). Nhưng ngọn lửa hạnh phúc, khát vọng của Chí được nhóm lên chưa bao lâu thì nó đã tắt lịm. Định kiến xã hội như một bức tường khổng lồ, chắn ngang con đường hoàn lương của Chí. Câu nói của bà cô Thị Nở đã dập tắt một tình yêu vừa mới chớm, đã lạnh lùng cắt đứt sợi dây liên lạc cuối cùng giữa Chí với loài người. Một tâm hồn vừa có được hy vọng chưa bao lâu nay đã rơi vào tuyệt vọng. Chí Phèo cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi ranh giới giữa người và vật, bước chân sang thế giới của con người nhưng hắn đã không thể, không được phép làm điều đó. Từ đây, xuất hiện bi kịch của một con người bị cự tuyệt quyền làm người.
Cún và Chí Phèo đều phải chấp nhận cái chết trong khi cả hai đều đang cháy bỏng khát khao được sống cuộc đời của một con người. Cái chết đến gần với Cún từng ngày và Cún ý thức được điều đó: “Cún ốm nặng, Cún chỉ sợ nhất cái chết ập đến bất ngờ khi Cún chưa biết đứa con thế nào. Cún thỏa thuận với cái chết, Cún cầu xin nó từng ngày” (Cún). Cái chết đến với Cún nhẹ nhàng. Khi đứa con cất tiếng khóc cũng là lúc Cún từ giã cõi đời này. Cún hạnh phúc vì đứa con trai ấy và gửi trọn niềm hy vọng vào nó. Rồi mai đây, nó sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp hơn Cún. Nó sẽ là một con người thực sự, sẽ thay Cún bước tiếp con đường phía trước bằng đôi chân của một con người: “Cún cười sung sướng rồi lịm người đi. Có một làn gió rất chi mơ hồ lướt trên khuôn mặt bất động của Cún” (Cún). Trong khi đó, Chí Phèo chết trong sự quằn quại, hắn “giãy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi” (Chí Phèo). Hắn chết trên ngưỡng cửa trở về thành một người lương thiện. Hắn chết trong sự day dứt bởi câu hỏi: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này?” (Chí Phèo). Giây phút vác dao đến nhà Bá Kiến có lẽ hắn đã có câu trả lời cho câu hỏi ấy. Đó là lúc Chí Phèo tỉnh táo nhất trong cuộc đời mình. Cái chết của Chí Phèo là cái giá quá đắt mà Chí phải trả trong cuộc chiến đấu hết sức quyết liệt nhưng đơn độc với cái ác. Hình tượng nhân vật Chí Phèo mang ý nghĩa điển hình, tiêu biểu cho những người nông dân bị bóc lột, bị xô đẩy vào con đường tha hóa ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Hình ảnh “cái lò gạch bỏ hoang” ở cuối tác phẩm mang sức ám ảnh nặng nề về một xã hội quẩn quanh, bế tắc. Một khi xã hội còn tồn tại những bất công, những thế lực xấu xa và bọn cường hào, địa chủ như Bá Kiến thì vẫn còn tồn tại những hiện tượng Chí Phèo.
Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp đã gặp nhau ở chỗ cùng cảm thông sâu sắc với khát vọng làm người ở những số phận bất hạnh. Nếu Nam Cao đấu tranh cho quyền “làm người lương thiện” của một con người thì Nguyễn Huy Thiệp nâng cánh cho với ước mơ được “làm người” của một hình nhân. Nhân vật Cún của Nguyễn Huy Thiệp lúc nào cũng canh cánh nỗi đau bởi tật nguyền, đói rét. Nhân vật Chí Phèo lại có được ngay từ đầu những thứ mà Cún mơ ước, được là một người thực sự, được đứng trên đôi chân của mình và sống như bao người. Tuy nhiên, dù biết rằng mãi mãi không thể giải quyết bi kịch của mình nhưng Cún ra đi trong sự thanh thản và gửi gắm niềm hy vọng tương lai vào đứa con trai của mình. Còn Chí Phèo, nỗ lực hết sức để níu kéo cánh cửa quay lại cuộc đời lương thiện, những mong kết thúc bi kịch đau khổ của chính mình, nhưng bi kịch ấy cuối cùng vẫn theo hắn cho đến lúc tự kết liễu cuộc đời. Hai thân phận ấy tuy có cùng bi kịch của kẻ chết khi chưa đạt được ước mơ của mình nhưng khác nhau ở xuất phát điểm và kết cục. Điểm khác nhau này có lẽ cũng xuất phát từ bối cảnh tác phẩm ra đời. Nam Cao đã lí giải nguyên nhân nỗi bất hạnh của con người đến từ xã hội, từ những thế lực thống trị cố tình cướp đoạt và chà đạp lên quyền sống của con người cũng như định kiến xã hội. Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy khiếm khuyết bản thể có tính chất tiền định kết hợp với sự vô cảm của người đời trước cuộc sống kim tiền gây nên bi kịch cho con người. Một sự phán xét chủ yếu dựa trên quan điểm chính trị và một phán xét chủ yếu dựa trên quan điểm đạo đức nhưng cùng đấu tranh cho quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người.     
