SÁCH VÀ ÁNH SÁNG
“Hôm nay là một độc giả, ngày mai là một nhà lãnh đạo” - Margaret Fuller Tôi nhìn thấy các cuốn sách, chúng được những người phụ...
“Hôm nay là một độc giả, ngày mai là một nhà lãnh đạo” - Margaret Fuller
Tôi nhìn thấy các cuốn sách, chúng được những người phụ nữ đặt trên tay. Đây là hình ảnh quyến rũ và đầy hi vọng của thế kỉ XXI – thế kỉ mà nữ giới và nam giới cùng nhau chia sẻ trí tuệ để xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp nhất.
Sách là ánh sáng. Phụ nữ đọc sách để được soi sáng, họ mang theo trong đời những quyển sách như tự do gắn vào mình chiếc la bàn định hướng giữa không gian. Đó là cách thông minh nhất cho những bước chân mảnh dẻ luôn di chuyển đúng đường, hoặc độc lập rẽ sang ngang để đạt được lý tưởng cuối cùng nếu chẳng may lạc hướng. Nhưng lí thuyết nào mạnh mẽ cho rằng, sách là ánh sáng để mở lối cho những người phụ nữ của chúng ta? Ta biết đến Emma Watson với hình ảnh là một nữ diễn viên, người mẫu nổi tiếng ở Vương quốc Anh. Nhưng hơn thế, cô cũng là một đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc để khởi động chiến dịch “Phụ nữ Liên Hiệp Quốc HeForShe”, hướng tới việc bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2016, Emma Watson thành lập câu lạc bộ đọc sách vô cùng nổi tiếng “Our Shared Shelf” – kệ sách chung của chúng ta. Đây là một câu lạc bộ sách vì nữ quyền, khi cứ sau hai tháng thì một cuốn sách mới về đề tài nữ giới hoặc được viết bởi các tác giả nữ, sẽ được chọn lựa đưa lên giá sách và bàn luận. Câu lạc bộ phát triển với một chiều hướng hoạt động rất rõ ràng: nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và các vấn đề xã hội khác thông qua sách. Chính sách là nguồn cảm hứng để người phụ nữ này theo đuổi con đường đấu tranh vì nữ quyền, cũng chính sách là nguồn sáng để một Emma Watson chân cứng đá mềm dấn thân vào cuộc chiến đấu vì chủ nghĩa nữ giới. “Nhờ kệ sách chung này, tôi đã trưởng thành như một nhà nữ quyền và một phụ nữ bước vào tuổi trưởng thành trong ba năm qua. Cảm ơn Emma!”, đặc biệt hơn cả, nguồn sáng đó đã len sâu vào tâm hồn những người phụ nữ bản lĩnh bước đi bên cạnh cô và mang lại cho phần lớn “phái yếu” niềm tin vào một tương lai rực rỡ phía trước. Một niềm tin thực tế đối với phụ nữ toàn cầu. Đến năm 2020, sau 4 năm thành lập “Our Shared Shelf” đã có hơn 230 ngàn thành viên, họ là những con người đến từ các nước phương Tây mang lý tưởng sức mạnh, và các nước phương Đông mang lý tưởng về minh triết.
