Khi so sánh giữa giáo dục Việt Nam với giáo dục ở các nước dân chủ phương Tây, các ý thường nói là, cách dạy ở Việt Nam có quá nhiều kiến thức chết, chuyên nhồi sọ và khuyến khích học vẹt, ít thực hành, thiếu kỹ năng sống, quá chú trọng các môn tự nhiên mà không quan tâm các môn xã hội, không khuyến khích tự do sáng tạo và suy nghĩ có tính phê phán… Những điều ấy nhìn chung ai cũng biết.

Trong bài này tôi sẽ viết chuyện khác.
Một trong những khác biệt dễ nhận thấy nhất là, khác Việt Nam, hệ thống giáo dục của Na Uy không tập trung nhiều vào thi đua. Na Uy có trường công và trường tư, có trường giỏi hơn trường khác, nhưng không có trường chuyên, trường điểm ở cấp trung học, và không có bằng danh dự ở cấp đại học. Không có lớp chọn (tôi theo chương trình IB đã là đặc biệt rồi) dù có thể có lớp kèm thêm cho học sinh có khó khăn, không có sổ đầu bài, không có sao đỏ, không có thi đua giữa lớp này với lớp khác, không có tiết mục mỗi tuần chào cờ và xếp hạng thi đua các lớp… Trong lớp không chia thành tổ, phần vì học sinh ở Na Uy ít khi bị cố định chỗ ngồi, nên không có tổ trưởng và không có thi đua giữa các tổ với nhau.
Không chỉ thế, chuyện thi đua giữa học sinh với nhau trong lớp cũng gần như không có. Trong khi Việt Nam chia loại học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu, và xếp hạng và tặng phần thưởng cho hạng nhất nhì ba, Na Uy không có. Không những thế, học sinh ở đây không biết điểm nhau, trừ phi hỏi và tự nói.
Ở Việt Nam, thi đua nhiều dẫn tới bệnh thành tích – không chỉ học sinh chạy theo điểm số, cha mẹ muốn con học trường giỏi, mà nhà trường cũng muốn có thành tích cao, dù học sinh học kiểu thi xong trả lại hết giáo viên.
Một điều quan trọng và dễ chú ý nữa là mối quan hệ thầy trò ở 2 nước khác nhau. Việt Nam gọi thầy gọi cô; ở Na Uy gọi thầy cô bằng tên riêng. Ở Việt Nam học sinh phải đứng lên trả lời; ở đây có thể ngồi. Ở Việt Nam gần như lúc nào cũng cháy giáo án và lố giờ; ở Na Uy giáo viên chỉ cần không để ý và lấn sang giờ giải lao sẽ có học sinh giơ tay nhắc. Ở Việt Nam sách giáo khoa và thầy cô gần như là chân lý, nếu học sinh có nhắc cũng thường là nhắc lỗi viết nhầm; ở đây học sinh có thể đặt câu hỏi, tranh luận, chất vấn và không đồng ý với thầy cô. Thông thường ở cuối học kỳ, học sinh và sinh viên ở Na Uy luôn được viết nhận xét và đánh giá (evaluering) về chương trình, giáo viên, phương pháp dạy, điều kiện học, v.v…
Ngoài ra, vì giáo dục Na Uy không tập trung nhiều vào thi đua, như đã viết ở trên, nên không có “trào lưu” đi học thêm.
Có thể nói 2 nền giáo dục thuộc 2 cực, và đó là do xây dựng trên nền tảng giá trị khác nhau. Theo tôi, có 3 ý chính:
Thứ nhất, Na Uy coi trọng tự do và tự giác. Chẳng hạn, ngoài xã hội, nếu ở các nước Châu Âu khác tôi từng đến, các ga metro đều chặn cửa, chỉ có vé mới qua được (có thể trèo qua hay chen chúc 2 người qua bằng 1 vé, như ở Paris, nhưng tất nhiên làm thế người khác sẽ thấy), ở Na Uy tất cả đều mở. Riêng xe lửa trong phạm vi Oslo có 2 loại khoang – có người soát vé (bekjent), và không có người soát vé (ubekjent), dành cho người có thẻ (reisekort) cho cả tháng hoặc cả năm. Trong vài năm gần đây, vì có nhiều trường hợp đi lậu vé, đặc biệt dân nhập cư, Na Uy mới phải tăng cường người soát vé bất ngờ, nhưng khuynh hướng trước nay là coi trọng tự giác.