3. Hai bút pháp, một giọng điệu
Bên cạnh những tương đồng và khác biệt trong cách nhìn về con người và cách xây dựng nhân vật, Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp còn có những điểm giống và khác nhau trong bút pháp và giọng điệu. Nam Cao được cho là nhà văn “kết thúc vẻ vang cho chủ nghĩa hiện thực” (Hà Minh Đức) và ông đã phản ánh hiện thực một cách “trần trụi” trên trang sách của mình. Hình ảnh “làng Vũ Đại ngày ấy” trong Chí Phèo là hình ảnh của một “xã hội bị tha hóa toàn diện”. Đó là sự tha hóa vì nghèo đói, bị dồn đẩy đến đường cùng. Nghiêm trọng nhất, đó là xã hội sống trong những định kiến nghiệt ngã. Người ta sống quẩn quanh, đói nghèo, bế tắc nên họ cũng tỏ ra lạnh lùng, tàn nhẫn, định kiến với người xung quanh. Định kiến xã hội không chấp nhận một thằng không cha không mẹ, một kẻ chuyên sống bằng cái nghề rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo. Làng Vũ Đại chính là bức tranh chung của làng quê Bắc bộ, thể hiện một cuộc sống tưởng chừng bình thường nhưng lại ẩn chứa biết bao bất ổn khi xã hội cũng như con người đang dần biến chất. Dưới bàn tay độc ác của bọn cường hào và những tên quan “phụ mẫu”, người nông dân dễ bị rơi vào quy luật bần cùng hóa, dẫn đến tha hóa. Nam Cao luôn kể bằng một giọng văn lạnh lùng, thậm chí có sắc thái miệt thị, giễu nhại, từ việc miêu tả ngoại hình của Chí Phèo, Thị Nở, cũng như những biến cố xoay quanh nhân vật, ... Tuy nhà văn đã khéo léo giấu đi tình cảm chủ quan của mình nhưng người đọc vẫn thấy thấp thoáng đằng sau đó là một tấm lòng đầy thương cảm, xót xa, và tiếng nói tố cáo đanh thép sự hủy diệt ghê gớm của cái ác đối với nhân phẩm của một con người. Là một nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lí, ngòi bút Nam Cao ngụp lặn triền miên trong thế giới nội tâm với những diễn biến tâm lí hết sức phức tạp của nhân vật. Nhờ đó, lối kể chuyện của ông cũng hết sức biến hóa, lúc nhập thẳng vào đời sống bên trong của nhân vật, lúc tách biệt ra thành lời dẫn chuyện theo mạch tự sự hết sức tự nhiên. Dư luận xôn xao sau cái chết của Chí Phèo đã thể hiện tính đa thanh trong ngôn ngữ nghệ thuật của Nam Cao, một đặc điểm mà về sau rất thường thấy trong văn của Nguyễn Huy Thiệp.
Theo Phạm Phú Phong, trong Giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp, “giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp đạt mức chuẩn xác. Sắc thái khách quan lạnh lùng của anh có thể so với Nam Cao, tĩnh và lặng tạo độ dư cho sức cảm” (Phạm Phú Phong, 2002). Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp mang sức truyền tải một quan niệm sống, quan niệm xử thế ở đời. Bức tranh thành thị với những mánh khóe, khổ đau trong tác phẩm Cún là hình ảnh của một cuộc sống hiện đại vẫn còn tồn tại những bất cập. Nhân vật Diệu chính là hiện thân của sự thoái hóa đạo đức của con người, xuất phát từ  căn bệnh phổ biến trong hoàn cảnh xã hội mới: lối sống thực dụng, không kiềm chế bản thân trước sức mạnh ghê gớm của vật chất. Xây dựng nên nhận vật Cún, ông gửi gắm nỗi băn khoăn, day dứt của mình trước những số phận bất hạnh, qua đó, thể hiện khát vọng hướng tới cái chân, thiện, mĩ. Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp lạnh lùng, đôi chỗ thản nhiên, khinh bạc (có khi còn hơn cả Nam Cao), nhưng sâu thẳm trong đó, ta vẫn nhận ra nỗi xót xa của ông trước bao vấn đề nhân sinh và cộng đồng: “Đời còn đói rét. Đói rét bất chấp tất cả. Cả đạo lí, cả tình người” (tương tự Nam Cao).
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai nhà văn là ở chỗ nếu Nam Cao viết Chí Phèo theo chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt thì với Cún, Nguyễn Huy Thiệp gắn cái ảo với cái thực, giữa chúng có sự xen kẽ, chuyển hóa lẫn nhau. Câu chuyện về cuộc đời của Cún được đặt giữa câu chuyện của nhà văn với nhân vật một “nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư tiến sĩ X”. Từ câu nói của nhân vật X: “Cha tôi là Cún. Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông chỉ có độc một khát vọng thành người, thế mà không được...” (Cún), nhà văn đã viết câu chuyện về Cún. Thế nhưng ở cuối truyện, khi đem tác phẩm hư cấu ấy đến cho X đọc, nhà văn thật bất ngờ khi X tái mặt phản đối: “Không phải thế ! – X giằng lấy tập bản thảo ở trên tay tôi - Cậu viết những điều bịa đặt! Cần phải tôn trọng hiện thực. Hiện thực khác lắm! Cậu biết cha tôi như thế nào không?” (Cún) và X đã đưa cho nhà văn xem ảnh của cha mình, trong ảnh, Cún có “một khuôn mặt đàn ông to béo mặc áo the đen, cổ hồ cứng, có hàng ria đen xén gọn nhìn tôi mỉm cười” (Cún). Cách mở đầu và kết thúc truyện như vậy như một giao ước của tác giả rằng đây không phải là câu chuyện có thật. Nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi. Thế nhưng, ai dám chắc nó không phải là câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc sống, rằng nó không phản ánh chân thực nhân tâm và thế sự của xã hội đương thời? Cách viết tỉnh bơ, hài hước và có phần phi lí như “nhại” lại Chí Phèo của Nam Cao. Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp muốn khẳng định rằng nghệ thuật đôi khi không cần phải phản ánh chính xác sự thật, miễn là nó mang được những giá trị thẩm mĩ, đem đến cho bạn đọc những bài học nhận thức và giáo dục con người, mà có lần ông đã phát biểu trong bài viết Nhà văn và bốn trùm “mafia”, đăng trên tạp chí Sông Hương năm 1992, để đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo. Nam Cao cũng từng sáng tạo nên những nhân vật Bá Kiến, Chí Phèo, Đội Tảo, … từ những nguyên mẫu như Bá Bính, Nghị Hợp, Đội Tụ, Chí, … từ ngôi làng Đại Hoàng của mình bằng nghệ thuật điển hình hóa, với những chi tiết hư cấu nhất định. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, việc phản ánh hiện thực hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc nhào nặn nên những hình tượng được thêu dệt từ trí tưởng tượng vô cùng phong phú của con người.   

Kết luận

"Chí Phèo" là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực. "Cún" là tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực hiện đại. Mỗi tác phẩm mang vẻ đẹp riêng, thể hiện tinh thần thời đại và phong cách nghệ thuật của nhà văn. Ở "Chí Phèo", nhân vật đi tìm và cố gắng vùng vẫy để vạch ra một ranh giới dứt khoát. Ở "Cún", nhân vật khắc khoải trong ranh giới nhòe mờ. Nếu "Chí Phèo" mang giá trị thẩm mĩ của bi kịch (nghiêm túc gắn với cảm hứng thương cảm), thì "Cún" mang giá trị thẩm mĩ của cái hài (bi hài kịch cười cợt, hài hước gắn với cái phi lí). Tuy được viết ở hai thời điểm khác nhau, bằng hai bút pháp khác nhau nhưng hai tác phẩm đều ẩn chứa những giá trị nhân đạo đặc sắc, thể hiện nỗi xót thương, đồng cảm của tác giả đối với những số phận khổ đau, bất hạnh, tuy bằng một giọng văn khách quan đến lạnh lùng. Đọc "Cún" và "Chí Phèo", chúng ta không chỉ thấm thía những triết lí nhân sinh sâu sắc mà còn thưởng thức vẻ đẹp của văn chương trong sự đa dạng của phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ, qua tài năng của hai nhà văn Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp.

Tài liệu tham khảo
1. Vũ Tuấn Anh chủ biên (2002), Nam Cao – con người và tác phẩm, nhà xuất bản Hội nhà văn.
2. Hà Minh Đức, 2011. “Chí Phèo”, Nam Cao Tác phẩm và lời bình, nhà xuất bản Văn học, tr. 255-265.
3. Nguyễn Đăng Mạnh, 2001. "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vài cảm nghĩ", Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.458-464.
4. Nguyễn Đăng Mạnh, 2011. “Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao”, Nam Cao Tác phẩm và lời bình, nhà xuất bản Văn học, tr. 222-231.
5. Phạm Phú Phong, 2008. Giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp, Tạp chí Sông Hương, số 155, 2002, http: //tapchisonghuong.com.vn, truy xuất ngày 15.5.2017. 
6. Vũ Dương Quỹ, 2004. “Chí Phèo”, Tác phẩm văn chương trong trường phổ thông – Những con đường khám phá (tập 2), nhà xuất bản Giáo dục, tr. 220-235.
7. Nguyễn Quang Trung, 2011. “Tính chất lưỡng hóa trong nhân vật Chí Phèo”, Nam Cao Tác phẩm và lời bình, nhà xuất bản Văn học, tr. 232-248.
8. Nguyễn Huy Thiệp (2007), Nguyễn Huy Thiệp – Tuyển tập truyện ngắn, nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, tr. 34-44.
9. Nguyễn Huy Thiệp (2010), Giăng lưới bắt chim, nhà xuất bản Thanh niên, tr.61.