Với sự tự chủ về thân thể và ý chí, những nữ nhân của thời đại mới có quyền được chọn lựa cho mình cách thức tiếp cận vốn tri thức của văn minh nhân loại. Tôi cũng hoàn toàn tin rằng, chính những cuốn sách là chất liệu tinh túy để tất cả những người phụ nữ độc lập có thể tự do nhào nặn cuộc đời của mình, khiến nó trở nên sáng bóng và nổi bật. Sự thật là, tôi đã bị thuyết phục với định nghĩa tự phát của chính mình nhờ Tara Westover – nhà sử học người Mỹ với cuốn hồi ký mà tổng thống Barack Obama yêu thích “Educated” – Được học. Một người cha bị rối loạn lưỡng cực ngăn cấm việc bảy người con tiếp cận nền giáo dục chính thống, chữa trị Tây y, đăng kí giấy tờ khai sinh đến lúc lên 9; không phải là lí do chính để cuốn hồi ký này nhận được các giải thưởng quốc tế và Tara Westover đứng vào top 100 người có tầm ảnh hưởng nhất năm 2019 của tạp chí Time. Điểm nổi bật là nhận thức của một người phụ nữ bị kìm hãm bởi quyền lực cực đoan của người cha, trong hoàn cảnh bất lực nhất cô đã nhìn thấy những tia sáng lấp lánh từ sách, từ con đường học vấn. Một cách tự chủ, cô nuôi dưỡng nguồn sức mạnh tri thức qua từng trang sách, ngẫm nghĩ về những bài học với thật nhiều dòng chữ chạy quanh dù lúc tinh mơ gà gáy, hay khi đã nửa đêm. Từ một cô bé tưởng chừng đáng thương vì bị áp bức, cô đã đấu tranh để trốn thoát khỏi thế giới tối tăm và bước đi kiêu hãnh nhờ vào ánh hào quang của những cuốn sách. Nhìn vào những hình tượng nữ quyền mạnh mẽ và bản lĩnh, là đại sứ Emma Watson, là nữ tiến sĩ Tara Westover, tôi càng có một niềm tin mãnh liệt rằng, sách là nguồn ánh sáng để phụ nữ chiếu lên cuộc đời của chính mình. Mọi sự vì sách, mà họ định vị lại nơi mình đang đứng, họ tháo gỡ từng nút thắt bí ẩn của bản thân, và họ đánh dấu những điểm trọng yếu để hướng về ngưỡng giá trị cốt lõi trong thế giới mà họ đang tồn tại. Những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời họ, sinh ra và được mang giới tính nữ như bao cô gái cùng lứa, nhưng bằng ý chí tự chủ, họ để những cuốn sách trở thành nguồn cảm hứng và tri thức bất tận. Rồi giờ họ đã trở thành những nhân vật lớn đem lại sự tốt đẹp cho xã hội. Như Margaret Fuller đã phát biểu rằng: “Hôm nay là một độc giả, ngày mai là một nhà lãnh đạo”. Bà là tác giả cuốn sách “Woman in the Nineteenth Century” - Người phụ nữ trong thế kỷ XIX, một trong những tác phẩm nữ quyền đầu tiên nổi bật ở Hoa Kỳ.
Sách là ánh sáng. Sách là ánh sáng để soi rọi đường đi cho những người phụ nữ nhỏ bé, và sách cũng là ánh sáng để ôm choàng lấy họ khi cuộc đời trở nên tối tăm. Bởi vì sách là những gì trong sáng nhất, ấm áp nhất dành cho con người, nó là thứ mà nhân loại không thể bỏ qua một cách vội vã. Đọc sách, phái nữ bắt gặp được những dòng chữ thấm nhuần, từ nội tâm mạnh cứng thay thế cho bản năng khuất phục ngàn năm theo lời Khổng Tử dạy. Bút lực từ những người viết đã khiến bức bình phong phức tạp với tên gọi cuộc đời hiện rõ trước mắt họ, và họ không còn sợ hãi khi họ đã nhìn được thật sâu. Tôi đã yêu mến một cô bé từ rất nhiều năm về trước trong cuốn sách cùng tên - “Cô bé Matilda”. Cuốn sách được viết bởi tác giả Roald Dahl – người kể chuyện cho trẻ em vĩ đại nhất thế kỷ 20. Matilda đã phải trải