Hôm trước trong lớp IELTS Advanced Writing, có một bạn mắc một lỗi suy luận logic (fallacy) khá phổ biến là Post hoc – vì B xảy ra ngay sau A nên A được cho là nguyên nhân của B nhưng trên thực tế giữa A và B không có mối quan hệ nhân quả (causal relationship) nào cả. Mình sau đó có gợi ý bạn 3 quyển sách về tư duy phản biện và lỗi suy luận logic.

Hôm nay, mình giới thiệu với mọi người 3 cuốn sách về Tư duy phản biện khá thú vị cho bạn nào muốn tìm hiểu nhé.
Quyển đầu tiên là ‘Rèn luyện tư duy phản biện’ (Albert Rutherford, Nguyễn Ngọc Anh dịch): Cuốn sách gồm 6 chương đi từ kiến thức khoa học thần kinh, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách mà não bộ con người tư duy, sau đó là những phân tích về tư duy phản biện và những lỗi nguỵ biện thường gặp và kết lại bằng việc áp dụng tư duy phản biện để nhận biết các chiến lược tiếp thị và truyền thông trong xã hội hiện đại bên cạnh việc lý giải một vài thuyết âm mưu được ưa chuộng hàng thế kỷ qua. Mình thích quyển sách này vì lượng kiến thức mà nó mang lại, dù khá nhiều kiến thức mới nhưng được truyền tải dễ hiểu, ai cũng có thể đọc hiểu được chỉ cần đọc chậm lại một chút so với tốc độ đọc bình thường.
‘Tư duy phản biện’ (Zoe McKey, Jaden Minh dịch): cuốn sách mỏng nhẹ với 170 trang được chia thành 7 chương. Quyển sách này thiên về sách kỹ năng sống hơn vì nội dung về tư duy phản biện chỉ chiếm khoảng 1/3 quyển sách và được lồng ghép xuyên sách, nếu không để ý thì sẽ khó nhận ra. Tuy nhiên, đây là quyển sách cực kỳ đáng đọc vì cách tiếp cận tư duy phản biện rất thú vị. Thay vì đưa ra các lý thuyết, tác giả Zoe truyền tải hình thức tư duy này qua các bài học như: bạn thông minh hơn bạn tưởng (chương 1), lời phê bình khôn khéo (chương 4) hay ra quyết định sáng suốt (chương 6), v.v. Một điểm hay của sách là Zoe tích hợp rất nhiều lý thuyết về tư duy của các tác giả khác như: phương pháp đưa ra quyết định bằng việc sử dụng 6 chiếc mũ tư duy (six thinking hats) của tiến sĩ Edward De Bono (bác này mới vừa mất đầu tháng 6/2021 
) hay nghịch lý thời gian (The Time Paradox) của nhóm tác giả Phillip Zimbardo và Boyd John. Trong sách này, mình rất thích Chương 5 nói về sáu quan điểm sử dụng thời gian sống khác nhau: chủ nghĩa sống cho quá khứ, chủ nghĩa sống cho hiện tại và chủ nghĩa sống vì tương lai.

Quyển cuối cùng là quyển mình đọc đầu tiên trong 3 quyển này ‘Những trò nguỵ biện biến sai thành trái’ (Alpha books biên soạn, Nguyễn Thuỵ Khánh Chương chủ biên). Sách này đọc rất giải trí nhưng kiến thức thu về thì cực nhiều. Sách là một ‘bộ bí kíp’ tổng hợp 34 lỗi nguỵ biện khác nhau bao gồm các lỗi thường thấy như: nguỵ biến người rơm, nguỵ biện khái quát hoá vội vã, nguỵ biện số đông, v.v. Với mỗi loại nguỵ biện, tác giả đều có ví dụ rất trực quan đi kèm, giúp người đọc hiểu lý thuyết và áp dụng được ngay lập tức.
Ba cuốn sách ở trên mỗi quyển trên dưới 200 trang thôi và nội dung cũng rất dễ đọc, nếu đọc tập trung thì mỗi quyển khoảng 2-3 tiếng là xong.

Enjoy reading,
han.fearless
26/6/2020