Sự im lặng đáng sợ....

Có lẽ trong chúng ta đều đã trải nghiệm cái không gian này… Đó là không gian yên lặng đến mức đáng sợ sau câu hỏi
“Có ai có ý kiến gì không?”
Hay là
“Có ai muốn phát biểu gì không?”
Sự yên lặng này nó đến từ một loại tâm lý khá phổ biến, đó là tâm lý SỢ SAI.
Chúng ta có thể SAI vào bất kỳ thới điểm nào trong bất kỳ vấn đề nào. Nhưng chúng ta luôn SỢ SAI…
Tại sao vậy?

Ai cũng muốn mình phải luôn đúng...?

Chính điều đó đã dẫn đến sự yên lặng đến mức đáng sợ mà mình vừa nhắc đến ở trên. Hoàn cảnh này thường xuất hiện sau mỗi bài giảng, bài thuyết trình hay một buổi họp nào đó.
Dù cho câu hỏi đó có được phát ra bằng bất kỳ một giọng điệu gì, vui vẻ căng thẳng hay tích cực gì nữa thì cái câu đó nghe nó vẫn sợ sợ thế nào ấy. Có phải chúng ta thường xuyên cảm thấy như vậy không?
Giờ hãy thử nghĩ thử nhé!
Đó là nếu chúng ta thay cái câu nói đáng sợ kia bằng câu này thì kết quả sẽ như thế nào?
“Có ai có ý kiến nhưng không muốn phát biểu không? Chỉ cần giơ tay không cần phát biểu”
Mình tin là số lượng người giơ tay sẽ tăng một cách đáng kể. Không biết mọi người có nghĩ giống như mình không?
Chúng ta đang mắc vào một hiệu ứng tâm lý mà thường người ta gọi là “SỢ SAI”. Nhưng mình sẽ không dùng từ này, mình sẽ gọi hiệu ứng tâm lý này là “... PHẢI LUÔN ĐÚNG”.
Có rất nhiều lý do khiến chúng ta ngại phát biểu hay thể hiện ý kiến cá nhân của mình trước đám đông, nếu giờ ngồi kể thì phải có đến cả chục lý do, điển hình như là
- Không biết là ý kiến của mình đúng hay sai!
- Có lẽ ý kiến của mình ngớ ngẩn và người khác sẽ cười nếu mình nói ra
- Giọng nói và khả năng trình bày của mình không tốt lắm
- Mình không quen nói ra ý kiến trước đám đông
- Đợi ai đó nói trước để xem suy nghĩ của mình có đúng không
- Do không có đủ thông tin trong việc đó
Thậm chí là không có nổi một suy nghĩ gì về điều đó, v.v. Và còn nhiều lý do khác nữa!
Nhưng thật ra đó không phải là lý do, đó chỉ là những cái cớ để lời biện minh cho tư duy “...PHẢI LUÔN ĐÚNG”
Mình phải ĐÚNG mới nói, ĐÚNG mới thể hiện, không ĐÚNG không nói. Mà lý do để nói nó ít hơn lý do không nói nên là thôi!

ĐÚNG & SAI là những khái niệm TƯƠNG ĐỐI

ĐÚNG & SAI là những khái niệm TƯƠNG ĐỐI.
Thậm chí những người nói rằng mình không sợ sai, làm là làm. Ừ đúng, làm là làm, không sợ sai nhưng không dám nói ý kiến.
Ngộ ha…!
Bạn tin không?
Cái tư duy “phải luôn đúng” này được hình thành trong đầu bạn từ khi bạn còn bé do cách giáo dục của các bậc phụ huynh.
Hãy thử nhớ lại là khi còn bé bạn làm ra một điều gì đó không đúng thì bạn đã được người đối xử như thế nào?
Lúc này sẽ có 2 trường hợp thường xuyên xảy ra nhất.
Trường hợp thứ nhất đó là bạn sẽ cảm nhận rõ được sự thất vọng hoặc không hài lòng của phụ huynh, nhưng may mắn thay là họ đã biết cảm thông cho bạn và chỉ ra cho bạn những điểm sai để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Nếu bạn thuộc người trong trường hợp này thì có lẽ là cũng rất tuyệt vời, bạn có những người phụ huynh khá tâm lý. Bạn sẽ dễ dàng tự tin và phát triển hơn trong việc đưa ra ý kiến của mình.
Nhưng trong trường hợp này bạn vẫn có thể hình thành tâm lý sợ sai, vì bạn sợ cảm giác người khác không hài lòng về mình hoặc không thích nghe người khác chỉ bảo.
Còn trường hợp thứ hai thì tệ hơn!
Đó là bạn bị phụ huynh phạt hoặc thậm chí bị ăn đòn vì điều sai trái mà mình đã gây ra. Trong trường hợp này bạn có rút ra được kinh nghiệm cho bản thân không?
Có chứ! Nhưng cái trải nghiệm đó không tốt lắm, bạn sẽ hình thành một cảm giác tội lỗi, tự cảm thấy thất vọng về bản thân vì điều mà có thể là vô tình gây ra.
Điều này lại càng tệ hơn nếu nó bị đặt vào một vòng lặp đó là
Sai - bị phạt - chán nản - rút ra kinh nghiệm - lại sai - lại bị phạt - lại chán nản
Vòng lặp này vô tình giao vào đầu một đứa trẻ rằng, nó là một đứa “không ra gì” lúc nào cũng làm sai và bị phụ huynh phạt. Dần dà về sau, đứa trẻ ấy lớn lên nhưng cái suy nghĩ lúc nào mình cũng sai đã vô tình thấm vào người nó.
Để rồi nó mặc định là trước khi làm gì đó nó “phải luôn đúng”
Nhưng chưa dừng ở đó, khi những đứa trẻ đó đến tuổi đi học thì thầy cô trong trường tiếp tục làm lại y chang phụ huynh. Điều này càng củng cố thêm tâm lý “phải luôn đúng” vào người những đứa trẻ.
Nếu cứ mãi luẩn quẩn trong những suy nghĩ kiểu như vậy thì chúng ta sẽ mãi chẳng thể có được một sự độc lập nhất định cho riêng mình. Luôn phải có một cái đức tin nào đó lớn hơn mình để mình vịn vào mà thể hiện.

