Tôi luôn yêu vẻ đẹp bi hùng của Rock n’ Roll Suicide, bài hát cuối cùng trong album bất hủ của David Bowie, The Rise and Fall of Ziggy Stardust and the Spiders from Mars. Một kết thúc cho câu chuyện của chàng rocker Ziggy Stardust, nhưng là kết thúc buồn hay vui?
Hai câu đầu, “Time takes a cigarette, puts it in your mouth/ You pull on your finger, then another finger, then cigarette” lấy từ ý của bài thơ tiếng Tây Ban Nha, Tonás y livianas, “Cuộc sống như một điếu thuốc… Nhiều kẻ hút vội vã”. Ziggy của chúng ta thì nào có vội gì. Chàng rocker của ban nhạc cuối cùng trên Trái Đất, già cỗi và mỏi mệt như chính hành tinh này, khi adrenaline từ ánh đèn sân khấu đã cạn, bước trên quãng đường dài trở về. Nhưng… chàng về đâu? Cuộc sống của chàng trước giờ chỉ có ánh đèn sân khấu: Quá già để từ bỏ, nhưng quá trẻ để lựa chọn. Mỗi bài hát là một tiếng chuông đếm ngược về thời khắc cuối này, về cách chàng sẽ bị bỏ rơi – với tư cách một cá nhân.

Image result for rock and roll suicide

Lẽ thường, người ta sẽ chỉ chú ý đến nghệ sĩ thông qua tác phẩm của họ. Ai thèm để tâm tới một ca sĩ già nua và hết thời nữa? Chẳng ai để tâm tới một tay trung niên dò dẫm trên những con đường trước bình minh.
Suicide – tự vẫn, ở đây không phải cái chết vật lý. Nó CÓ THỂ là cái chết vật lý, nhưng đó chỉ là kết quả cho cái chết tinh thần: Cái chết vì cháy hết mình cho nghệ thuật. Cả cuộc đời anh gắn liền với nó và đến lúc chết, anh cũng chết vì nó. Anh “tự tử” vì anh gắn liền cuộc sống của anh với nó, và một khi cuộc đời trên sân khấu của anh kết thúc, thì cuộc đời cá nhân của anh còn ý nghĩa gì? Giống như mọi bi kịch khác, đây cũng là một cái chết đã được dự đoán trước. Cái chết như Icarus, sẵn sàng lao mình vào mặt trời, cháy đến giây cuối cùng.
Tôi luôn nghĩ, đây là bài hát đầy thương cảm cho người nghệ sĩ. Ông bô tôi là nhà điêu khắc, do đó tôi có cơ may tiếp xúc với giới nghệ sĩ già tương đối nhiều. Tài năng của họ là không thể phủ nhận, một bức tranh, bức tượng có giá $4000~$5000 là chuyện quá bình thường. Nhưng họ già nua và mỏi mệt. Nhiều người không tìm thấy đường ra.
Ông bô tôi nói rất thật: “Cậu mà không đi du học và nhà mình không có em, tôi sẽ ra hồ Gươm bán búp bê dạo”. Đương nhiên, mọi chuyện chẳng như vậy. Nhiều hôm, ông bô thu mình lại, làm việc như cái bóng trong xưởng. Nhiều hôm thì phẫn tiết… Mà đấy còn là thứ nghệ thuật gián tiếp, tức là người xem chỉ xem được tranh và tượng chứ không tiếp xúc với nghệ sĩ.
Cuộc đời của ca sĩ thì còn thế nào, khi những lời khen thưởng hay miệt thị, họ đều trực tiếp đón nhận. Đó là lý do mà, như Bowie viết, “You're watching yourself, but you're too unfair”. Người nghệ sĩ phải tự trông chừng chính bản thân, nhưng bản thân anh còn là gì ngoài tác phẩm và những lời nhận xét của người đời?
Do vậy, Ziggy của chúng ta giờ chỉ còn là một mồi lửa đang lụi tàn.
