Bài viết gốc đã được đăng tại Đây. Hãy nhấn like cho page để cổ vũ tác giả.
Theo lý thuyết vũ trụ toàn ảnh thì thực tại 3 chiều được tạo nên từ thông tin của vô số thực tại 2 chiều chồng lên nhau. Và voila, ta có chiều thứ 3: chiều sâu.
Cũng có thuyết cho rằng chiều thứ 4 của thực tại là thời gian. Vô số các khoảng không gian của “hiện tại” xếp cạnh nhau, theo một đường thẳng đứng gia tăng của hằng số entropy và ta có thực tại.
Thế nên với các sinh vật ở chiều không gian thứ 4, thời gian cũng chỉ là một đại lượng khác, đo được, nhìn được, bẻ được, xoắn vặn được. Và với họ, mọi mốc thời gian đều diễn ra cùng lúc như vô số tấm ảnh rời rạc. Mọi thứ đều thật rõ ràng, mạch lạc. Không có tương lai nên cũng không có bí ẩn nào hết. Không hoang mang, không háo hức.
Và tôi đoán là họ cũng chẳng cần Hy vọng.

***
Ngày 13/9/2018, tôi xem lại “Siêu nhân Gao găp siêu nhân Cuồng Phong”.
Trong kí ức của tôi, bộ phim đã từng rất tuyệt vời. Tôi đã cùng đứa em họ xem đi xem lại cả trăm lần. Tôi còn nhớ như in hình ảnh tôi cùng đám trẻ con trong xóm hò hét khản cổ, khoa chân múa tay loạn xạ, Andrenalin chảy tràn cơ thể,... . Ngày hôm ấy, tôi tưởng rằng mình có thể cứu cả thế giới.
Ngày 13/9/2018, tôi tắt đi chỉ sau 15’ và đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, sắp đến giờ học. Một ngày mới, cơn sóng đời lại chảy, chờ tôi hòa cùng nhịp người rộn ràng dưới kia. Họ cứ mải miết đi như thể đã biết chắc phải tìm kiếm điều gì phía trước rồi.
Còn tôi trùm chăn và ngủ tiếp.
Tôi không mệt mỏi, buồn ngủ, và giảng đường cũng chẳng đến nỗi đáng sợ (dù sao thì tôi lên đấy cũng chỉ để ngủ).
Chỉ là, tôi không biết mình hy vọng điều gì khi đến đó. Và tôi đã hy vọng điều gì khi thử xem lại bộ phim kia tối qua? Tôi muốn tìm lại điều gì?
***

Năm 1947, số 38 của tờ Journal of Experimental Psychology xuất bản bài viết “Sự mê tín trong Bồ câu” (Superstition in the Pigeon) của nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ B.F. Skinner. Trong đó, nó có miêu tả một thí nghiệm như sau:  Skinner đặt bồ câu vào chiếc hộp Skinner. Cứ 15’ hộp sẽ mở ra để cho chim thức ăn. Ông nhận ra chim có xu hướng lặp lại các hành động mà nó đã làm trong lần thức ăn xuất hiện trước, ví dụ như vỗ cánh,  đạp chân,... .  
Bồ câu hy vọng cửa thức ăn sẽ mở ra lần nữa vì nó không hiểu cách hoạt động của thế giới bên ngoài cái hộp của nó.
***

Năm 5 tuổi tôi cũng hoàn toàn không hiểu thế giới bên ngoài của mình.
Một ngày tháng 10 năm 2003, Bố tôi buộc phải nghỉ việc vì lí do sức khỏe. Mẹ tôi phải gồng gánh cả gia đình. Thế nên gia đình cũng không đủ tiền để gửi tôi đến nhà trẻ.
Tôi được mẹ đưa đến xưởng may một vài lần. Tôi chạy nhảy lung tung và làm phiền mọi người. Tôi không hề biết điều đó. Tôi chỉ nhớ là tôi rất vui vì được ở với mẹ cả ngày.
Rồi mẹ gửi tôi sang nhà họ hàng và ở cùng đứa em họ. Và rồi tôi được chơi ké đồ chơi của nó. Tôi được xem ti vi màu với đầu DVD, chơi điện tử 4 nút, và quan trọng hơn hết, tôi được xem siêu nhân. Mỗi lần em họ tôi mở phim, trẻ con cả ngõ xúm vào xem, hò hét và bảo vệ Thế giới.
Ngày hôm ấy, tôi nghĩ mọi chuyện thật tuyệt vời, tương lai thật tuyệt vời, mai tôi sẽ lại được xem siêu nhân, được gặp những người bạn mới quen trong xóm, lớn lên tôi sẽ bảo vệ thế giới, loài người sẽ sáng tạo ra Robot khổng lồ,... . Tôi chỉ mong ngày mai đến càng sớm càng tốt.

Ngày 20/3/2003, Hoa Kì và các nước đồng minh bắt đầu đưa quân đến Iraq, cuộc chiến tranh tại Iraq bắt đầu.
Giữa tháng 11/2002 và tháng 7/2003, dịch SARS bùng phát ở Hong Kong.
Khoảng tháng 10/2003, bố tôi nghỉ việc.
Tương lai như phủ mờ bởi đêm đen, dù đó là tương lai của loài người hay chỉ của cái gia đình nhỏ bé của tôi.
Tôi không để ý rằng những bữa ăn bớt dần cá thịt.
Tôi không để ý những bản tin thời sự căng thẳng.

Tôi chỉ nhớ là ngày hôm ấy thật đẹp. Mặc kệ vận mệnh loài người.
Và tôi hy vọng ngày mai vẫn như thế.
***

10/6/2019
Khi ngồi gõ ra những dòng này, tôi đã nợ kha khá môn và có thể bị gửi trả về nước.
Kì thi vẫn đang diễn ra nhưng tôi chẳng có chữ nào trong đầu.
Văn phòng khoa đã gọi tôi lên để nói chuyện về “cơ hội cuối cùng”.  Tôi cảm thấy đám mây đen hiện dần ra ở sau phía chân trời. Nhưng ngoài kia nắng vẫn rực rỡ. Vậy mà tôi lại dò dẫm bước như trong bóng đêm.
Tôi chẳng biết ngày mai tôi sẽ vượt qua tất cả những chuyện này thế nào. Chẳng ai nói với tôi phải làm vậy kiểu gì. Chẳng có ai nói với tôi: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.”
Nhưng tôi vẫn dò dẫm bước, hướng về một ánh sáng leo lắt. Dù chỉ còn một “cơ hội cuối cùng” nhỏ nhoi. Tôi vẫn cố bám vào nó. Tôi buộc phải làm thế. Tôi không biết đó là bản năng hay đó là ảo tưởng.
Nhưng cho dù cả thế giới có sụp đổ ngay ngày mai, nhưng ánh nến tàn đó vẫn còn, tôi vẫn phải bước về phía nó.
Giống như hàng vạn năm trước, khi Pandora thả hết mọi tai họa ra thế giới, nhưng vẫn còn giữ lại Hy vọng, loài người vẫn tiếp tục bước tiếp.
Đúng là một lời nguyền kinh khủng.
***
Tôi lúc này như con chim của Skinner, dò dẫm, trong một thế giới hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn bí ẩn. Tôi chẳng biết phải làm gì, phải tin vào cái gì. Thế nên tôi cũng chẳng có phương hướng và chẳng biết đi đâu trong cái hộp này để cái cửa đồ ăn ấy mở ra lần nữa cứu tôi khỏi chết đói.
Tất cả chúng ta đều như vậy. Chúng ta sợ hãi một thế giới phi lý, không có quy luật, chúng ta cố gắng giải thích nó theo những gì mình tin tưởng. Chúng ta bám vào bất kì thứ gì để yên tâm hơn về tương quan vị trí của mình ở trên thế giới này, dù đó là một cái pheo, cái cột, hay cái bè, miễn là neo chúng ta lại sự ổn định. Đói với nhiều người, đó có thể là tôn giáo, kể cả những người ở Chùa Ba Vàng. Họ nhận được một câu trả lời, một sự cứu rỗi. Một quy luật vận hành của thế giới. Có quy luật, tức là mường tượng đưọc tương lai, tức là ngọn nến đó lại rực rỡ thêm một chút. Và chúng ta lại tiến bước một cách chắc chắn hơn một chút.

Và có lẽ như vậy vẫn đỡ hơn tôi bây giờ.
Tôi, lúc nhỏ, cũng có một hệ quy chiếu đơn giản như vậy. Chính nghĩa luôn thắng gian tà. Tôi có thể giải thích thế giới với tư tưởng đó, tôi có thể hành động, tôi có thể tin tưởng, tôi có thể chiến đấu với ác quỷ.