qua chuỗi ngày bất hạnh cùng những người mà cô bé gọi là gia đình, và khi bị đối xử tàn nhẫn, cô bé tìm đến những cuốn sách. Người “phụ nữ bé nhỏ” này luôn luôn đọc sách trong khi cả gia đình đều xem phim truyền hình. Vì những cuốn sách đã thực sự đưa Matilda vượt ra khỏi hiện tại khắc nghiệt, hơn hết, nó khiến niềm tin về tương lai tươi sáng hiện diện trong tấm thân bé nhỏ. Với nguyên văn được trích trong tác phẩm: “Những cuốn sách đem cô đi đến những thế giới mới và cho cô gặp những người tuyệt vời, họ sống những cuộc đời lý thú. Cô bé đi thuyền buồm ngày xửa ngày xưa với Joseph Conrad. Cô bé tới châu Phi với Ernest Hemingway, tới Ấn Độ với Rudyard Kipling.”. Matilda đọc rất nhiều cuốn sách về sự khác biệt, những cuốn sách kinh điển có sự vượt bậc về lối nghĩ, cách sống của xã hội cũ như “Kiêu hãnh và định kiến”của nữ văn sĩ người Anh Jane Austen; hay “Jane Eyre” của nữ tiểu thuyết gia Anh Charlotte Bronte với trích dẫn nổi tiếng: “Chúa ban cho chúng ta khả năng nhất định để tự tạo dựng số phận mình”. Ngồi trong một căn phòng nhỏ xíu tại ngôi làng bình dị ở nước Anh, Matilda đã có cơ hội được chiêm nghiệm thế giới tươi đẹp ngoài kia. Và tâm hồn cô bé trở nên xinh đẹp, và cô bé không còn bất hạnh.
Để đào sâu vào các khía cạnh khác trên mức lợi ích từ sách, tôi ngắm nhìn Oprah Winfrey – người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỉ phú và được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tôi tự hỏi, bà đã như thế nào ở quãng thời gian bị quấy rối trong thời thơ ấu và đầu thiếu niên; bà có nghĩ cuộc sống thật kinh khủng khi mang thai ở tuổi 14 và đứa bé bị mất trong giai đoạn trứng nước. Tôi chỉ biết rằng bà là một người phụ nữ nhân đạo, là một nhà từ thiện nổi tiếng và quan trọng với Nam Phi. Là người đã chi 40 triệu USD xây dựng trường “The Oprah Winfrey Leadership Academy for Girls” ở Nam Phi năm 2007 để tiếp nhận những bé gái có hoàn cảnh thiếu thốn. Như những người phụ nữ mà tôi đã thấy, bà đọc sách lúc 3 tuổi, bà yêu sách và thành lập “Oprah Winfrey” năm 1996 - một câu lạc bộ được cho là “thay đổi cả thói quen đọc của nước Mỹ”. Bà chia sẻ rằng: “Thời điểm tôi lớn lên thì sách chính là bạn của tôi. Lúc không có bạn bè thì tôi cũng có những quyển sách bên cạnh.”. Các cô gái đã có được những thứ mà họ khao khát trong thế giới này từ những cuốn sách nhỏ bé, đó là sức mạnh, là niềm tin, là một người bạn sẵn sàng bên cạnh chỉ để cho họ biết rằng cuộc đời vẫn đáng sống. Những trang sách thay đổi cái nhìn của họ về cuộc sống, họ cũng chính là minh chứng để chỉ ra rằng những điều đáng sợ ngay bây giờ chỉ là bước ngoặt, và họ đã vượt qua được nó. Hãy đọc sách, để nó mang ánh sáng chiếu rọi từng giây thần kinh đang run rẩy, ánh sáng đó khiến trái tim con người mạnh mẽ, thiện lương còn tâm hồn thì phong phú và sáng trong. Sách là ánh hào quang của trái tim và tâm hồn.
Hãy để nữ giới là biểu tượng của vẻ đẹp trí tuệ, đồng hành cùng thế kỉ XXI – thế kỉ của các cuộc cách mạng lớn: công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Đừng che giấu danh hiệu nữ quyền của mình, hãy bắt đầu từ nơi có ánh sáng, hãy bắt đầu từ những cuốn sách.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất