Rừng Na Uy - Sao tuổi trẻ cứ buồn mãi thế
Gần đây Trạm Đọc có mở thảo luận Mọt Bàn vào tối thứ 7, và chủ đề đầu tiên chính là Rừng Na Uy - cuốn tiểu thuyết đã mang Haruki Murakami...
Gần đây Trạm Đọc có mở thảo luận Mọt Bàn vào tối thứ 7, và chủ đề đầu tiên chính là Rừng Na Uy - cuốn tiểu thuyết đã mang Haruki Murakami đến với bạn đọc Việt Nam một cách ồn ào nhất. Có thể coi đây là tác phẩm "debut" của Haruki với mình luôn, vì sau quyển này mình mới bắt đầu đọc các tác phẩm khác của ông. Chủ đề của Trạm thu hút được một lượng bình luận đáng kể, cho thấy tiểu thuyết của Haruki chưa bao giờ hết gây tò mò cho các độc giả mọi thời. Có người bảo là đọc truyện của ông xong không hiểu gì mấy, nhưng mà vẫn muốn đọc tiếp. Theo mình, đó chính là lý do Haruki có sức hút khó lý giải với độc giả. Ông là một người kể chuyện tài tình về nỗi cô đơn.
Cũng đã lâu rồi kể từ lần đầu tiên mình đọc Rừng Na Uy. Cũng như độc giả ở trên, mình...không hiểu gì mấy. Lúc đó mình còn nhỏ quá, chỉ nhớ câu chuyện tức cười về nhân vật Quốc xã và cái chết của Kizuki và chị gái Naoko. Tại sao họ lại chết nhỉ, theo những cách không dễ chịu chút nào, ở tuổi còn rất trẻ? Và hơn nữa, họ còn là những kẻ nổi trội và xuất sắc, chứ cũng không phải hạng tầm thường. Kizuki có tài nói chuyện tinh tế, chị gái của Naoko là học sinh được toàn trường yêu mến. Vậy mà đùng một cái, họ tự tử, Kizuki đưa ống xả chiếc xe ô tô vào trong xe, nổ máy, chị gái Naoko treo cổ. Chỉ còn lại đóa hoa trắng tưởng nhớ ở trên bàn học trong lớp và cột khói đốt xác thành tro. Buồn ghê, buồn đến không hiểu tại sao mình buồn, ở cái tuổi thiếu niên ấy.
Vậy mà rồi cũng đến lúc mình hiểu ra cái nỗi buồn nhợt nhạt mà sâu hoắm, găm trong lòng những người trẻ tuổi bạc mệnh ấy. Những trái tim ngây thơ và nhạy cảm đến cùng cực chỉ còn biết chọn cái chết để đối mặt với cuộc sống. Khi hiểu ra được rồi, mình cũng không còn tuổi 14, 15 bao giờ nữa. Mình đi về phía trước, dần lớn hơn tuổi Kizuki và Naoko, và còn đi tiếp nữa, thành người lớn, cho đến khi mình mỏi chân. Tuổi trẻ đẹp thật mà tuổi trẻ cũng buồn thật. Vậy nên thằng nhóc Holden Caufield mới muốn làm kẻ giữ trẻ đồng xanh. Mà cũng chẳng ai đứng giữ ở đồng xanh được mãi. Người ta phải trưởng thành.
Dẫu vậy, mình vẫn coi những Toru, Kizuki, Midori, Naoko như những người bạn đặc biệt đã đi cùng mình qua những ngày kì quặc, lơ lửng, bốc đồng nhất, qua tuổi trẻ có những nỗi buồn mà có thể khi nhìn lại mình sẽ thấy nó thật nhỏ bé làm sao. Họ chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, mà cứ như đã tồn tại ở đâu đó trên thế giới này, ở bất cứ nơi nào có ga tàu, có đồi núi, có con đường vắt qua mọi nẻo trong thành phố. Có thể đến một ngày nào đó, mình già như quả táo tàu rồi, tình cờ mình nghe một bài hát chạy ở đĩa than (nếu đĩa than chưa tuyệt chủng), và rồi bỗng cười toe toét dù đang ở một mình. Ừ, một thoáng tuổi trẻ bỗng xẹt qua như ánh chớp, tuổi trẻ của tôi đấy, ngây ngốc và buồn bã biết bao, mà tôi cũng cứ muốn quay về một lần, để ngồi ở bến xe bus lúc trời nhập nhoạng tối, để ngắm cầu vồng trên cái đĩa CD ông bán hoa treo trang trí ở xe đạp, để đi bộ đến mệt nhoài trên mấy con đường dài hun hút.
"I once had a girl
Or should I say she once had me
She showed me her room
Isn't it good Norwegian wood?
She asked me to stay
And she told me to sit anywhere
So I looked around
And I noticed there wasn't a chair
I sat on a rug biding my time
Drinking her wine
We talked until two and then she said
"It's time for bed"
She told me she worked
In the morning and started to laugh
I told her I didn't
And crawled off to sleep in the bath
And when I awoke I was alone
This bird had flown
So I lit a fire
Isn't it good Norwegian wood?"
(Lời bài hát Rừng Na Uy - tác giả John Lennon - Paul Mccartney)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất