Gần đây, trên các kênh thông tin báo mạng, mọi người có thể đọc được, xem video thấy, có khá nhiều hình ảnh cũng như clip liên quan đến vấn đề người dân (thực ra gọi là "người dân" không đúng lắm) đang tranh luận/ đấu tranh cho quyền lợi của họ về những gì mà họ đã bỏ tiền ra để đổi lấy và địa điểm giao dịch đó là chi nhánh của các ngân hàng. Tạm gọi đó là X ( X sẽ có 1 chiếc tên cụ thể ở gần cuối bài viết). Ngân hàng nào được lên báo thì tạm Mei không bàn luận ở đây.
Lỗi do ai?
Theo Mei, lỗi do đôi bên:
+Phía bên bán sản phẩm X: Chưa thực sự cung cấp đủ thông tin người mua cần.
+ Phía người mua sản phẩm X: Chưa hỏi đủ những thông tin chúng ta thiếu.
Tạm gác vấn đề phía bên bán sản phẩm có lỗi, bởi nếu có hay không, chúng ta khó có thể kiểm soát được nó sẽ còn và có thể diễn ra 1 điều tương tự trong tương lai hay không, chính vì vậy, Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tiếp cận đến những định nghĩa X là gì một cách chủ động và chúng ta phải đánh đổi điều gì để lấy thêm 1 phần lợi từ sản phẩm X. Ván cược "đánh đổi thêm 1 phần lợi ích" nghe có vẻ hơi khó cân nhắc nhỉ ? Vậy chúng ta đã biết đủ định nghĩa X là gì hay chưa?
Lấy 1 ví dụ cụ thể hơn, một nhân chứng gần gũi nhất với Mei đó là mẹ Mei. Bà xuất phát là dân buôn bán nhỏ, học hết lớp 12 và toàn bộ số tiền bà dành dụm được sau chi tiêu hằng ngày cũng như tài trợ cho Mei cũng như chị em Mei đi học thì bà cũng như bao nhiêu người khác tin tưởng mua một vài sản phẩm X tại các chi nhánh ngân hàng mà chị hàng xóm làm việc trong suốt 10 năm nay. Nghiễm nhiên Mei hiểu đã mẹ đã biết cơ bản về định nghĩa những sản phẩm X mà mẹ giữ.
Khi có nhiều vấn đề trên báo mạng bàn luận về vấn đề Mei đã nói ở đầu bài viết thì Mei hỏi mẹ về vài điều Mei băn khoăn. Tóm tắt lại Mei hỏi được mẹ điều gì?
Mẹ đã có những sản phẩm X nào?
Sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, Bảo hiểm, thi thoảng có hợp đồng vay.
Vậy theo mẹ, sự khác biệt giữa chúng là gì?
+Sổ tiết kiệm: gửi tiền trong 1 khoảng thời gian xác định và nhận về gốc và thêm một phần chênh lệch tùy theo % từng thời kỳ.
+Chứng chỉ tiền gửi: Giống sổ tiết kiệm nhưng % lãi cao hơn.
+ Bảo hiểm: Có rút lại được vốn sau x năm kèm lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm 1 chút và thêm vào quyền lợi sức khỏe ( quyền lợi cụ thể như nào thì mẹ không rõ).
Tạm gác tiếp vấn đề nhân viên ngân hàng tư vấn cho mẹ đúng hay sai, Mei chỉ đề cập đến vấn đề: định nghĩa của mẹ về 3 sản phẩm này đã đúng chưa? Điều mẹ nên quan tâm cái lợi và cái thiệt của mỗi sản phẩm đã đủ hay chưa? Túm chung chung, điều mẹ chỉ quan tâm là lãi , lãi cao và lãi cao hơn và có tặng kèm thêm gì không ( mặc dù chưa biết hàng tặng kèm có cần hay không). Và dĩ nhiên là gốc có lấy lại được hay không cũng được mẹ Mei quan tâm nhưng điều này mình thấy mẹ chỉ mới quan tâm khi bắt đầu mua bảo hiểm, còn trước đó thì đây là điều mẹ coi là nghiễm nhiên. Sau cuộc trao đổi với Mei, mẹ mới biết NH cũng có thể bốc hơi ( dĩ nhiên là xác suất rất thấp ở VN) và số tiền mẹ được bồi thường là có giới hạn dù sổ tiết kiệm của mẹ to hay bé với điều kiện ngân hàng đó có tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Về cơ bản, thì tất cả những sản phẩm X mà mẹ Mei cầm, tính đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của Mei thì tạm coi mẹ gặp được các chị tư vấn viên ngân hàng tận tâm, lợi ích của mẹ được bảo toàn, và tạm coi là phù hợp.
Nay bạn có thể hỏi chị Google, sản phẩm X được nói ở đầu bài viết được gọi là "Sản phẩm tài chính" và cụm từ " người dân" nó không thực sự phù hợp lắm, đúng hơn thì chúng ta nên công nhận bản thân mình là 1 nhà đầu tư khi có ít nhất 1 sản phẩm tài chính trong tay. Để chúng ta chủ động hơn trong việc nhận 1 phần trách nhiệm nào đó về bản thân khi có những sự kiện tương tự được nhắc ở đầu bài viết diễn ra với cá nhân mỗi chúng ta.
Khi kinh tế ngày càng phát triển, thì trong tay hầu hết mọi người đều có ít nhất một sản phẩm tài chính. Và qua ví dụ nhỏ từ mẹ Mei, bạn hay mình cũng có thể thấy việc định nghĩa cụm từ " Sản phẩm tài chính là gì? là " PHẢI" hay " NÊN" đối với chúng ta rồi.