SÁCH- VỊ GIÁO CHỦ MỚI CỦA NHỮNG GIÁO PHÁI CỰC ĐOAN
Nhiều người tôn thờ sách một cách mù quáng không khác thì thánh thần.
Vài tuần trước, mình có một comment dậy sóng trong một nhóm chuyên về review sách, hay nói đúng hơn là cuồng sách. Ai đó đăng một bài viết đại ý nói rằng người đọc sách chưa chắc đã giàu nhưng người giàu thì ai cũng đọc sách. Nó làm mình bật cười. Vì thế mình comment phản biện. Và không ngạc nhiên, hàng tá người nhảy vào công kích mình.
Trước tiên, phải phân tích rằng bài viết kia sai lè. Mình biết nhiều người giàu hiếm khi đọc sách hoặc chả bao giờ đọc sách. Không những vậy, một số người giàu còn chê cười đám "mọt sách" là sống sách vở, lý thuyết suông, dài lưng tốn vải. Cá nhân mình phần nào đồng tình với những chê cười ấy.
Là một trí thức thường xuyên đọc sách, mình cũng thấy trong cộng đồng "mọt sách" có không ít "trí ngủ" như từ trên trời rơi xuống. Họ thích đọc và trích dẫn sách vở, nhưng chẳng ứng dụng được gì vào cuộc sống của bản thân. Quanh năm suốt tháng cứ ngu ngu ngơ ngơ "tầm chương trích cú". Những thứ họ nói ra đều là vay mượn từ kẻ khác, chứ chẳng có nổi một phần là đúc rút từ vốn sống hoặc trải nghiệm của bản thân. Gọi những người ấy là sống sách vở, lý thuyết suông chẳng oan chút nào.
Rõ ràng không phải "tất cả người giàu đều đọc sách". Tiền và sách chả liên quan gì đến nhau, hoặc nếu có thì mối liên hệ cũng rất lỏng lẻo. Ai giàu cứ giàu. Ai đọc cứ đọc. Trong xã hội có cả người giàu đọc nhiều và ít đọc, có cả người nghèo đọc nhiều và ít đọc. Không phải người giàu nào cũng có trí tuệ, không phải người có trí tuệ nào cũng giàu. Và quan trọng hơn hết, không phải cứ đọc sách là có trí tuệ, không phải tất cả những người có trí tuệ đều ĐỌC NHIỀU sách. Ba thứ đó không phải là một. Thật cẩu thả khi cho rằng người giàu thì ắt phải có trí tuệ và ắt phải đọc sách.
Đó là phản biện của mình dành cho bài viết ở trong nhóm đọc sách kia. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy thì cũng chẳng đáng nói. Mọi thứ bắt đầu trở nên thú vị khi hàng tá người nhảy vào công kích mình.Có bạn reply đại ý rằng nhiều tiền mà không đọc sách thì không được tính là người giàu, mà chỉ được coi là trọc phú. Ủa!!! Ai cho phép bạn ấy đưa ra định nghĩa này. Và quan trọng hơn, ai cho phép bạn ấy áp ÁP ĐẶT ĐỊNH NGHĨA NÀY LÊN TOÀN BỘ XÃ HỘI? Nói thẳng ra thì bạn ấy tự áp đặt một tiêu chuẩn về sự "thượng đẳng", rằng phải đọc sách giống bạn ấy thì mới được coi là "thượng đẳng". Đúng sai mình không bàn. Mình chỉ nhắc lại điều mình đã viết rất nhiều lần:
Bạn không phải là cái rốn của vũ trụ, không phải chuẩn mực để cả thế giới này phải tuân theo. Chẳng ai trên đời này có nghĩa vụ phải nghĩ giống bạn, sống giống bạn. Bạn thích đọc sách? Kệ bạn. Người khác ghét đọc sách không có nghĩa là họ ngu hoặc sai trái.
Một bạn khác thì nhảy vào reply rằng: "Nhiều tiền nhưng có giữ được không? Cuộc đời này dài lắm." Ủa!!! Thế cứ phải đọc sách mới giữ được tiền à? Và ngoài kia cũng đầy người đọc sách bị phá sản đấy thôi. Giàu như ông chủ Nokia là cùng chứ gì? Vẫn phá sản bình thường. Có phải vì họ không đọc sách? Rồi những Kodak, hay mới đây là WeWork, đều có thời là doanh nghiệp tỷ đô, nay sống lay lắt hoặc phá sản. Chắc đều do người làm chủ không đọc sách?
Một bạn khác thì nhảy vào bắt bẻ mình theo kiểu "bạn thấy được bao nhiêu phần trăm người giàu không đọc". Mình đáp là phần lớn. Bạn bắt bẻ tiếp rằng mình lấy đâu ra số liệu, mình đã làm nghiên cứu chưa? Thực tế thì chẳng ai từng làm thống kê một cách nghiêm túc (hoặc nếu có thì mình chưa biết tới). Cho nên nhận định rằng "tất cả hoặc phần lớn người giàu đọc sách" thì cũng chỉ là suy nghĩa cá nhân. Nhưng bạn này lại không bắt bẻ bài viết mà bắt bẻ comment của mình. Giả sử mình đáp rằng những người giàu không đọc sách chỉ là thiểu số thì hẳn là bạn ấy không sẽ bắt bẻ. Điều đó cho thấy bạn ấy bước vào cuộc đối thoại với tâm thế không khách quan, chỉ đón nhận những ý kiến mà bạn ấy muốn nghe, chỉ bắt bẻ những ý kiến mà bạn ấy cảm thấy không vừa lòng. Vì thế, mình đáp lại ngắn gọn: "Bạn hỏi ý kiến của tôi mà lại đòi ý kiến của tôi phải vừa lòng bạn à?"
