Đây là 1 trong top 10 quyển sách đáng đọc do báo Doanh nhân Sài Gòn bình chọn. Mình đọc cuốn sách này trước khi nó được bình chọn là cuốn sách đáng đọc nhất, do một người chị giới thiệu. Cuốn sách theo chân Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk lần lượt điểm qua các sự kiện trên con đường sự nghiệp của ông, và từ đó, giới thiệu đến độc giả những khía cạnh khác nhau của sang chấn tâm lý và các liệu pháp chữa trị. Nó không nói về lý thuyết, điều mà mình hy vọng trước khi đọc sách, mà nó kể nhiều về các phương pháp trị liệu khác nhau nhằm giúp các bệnh nhân sang chấn tâm lý vượt qua khó khăn của mình. Theo mình, cuốn sách này sẽ cực kỳ phù hợp cho những ai là bác sĩ tâm lý nói riêng, hay làm việc trong lĩnh vực tâm lý học nói chung. Còn đối với những ai thích thưởng thức tâm lý và tìm hiểu về nó như mình, thì nó đơn giản, chỉ là cuốn sách để tham khảo và góp nhặt những kiến thức nhỏ để áp dụng vào đời sống tinh thần. Bởi cuốn sách dùng rất nhiều từ chuyên môn và khá là khó hiểu, những liệu pháp tâm lý mà mình nghĩ chắc chỉ có người chuyên ngành mới thực sự hiểu nó là gì và nên áp dụng nó như thế nào. Nếu bạn cần chữa trị tâm lý và xem đây là một cẩm nang chữa trị, thì mình cũng không nghĩ là nó phù hợp, vì chắc chắn một cuốn sách không thể thay thế một bác sĩ tâm lý được.
Trong bài viết này, mình sẽ không để cập quá sâu về cách trị liệu tâm lý như thế nào, nếu bạn có vấn đề về tâm lý, hãy đi gặp bác sĩ bạn nhé. Còn trong khuôn khổ một bài viết ngắn Review về sách, mình sẽ liệt kê ra những điều mình học được sau khi đọc cuốn sách này.
1. Chấp nhận cảm xúc bản thân
Một trong những lý do khiến chúng ta luôn khổ đau đó chính là kìm nén và chối bỏ chính cảm xúc của mình. Có thể vì một lí do nào đó, bạn được dạy rằng dù trong mọi hoàn cảnh, mình phải luôn vui; hoặc bạn đọc ở đâu đó nói với bạn rằng, việc buồn bã chỉ thể hiện sự yếu đuối. Điều này phần nào khiến chúng ta chối bỏ chính cảm xúc của mình mà quên rằng trong cuộc sống, việc thừa nhận cảm xúc bản thân là vô cùng quan trọng. Khi chúng ta vui, chúng ra cười đùa, nhưng khi chúng ta không hài lòng với điều gì đó, chúng ta có quyền nói lên cảm xúc của mình. Từ việc nói lên cảm xúc của mình, đối phương có thể hiểu được chúng ta hơn và nắm được rằng, công việc đang không được suôn sẻ. Công việc của các nhà trị liệu chính là giúp chúng ta “thừa nhận, trải nghiệm và thích nghi” với thực tại cuộc sống, bao gồm những niềm vui và nỗi khổ ta trải qua. Những người bị sang chấn, hoặc thậm chí đôi khi đối với những người bình thường, thường bỏ qua cảm xúc của chính mình. Chúng ta gồng, chúng ta chịu đựng vì cho rằng muốn giữ sự ôn hòa, nhưng chính sự kìm nén ấy lại giống như một ngọn núi lửa đã lâu năm không phun trào vậy, nó chỉ chờ ngày để giải tỏa hết ra. Đó là khi bạn thấy nhiều trường hợp, ví dụ như vợ chồng, con cái, thầy trò, nhân viên và sếp,… khi sự chịu đựng đến giới hạn, nó thường được thể hiện ra một cách vô cùng gắt như cãi vã, khóc lóc, phá phách hoặc chống đối. Mình không nói đến việc cư xử khéo léo và kiểm soát cảm xúc để phát triển mối quan hệ hay công việc làm ăn, đó là một góc cạnh khác. Thứ mình muốn nói ở đây, là chính bản thân từng người chúng ta không thực sự thành thật với bản thân.
