SẼ THẾ NÀO NẾU HAI ĐỨA BẠN THÂN CÙNG NHAU .... TRẦM CẢM
Cái ngày mà tui đi tái khám trầm cảm lần thứ “n” ở bệnh viện cũng là cái ngày con bạn của tui lết xác theo khám rối loạn lưỡng cực lần đầu tiên, hơi lãnh cảm và thản nhiên. Và sau đó là cùng nhau trải qua trầm cảm. Mọi thứ đã trở nên quen thuộc với hai đứa nên cũng không cần hai đứa phải hỏi han nhau, nhìn mặt là biết nhau đang ở trong tình trạng nào.
Sơ lược lịch sử ha :), hai đứa biết nhau từ cấp 1 rồi cơ. Tui con nhà thường dân, nó con nhà giáo cao soang nên không chơi với nhau miếng nào, đến đầu cấp 2 tui gặp lại nó học chung lớp và cũng chưa thân nhé. Và tui đang kể như tui nhớ chính xác mốc thời gian hai đứa chơi với nhau vậy á, nhưng không í :)( chắc do trầm cảm nên trí nhớ của tui khá kém í) chắc tầm lớp 8 gì đó là hai đứa trở nên thân thiết hơn mức chỉ là bạn cùng lớp. Vì đó có lẽ mốc thời gian mà chuyện gia đình tui trở nên căng thẳng đỉnh điểm, nhỏ ở bên cạnh tui chia sẻ và động viên tui vì nó có “ thâm niên” hơn trong chuyện này ( chắc tui phải skip đoạn mà làm sao hai đứa nói với nhau chuyện đó, vì tư duy kể chuyện của tui cũng hơi rối ren, hì). Rồi hai đứa cứ kể nhau nghe câu chuyện nhà mình cho vơi buồn, hay đôi khi ngớ ngẩn là khóc cùng nhau, cứ như lá rách ít đùm lá rách nhiều í ,hay đôi khi là chuyền nhau một miếng vá cũng đã nát bươm. Dù trong khoảng thời gian đó đến giờ có những lúc tui và nó không giữ liên lạc với nhau ( con gái mà, phức tạp lắm :)) nhưng nó vẫn luôn là bạn tui và tui với nó cũng vậy. ( nhiều người bạn còn nghĩ tui với nó chơi les cơ)

Chuyện gia đình tui đã khá ổn , gia đình nó thì vẫn vậy chỉ là ít ồn ào hơn thôi, thực sự điều đó làm tui khá buồn. Nhưng cuộc sống mà. Dù lớn hơn, có hàng tỉ thứ xung quanh tui và nó, nhận thức rõ về việc có những chuyện mình không thể thay đổi được. Học cách chấp nhận nhiều hơn. Mà chuyện cũ vẫn ở đó , thoáng đau rồi cười mình ngốc nghếch. Dù sao bệnh mà di căn với biến thể rồi là khó chữa lám.. :v nên hai đứa học cách sống chung với nó vậy nà. Kết quả là hai đứa đều bị Trầm cảm, có lẽ tất yếu vì hai đứa luôn cố gắng động viên nhau lúc khó khăn chứ chẳng hề tập trung vào những khó khăn, thật ra là nó động viên tui nhiều hơn vì tui chín chắn chậm hơn nó rất nhiều, có khi đến giờ tui vẫn hơi trẻ trâu xiếu :).
Những cuộc gặp bác sĩ làm tui cảm thấy khá trống rỗng, người trầm cảm rất nhạy cảm, nhất là những câu hỏi rập khuân và hơi vô cảm của bác sĩ ( cũng dễ hiểu thôi hằng ngày họ phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân trầm cảm, câu chuyện họ có thể khác nhau nhưng đều có một suy nghĩ chung tiêu cực về cái chết, chắc trầm cảm còn giết chết sự sáng tạo nữa í). Dùng thuốc sẽ khiến tui cảm thấy phấn chấn hơn, có động lực làm việc nhiều hơn, nhưng mới đầu tui có cảm giác mình chỉ là vật thể với những phản ứng hóa học dễ bị chi phối như những việc bấm nút một cái máy vậy á, dần thì tui biết việc tích cực mình làm lúc dùng thuốc sẽ dần tác động đến suy nghĩ của tui khiến tui có nếp suy nghĩ tích cực hơn thay cho lối mòn cũ. Nên việc dùng thuốc chăm chỉ sẽ giúp đỡ khá nhiều còn trị liệu tư vấn với bác sĩ thì không hiệu quả với tui, so với việc gặp bác sĩ thì một người bạn hoặc người thân hiểu ít nhiều về tui sẽ tốt hơn í.