Tập chấp nhận...!

Để vượt ra khỏi hiệu ứng tâm lý này thì điều chúng ta cần làm “đơn giản” là chấp nhận rằng mình đang dính một cái hiệu ứng tâm lý và tập chịu trách nhiệm với ý kiến mà mình thể hiện ra.
“Đơn giản” quá trời :D
Đơn giản thật mà!!!
Cái khó ở đây là chúng ta phải kiên trì để tạo ra thói quen chấp nhận và chịu trách nhiệm với ý kiến của mình.
Vậy rồi có thói quen đó thì có lợi gì? Mắc gì phải đi tập thói quen rồi chịu trách nhiệm đồ cho mệt, đó giờ vẫn vậy và mình vẫn ổn mà.
Thì đây, lợi ích đây! Có 3 cái lợi ích mà nói giúp bạn phát triển và có lợi thế rất lớn trong xã hội thời điểm hiện tại.
Thứ nhất là tự tin hơn.
Tự tin trong học tập làm việc, tự tin hơn trong cách giao tiếp, tự tin hơn trong việc bày tỏ ý kiến và cảm xúc cá nhân. Trong một xã hội tôn thờ chủ nghĩa hướng ngoại như hiện tại thì tự tin là một ưu điểm rất lớn!
Thứ hai là độc lập hơn! (mình hay gọi là trưởng thành hơn, mà cái này cũng tùy người)
Tại sao độc lập hơn thì tốt, vì độc lập là khi bạn không còn bị chi phối quá nhiều bởi lời nói, hành vi, hành động và cảm xúc của người khác. Bạn làm chủ được lời nói và hành vi của bản thân mình.
Độc lập cho bạn một sự vững vàng nhất định khi bước vào một thử thách nào đó, có thể là một dự án mới, tiếp thu một kiến thức mới hay tạo dựng một mối quan hệ mới.
Và cái cuối cùng là cải thiện khả năng nói trước đám đông.
Mức độ quan trọng của kỹ năng này thì chắc là không phải bàn nữa rồi, bạn sẽ không thể định vị bản thân mình mãi ở một người “thạo việc” được. Bạn sẽ muốn bước lên các vị trí quản lý chứ đúng không?
Lúc này bạn chắc chắn phải thuyết trình, thuyết phục người khác và nói trước đám đông. Bạn không thể cầm một bản kế hoạch tuyệt vời đến gặp sếp hay các nhà đầu tư và nói với họ rằng
“Tôi làm tốt lắm, rót tiền xuống đi, tôi sẽ làm được!”
Bạn cần phải có khả năng trình bày và thuyết phục.
3 điều thôi chắc đã là quá đủ!

Xây dựng thói quen nói là một điều nên làm

Vậy mới thấy rằng cái tâm lý “sợ sai” hay từ nãy giờ mình gọi là “phải luôn đúng” là một loại tâm lý không mấy tích cực, nó kìm hãm sự phát triển bản thân của chính bản thân các bạn.
Và việc bạn phát triển chậm là thứ khiến bạn dễ chán nản, dễ bị áp lực đồng trang lứa và bạn sẽ ngày càng tự ti trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Tập cho mình thói quen nói ra ý kiến và chịu trách nhiệm với ý kiến đó đôi khi lại là một cách hay!