Trong trường học cũng vậy. Ở Việt Nam giáo viên gọi tên đặt câu hỏi, kêu trả bài, hoặc chỉ định lên bảng làm bài, có khi còn ghi lại ai chủ động giơ tay và làm đúng để tính điểm cộng; ở Na Uy thông thường chỉ gọi ai xung phong. Na Uy không tập trung nhiều vào thi đua, không có giám thị hay sao đỏ, chả mấy khi phạt học sinh, ít nhất ở trường tôi ở Kristiansand. Ở Việt Nam, ở cấp 2 và lên tận cấp 3, người lớn vẫn kiểm soát và khống chế hết mọi thứ, kể cả chỗ ngồi, cái gì cũng cấm (như cấm mang điện thoại đến trường), cái gì cũng phạt (như nói chuyện trong giờ học); ở Na Uy không có chuyện hễ chút lại cấm lại phạt, và lên cấp 3, học sinh được tự do và đồng thời cũng ngầm hiểu bản thân phải tự giác, phải tự chịu trách nhiệm với chuyện học cũng mình.
Thứ 2, ở Na Uy, cảm xúc, nhân phẩm và lòng tự trọng của học sinh được tôn trọng. Chính vì thế, trong khi ở Việt Nam, giáo viên đọc điểm hoặc bắt học sinh đọc điểm trước toàn lớp để viết vào sổ, đứa nào điểm thấp chịu xấu hổ trước mọi người khác, ở Na Uy bài phát ra đặt sấp xuống mặt bàn để học sinh khác không thấy. Thầy cô cũng ít khi chỉ định ai đó trả lời câu hỏi hoặc lên bảng làm bài mà để xung phong, và nếu thấy sai, cũng không xỉ vả.
Ðể thúc đẩy học sinh cũng như con cái, dân Na Uy khen, dân Việt chê, thậm chí đôi khi đi khá xa, vì suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”. Thầy cô ở đây thường động viên, khen và vỗ tay khi thấy làm đúng. Ở Việt Nam, nếu ở nhà cha mẹ nói con nhà người ta thế này thế kia, ở trường thầy cô thúc đẩy học sinh bằng ganh đua – điểm thấp thì “nhục mặt” trước cả lớp, thế thì phải cố gắng để không bị điểm thấp.
Thứ 3, Bắc Âu nói chung và Na Uy nói riêng nhấn mạnh sự bình đẳng, và giống nhau. Bởi vậy, không có trường điểm lớp chọn. Bất lợi là nó cào bằng, đôi khi làm học sinh lười, không tạo nhiều động lực để tiến tới, thậm chí có thể kìm hãm những học sinh xuất sắc. Nhưng ngược lại, không có chuyện chạy trường, không có “tục lệ” tặng quà cho giáo viên rồi nhắm vào thầy cô chủ nhiệm và người dạy môn chính và lơ các môn phụ, không có chuyện học sinh cắm đầu cắm cổ đi học hè học thêm, không có tâm lý học đối phó hoặc chạy theo thành tích, không có chuyện cha mẹ thầy cô bắt học hành điên cuồng quên hết mọi thứ khác, không có các lớp chuyên hoặc đội tuyển rèn học sinh như gà công nghiệp, ít có áp lực mua điểm hoặc mua bằng…
Chuyện thầy cô cưng đứa này đì đứa kia, tôi không thấy ở Na Uy.
Việt Nam ngược lại. Cái bất bình đẳng ở Việt Nam không chỉ ở chuyện trường công khác trường tư, trường giỏi khác trường dở, lớp chuyên khác lớp thường, mà điều kiện học và chất lượng giáo viên cũng có chênh lệch rất lớn giữa thành phố lớn và tỉnh, giữa tỉnh và làng, đặc biệt lên các nơi hẻo lánh; bất bình đẳng không vì giỏi hay dở, mà cơ hội ngay từ đầu đã khác nhau. Thử tưởng tượng một đứa trẻ sinh ra ở Sài Gòn hoặc Hà Nội, và một đứa trẻ sinh ra ở vùng cao, ngay từ đầu cơ hội và điều kiện học tập đã khác hẳn nhau.
Nói tóm lại, hệ thống giáo dục của Na Uy không hoàn hảo, nhưng vẫn có cái cần suy ngẫm và học hỏi – vấn đề của Việt Nam không chỉ ở nền giáo dục không coi trọng sự độc lập, tư duy sáng tạo và khả năng phản biện, mà còn ở hệ thống trường lớp và cách dạy, thiếu tự do, coi trọng điểm số và thành tích hơn kiến thức và kỹ năng, tạo quá nhiều áp lực cho học sinh, thiếu quan tâm đến cảm xúc và lòng tự trọng của học sinh, và quá bất bình đẳng. Nền giáo dục như thế, theo tôi, thiếu tính nhân bản.
Nguồn- Theo baotreonline.com