Và người hiểu được một người trầm cảm chắc chắn sẽ là một người trầm cảm khác, đúng quá không cãi được ha, :) tui và nó hiểu nhau trải qua những gì, cảm thấy những gì và cố gắng vượt qua những phức cảm hưng và trầm ra sao. Nó giống như hai đứa chơi bập bênh vậy, khi một đứa ở mood down thì đứa kia sẽ cố đẩy mood đứa còn lại lên, phép so sánh hơi khập khiễng khi người up thì người còn lại phải down nhỉ :). Việc tui phản biện lại suy nghĩ tiêu cực của nó để kéo tâm trạng nó hay ngược lại giúp tui với nó hiểu hơn về chính cảm xúc tiêu cực của chính mình, việc mà tui sẽ rất vụng về khi làm với chính bản thân mình. Có một câu mà tui nhớ mãi khi coi phim chưởng Trung Quốc khi còn nhỏ, đại ý nó là “ Người ngoài cuộc sáng suốt”,phim chưởng cũng quả là lợi hại , vì đứng ngoài nên đôi khi nhìn sự việc sẽ bao quát hơn. Và thấy được suy nghĩ tiêu cực ngốc nghếch ra sao, cười nó rồi cười cả mình nữa. Vậy tại sao nghĩ được vậy rồi sao không giữ được suy nghĩ đó quài quài luôn, đừng để suy nghĩ tiêu cực quay lại ta ?
Trầm cảm theo bản thân mình cảm nhận sẽ là một mớ suy nghĩ tiêu cực vốn phần suy nghĩ của người mắc, (mình không muốn dùng từ bệnh vì coi nó là một phần bản thân mình và yêu thương nó hơn là cố gắng chữa nó như căn bệnh, khi cố gạt nó tạo thêm sự phản kháng thì năng lượng tiêu cực càng lớn) phần đó sẽ xâm chiếm và ồ ạt lan ra như virus vậy, nó che hết những góc tích cực khác khiến bạn trở tay không kịp, không đủ lý trí để gạt phăng nó mạnh mẽ… Đối với người mắc Trầm Cảm thì phần tiêu cực luôn nhiều hơn và có nội lực mạnh mẽ hơn suy nghĩ tích cực. Như nghiên cứu vacxin vậy, cần phân tích nó , bóc tách nó đến tận cùng và hiểu về nó mới làm nó dịu lại được. Sống chung với Trầm Cảm sẽ dễ dàng hơn khi bạn hiểu được cảm giác của mình, không cố gắng gạt phăng nó vì nghĩ nó là vấn đề, có một clip youtube của anh Johnny Trí Nguyễn mình đã nghe nói về chủ đề “ Hạnh Phúc”( mình sẽ để link ở dưới) , ảnh đề cập đến việc càng tập trung vào suy nghĩ nào đó sẽ càng làm nó mạnh lên như việc cho suy đó có thêm nguyên liệu, cho nó ăn vậy đó, nhưng khi nói chuyện với người khác họ đưa bạn một cách nhìn khác mà đáng ra bạn có thể nhìn thấy khi bạn không bị cảm giác tiêu cực xâm chiếm sẽ ngừng nuôi dưỡng suy nghĩ không tốt. Lôi ra những phần tích cực vốn dĩ có trong tui mà phải cần được khai quật lên. Tôi và nó cũng đã nói rất nhiều về chuyện làm thế nào để tích cực hơn, để khiến tích cực là phần mạnh hơn, nghĩ về chuyện rằng “cuộc sống của mình còn khá hơn rất nhiều người, tại sao lại không trân trọng nó?”, hay “ nhiều người còn đang lo từng thứ, từng bữa cơm hằng ngày trong khi mình ngày cơm đủ ba bữa, quần áo đầy đủ”, bla bla ,… cố gắng lấy niềm vui từ so sánh nhưng nó không phải là ý hay. Vì nó chỉ là doping nhất thời, đó là suy nghĩ mà đôi khi ngay cả bác sĩ cũng hay nói với bệnh nhân của mình, đơn giản là mấy đứa Trầm cảm méo care đến chuyện hơn thua lắm đâu. Sau nhiều cuộc nói chuyện xàm xí đú, thì tui với nó nhận ra là chỉ khi nào niềm vui, sự tích cực đến từ bản thân mình thì nó mới bền vững. Tìm thấy niềm vui trong những việc mình làm sẽ tạo ra niềm vui, cảm thấy bản thân có giá trị và đáng sống như thế nào, không cần những việc quá to bự đôi khi chỉ là những việc nhỏ xíu, nhưng mình cho đi mình sẽ cảm thấy mình đang sống thực sự. Khi mà không có động lực làm bất cứ chuyện gì, thì có một người ở bên cạnh, giống như nó lải nhải hối thúc hoặc động viên nhau làm sẽ giúp tui làm gì đó một chút, rồi sau đó là nhiều hơn chút, tích tiểu thành đại. Sẽ có lúc mà cả hai đứa đều ở trạng thái không tốt nhưng khi có một đứa ra tín hiệu trước là đứa kia tự bật chế độ cố gắng lạc quan hơn để nói chuyện, rồi bản thân tự tích cực hơn lúc nào không biết.
