Phần 2: The Piper at the Gates of Dawn
Tôi đặt tên như vậy vì tôi thích thế thôi. Không có người thổi sáo nào và cũng không có những cánh cổng bình minh nào cả. Thời gian đó có một anh bạn hay thổi sáo trong sân trường, tụi tôi học toán cao cấp nghe thấy tiếng sáo muốn ra đập anh bạn đó lắm, nhưng anh bạn đó không liên quan.
***
Sau ngày vào trường, tôi không hay chơi với lớp. Một phần vì tôi thấy họ quá nhàm chán, một phần họ thấy tôi thật điên khùng. "Lớp mình có một thằng điên anh ơi" - Đó là câu nói mà Tùng Kận kể lại cho tôi sau này. Dạo đó khi ở trong trường, ngoài giờ học ra thì tôi đeo tai nghe, giật giũ bất cứ lúc nào, giờ giải lao, giờ ăn trưa, đi ngoài hành lang hay trong lớp học... Tới giờ tôi cũng không hiểu điều đó lắm, ngoài sở thích với âm nhạc có lẽ tôi muốn tạo một cá tính riêng. Thời gian đó, ngoài vài ba người bạn tôi có thể chơi trong lớp, đa phần bạn mới của tôi là trên forum.
Năm 2009, có hai clb mà gần như tân sinh viên nào cũng có nhu cầu tìm hiểu và muốn đăng ký, là clb guitar và clb tình nguyện. Vô tình những người mới quen trên forum cũng tham gia các clb đó. Hai người rất quan trọng với tôi sau này là Bắc và Tý.
Hai anh bạn này xuất hiện rất sớm, họ là những sinh viên xung phong lên sân khấu biểu diễn trong ngày chào Tân Sinh Viên. Họ không biết nhau, một người biết hát, một người biết chơi guitar. Tý lên chơi một bản nhạc cậu sáng tác hồi cấp 3. Bắc xung phong hát Người đàn bà hóa đá nhưng chẳng ai biết đệm guitar cho cậu như nào, cậu đành hát cây đàn Chapi cho clb guitar đệm. Thời điểm đó tôi chẳng rõ kia là thanh niên Ty'rock và Rocker9xpro trên forum. Thời điểm đó tôi chỉ lẩm nhẩm theo lời hát mà mình thuộc lòng từ hồi bé tí.
Clb guitar và clb Tình Nguyện hát nhạc của anh Lập nhiều, tôi thích điều đó. Bởi nếu họ không hát những bản nhạc đó thì tôi cũng chả có cơ hội hát nó ở trong trường. Họ hát say mê và sôi nổi, không chỉ rock, những bài ca Tây Nguyên, những khúc hát mà người ta có thể đồng thanh hát vang, mở to thanh quản để ngân nga. Âm nhạc trước hết là cầu nối âm thanh giữa người với người, giữa hơi thở của tôi và đôi tai của bạn, nếu tôi gặp một người không quen, tôi không biết nói câu gì, tôi có thể hát. Tôi hát hay bạn cười, tôi hạn dở bạn nhăn mặt, đó là những tiếp xúc đầu tiên của chúng ta.
***
Năm 2009 - 2010, những năm cuối cùng của thời kỳ hậu Bức Tường. Các ban nhạc sinh ra và tan rã sau một thời gian ngắn. Điều may mắn xót lại là những show diễn lớn, và miễn phí. Có thể nói, hội nghe Rock thời đó không cần tổ chức một chương trình nào cũng có show nhạc định kỳ để đi xem. Những show nhạc với sức chứa hàng nghìn người, những ban nhạc được cộng đồng mong chờ nhất. Show Rock đầu tiên tôi đi xem là Blue Van tại Triển lãm Giảng Võ.
Như kể ở phần trước, những gì tôi biết về show rock là qua youtube và trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp thời phổ thông. Show rock đầu tiên khiến tôi hồi hộp từng ngày. Tôi khát khao tham gia và những người bạn trên forum cũng vậy. Tôi pm tới từng người trong các topic cũ rủ họ đi, nhưng đa phần họ không quan tâm tới rock hay có nhu cầu đi show nữa. Được hơn 5 người tham gia.  
