Một ngày cuối thu năm 2020, chợt nhìn lên giá sách đã bị bụi phủ đầy, tôi nhìn thấy một cuốn sách còn khá mới. Tôi bèn lấy xuống lần giở từng trang để tìm lại chút kỷ niệm của cái thời còn cắp sách lên giảng đường từ gần 10 năm trước. Cuốn sách còn khá mới vì đây là môn học tôi không mấy hứng thú khi còn học, dù sao thì mình cũng qua được môn này với số điểm không tệ. Khi hồi tưởng lại kỷ niệm với môn học, điều còn gây ấn tượng với tôi không phải là nội dung sách mà là câu nói của cô giáo bộ môn hồi đó với cả lớp:
“Tại sao các em đi học Đại học? Đó là tại vì học xong lớp 12 không biết làm gì mới đi học Đại học!”
Thật là một câu nói làm chấn động lòng người! Không biết cả lớp lúc đó có bất ngờ không nhưng đối với tôi câu nói ấy như đi thấu tâm can. Quả thật những đứa sinh viên chúng tôi hồi ấy đang sống trong ảo tưởng, không biết làm gì ra hồn cả, không có định hướng nghề nghiệp gì rõ ràng mà cứ tưởng mình là “bố mẹ thiên hạ”. Lúc nghe cô nói xong tôi mới ngẫm lại chính mình của năm lớp 12, ngoài mớ kiến thức phổ thông hổ lốn thì tôi không biết mình phải làm gì sau khi tốt nghiệp nữa. Hồi đó thi tốt nghiệp 6 môn học, nếu ai đó hỏi tôi định làm công việc gì sau khi tốt nghiệp cấp ba với số điểm ngót ngét 60 thì tôi sẽ trả lời là không biết. Bởi vậy mới nói rằng cái thành tích học tập nó chẳng liên quan chút nào tới định hướng nghề nghiệp hết. Hoàn thành cấp ba như một nghĩa vụ, một chặng đường tất yếu phải đi để rồi bước ra khỏi cổng trường với tâm thế vô định không biết đi đâu về đâu, không biết bám víu vào đâu, cho nên đi thi Đại học và học Đại học quả thật là cái “phao cứu sinh” cho những người vô dụng kém cỏi như tôi. Cô giáo đã nói đúng tim đen của tôi và có lẽ là cả lớp khi đó.
Đại học chỉ là cái phao khi chúng ta đang sắp sửa chết đuối trên con đường gọi là “hướng nghiệp”, nhưng chúng ta lại che đậy sự thật đó bằng những điều như: Sinh viên là tầng lớp trí thức của xã hội, học Đại học là niềm vinh dự cho gia đình, người có bằng cấp cao mới được trọng vọng, có bằng cấp mới dễ xin việc, học ĐH để trở thành những nhà doanh nghiệp trong tương lai,… Phải công nhận rằng những điều đó cũng có phần đúng chứ không sai, nhưng coi Đại học như một bước đệm cho tương lai tốt đẹp hơn chỉ là mục đích phụ thêm, mục đích chính vẫn là tìm một nơi trú chân trước khi chết đuối vì không biết phải làm gì trong những ngày sắp tới.
Công bằng mà nói học Đại học không phải là một giải pháp tồi, mà nó chính là giải pháp duy nhất vào thời điểm đó, nhất là với những ai có học lực tốt. Có một nghịch lý trong cuộc sống là những người học kém, thậm chí là học sinh cá biệt thời đi học lại thường có xu hướng giỏi kiếm tiền hơn sau này, họ chẳng cần phải học Đại học làm gì, có khi hết lớp 9 lớp 10 là họ đã gặt được đầy ắp mọi năng lực cần có của một người giỏi làm ăn rồi chứ đừng nói là lớp 12. Còn đã kém cỏi thì có thu nạp bao nhiêu kiến thức vẫn không làm ra được đồng nào. Tôi đã lo sợ về điều đó, và nhận thấy nó rõ ràng ở chính mình khi còn ngồi ở trường cấp ba, cho nên tôi chọn học kinh tế.
Học kinh tế thì ai cũng biết rồi, sinh viên chúng tôi được các thầy cô giáo bơm thổi bao nhiêu ảo tưởng về tương lai huy hoàng sau khi tốt nghiệp, nào là chúng tôi sẽ trở thành ông này bà nọ, sẽ trở thành giám đốc này CEO nọ. Nói chung là rất tươi đẹp. Đến khi ra trường rồi mới biết cái cảnh đi xin việc gian nan thế nào. Nhưng xét chung thì có cái bằng để mang ra vẫn đỡ hơn là không có gì. Vấn đề là ở chỗ “có còn hơn không” này.
Học Đại học có vai trò nhất định của nó, thứ nhất nó là cái phao cứu sinh khi người ta chơi vơi, “chẳng biết làm gì” sau khi kết thúc cấp ba, thứ hai là nó giúp củng cố, làm rõ thêm định hướng nghề nghiệp khi mà chúng ta chỉ mới có ý niệm mơ hồ về nó. Tôi thấy người ta hay nói về thứ gọi là “chi phí cơ hội” phải bỏ ra khi học Đại học, tức là chúng ta đánh mất đi cơ hội kiếm tiền trong 4 năm học. Song theo tôi thấy với tình hình gạo châu củi quế ở Việt Nam, đa phần mọi công việc tốt đều nhờ mối quan hệ và kỹ năng sống của học sinh gần như bằng zero thì cho dù có bỏ học Đại học thì cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Nghĩa là cái “chi phí cơ hội” ấy chỉ đúng về mặt lý thuyết, trong thực tế cái chi phí ấy vẫn hiện diện dù có học Đại học hay không, cho nên tội gì có thể học được mà ta lại không học? Ấy là chưa kể những kiến thức bổ ích mà chúng ta thu nạp được từ chuỗi ngày đó, để có kiến thức chúng ta vẫn có thể mua sách về đọc nhưng học tập trên giảng đường có tầm quan trọng riêng của nó.
Người ta hay than vãn sinh viên tốt nghiệp xong thất nghiệp đầy ra và phủ nhận vai trò của việc học Đại học, còn tôi thì lại nhìn theo hướng khác tích cực hơn. Mọi thứ xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều có cái lý của nó, ở thời điểm hiện tại chúng ta thấy nó tệ hại, nhưng ở thời điểm mà nó xảy ra và trong bối cảnh riêng của nó lúc đó, thì nó rất hợp lý. Tôi thấy rằng học ĐH xong đúng là có nguy cơ thất nghiệp thật, nhưng chúng ta phải nhận rằng quá trình học ĐH đã làm giảm cái nguy cơ ấy xuống nhiều so với trường hợp bỏ học, nhất là với những người không có nhiều thực lực. Còn đã là người tài giỏi, nhiều mánh lới thì dù có lựa chọn học hay không thì họ vẫn thành công như thường. Cho nên đừng bao giờ hối tiếc về những gì chúng ta đã lựa chọn.