Vậy thành thật với bản thân là như thế nào? Là khi chúng ta chấp nhận rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng tràn đầy niềm vui, sẽ có những lúc mọi thứ không như ý, và ta phải chấp nhận nó, học cách cho qua và tiến lên. Đồng thời, chúng ta cũng tận hưởng trọn vẹn niềm vui từ những khoảnh khắc trong cuộc sống, không nghi ngờ, không sợ sệt, không phán xét, có như vậy, chúng ta mới có thể thấy được sự hài hòa trong chính chúng ta, và từ đó cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
2. Sống ở hiện tại
Những người bị sang chấn, hay các rối loạn về tâm lý thường rất khó để cảm nhận điều này. Họ không thể tìm thấy niềm vui kể cả trong những việc nhỏ nhặt hằng ngày như nấu ăn, đi bộ, nói chuyện với người thân, đi chợ, làm việc,… Kể cả người bình thường, nếu chúng ta dành trọn tâm trí chỉ để hối tiếc về quá khứ, lo lắng về tương lai, thì hầu như chúng ta luôn trong trạng thái sợ sệt trong hiện tại và không thể sống hết mình. Để sống cho hiện tại, mình nghĩ ta cần trải nghiệm nhiều hơn, tham gia các cộng đồng, hay các hoạt động nhóm để giúp chúng ta tương tác, giữ thái độ tích cực và đồng thời gia tăng độ nhạy cảm của bản thân với các tương tác xã hội. Việc chúng ta nói chuyện nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, làm nhiều thứ mới mẻ hơn giúp củng cố nhận thức bản thân về thế giới xung quanh với nhiều góc độ khác nhau, chúng ta sẽ được khích lệ, được lắng nghe và đồng cảm. Mặc dù không phải ở cộng đồng nào bạn cũng có thể chia sẻ và nhận được sự đồng cảm, nhưng bạn phải tìm, tìm được nơi mình có thể tham gia và hòa mình vào đó. Để rồi từ từ hiểu được giá trị sống, ý nghĩa của sự tồn tại của bản thân, nhận thức được mình đang có gì và từ đó biết ơn hơn đối với cuộc sống.
3. Mối quan hệ an toàn là quan trọng
Cách để nuôi dưỡng tinh thần khỏe mạnh đó là có những mối quan hệ lành mạnh. Kể từ khi ta sinh ra, chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người nuôi ta đầu đời. Một đứa trẻ được yêu thương, khích lệ, được lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc, chúng sẽ lớn lên với khả năng thấu hiểu bản thân rất cao, chúng hiểu được cảm xúc, mong muốn và mục tiêu của mình. Nhưng với một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình với ba mẹ độc hại, hay bị bỏ bê, lạm dụng,.. đại khái là bị vây quanh bởi môi trường không tốt, chúng sẽ lớn lên với nhiều nỗi sợ trong tâm, và vì bị bỏ mặc về cảm xúc, bị bỏ rơi, chúng sẽ cảm thấy vô cùng khó để có thể thấy bản thân mình là quan trọng, để học thế nào là yêu thương, và từ đó lạc lõng trong cuộc sống. Bởi vì sao, vì gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và cảm xúc, là nơi định hình tư duy ban đầu của chúng ta và cũng là nơi an toàn để chúng ta tin tưởng, quay về mỗi khi thất bại. Nhưng khi một gia đình mất đi tính năng cơ bản này, về cơ bản, khi mà thứ chúng ta tin tưởng nhất lại gieo rắc nỗi sợ và bao trùm bởi sự căng thẳng, thì chúng ta dần mất đi niềm tin với mọi người, chúng ta thu mình lại và cảm thấy mất phương hướng.
Đối với bệnh nhân bị sang chấn cũng vậy, cái họ cần những mối quan hệ chất lượng, họ cần sự thấu hiểu để có cảm giác an toàn về thể xác và tinh thần, để có thể can đảm đối mặt với những gì xảy ra trong cuộc sống, nhưng thường thì rất khó, vì người bình thường thì không hiểu sang chấn là gì, và cũng không có ai đủ kiên nhẫn mà nghe người sang chấn chia sẻ, đó là chưa kể, những hành động nóng giận hoặc thờ ơ thất thường của người bị sang chấn lại rất dễ gây mất thiện cảm. Đó cũng là lý do tại sao họ cần tới bác sĩ tâm lý, những người được đào tạo ra để giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn cuộc đời mình.
4. Điều gì sẽ xảy ra nếu ta ngừng làm điều đó?
Đây là câu hỏi sẽ giúp ta tìm ra được nhiều nguyên do tạo nên những hành vi mà ta cho là “bất thường” của bất kỳ ai. Trong thâm tâm của mỗi người đều tồn tại nỗi sợ hay nỗi ám ảnh nào đó, và để chống lại nỗi sợ đó, họ lại có xu hướng đè nén nó lên người khác. Một người luôn gièm pha người khác, có thể không phải là do họ ác, mà bởi vì tuổi thơ họ luôn bị mọi người gièm pha chế giễu, và khi lớn lên, để tự vệ, họ chọn cách gièm pha người khác trước. Một người nóng giận luôn muốn kiểm soát người khác, ám ảnh với quyền lực, có thể là do họ sợ bị rơi vào cảm giác bất lực, và họ chọn sự quyết liệt đến tàn nhẫn đó chỉ để đảm bảo họ đang kiểm soát được mọi thứ. Những người theo kiểu như trên, về cơ bản, họ còn không biết họ đang có chút vấn đề về tâm lý, nhưng khổ nỗi, chính những hành vi “bất thường” của họ lại gây đau khổ hoặc nhẹ hơn là ác cảm đối với những người xung quanh.
Chính vì vậy, khi ta nhận thức được điều đó, nếu bạn thấy hình ảnh mình trong đó, hãy tự hỏi: Vậy, điều gì xảy ra nếu ta ngừng làm điều đó? Ta đang sợ điều gì? Ta có thể làm gì để trở nên tốt hơn? Thành thật với bản thân và ta sẽ tìm ra được nỗi sợ sâu thẳm trong tim ta, và xem liệu chúng ta sẽ giải quyết chúng như thế nào bạn nhé.