Verse 2 có hai cách hiểu: Đầu tiên, như toàn bộ đoạn vừa rồi, là sự cứu rỗi của fan trước “cái chết” của Ziggy. Rằng anh không cô đơn, rằng anh vẫn còn giá trị, vẫn đang toả sáng… Cách hiểu này giống với phần trên, tuy tích cực nhưng vẫn dựa dẫm vào cái nhìn của khán giả, khiến khán giả là kẻ định đoạt số mệnh của người nghệ sĩ. Dù sao thì, đây cũng là một cách nhìn ấm áp. Rằng đâu đó chúng ta vẫn còn có người quan tâm, rằng người nghệ sĩ không phải chỉ chết đi mới được yêu quý. Nhiều khi, mình sống bằng những hy vọng nhỏ nhoi ấy.
Nhưng tôi thích cách nhìn thứ hai hơn. Với cách nhìn này, ta cần biết rằng cả album Ziggy Stardust được lấy cảm hứng từ cuộc đời của nam ca sĩ Vince Taylor, kẻ tự xưng là Chúa. Với tư cách là Chúa trời, nửa cuối cùng trong bài hát chính là cách người ca sĩ vươn tay ra cứu độ. Ngay lúc khó khăn nhất, ngay lúc fan bỏ quên mình, cuộc đời của người ca sĩ vẫn phải như Jesus, mang nặng thập giá trên lưng để cứu rỗi nhân loại. Dos từng viết, “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, thì đây chính là cái đẹp đó, cái đẹp đến nơi ca từ câu hát. Ngay cả lúc lụi tàn nhất, người ca sĩ vẫn một lòng sống vì fan, vì nghệ thuật của mình.
Cách nhìn này đương nhiên kiêu ngạo, thậm chí có phần ngốc nghếch khi so sánh mình với Chúa. Nhưng, tôi nghĩ, nó hoàn toàn hợp lý, đứng từ góc nhìn của một người đã lên đến đỉnh cao danh vọng, đã có tất cả và đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật. Đứng trên cao như vậy, đến lúc bị bỏ quên thì người nghệ sĩ đó cũng chỉ biết tiếp tục làm công việc của mình thôi: Vươn tay ra, ca ngợi fan, an ủi họ trong lúc cô đơn, trong khi chính bản thân là người cô đơn nhất.
Cuối cùng thì, như chính Bowie nói, Ziggy Stardust không phải  là concept album, nó là một câu chuyện. Tôi nghĩ, nó gần với những bi kịch như Hamlet hơn, mà Rock N' Roll Suicide chính là dù với đoạn kết bi hùng hoàn hảo cho khúc tráng ca của Ziggy Stardust, dù với cách nhìn nào.
Nếu nghe hết album, ta có thể thấy đấy là một cuộc đời đầy bi kịch nhưng cũng đầy lạc quan, lạc quan cho đến phút cuối. Đến phút cuối, người nghệ sĩ vẫn vươn lên, sáng rọi hơn bao giờ hết. Cuộc đời đeo đuổi nghệ thuật là cuộc đời tự sát, nhưng ít nhất đó là một cuộc đời đẹp, đến nỗi mà "ánh sáng mặt trời chẳng xoá được hình bóng" của họ. 
Lại nói, cuộc đời nghệ sĩ, đặc biệt là ca sĩ, những người liên tục phải tiếp xúc với ý kiến trực tiếp của khán giả, là một cuộc đời tự sát. Cả cuộc đời họ chỉ biết làm nghệ thuật, chỉ biết cống hiến cho tới tận phút cuối, và cũng chính thứ nghệ thuật, những ý kiến của fan, thứ mà vì đó họ tồn tại, sẽ rời bỏ họ và để lại cái vỏ trống rỗng của người nghệ sĩ.
Vì vậy, chắc mình, với tư cách là fan, nên nhẹ nhàng một chút với  ý kiến của mình, nhỉ? Người nghệ sĩ đã nâng giá trị con người, ca từ của họ đã vươn tay ra lúc ta khó khăn, thì mình cũng nên thông cảm với họ một chút, bởi đó có thể chỉ là ý kiến của mình, nhưng là cả cuộc đời, cả ý nghĩa sống của họ vậy.