Theo bản năng tự nhiên, chúng ta luôn "thèm khát" được công nhận, trọng vọng và có giá trị trong mắt người khác. Truy ngược lại nguồn gốc về thời xa xưa, khi tổ tiên chúng ta bắt đầu sống thành quần thể, người săn bắt được nhiều thú rừng, tư tế có khả năng "kết nối" với đất trời hay người trưởng làng quản lý thôn xóm sẽ được bảo đảm về nguồn lương thực tương ứng với khả năng sống sót cao hơn một người yếu đuối, không kiếm đủ thức ăn hay không có đóng góp gì cho tập thể. Đến hiện tại, khi dần sống tách biệt và độc lập hơn, chúng ta chẳng màng đua tranh chuyện nhà ai tích trữ có nhiều thức ăn hơn, bữa cơm nhà ai ấm cúng hơn. Thay vào đó, chúng ta để tâm đến việc đồ ăn nhà hàng xóm xịn mức nào, công ty bạn học cũ làm ngon đến đâu, số dư tài khoản của mình được bao nhiêu, đứa bạn thân du lịch được mấy nước rồi,… 
Và để con người không quên bản năng khao khát có một chỗ đứng vững chắc trong "bầy đàn", tiến hóa tự nhiên đã khéo léo cài đặt vào tâm trí con người một cơ chế mang tên nỗi sợ, nỗi sợ bị cô lập, bị hạ thấp và không được bảo vệ bởi bộ lạc của mình. Nếu chú tâm quan sát cuộc sống xung quanh, bạn có thể thấy rõ, chúng ta "vận hành" nhờ nỗi sợ nhiều hơn bất kỳ loại cảm xúc nào. 
Chúng ta thức dậy đi làm mỗi buổi sáng để thoát khỏi nỗi sợ thất nghiệp, nỗi sợ không có tiền nuôi thân và nỗi sợ bị đánh giá là thất bại theo quy chuẩn xã hội, nhiều hơn là để theo đuổi ước mơ bản thân. 
Chúng ta sẵn sàng dành ra vài ngày tập thể dục quần quật, bất kể sáng sớm hay tối khuya chỉ để không bị đánh giá là thua kém trong tập thể thay vì dành ra 30 phút để vận động đều đặn mỗi ngày. 
Chúng ta nỗ lực phủ lên mình những "tiêu chuẩn" được xã hội trọng vọng như vợ đẹp, con ngoan, nhà to, xế xịn,… để không bị tụt lại trong cuộc đua của xã hội chứ chẳng thực sự vì để bản thân được hạnh phúc.
Mình chẳng cho rằng những điều này là không tốt, nếu mỗi người vẫn đang thỏa mãn, trọn vẹn và hết mình tận hưởng niềm vui sống trên trên một cuộc đua bất tận. Dù vậy, chúng ta vẫn nghe đến nhiều câu chuyện những người đã chạm đến nhiều đỉnh cao sự nghiệp, tài chính, danh hiệu,… nhưng vẫn mang khoảng trống vô bờ, cảm giác chán nản đi kèm với căn bệnh trầm cảm chẳng biết giãi bày cùng ai, đến nỗi tự kết liễu cuộc đời mình. Đôi lúc, khi dừng lại, chúng ta cũng khắc khoải và trôi tuột với với trạng thái vô định, không biết đang làm gì với cuộc đời mình. 
Nhìn sâu hơn về động lực "tiêu cực" đang dẫn dắt cuộc sống, nỗi sợ không hề xấu. Đó là một cơ chế sinh tồn tự nhiên và hết sức bản năng để mỗi người chọn lựa điều an toàn và né tránh hiểm nguy, như thấy con báo thì lo mà chạy hoặc kiếm đồng đội phụ giúp chứ đừng có chơi ngu mà đòi solo rồi toi mạng. Nỗi sợ là một sự bảo đảm vững chắc, có uy tín và đã được kiểm chứng qua hàng triệu năm cho sự sinh tồn và duy trì nòi giống. Nhưng khi con người đã phát triển rất xa khỏi việc lo lắng về sinh tồn, đã không còn phải lo sợ con thú dữ nhảy ra khỏi bụi rậm để nuốt chửng mình và bắt đầu đặt những câu hỏi trừu tượng như "tôi được sinh ra để làm gì", nỗi sợ lại biến thành "vạn lý trường thành" cao vút, vô tận và luôn hiện hữu để cản trở chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn, dám lựa chọn những điều khác biệt với số đông dẫu bản thân biết rõ mình có khả năng. 