Nhưng dần dần, tất cả chúng ta đều lớn lên và thế giới dần trở nên Phi lý. Tôi bơ vơ giữa cuộc đời ko có gì để tin tưởng. Những giá trị truyền thống cũ của VN thì bắt đầu phai nhạt từ hậu bao cấp, những giá trị phương Tây vẫn xa lạ và thực dụng.
Self help, diễn giả, start up bảo tôi hãy sống vì chính mình, theo đuổi tất cả những gì tôi muốn, chắc chắn là tôi sẽ làm được và thành công.
Tôn giáo bảo tôi hãy sống vì cộng đồng, con người nhỏ nhoi trước số phận rộng lớn.
Camus bảo kệ mẹ sự phi lý và sống đi.
Và tôi vẫn ngấp ngoải ở giữa.
Không hướng đi, không mục đích, không hiểu biết.

***
Khoảng thời gian khó khăn cuối cùng cũng kết thúc. Bố tôi đi tìm việc khác và trở thành bảo vệ đêm.
Tôi vào lớp 1 và cuộc sống gia đình không còn khó khăn đến mức phải để tôi ở nhà nữa.
Bữa tối bắt đầu đa dạng hơn.
Hoàn cảnh ấy đã cho tôi cái niềm tin rằng “RỒi mọi thứ sẽ ổn thôi.” Và đó trở thành câu động viên quen thuộc của gia đình tôi.
Nhưng có lẽ chính điều đó đã khiến tôi có cái thói quen bình tĩnh và vô cảm trước vấn đề như bây giờ, trước khi thi, trước deadline,... vẫn lờ đờ, thong thả. Và kết quả là cái haofn cảnh hiện tại.
Có lẽ vì tôi biết, như ngày ấy, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Tôi không biết vì sao, nhưng tôi có cảm giác ấy, và tôi cũng hy vọng vào nó.
***
Sáng nay, tôi tỉnh dậy và đến trường.
Tôi biết mình phải làm thế. Tôi không biết liệu nó có giúp được tôi hay không. Không ai nói với tôi: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Nhưng tôi vẫn tiếp tục bước tiếp.
Có lẽ có một quy luật nào đó đăng sau tất cả những chuyện này. Có thể ngày hôm tôi chọn ngành, tôi không ăn sáng, vác bung đói đến trường và suy nghĩ không sáng suốt. Và tôi không ăn sáng vì tôi muốn tiết kiệm, tôi muốn tiết kiệm vì Bố tôi nghỉ việc khi tôi lên 5,... . Và thời gian, số phận vốn đã định hình một cách rõ ràng như vậy. Mọi chuyện chắc chắn sẽ xảy ra như vậy, vì một lí do nào đó, chẳng có một cái free will nào hết,... . Như Leibniz nói rằng đây là vũ trụ tốt nhất mà Chúa có thể tạo ra.
Nhưng tôi không rõ, tôi chẳng biết gì về những quy luật cả. Tôi chỉ có thể tiếp tục tiến bước.
Và, hôm nay trời đẹp.
Có lẽ nếu biết trước tương lai như những con người ở chiều không gian thứ tư, tôi sẽ biết được tương lai của mình, tôi chẳng cần hy vọng nữa, tôi cũng sẽ chẳng thể biết được hôm nay trời đẹp đến thế.
Tự dưng, tôi thấy may khi không biết ngày mai sẽ ra sao.
Tôi thấy thật may khi được hy vọng, và được sống.

Có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn hoặc tệ hơn. Có lẽ những thứ xảy ra bên ngoài cái hộp của Skinner không phải thứ để tôi có thể dự đoán và điều khiển. Nhưng tôi có thể chắc, hy vọng nằm ở ngoài đấy.
Khi tôi còn chưa rõ ràng về tương lai, tôi vẫn sẽ hy vọng.
Có lẽ sẽ chẳng có phần thưởng nào hết cho việc hy vọng, thậm chí ngược lại. Nhưng ít nhất hôm nay trời đẹp. Và thật may khi được thấy nó.
Như trong cuốn comic Vision, Vivian cầu nguyện vào sự tồn tại của Chúa, sau đó cầu nguyện linh hồn tồn tại, và cuối cùng xin với Chúa về đứa em của mình.
Tôi hy vọng vào hy vọng. Hy vọng rằng nó vẫn tồn tại ngoài kia, bên ngoài cái hộp Skinner.
Và sau đó, tôi hy vọng là: Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

#WinstonVSmith
Ảnh: Nguyễn Thế Hòa