Tôi không nhớ chúng tôi đã gặp nhau như nào. Chỉ nhớ đó là lần đầu tiên tôi headbang tại một đêm nhạc, từ đầu tới cuối show. Mọi ký ức, mọi cảm xúc từ những ngày nhỏ cứ trào ra. Tôi đã từng hạnh phúc với anh em mình như nào, chúng tôi đã cùng đồng thanh ra sao, cơ thể chúng tôi quằn quại, ngón tay co quắp, mũi chân nhún xuống và cả thân hình vung theo nhịp nhạc. Tất cả cảm xúc do dồn nén nhiều năm nổ ra trong đêm đó. Thằng thanh niên 20 tuổi không biết mệt, mồ hôi rũ rượi, tóc bết vào tai, vào mắt, nó vớ được cái cờ do Ngũ Cung club mang theo, nó đứng giữa vòng tròn mà quẫy đạp, nó là gió của lá cờ.
Trong đêm đó, lần đầu tiên nó nghe thấy những toán người đồng thanh - Xây Dựng, Xây Dựng - những tiếng đồng thanh làm chủ cả vùng phía trên bên trái khu triển lãm. Một cơn ghen tị vang lên trong nó, nó cùng những người đi cùng đồng thanh hô Kiến Trúc - những âm thanh quá nhỏ nhoi.
***
Sau Blue Van là Rock Storm, một lần nữa lời kêu gọi hình thành nhóm đi show được đáp trả. Dạo đó cái tên rock Kiến Trúc tụi nó lấy chả qua là tên của một box trong forum, những người ủng hộ nó chỉ là vài người nghe rock, không có người chơi nhạc. Cái tên đó có phần khập khiễng, một cái tên quá to mà chẳng đại diện cho điều gì.
Những người trong nhóm nghe nhạc hồi đó có Hải, Bắc, Toàn, Tùng Desex, anh Hòa, anh An, anh Minh, anh Hà. Chúng tôi góp tiền in một lá cờ để dễ tập hợp nhau. Vậy là lá cờ Rock Kiến Trúc ra đời, với logo trường, dòng chữ Hanoi Architectural University Rock Fan Club. Tôi hồi đó ngu thật, một tấm vải đen vẽ sơn trắng là xong lá cờ; nhưng tôi lên tận phố Hàng Bông tìm cửa hàng làm cờ chuyên nghiệp để thuê. Một lá cờ mất 400k, mặt tôi méo xệch, tiền mọi người góp vào chưa được 200k, tôi vét số tiền trong người đóng phần còn lại. Cờ vốn có hình đó gì gì ngầu ngầu đỏ mờ đằng sau, ông in cờ bảo không in được. Vừa bỏ nhiều tiền ngu, vừa không được cờ như ưng ý, nhưng thôi, có cờ là sướng rồi - sản phẩm đầu tiên mà tôi và những người bạn của mình có.
Là cờ được hoàn thành trước RockStorm 1 ngày và mất ngay trong đêm đó vì sự hỗn loạn của đại nhạc hội. Tôi và Bắc bị đè bẹp do đám đông nên về trước, không liên lạc được với nhóm anh Tiến, những người trong trường tôi liên hệ đi cùng (hơn 20 người) thì mỗi người một nơi, một nhóm bị tai nạn giao thông trên đường.
Một đêm nhạc ê chề, lần đầu tiên tôi hiểu để tổ chức một nhóm hoạt động không đơn giản. Tôi đã nhiệt tình chuẩn bị mọi thứ, cờ để tập hợp, thời gian trước show, vé cho mọi người. Nhưng tất cả vỡ nát.
***
Cuối năm học, một sự kiện lớn nổ ra, Festival sinh viên Kiến Trúc toàn quốc. Với nhiều người lứa của tôi, đây là thời gian ý nghĩa nhất đời sinh viên. Với tôi, đó là khoảnh khắc mà tinh thần Rock Kiến Trúc được thổi lên, từ tất cả mọi phía.
Festival là sự kiện tập hợp những sinh viên ưu tú của các trường đào tạo ngành thiết kế kiến trúc trên toàn quốc. Hai năm một lần, mỗi lần ở một thành phố khác nhau. Festival 7 diễn ra ở Hà Nội và đại học Kiến Trúc Hà Nội là nơi đem tới những lễ hội cuối cùng.
Đó là một rock show.
Như một hàm ý khẳng định chắc chắn - Kiến Trúc là có rock, sinh viên kiến trúc nghe nhạc rock và festival sẽ kết thúc bằng đại nhạc hội rock. Clb Kiến Trúc Trẻ chuẩn bị kế hoạch cho chương trình, những chiếc áo đen làm kỷ niệm, hệ thống âm thanh chất lượng trong nhà thi đấu, giàn loa phục vụ bên ngoài. Những bài PR facebook cùng list band Cát, Recycle, Final State. Tôi rủ tất cả những người tôi quen, những hội tình nguyện, những nhóm nghe rock tại các trường khác. Những bản nhạc quen thuộc của Cát, những bài hát mới của Recycle và cái tên chốt Final State - đã lâu rồi họ không xuất hiện, họ được cả cộng đồng chú ý.
Nhưng buổi sáng ngày diễn ra show, anh Huy bảo rằng chưa ban nhạc nào được mời.
"Cái quái gì vậy?"
"Anh không biết, Việt Anh lo chuyện này"
"Em đã mời cả Hà Nội tới đây rồi!"
Bần thần trong căn nhà D sắp bị đập, tôi ngồi lặng hết buổi sáng, tôi thẫn thờ cả buổi trưa. Mới đây thôi tụi tôi vừa treo những tấm gỗ vẽ con rồng lên mái vòm nhà thi đấu. Mới đây thôi thằng Doanh phải trèo lên 3 tầng giáo treo những chữ S, V, K, T lên khung thép để chào mừng đêm nay. Mới đây thôi các bạn tôi còn hẹn gặp vào buổi tối. Điều gì sẽ tới? Tôi không thể biết được. 
Như một phép thần kỳ, đầu giờ chiều anh Huy chạy vào bảo, mời được rồi, xong hết rồi. Các ban nhạc sắp đến show check rồi. Tôi bừng tỉnh, chạy đi chuẩn bị với mọi người.
Đêm nhạc đó, chúng tôi có khoảng 10 cái máy ảnh bố trí chụp sự kiện, họ là những sinh viên trong trường, có người có thẻ báo chí. Ở cái năm mà máy DSLR còn là đồ hiếm, thì trường Kiến Trúc đã có một đội ngũ sẵn sàng cho những tấm ảnh sự kiện. Trong số họ, 2/3 là nghe rock.
Hôm đó, nhà thi đấu đông nghịt từ khi chương trình bắt đầu tới khi kết thúc. Lá cờ của tụi tôi được ai đó mang trả. Tất cả bạn của tôi, kể cả cậu Tý Rock chẳng đi show bao giờ cũng tới. Những sinh viên kiến trúc từ Bắc tới Nam, được đón chào bằng những ban nhạc Hà Nội. Họ không thể hát theo, nhưng họ nhảy theo và bập bõm ngân nga những điệp khúc. Sau những cơn mê của âm nhạc, họ lại tò mò mà hỏi, đây là bài gì, ban nhạc này tên gì vậy? Nước và rượu quay cuồng trên bầu trời. Như bao show rock khác trong những năm đó, khi sân khấu tạm lắng, khán giả đồng thanh Nối vòng tay lớn. Những người nghe rock lâu năm tới ôm ghì cái loa, chúng tôi tụ thành đám ở giữa, những chiếc áo đen được bán hết sạch trong một đêm. 
Tý cứ chốc chốc lại chạy tới bảo, 'Nước này nước này' - nó toàn đưa rượu. Lũ chúng tôi gần như cởi trần ra hết cả. Cầm chắc trong tay lá cờ, cả nhà thi đấu đồng thanh Kiến Trúc, Kiến Trúc, Kiến Trúc. Tất cả sinh viên trong trường, những người bạn và những sinh viên kiến trúc toàn quốc, họ hô vang lên như một lời khen, lời cảm ơn tới món quà từ nhạc hội. 
Đêm đó lần đầu tiên thằng Tý ôm chặt lấy tôi, rất chặt.