Lúc còn nhỏ, chúng ta được cha mẹ dạy dỗ cách sống để không làm phật lòng mọi người. 
Khi đi học, nhà trường và thầy cô hướng dẫn chúng ta cách để giống mọi người, để học tốt, để hoàn thành bài thi và không cá biệt. 
Khi ra đời, chúng ta chọn ngành nghề được xã hội trọng vọng, kiếm nhiều tiền, vừa ý cha mẹ hay bạn bè. 
Đến khi lập gia đình, tiêu chuẩn chọn vợ, chồng cũng dựa vào những thang đo "chuẩn mực" của cộng đồng sống xung quanh. 
Và khi đã đi theo quá lâu để tự thấy con đường đó là chân lý, mỗi người lại lặp lại vòng tuần hoàn như vậy với các thế hệ sau như con cháu mình. 
Một vòng xoay kiên cố, vô tận và khổng lồ được kiến tạo để mỗi cá nhân an tâm bám trụ cùng nỗi sợ khác biệt, sợ không được lòng mọi người. 
Giữa dòng người khổng lồ, cuồn cuộn, vẫn có đôi kẻ "lạc loài" khát khao tìm lời giải cho những âm ỉ liên hồi bên trong con người mình, muốn tìm kiếm ý nghĩa cho hàng chục năm sống và không có gì hối tiếc. Họ quyết định "vượt rào" để đi con đường riêng. Khi quyết định rẽ ngang khỏi dòng chảy của "mặc định" và "sắp đặt", động viên không phải là những lời nhiều nhất mà những kẻ liều lĩnh đó được nghe. Thay vào đó, là những câu hỏi ngờ vực "mày làm gì vậy? mày có chắc mày làm đúng không? mày có điên không khi chọn cái rủi ro như vậy?". Kế đến là những lời đánh giá, phán xét, khuyên nhủ "thôi bạn ơi, làm giống mọi người đi, mình là ai mà đòi khác biệt! tài năng chẳng bao nhiêu mà đòi thể hiện, bày vẽ! làm mấy cái khùng điên đó thì chẳng đâu ra đâu hết!"
Một lần nữa, nỗi sợ lại được kích hoạt trong tâm trí những kẻ đi ngược dòng, băn khoăn, hoang mang và tự nghi ngờ con đường mình muốn dấn bước. Và đúng với bản năng sinh tồn, nỗi sợ đó khiến chúng ta phải quay lại đặt câu hỏi về sự chắc chắn, sự lâu dài và khả thi cho điều mình đang làm, cho nền móng cho "công trình" mà chúng ta khao khát xây dựng. Vào những thời khắc quan trọng ấy, thái độ đối diện với nỗi sợ sẽ quyết định hướng phát triển cuộc đời của mỗi người. 
Không ít người quá ám ảnh với cảm giác không chắc chắn, nặng trĩu và yếu đuối, cảm thấy bất an nên chấp nhận hòa lẫn vào số đông để đi tiếp một con đường quen thuộc, được bao bọc bởi cơ số người. Nhưng cũng có những người nhìn rõ cốt lõi của những cảm xúc tiêu cực trỗi dậy, để nhìn thấy những hàng rào kẽm gai đã được giăng kín trong chiều sâu tâm thức đang dày vò chính mình. Khi đã nhìn ra được gốc rễ của vấn đề, họ cũng chẳng thay đổi ngoại cảnh gì được cả. Thay vào đó, họ bắt đầu đối thoại với chính mình để xoa dịu một tâm hồn đang run rẩy, rèn luyện tâm trí để dần tháo gỡ những mối nối gai góc, trau dồi nội lực để vững vàng hơn trước và kiên định tiến bước trên con đường gian nan mình đã chọn. 
Bạn đang đứng trước một cuộc chạy 100KM trong khi chưa từng chạy quá 10KM thì chắc hẳn sẽ sợ khi nghĩ đến việc chạy trong đêm tối, rừng rậm, cô độc một mình. Nên thôi, bạn cho rằng điều đó là không tưởng và từ bỏ. Nhưng, có nhiều người đã chuẩn bị cho mình một kế hoạch rõ ràng, thể lực vững chắc, trang bị chu đáo để hoàn thành cuộc chơi. 
Bạn đang muốn theo đuổi đam mê về nghệ thuật nhưng xung quanh toàn những người làm công việc hành chính, kinh doanh và nhìn công việc vẽ vời, viết lách, ca hát,… là không ổn định, phù phiếm. Bạn thấy cũng hợp lý nên thôi, cứ mài mông 8 tiếng hành chính cho chắc ăn. Nhưng, cũng có người vẫn nỗ lực tập luyện, trau dồi kỹ năng và chuẩn bị một nền tảng tài chính để theo đuổi ước mơ của mình. 
Bạn muốn nói lên những suy nghĩ, tiếng nói cho những điều bất công, chưa hợp lý và trái ngang trong cuộc sống nhưng chẳng ai ủng hộ điều mình làm, còn bị những phán xét là vô công rỗi nghề, làm việc không đâu, việc mình chẳng xong mà đi lo việc thiên hạ. Ừ thôi, mình cũng chỉ là một cá nhân, có làm chi cũng như dã tràng se cát. Nhưng, vẫn có những người cất lên những tiếng nói, dù đơn lẻ, dù nhỏ nhoi nhưng gợn lên những đợt sóng liên hồi để lan truyền niềm cảm hứng và đem lại niềm tin cho mọi người. 
Với mình, nỗi sợ vừa là chân thắng, cũng là chân ga trên chiếc xe cuộc đời mà mỗi chúng ta cầm lái. Đối diện với những điều mới lạ và không chắc chắn, chúng ta vô thức đạp thắng rồi quay đầu, quay lại con đường cũ với không chút thay đổi. Nhưng khi đã tích lũy cho mình một hành trang dày dạn cùng bản lĩnh trau dồi qua nhiều lần thử lửa, bạn cũng có thể chẳng ngại ngần để đạp mạnh chân ga, xô ngã các chướng ngại vật để đạt đến sự phát triển, trưởng thành hơn từ bên trong và dần khai phá được những chân trời mới, cả trong tâm tưởng và trong cuộc sống. Với nhiều lần "chơi liều", mình nhận thấy cảm giác sung sướng khi khám quá ra một khả năng mới đi kèm với niềm tin mạnh mẽ hơn vào bản thân có dư vị ngọt ngào đến không tưởng. 
Khi đọc quyển KHÔNG DIỆT, KHÔNG SINH, ĐỪNG SỢ HÃI của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mình nảy lên suy nghĩ, nếu sinh ra là một qua diêm, đốt cháy một lần là vụt tắt, vậy bạn cháy dám một lần cháy để trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời mình không? Sẽ có nhiều người là que diêm, ôm ấp nỗi sợ tan biến nên nằm mãi trong hộp diêm chờ qua ngày hết tháng dù hơi ẩm, mối mọt làm bản thân dần trở nên hao mòn. Nhưng cũng có nhiều người, họ biết rõ, mình rồi cũng phải chết nên quyết định phóng mình ra khỏi hộp để kiếm tìm cho mình một cơ hội, một thời điểm, một nơi chốn để đốt cháy sinh mệnh một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất. 
Chẳng ai lựa chọn được thay mình, chỉ mong, chúng ta dám và đủ niềm tin để chọn lựa điều làm mình hạnh phúc và trọn đầy!
Nhìn sâu vào bản thân bạn; có một nguồn sức mạnh sẽ luôn trỗi dậy nếu bạn không ngừng kiếm tìm. <i>Hoàng đế thứ 17&nbsp;của&nbsp;Đế quốc La Mã</i>
Nhìn sâu vào bản thân bạn; có một nguồn sức mạnh sẽ luôn trỗi dậy nếu bạn không ngừng kiếm tìm. Hoàng đế thứ 17 của Đế quốc La Mã