Tôtem sói _ quyển tiểu thuyết mà mình tâm đắc nhất hiện tại và đây cũng là quyển tiểu thuyết đầu tiên sau khi vừa hoàn thành lần đọc đầu tiên thì mình lại bắt đầu đọc lần hai chỉ cách sau đó tầm một tháng do mình phải tìm mua và đợi sách giấy về (lần đọc đầu tiên mình đọc trên ebook).
Đắm chìm vào tác phẩm mình như rơi vào cuộc sống thảo nguyên vô tận, ngày đêm đánh bạn với sói, giành từng miếng ăn rồi đến sự sống còn với loài sói Mông Cổ to lớn, dũng mãnh nơi đây. Tôtem dịch sang tiếng Việt là “Vật tổ” là vật thể, ý niệm hay biểu tượng linh thiêng có ý nghĩa đối với cộng đồng người nhất định. Tôtem Sói ta có thể hiểu Sói là linh tổ, là biểu tượng, tính ngưỡng linh thiêng của dân tộc thảo nguyên, ở đây người Mông Cổ.
Người thảo nguyên sống cả đời trên yên ngựa nhưng linh vật họ thờ lại là kẻ thù của ngựa thảo nguyên, kẻ mà đứng ngang thậm chí trên cả con người nắm quyền sinh sát mọi sinh vật ở nơi đây. Giết sói nhưng lại tôn thờ sói, đọc tác phẩm mình thấy rõ được nét khác biệt trong tính cách, tinh thần của dân tộc du mục so với dân tộc nông canh, nếu ai hỏi mình tại sao có sự khác biệt đấy thì mình chỉ biết trả lời người du mục có thầy là sói, dân nông canh thì không.
Hoa Mộc La (Mộc Lan) của người Hán thì hiếm, ở đất Việt ta từ xưa đã có thể kể đến các nữ tướng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đến thời kháng chiến chống thực dân, đế quốc nữ hùng như Võ Thị Sáu thì kể sao cho xuể. Ở Mông Cổ cũng vậy, tính cách ngoan cường, dũng cảm cũng bộc lộ ở người phụ nữ nơi đây, có ra chiến trường phụ nữ Mông Cổ cũng không kém cạnh Hoa Mộc Lan, cô nào cũng dám kéo đuôi sói, bẻ đuôi sói quyết bảo vệ đàn cừu của tổ đội.
“Tây Khương.. coi chết trận là chuyện hay, chết bệnh là chuyện dở. Chịu rét giỏi như cầm thú, phụ nữ không kiêng gió tuyết khi sinh nở. Tính tình cương nghi mà dũng cảm do hấp thụ hành kim của phương Tây” Hậu hán thư. Tây Khương liệt truyện
Đọc tác phẩm mình thấy được những tôn cách ưu việt của sói (dũng mãnh, ngoan cường, mưu lược, kiên nhẫn, một sinh vật có trái tim rộng lớn, yêu tự do), thấy được tinh thần của dân tộc thảo nguyên -người học trò của sói, hiểu vì sao từng có một đế quốc to lớn nhất được gây dựng bởi một dân tộc có số dân ít ỏi này. Thảo nguyên mỏng manh, chỉ cần một đại hạn là có thể hóa cát vàng nhanh trông thấy thế mà ngàn năm nay thảo nguyên vẫn giữ được sự tươi tốt chính là nhờ người và sói thảo nguyên góp công cân bằng sinh thái (ở khu vực mình đang sống vẫn còn nhiều người chưa ngộ được quy luật này thế mà người thảo nguyên họ đã ngộ được điều đấy cách chúng ta biết bao thiên niên kỷ, cảm nhận mà buồn thay).
Ngoài các luận điểm mình đề cập trên, tác giả còn tô cho ta thấy thần sắc của thiên nhiên Nội Mông, qua bao thăng trầm của thời cuộc ta cảm nhận được tình yêu và nỗi đau của nhân vật đối với xứ thảo nguyên như hút hồn người.