Tui và nó đều đang ở giai đoạn mà nhận thức rõ về tình trạng của bản thân rồi nên sẽ chậm lại được suy nghĩ của mình hơn mà cầu cứu ai đó, còn khi mới sống chung với Trầm cảm sẽ không được điềm tĩnh vậy đâu. Trầm cảm sẽ lợi dụng sự phiến diện của suy nghĩ để đẩy suy nghĩ tiêu cực miên man, và suy nghĩ cuối cùng là đến cái chết, lúc đó sẽ là những tín hiệu “ting.. ting” báo bạn đã đến đúng đích cuối cùng để cảm thấy thoải mái. Nhưng đó tín hiệu giả thôi,( chỉ khi nào đó là âm báo tin nhắn chuyển khoản tiền lương thì tin nhé :)) có thể lấn áp những âm thanh đó trong đầu bạn bằng việc nói chuyện với người khác. Có thời gian tui không ở cạnh nhỏ bạn, việc nói chuyện với người khác, họ không thực sự hiểu vấn đề của tui, nhưng họ có thể dẫn tui đến những câu chuyện khác, hướng suy nghĩ đến hướng khác khiến tui quên đi, nguôi ngoai, rồi khi ngẫm lại tui có thể nhìn câu chuyện ở hướng khác. Thử nói chuyện với bạn bè hay người thân sẽ thấy bản thân bớt cô đơn và bớt suy nghĩ trong vòng luẩn quẩn mà mình không tự thoát ra được. Tui cũng không quên chia sẻ cả những chuyện vui mà mình làm được, sẽ  nhận được những lời khích lệ không ngờ tới , khiến tôi chia sẻ nhiều hơn. Gói gọn bản thân lại thì không gian riêng chỉ có bạn và Trầm cảm càng nhiều hơn, hai đứa sẽ thân thiết nhau hơn lúc nào không biết í.
Tui và con bạn thân vẫn nói về cảm xúc của nhau hằng ngày, việc đó tách trầm cảm của tui, của nó , tui và nó ra làm 4 chủ thể để thấy mọi thứ rõ ràng hơn. Khi tách chúng ra tự nhiên tui tương tác với những phần đó một cách độc lập hơn, chủ động hơn và cố gắng hiểu và chấp nhận nó. Điều đó không có nghĩa là tui và nhỏ bạn thân chấp nhận, và không hy vọng ngày thoát khỏi Trầm cảm. Sẽ có lúc nào đó, một ngày nào đó tui yêu được cảm xúc tiêu cực đó và khiến nó thành một phần tích cực, không tiêu cực về chuyện tiêu cực sẽ khiến tiêu cực trở thành tích cực :). Nghe hơi sảng ta. Tui cũng hơi rối rối rồi. Phần tiêu cực trong tui đang phản đối âm ỉ rồi í nhưng kệ đi, không ngừng cố gắng vậy. Đừng để bị lừa bởi cảm xúc nhất thời của chính mình nha.
Link video của anh Jonny Trí Nguyễn : https://www.youtube.com/watch?v=25x-pGP6OsU