Tất cả ví dụ trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số những ý kiến cực đoan, tôn thờ sách thái quá mà mình thường xuyên bắt gặp trong nhóm này. Và mình nhận thấy những hội nhóm đọc sách đang đi theo đúng con đường mà các giáo phái mê tín cực đoan đã đi. Chỉ khác ở chỗ những giáo phái thì tôn thờ một ý tưởng, một con người (có thật hoặc hư ảo), còn các hội nhóm này thì tôn thờ sách theo cách mù quáng. Công thức của chúng rất giống nhau.
Bạn làm gì khi thấy bản thân thất bại hoặc chẳng thành tựu gì đáng để khoe ra? Bạn tìm đến một thứ gì đó bên ngoài, một thứ mà bạn có thể vay mượn sức mạnh của nó để thấy bản thân có giá trị, một thứ cho bạn cảm giác được là một phần của cái gì đó lớn lao. Đó có thể là một vị thánh, một sức mạnh tâm linh huyền bí siêu nhiên, một thuyết âm mưu, hoặc là sách.
Tất cả những thứ trên đều cho phép tín đồ của chúng cảm thấy bản thân khôn ngoan hơn, thông thái hơn so với những kẻ bên ngoài. Những người tham gia giáo hội cảm thấy "ta đã nắm bắt được bí mật của vũ trụ". Những người chạy theo thuyết âm mưu (kiểu như Trái Đất phẳng hoặc anti vaccine) thì say sưa với ảo tưởng rằng họ nhìn thấu được bản chất xã hội, rằng họ khôn ngoan hơn đám đông những con cừu ngây thơ đang bị lừa dối bởi truyền thông đại chúng. Còn những kẻ cuồng sách thì cảm thấy mình thật sâu sắc và đầy trí tuệ, vượt xa những kẻ "não ngắn" ngoài kia. Dù là dạng nào thì điểm giống nhau là người ta đều cảm thấy bản thân cao siêu, có giá trị, giúp họ quên đi thực tế cuộc sống rằng họ là những kẻ thất bại chẳng có thành tựu gì đáng nói.
Đó là lý do mà nhiều người đã nhảy vào công kích mình, khi mình hạ thấp giá trị của sách và vạch trần sự kém cỏi của MỘT BỘ PHẬN những người đọc sách. Họ cảm thấy lòng kiêu hãnh bị đụng chạm. Họ cảm thấy chất keo kết dính cộng đồng của họ bị lung lay vì có kẻ dám cả gan thách thức giá trị cốt lõi của nó. Nhưng bất kể họ có phẫn nộ thế nào và đông ra sao thì sự thật vẫn không thay đổi. Trong số các reply, có người bảo rằng "bao nhiêu người cũng không cãi nổi cái mỏ của ông, nhưng mà tôi like". Mình đáp lại ngắn gọn rằng: "Nếu tôi sai thì chỉ cần 1 người là đủ, còn nếu họ sai thì 50 người, 500 người, hay 5 triệu người cũng vậy thôi." Tính đúng đắn của một lời nói không phụ thuộc vào số người ủng hộ nó và mức độ hung hăng của họ.
Nói rộng ra một chút, không chỉ giới hạn trong cuộc tranh luận này; mình cho rằng sách giờ đây cũng giống như đồng hồ Rolex hoặc túi Louis Vuitton chỉ là vật ngoài thân để MỘT SỐ người thỏa mãn nhu cầu khoe khoang của bản thân. Nhưng rõ ràng sách ở một đẳng cấp thấp hơn so với những thứ kia. Nếu ai đó khoe đồng hồ Rolex, ta biết rằng họ có tiền. Còn nếu gã Fly khoe sách, nhiều khả năng là gã chẳng có gì. Bởi con người ai cũng muốn khoe thứ giá trị nhất của bản thân. Và nếu thứ giá trị nhất của Fly là sách thì liệu ta có thể kỳ vọng gã có gì đây? Chắc chắn không phải là tiền. Vì nếu có tiền thì gã đã không chọn khoe sách. Chắc chắn cũng không phải trí tuệ. Vì người có trí tuệ cũng không khoe sách. Họ thừa hiểu hai thứ đó không giống nhau.
Nói đi cũng phải nói lại. Mình không tẩy chay sách. Cá nhân mình là một người thích đọc, và mình luôn khuyến khích chúng ta đọc sách, đặc biệt là với các con học sinh. Tuy nhiên, cũng vì yêu mến sách mà mình muốn nêu cao tinh thần phản biện, rằng chúng ta nên trả lại cho sách giá trị cao quý của nó. Sách là công cụ để truyền tải tri thức. Đừng biến nó thành công cụ để khoe khoang, đừng tôn thờ nó như một vị thánh, và cũng đừng cho rằng "thiên hạ phải đọc sách giống như tôi thì mới được coi là thượng đẳng".
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất