Từ trước tới nay, mình chưa bao giờ thực sự nghiêm túc khi nghĩ về cái chết cả. Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật tất yếu của bất kì sinh vật hữu cơ nào, trong đó có cả con người, vậy nên mình thấy thật bình thường khi nghĩ về cái chết. Thậm chí, mình còn dửng dưng không quan tâm vì mình còn trẻ mà, còn lâu mới chết được.

Nỗi sợ chết

Rồi tới khi nhìn ông bà nội và ông ngoại lần lượt ra đi thì lòng mình như trĩu lại, mình cảm nhận rõ sự bất lực khi không thể làm gì ngoài nhìn những người thân yêu yếu dần rồi ra đi mãi mãi. Cái chết đôi khi đến chậm rãi, từ tốn và đôi khi lại lạnh lùng, vội vã. Nhưng dù nhanh hay chậm thì thứ mà cái chết để lại chính là sự hụt hẫng, sự tiếc thương khôn cùng của những người ở lại.
Dần dần mình để ý tới cái chết hơn và rồi sợ hãi nó. Thực ra mình không sợ bản thân cái chết mà mình sợ những gì cái chết sẽ lấy đi của mình kia. Đó là: những người thân trong gia đình và những gì tươi đẹp của cuộc sống. Đôi khi mình tự hỏi: “Ủa sao chúng ta cứ phải lớn lên để làm gì? Tại sao cứ phải nhìn những người mình yêu quý dần dần mất đi?”. Những người đó đều là một phần trong ký ức tuổi thơ, đều là một phần trong kỷ niệm tuyệt đẹp mà mình có với họ. Và mình tiếc thương khi thấy rằng rồi sẽ có ngày mình phải rời xa cuộc sống này, không được nhìn ngắm nó nữa, không được chạy nhảy trải nghiệm và không được là một phần của nó nữa.

3 cái chết

Có người nói trong cuộc đời này, chúng ta có 3 cái chết và chúng diễn ra khi:
- Ta hiểu một ngày kia ta sẽ không còn nữa.
- Khi trái tim ta ngừng đập.
- Lần cuối cùng tên ta được nhắc đến.
Và có lẽ hôm nay là khi mình đã chết cái chết đầu tiên. Cái chết thứ nhất này chắc chắn chẳng nhằm nhò gì so với cái chết thứ hai và càng không là gì so với cái chết thứ ba - khi mình chẳng còn một chút liên kết nào tới cuộc sống này nữa. Cái chết thứ ba này giống trong phân cảnh cái chết của ông lão Chicharrón trong bộ phim Coco (2017) - linh hồn ông tan biến khỏi vùng đất dành cho các linh hồn khi lần cuối tên ông được nhắc đến. Nghĩ về cái chết thứ ba này mình thấy rùng mình bởi mình sợ cảm giác bị lãng quên - khi không còn ai biết mình là ai, không còn ai biết mình cũng đã từng tồn tại. Vậy nên cũng có người nói rằng: “điều đáng sợ nhất không phải là cái chết, điều đáng sợ nhất chính là sự lãng quên”. Đúng thật, khi cái chết thứ ba ập đến cũng là lúc chúng ta rơi vào sự trống rỗng, sự vô định vĩnh hằng.

Chết không phải là cái đích

Thực ra chết không phải là đích đến cuối cùng của con người chúng ta, chết không phải là thứ đang đợi chúng ta ở cuối con đường. Mà cái chết nó là một quá trình, nó đang diễn ra ngay trong giây phút này, ngay bây giờ. Trong lúc này đây, có hàng ngàn tế bào trong cơ thể ta đang chết đi chỉ là ta không biết hay không nhìn thấy mà thôi. Và tế bào chết có nghĩa là chúng ta đang chết, dần dần cho tới khi phổi ta ngưng thở, tim ta ngưng đập.

Hãy sống thật ý nghĩa

Tuy nhiên việc ta chiêm nghiệm về cái chết không phải là để ta chìm sâu vào chán trường, sợ hãi, thất vọng hay nhụt mất ý chí. Nghĩ về cái chết chính là để ta biết ta đang sống mà thêm trân trọng cuộc đời này, trân quý khoảnh khắc này. Rồi sẽ có một ngày ta bỏ lại thế giới này phía sau, hiện tại hãy lăn lộn hết mình với nó để sau này không còn hối tiếc. Rồi một ngày những người thân yêu mình ra đi, hiện tại hãy cứ gần gũi, yêu thương họ hết mình, hãy đừng ngại ngùng trao họ một lời yêu thương, một cái ôm. Và hãy cống hiến thật nhiều, sống tốt với mọi người, với bất kỳ ai kể cả lạ hay quen, hãy trao lòng tốt, trao tình thương với những người khó khăn hoạn nạn và đóng góp cho xã hội những gì có thể để tên bạn được mọi người nhớ đến thật sâu sắc, thật lâu. Hãy sống thật ý nghĩa!
Và xin được gửi tới những ai đang phải chịu mất mát khi những người thân yêu của mình ra đi, mình xin được dẫn câu nói của thầy Thích Nhất Hạnh đại ý thế này: “nếu người thân của con mất, mà con vẫn rất yêu quý người ấy, con không muốn chấp nhận thì đừng nghĩ là họ ra đi mãi mãi, họ không ra đi mãi mãi, họ là sự tiếp nối, họ có ngay trong cả con người con”.