SÀI GÒN – THÀNH PHỐ KHÔNG NGỦ
“Sài Gòn có 2 mùa Sensei ạ! Một là mùa nóng, còn một là mùa nóng thấy mẹ, thấy bà nội” Sensei là cách gọi giáo viên trong tiếng...
“Sài Gòn có 2 mùa Sensei ạ! Một là mùa nóng, còn một là mùa nóng thấy mẹ, thấy bà nội”
Sensei là cách gọi giáo viên trong tiếng Nhật (phát âm là sên sê nha các bạn)
Đó là câu nói vui của học viên đã nói với tôi trong chuyến công tác vào Sài Gòn lần thứ 2 này. Và đến khi tôi ở Sài Gòn được một tuần thì tôi đã có thể gặp mẹ mình mà không cần đến Video Call.
Đó là câu nói vui của học viên đã nói với tôi trong chuyến công tác vào Sài Gòn lần thứ 2 này. Và đến khi tôi ở Sài Gòn được một tuần thì tôi đã có thể gặp mẹ mình mà không cần đến Video Call.
Tôi không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tôi chỉ biết về Sài Gòn qua sách báo, phim ảnh và mạng Internet. Tôi không hiểu nhiều về Sài Gòn, nhưng tôi sẽ viết về Sài Gòn qua những cảm nhận của tôi.
Bạn học viên ấy đã nói đúng, Sài Gòn rất nóng, cái nóng như muốn ăn tươi nuốt sống, muốn chiên tôi lên như những con gà nướng mà các quầy bán rong hay treo ngoài đường phố. Cái màu ươm mượt như màu mật, nhìn thôi đã tưởng tượng ra khi cắn vào miệng sẽ giòn rụm vỏ ngoài rồi mềm ngọt thịt bên trong và mỡ gà béo ngậy quyện quyện trong miệng mình rồi.
Nhưng Sài Gòn lại rất mát, như một người tình khéo chiều chuộng. Không giống như anh chàng Hà Nội, sáng nóng, trưa giận, tối vẫn nhấm nhẳng hờn dỗi không thôi. Tôi mê cái thời tiết Sài Gòn về đêm, khi ngồi sau xe máy và chạy vòng vòng quận 1, quận 2, ngắm ánh đèn và đường phố lung linh. Đường Sài Gòn thì rộng như “lòng mẹ” vậy, không biết có phải là do tôi chưa gặp hay không, nhưng lại thấy rất ít giải phân cách.
Tôi ở quận 12, nơi mà tránh xa phồn hoa đô thị, nhưng xe cộ lúc nào cũng nườm nượp. Tôi luôn có cảm giác, những người trong này có một nét đặc trưng riêng, nhất là nam giới, ngoại hình luôn khác hơn hẳn so với người ngoài Bắc, phải chăng do nắng gió nơi đây đã làm làn da họ sậm màu, nhưng giọng họ lại rất nhẹ nhàng và ngọt ngào, dễ mến, ngọt như những món ăn nơi đây vậy. Đôi khi tôi luôn tự hỏi, liệu ăn ngọt nhiều như thế, tỷ lệ mắc tiểu đường của họ có cao hay không. J
Nếu đi ăn hàng quán vỉa hè Hà Nội, tôi sẽ luôn được mời chào mua mấy thứ vật dụng nhỏ nhỏ của các bà, các mẹ, các bé bán hàng rong thì trong Sài Gòn lại là những tờ vé số. Đâu đâu cũng vé số, rồi các thể loại vé số với những màu sắc và kích cỡ khác nhau. Những tờ giấy nhiều màu dùng tiền để đổi lấy và cũng là những tờ giấy gieo những hi vọng đổi đời bằng những số tiền lên đến bạc tỷ.
Bạn đã bao giờ nghĩ, nếu mình trúng số vài chục tỷ, mình sẽ làm gì chưa?Những thứ tự nhiên có được, đôi khi khó lòng mà sử dụng đúng.
Tôi gặp rất nhiều người ngoài Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp, khi tôi hỏi họ tại sao muốn lập nghiệp ở Sài Gòn, họ luôn nói ở Sài Gòn dễ làm ăn hơn, dân lành hơn và thoải mái hơn, chẳng cạnh tranh hay ghen tị, ai làm được thì mừng cho người ấy. Người Sài Gòn hay ăn nhậu nhưng lại rất công bằng và sòng phẳng, tan tiệc thì chia đều, không ai phải bỏ tiền mời ai. Đặc biệt là những người ngoại tỉnh miền Tây đổ về Sài Gòn làm ăn lại là những người vô cùng hiền lành và mến khách.
Anh Grab chạy cho tôi từ sân bay về khách sạn cũng là người ngoài Bắc, anh ấy vào đây lập nghiệp cũng hơn 10 năm và lấy vợ trong này, anh còn đồng hương với tôi nữa, nhưng khi tôi hỏi: “Anh có muốn về Bắc sống cho gần gia đình không?” anh nói rằng “Không. Anh đã quen với Sài Gòn rồi, anh quen cái nhịp sống nơi đây, cách sống nơi đây, và hơi thở của Sài Gòn.”
“Em có muốn sống ở Sài Gòn lập nghiệp không” đó cũng là câu hỏi mà tôi được nhận lại nhiều nhất. Sài Gòn dễ mến, Sài Gòn thân thương, Sài Gòn với nhiều điều thú vị mà tôi chưa hề biết. Tôi cũng muốn thử lắm. Nhưng có lẽ, tôi cũng giống như anh Grab kia, tôi đã quen với Hà Nội, nhịp sống, hơi thở và những món ăn ít đường. Tôi yêu tất cả những mảnh đất mà tôi đặt chân tới, nhưng với thời điểm hiện tại, tôi chỉ có thể “chung thuỷ” với Hà Nội mà thôi.
Kỷ niệm Sài Gòn tháng 3/2021.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất